Họ đã “ăn” tượng đài Điện Biên Phủ như thế nào?
Mới đây, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37) - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng, trong đó bắt tạm giam 5 đối tượng, trong vụ án tham nhũng xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các bị can bị khởi tố về các tội: Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
5 người bị khởi tố, bắt tạm giam gồm có Lương Phượng Các (43 tuổi, Trưởng ban Quản lý (BQL) Dự án xây dựng tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Điện Biên), Lê Minh Viễn (44 tuổi, Phó BQL Dự án), Trần Quốc Hưng (36 tuổi, kế toán BQL Dự án), Võ Thị Hồng (58 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, nguyên Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương), Nguyễn Trọng Hạnh (48 tuổi, Phó giám đốc Công ty TNHH Đoàn Kết, ở huyện Ý Yên, Nam Định). Ngoài ra, Cơ quan CSĐT còn khởi tố cho tại ngoại đối với 2 bị can.
Trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, trước sự bức xúc của nhân dân cả nước cũng như báo chí phản ánh, Công an tỉnh Nam Định đã tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ, xác minh sự việc trong suốt 2 năm qua. Trên cơ sở tài liệu thu thập được, thấy có dấu hiệu phạm tội, Công an tỉnh Nam Định đã chuyển giao hồ sơ cho Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37).
C37 đã củng cố chứng cứ và thực hiện tố tụng theo quy định của pháp luật. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, mở rộng và những hành vi tham nhũng, coi thường đạo lý, coi thường dư luận này sẽ bị trừng phạt thích đáng.
Tháng 11/2003, dự án tượng đài Chiến thắng Điện Biên được khởi công với mức dự toán giai đoạn I là 47 tỉ đồng. Trong đó, riêng phần xây lắp (chưa kể phần đúc, vận chuyển) đã là 13 tỉ đồng. Phần xây lắp được chia làm nhiều gói nhỏ, gồm phần kè trị giá 2 tỉ đồng, khảo sát địa chất 81 triệu, thiết kế 360 triệu...
Việc xây dựng tượng đài được phân cấp như sau: BQL Dự án xây dựng tượng đài làm chủ đầu tư, Công ty Mỹ thuật Trung ương, trực thuộc Bộ VH-TT là đơn vị thi công và Viện Bảo tồn di tích thiết kế công trình. Việc tư vấn giám sát thi công được chủ đầu tư giao cho Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên.
Phần đúc tượng được giao cho những nghệ nhân hàng đầu Việt Nam ở làng nghề đúc đồng Yên Tiến (Ý Yên, Nam Định), nơi mà nghề đúc đồng có lịch sử mấy trăm năm tuổi. Các nghệ nhân của làng nghề này đã vượt qua được những cuộc kiểm chứng hết sức gắt gao và họ cũng sáng tạo ra không ít công trình bằng đồng để đời.
Việc dựng lên một tượng đài hoành tráng, có ý nghĩa vô cùng lớn lao, sâu sắc với cội nguồn lịch sử, dân tộc đã được giao phó vào đúng vị trí, chức trách cũng như những đơn vị chuyên môn đáng tin cậy.
Còn nhớ, khi đoàn xe siêu trường siêu trọng nhích đi từng mét đường chở tượng đài từ Nam Định lên Điện Biên Phủ sát vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát trực tiếp nhiều lần. Khán giả cả nước hồi hộp dõi theo và tự hào khi chiến thắng mang tầm cỡ quốc tế cũng được tôn vinh bằng một tượng đài hết sức hoành tráng.
Thế nhưng, tượng đài vừa được lắp ráp, khi người dân còn chưa được chiêm ngưỡng sự hoành tráng của nó thì hàng loạt sự cố đã liên tiếp xảy ra.
Ngày 28/6/2004, các đoàn kiểm tra đã cầm thước lên tượng đài đo và đã xác định đoạn kè dài 20m nghiêng ra phía ngoài. Nhiều chỗ đỉnh kè lệch ra so với chân kè 10cm.
Đỉnh điểm của cái sự ẩu, thể hiện rõ ràng nhất, không thể chối cãi đã lộ rõ trong trận mưa lớn ngày 11/7/2004. Trận mưa này đã làm đổ 10m kè bằng đá, toàn đá khối loại trung bình 30x30cm, và nước mưa làm xói lở đất đến tận cốt giằng. Những cơn mưa rừng, sự sụt lở của kè đã kéo theo rất nhiều điểm trên nền sân xung quanh tượng đài và một phần đường dành cho xe lăn của người khuyết tật bị lún, sụt xuống.
Những vết đứt, nứt gãy kéo ngang trên mặt sân đến tận chân kè. Những lỗ nứt to đến nỗi có thể thả gà xuống đó cho chúng chạy được. Lật những viên đá granite lên có thể thấy ngay nền sân dưới chân tượng đài không có gì ngoài lớp đất nhão nhoét do không được đầm nện chắc chắn.
Tôi được chứng kiến đúng cái thời khắc sau trận mưa đó. Đứng dưới sườn đồi D1 nhìn lên, cả một đoạn dài mới mấy hôm trước là bờ kè đã thành những cái hàm ếch rộng toang hoác, sâu hoắm. Đất cát từ chân móng hất xuống nhão nhoét cả một góc sườn đồi.
Những cựu chiến binh cũng như du khách lên thăm Điện Biên đều cố công tìm lên ngọn đồi D1 để được chiêm ngưỡng tượng đài Chiến thắng Điện Biên bằng đồng hoành tráng nhất từ trước đến nay, nhưng lên rồi, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Đến công trình mang ý nghĩa lớn, mang tầm vóc lịch sử, quốc gia, được triệu triệu con mắt dõi theo từng ngày này người ta còn làm ẩu, còn bớt xén nguyên vật liệu thì không biết còn cái gì người ta không dám “đục khoét”.
Với thực trạng trên, tỉnh Điện Biên đã phải mời Trung tâm Kiểm định xây dựng (Công ty Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng) và Công ty Chuyển giao công nghệ, quản lý nước và công trình thủy lợi (Cục Thủy lợi) vào cuộc, tìm biện pháp xử lý. Hai đơn vị trên sau khi xem xét đã kết luận về hiện trạng công trình như sau: “Các bức tường chắn bằng đá xây (kè) có hiện tượng nứt nẻ và nghiêng ra ngoài.
Toàn bộ các đoạn tường kè đều có hiện tượng nứt, kẽ nứt có hướng cắt ngang công trình rộng hơn 1cm và nghiêng ra. Độ nghiêng khá lớn trên bề mặt đã tách ra khỏi vị trí ban đầu khoảng 10cm. Đặc biệt có 3 đoạn bị sạt lở, sụt xuống, vùng đất, cát đắp trong nền sân bị võng, có chỗ đến 50cm...”.
Sau vụ lún nứt nghiêm trọng sân, kè tượng đài, các ban ngành chức năng đã ngồi lại bàn bạc và cuối cùng người ta... đổ tội cho thiên nhiên, cho địa chất phức tạp... Đổ lỗi cho thiên nhiên không được, không có lý (vì ông đã nhận tiền khảo sát, thiết kế, thăm dò địa chất rồi), thì lại đổ cho việc do bị ép tiến độ.
Tuy nhiên, hai đơn vị trên đã kết luận thống nhất rằng: công trình thiếu tài liệu khảo sát địa chất tại khu vực móng kè, phần đất đắp, đầm chưa đạt độ chặt nên gây lún, móng tường kè đặt ở vị trí đất mượn (đất mới rải) nhưng không được xử lý, thêm vào đó là tường chắn không đủ lỗ thoát nước. Các vị trí sân kè bị lún nứt là do thiết kế chưa tính hết yếu tố kết cấu, khảo sát địa chất, địa hình chưa sát thực tế...
Cả một công trình quy mô vĩ đại như thế lại được thiết kế trên cơ sở kết quả khảo sát của một công ty địa phương kém cả năng lực lẫn kinh nghiệm thì kết quả chỉ nhận được như vậy mà thôi.
Sau cùng, Nhà nước phải chịu mất thêm 4 tỉ đồng để làm lại toàn bộ bờ kè bằng bê tông cốt thép, mà lỗi là của các đơn vị quản lý, thi công.
Tưởng rằng chỉ đổ cái kè, nứt cái sân, có thể khắc phục sửa chữa là xong, nhưng không ngờ sau khi chắp vá xong kè thì đến lượt tượng đài tố cáo những kẻ làm ẩu, bớt xén nguyên vật liệu.
Sau mỗi trận mưa, màu xanh lét từ thân tượng đài (đã ngả màu xám xịt sau một thời gian dãi dầu mưa nắng) chảy ra loang lổ. Và cứ sau mỗi trận mưa, lại có người trèo lên cạo, quét để che giấu những vết rỉ đó.
Một thầy giáo dạy môn hóa học mà tôi gặp trong một lần trở lại thăm tượng đài Chiến thắng Điện Biên khẳng định: không thể vá víu được tượng đài vì nó đã hỏng từ bên trong, hỏng từ chất liệu làm ra nó. Nếu muốn có được một tượng đài chất lượng, vững bền ngàn năm thì chỉ có cách phá đi làm lại mà thôi.
Tới đây, khi Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng điều tra xong vụ việc tham nhũng công trình di tích tượng đài Chiến thắng Điện Biên này, những cán bộ trên đây sẽ lộ rõ bộ mặt. Tác giả sẽ phản ánh nội dung vụ việc đến bạn đọc trong thời gian tới...