Xử tù bác sĩ thực hiện hủ tục cắt âm vật phụ nữ

Thứ Tư, 18/03/2015, 12:30
Tòa án Tối cao Cộng hòa Arập Ai Cập vừa ra phán quyết, tuyên phạt bác sĩ Raslan Fadl 65 tuổi mức án 2 năm và 3 tháng tù giam, do đã vi phạm luật cấm cắt âm vật phụ nữ (FGM) có hiệu lực từ 7 năm trước. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Tư pháp Ai Cập, chính thức kết án một người hành nghề theo hủ tục đã tồn tại bao đời nay.

Theo cáo trạng của Viện Công tố Tối cao, bác sĩ R. Fadl đã gây ra cái chết của bé gái Suheir al-Bataa 13 tuổi vào trung tuần tháng 6/2013, khi tiến hành phẫu thuật FGM tại làng Dierb Biqtaris, ngoại vi thị trấn Aga, tỉnh Dakahliya.

Đồng thời Cơ quan Công tố cũng đề nghị mức án 2 năm tù vì tội ngộ sát, cộng thêm 3 tháng tù giam vì vi phạm điều luật nghiêm cấm thủ thuật FGM. Kết quả tòa đã tuyên chuẩn y mức án của bên công tố.

Ngoài ra, phòng khám nơi bác sĩ R. Fadl làm việc cũng bị phạt số tiền tương đương 70 bảng Anh và cấm hoạt động trong vòng một năm.

Riêng trường hợp người cha của bé Suheir lĩnh 3 tháng án treo, do đã ép buộc con gái mình chấp thuận, cũng như đồng lõa với bác sĩ R. Fadl để lén lút tiến hành phẫu thuật FGM.

Nạn nhân Suheir lúc còn sống và phần mộ của người xấu số.

Tục lệ cắt âm vật của nữ giới, khiến họ không còn khả năng khoái cảm khi quan hệ tình dục. Đây là một nghi lễ tồn tại lâu đời ở một số cộng đồng dân cư tại châu Phi, Trung Đông và châu Á. Mục đích để đảm bảo rằng các cô gái vẫn còn là một trinh nữ trước khi kết hôn, cũng như loại trừ nguy cơ ngoại tình để trọn đời chung thủy với người chồng đã chọn.

Tuy việc hủ tục FGM đã bị nghiêm cấm ở Ai Cập từ đầu năm 2008, nhưng đến nay hiện tượng này vẫn còn rất phổ biến.

Theo con số thống kê chính thức của Chính phủ Ai Cập, hơn 90% phụ nữ nước này trong độ tuổi từ 15 đến 49 đã trải qua hủ tục FGM, trong đó có 63% tự nguyện chấp hành theo phong tục truyền đời.

Còn theo báo cáo mới công bố của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), trên toàn thế giới có khoảng 140 triệu phụ nữ, trong đó có hơn 125 triệu bé gái và phụ nữ trưởng thành còn sống ở châu Phi hiện nay đã tiến hành phẫu thuật FGM ở tuổi dậy thì, bao gồm hơn phân nửa nữ giới tại các nước như Benin, Burkina Faso, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Cote d'Ivoire, Djibouti, Eritrea, Gambia, Ghana, Guinea, Guinea-Bissau, Kenya, Liberia, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal, Sierra Leone, Somalia, Sudan, Togo, Uganda, Tanzania, Ai Cập và Yemen, bất chấp một thực tế rằng nhiều người trong số họ đã thiệt mạng do mất máu, hay bị nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Tình hình ở Ai Cập xem ra còn tệ hại hơn cả. Trong thực tế sau 7 năm lệnh cấm có hiệu lực, vẫn còn khoảng 74% thiếu nữ từ 15 đến 17 tuổi bị ép tiến hành hủ tục FGM,  thậm chí nhiều trường hợp chỉ từ 7 đến 10 tuổi.

Thống kê cũng cho thấy, 72% các ca phẫu thuật  chui được thực hiện bởi các bác sĩ Ai Cập, số còn lại được phẫu thuật tại nước ngoài do gia đình các em không tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ địa phương.

Trước thực trạng đáng buồn nêu trên, năm 2014, dưới sự bảo trợ của The Guardian, tờ nhật báo phi lợi nhuận duy nhất ở Vương quốc Anh, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã cùng đại diện của The Guardian chính thức khởi xướng một chiến dịch truyền thông toàn cầu, với mục đích kêu gọi bãi bỏ hủ tục FGM phi nhân bản.

Chiến dịch được mở đầu tại Cộng hòa Kenya, một trong những quốc gia châu Phi có số lượng nạn nhân FGM chiếm tỷ lệ đông đảo nhất.

Trở lại với vụ án của bác sĩ R. Fadl. Ngay sau khi có phán quyết của tòa, phát ngôn viên Suad Abu Dayyeh của nhóm hoạt động đòi bình quyền cho nữ giới Toners House đã lên tiếng và gọi quyết định này là một "Tượng đài chiến thắng của chị em phụ nữ".

Luật sư Reda Al-Danbouki, người biện hộ cho nạn nhân Suheir cho rằng: "Mức án trên là quá nhẹ và là nỗi sỉ nhục đối với người quá cố".

"Nhưng phán quyết của Tòa án Tối cao là quyết định cuối cùng, tôi không thể kháng cáo được nữa nên đành chấp thuận với bản án đã tuyên", luật sư Al-Danbouki thổ lộ với báo giới.

Thu Hường (theoThe Guardian)
.
.
.