Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh:

Truyền thông tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào?

Thứ Tư, 11/11/2020, 21:21
Báo chí, truyền thông là một trận địa thực sự trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ và nó đặc biệt thể hiện sức mạnh trong thời đại công nghệ, hậu sự thật, với sự lên ngôi của mạng xã hội hôm nay. Trong rất nhiều trường hợp, truyền thông, mạng xã hội mang cho chúng ta thông tin. Nhưng, cũng trong rất nhiều trường hợp, nó mang đến nhiều cạm bẫy.

Nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh chia sẻ góc nhìn của mình về chủ đề này với ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Những cạm bẫy không dễ tránh

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Lê Quốc Vinh, với con mắt của một người nghiên cứu truyền thông lâu nay, theo anh truyền thông cánh tả - cánh hữu đã tham gia vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào?

- Nhà báo Lê Quốc Vinh: Ở đây phải thấy được 2 mặt của vấn đề, một mặt là sự tham gia của  một lực lượng đông đảo báo chí chính thống và tất nhiên báo chí chính thống cũng chia ra rất nhiều định hướng khác nhau: có bên thiên tả, bên thiên hữu. Nhưng, mặt khác là sự tham gia của mạng xã hội. Mặt này bây giờ rất đồ sộ.

Và điều thú vị là theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ năm 2016, cũng như cuộc bầu cử 2020, chúng ta sẽ không có câu trả lời thỏa đáng nếu chỉ nghiêng về một mặt. Nếu chỉ thiên về báo chí chính thống hoặc chỉ thiên về mạng xã hội thì chúng ta sẽ bị hỗn loạn, không xác định được bản chất thật sự của những luồng dư luận, những quan điểm khác nhau. Ví dụ như ai ủng hộ ai, cơ hội của ai cao hơn, ai gần chiến thắng hơn. Tóm lại là lúc đó chúng ta hoàn toàn có thể bị đánh lạc hướng.

- Chúng ta sẽ chưa bàn tới mạng xã hội, mà chỉ bàn về báo chí chính thống. Rõ ràng là có những tờ báo thường đưa tin nghiêng về phía Dân chủ, lại có những tờ báo thường đưa tin nghiêng về phía Cộng hòa, phải không anh?

- Nếu chúng ta nói rằng báo chí chính thống phải trung lập thì không hoàn toàn là như thế. Một cơ quan truyền thông nào cũng có lăng kính riêng của mình. Mặc dù các hãng truyền thông phương Tây đều cố gắng đi theo cái gọi là “phi định kiến” nhưng đó có lẽ chỉ là sự nỗ lực của họ mà thôi. Qua việc trải nghiệm cách thức mà họ bình luận hay chọn lựa những thông tin đăng tải, tôi thấy rằng luôn có hàm ý thiên lệch sang một hướng nào đó

 Nếu search Google về các khuynh hướng của báo chí ở Mỹ, ta sẽ bắt gặp rất nhiều nghiên cứu theo hướng như thế này. Điều đó rất thú vị, vì chúng ta sẽ nhìn được nhiều màu sắc, nhiều con mắt khác nhau, nhiều khuynh hướng diễn giải các sự thật và số liệu khác nhau. Điều đó cũng có nghĩa nếu muốn có mắt nhìn trung lập thì chúng ta phải lựa chọn nhiều đầu báo, nhiều kênh truyền thông cùng lúc. Nhưng, thực tế, có bao nhiêu người xem và theo dõi truyền thông một cách bao quát như vậy được? Cho nên cũng dễ hiểu khi số đông sẽ thiên về bên này hoặc bên kia, tạo nên một cuộc tranh cãi vô hồi kì trận.

- Trong truyền thông có một câu nói thế này: “Đôi khi người ta chỉ nghe những cái mình muốn nghe”. Và, những tờ báo nghiêng về phía Dân chủ hay Cộng hòa vì thế luôn biết cách thiết kế những thông tin, những câu chuyện sao cho “vừa đôi tai” của những người “muốn nghe”.

Tôi xin lấy ví dụ thế này: trước cuộc bầu cử tổng thống năm nay, một số tờ báo nghiêng về phe Cộng hòa liên tục tố cáo thời còn làm Phó Tổng thống, ông Joe Biden đã tác động lên Chính phủ Ukraine để bảo vệ việc làm ăn của con trai ông ở Ukraine. Sau đó thì một số tờ báo nghiêng về phe Dân chủ thừa nhận là có thể có những tác động đó nhưng không phải để con trai ông Biden làm ăn mà để giúp Ukraine chống tham nhũng tốt hơn. Chắc chắn là khi đọc báo Mỹ, chúng ta sẽ không lạ với những kiểu thông tin như thế, phải không anh?

- Cái đó là điều hiển nhiên! Cùng một facts - truyền thông gọi là sự thật, là điều xảy ra nhưng nó sẽ được truyền tải và lý giải sao cho hợp nhất với quan điểm của mỗi người. Ví dụ câu chuyện mà ông Donald Trump vẫn lấy để bảo vệ mình: nước Mỹ chỉ có khoảng 230 ngàn người chết vì COVID-19 là nhờ công của ông ấy. Tức là nếu không có ông ấy, số người chết nhiều hơn nữa. Nhưng, phe của ông Joe Biden lại nói để nước Mỹ chết tới 230 ngàn người thì lỗi của ông Donald Trump là rất lớn. Người ủng hộ bên nào sẽ bị cuốn theo cách lý giải của truyền thông bên ấy.

- Điều tôi muốn đặt ra ở đây là: Nếu người ta chỉ ủng hộ bằng cảm xúc của mình thì thôi, không nói. Vì đã là cảm xúc thì vô cùng lắm. Nhưng, ngay cả khi người ta muốn dùng lý trí để phân tích 2 quan điểm - 2 cách lý giải trái ngược thì giữa những cơn cuồng phong, bão tố thông tin, việc dùng lý trí trong nhiều trường hợp cũng không hề đơn giản. Anh có nghĩ thế không?

- Đúng là không đơn giản! Nếu chúng ta nghe quá nhiều theo một xu hướng của một nhóm nào đó thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, sẽ nhìn theo con mắt của những người đó. Đến khi ta cố gắng tham chiếu lại, cố gắng thoát khỏi lăng kính ấy, áp dụng một lăng kính khác thì nó sẽ bị méo mó. Nó không thỏa mãn lối suy nghĩ  của mình. Nhiều khi ta nghĩ mình rất thông minh, rất độc lập về suy nghĩ nhưng thực tế là những định kiến được tạo dựng quanh ta là thứ không dễ để phá vỡ. Định kiến ấy, cách suy nghĩ ấy được xây dựng trong quá trình ta lớn lên, được bồi đắp bởi môi trường ta tiếp xúc.

- Anh Lê Quốc Vinh này, chúng ta sẽ không nói lý thuyết chung chung nữa mà sẽ phân tích thẳng vào con số có khoảng 230 ngàn người chết vì COVID ở Mỹ mà anh vừa đưa ra. Chúng ta đã nói với nhau, vẫn là số liệu ấy, nhưng ông Trump lý giải theo cách có lợi cho mình. Ông Biden lại lý giải theo cách chũi mũi dùi vào ông Trump. Trong tư cách một người tiếp nhận thông tin, một chuyên gia truyền thông và là một người tư duy độc lập, anh sẽ phân tích số liệu này theo hướng nào?

- Chúng ta hãy nhìn vào bức tranh toàn cầu. Nước Mỹ không phải là nước bị COVID-19 tấn công đầu tiên. Trung Quốc trước, rồi những nước xung quanh như Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam. Rồi sau đó virus mới tấn công châu Âu, Mỹ. Như vậy là đại dịch đi theo một hành trình tương đối dài. Vậy thì vì lý do gì nước Mỹ lúc đầu lại coi thường nó? Những gì diễn ra trước cuộc bầu cử cho thấy ông Trump vẫn đi vận động bầu cử với một đám đông khổng lồ những người san sát nhau, không đeo khẩu trang. Nước Mỹ có gì?

Nước Mỹ bị lây nhiễm sau. Nước Mỹ có hệ thống y tế thuộc loại tốt nhất trên thế giới, có thể chỉ thua vài nước Bắc Âu. Nước Mỹ có hệ thống chuyên gia và đội ngũ truyền thông lớn nhất thế giới. Vậy thì lý do gì nước Mỹ không có những giải pháp tốt hơn hoặc chí ít là bằng so với các quốc gia khác? Đó là cách nhìn của tôi về câu chuyện này.

Nhân đây tôi muốn nói thêm, truyền thông có một thủ pháp mà chúng tôi hay gọi là “cả vú lấp miệng em”, tức là cứ nói ồn ào, nói vống lên và nói thật nhiều để tác động tới người tiếp nhận. Và những người nào cứ để cho một loại thông tin đổ sầm sập vào mình, để mình không có cơ hội chống đỡ, thì họ sẽ rất dễ để cho loại thông tin đó cuốn mình đi. Dần dần, họ sẽ tin hoàn toàn vào đó. Phải nhớ rằng ông Trump là một nhà truyền thông. Ngoài đầu tư vào bất động sản thì ông ấy còn là nhà đầu tư vào truyền thông. Ông ấy làm truyền thông giỏi hơn bất cứ một vị Tổng thống Mỹ nào trong lịch sử.

Đừng sợ mình chậm hơn

- Rõ ràng là, nếu chúng ta quan sát, phân tích thông tin trung lập và đặt nó ở nhiều chiều kích khác nhau thì sẽ có quan điểm của riêng mình, không bị cảm xúc đưa đẩy, không bị lý tính lừa dối. Và lúc đó, quan điểm của chúng ta sẽ tiệm cận gần hơn với sự thật. Đây là điều chúng ta phải đặt ra và cố gắng làm được trong thời đại thông tin hôm nay, đúng không thưa anh?

- Tôi vẫn hay nói với mọi người là chúng ta phải cố gắng làm chậm tốc độ chuyển tiếp thông tin hơn một chút. Tức là làm chậm lại việc share, việc like, vì chỉ như vậy mới có cơ hội phân tích thông tin, làm cho mình trung lập hơn. Nhưng, có một hội chứng là chúng ta luôn sợ bị thiếu hụt thông tin, sợ rằng mình không phải người theo sát thông tin nhất.

- Và, sợ mình chậm hơn người khác?

- Sợ mình chậm hơn! Vậy nên mình vội vã chộp lấy lượng thông tin đó. Ví dụ chúng ta tỉnh dậy vào buổi sáng, nhìn thấy toàn bộ thông tin của phe ủng hộ ông Trump dồn dập đổ vào mình, thì lập tức ta thấy họ nói rất hay. Và một tiếng sau, khi đọc được thông tin của phe bên kia, thì ta sẽ không tin nữa, vì đã tin vào những gì mình thấy trước. Nó sẽ càng được củng cố hơn nếu như đêm hôm trước, mình vẫn đang đinh ninh là phe Cộng hòa đúng. Cho nên có một xu hướng của truyền thông hiện nay, đó là những người kiểm soát truyền thông luôn phải tìm xem nhóm mình muốn lôi kéo có định kiến gì, từ đó có thể sẽ thiết kế những thông tin nhắm trúng định kiến ấy.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG GT-CT.

- Anh có thể lấy một ví dụ?

- Ví dụ chúng ta không thích đối tượng A. Đấy là một định kiến. Những người ủng hộ ông Trump biết định kiến ấy và sẽ tung ra các thông điệp truyền thông là ông Trump sẽ chống lại đối tượng A. Vậy thì rất nhiều người, không cần suy nghĩ nhiều cũng sẽ lập tức ủng hộ ông Trump.

- Nhưng, sự thật có phải thế không thì cần phải lí tính, bình tĩnh và tìm hiểu nhiều nguồn khác nữa. Đúng không ạ?

- Đúng thế!

Những chuyên gia tận dụng cảm xúc đám đông

- Bây giờ chúng ta sẽ không nói về báo chí chính thống nữa mà nói tới mặt thứ hai: Mạng xã hội. Một cách tổng quát nhất, anh thấy mạng xã hội đã tác động lên cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ như thế nào?

- Cách đây 4 năm chúng ta đã nhìn thấy một kịch bản để lại rất nhiều bài học: Truyền thông chính thống hoàn toàn ngả theo bà Hillary Clinton và đưa ra dự đoán bà ấy sẽ trở thành Tổng thống Mỹ. Nếu cứ theo dõi kết quả các cuộc thăm dò trên báo chí chính thống hẳn chúng ta sẽ cho rằng điều ấy xảy ra đến nơi rồi. Nhưng, ngược lại, khi đó ông Donald Trump là người chiến thắng. Lúc đó người ta mới bình tĩnh phân tích và nhận ra rằng, ông Trump thắng cuộc là nhờ mạng xã hội.

Có một xu thế chung trên toàn cầu là chủ nghĩa dân túy trỗi lên rất mạnh. Những người dùng mạng xã hội nào khai thác được điều này, đánh trúng cảm xúc đám đông sẽ lập tức được tung hô. Họ sẽ trở thành KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) và cả thế giới đều phải thừa nhận ông Trump là một KOLs.

- Không! Phải là một siêu KOLs mới đúng!

- Một siêu KOLs! Mà trở thành những siêu KOLs theo cách này là điều mà truyền thông chính thống không làm được. Bởi truyền thông chính thống luôn phải chọn lựa những hiện tượng thực tế diễn ra trong đời sống và diễn giải nó theo những cách nhìn chính thống, có lý trí, có sự nghiên cứu bài bản. Ở thời điểm 2016, cử tri Mỹ đang băn khoăn về lối mòn của thể chế chính trị Mỹ. Họ cần cái gì đó khác biệt, thay đổi, phá cách.

Ông Trump đã bắt trúng tâm lý đó. Ông nói đến những vấn đề mà truyền thông chính thống hầu như không nói đến. Trong khi tư duy truyền thống của Mỹ là “nước Mỹ tạo ra giá trị không phải từ lao động chân tay” thì ông Trump lại nói những điều mà phần đông cử tri Mỹ vốn là những lao động chân tay đang cần đến. Trong 8 năm lãnh đạo của ông Obama, nền kinh tế Mỹ bình bình, không có đột phá, ông Trump lại đưa ra khẩu hiểu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Ông Trump cho người ta khát vọng được thay đổi và thực sự là họ đã thay đổi, cho đến trước khi xuất hiện COVID-19. Trên mạng xã hội, người ta không cần phải phân tích theo những số liệu khoa học như báo chí chính thống. Ở đó người ta chỉ cần cảm xúc thôi. Và ông Donald Trump giỏi hơn bà Hillary Clinton rất nhiều trong việc tạo ra cảm xúc đó.

- Anh có nghĩ rằng không chỉ ông Trump mà rất nhiều nhà chính trị ở rất nhiều nền chính trị khác nhau trên thế giới cũng đã sử dụng chiêu thức đánh vào cảm xúc của đám đông trên mạng xã hội hay không?

- Trên thế giới, đó quả nhiên là một xu hướng. Rất nhiều nhà chính trị hiểu được vai trò của mạng xã hội. Người ta biết xu hướng của cộng đồng mạng, biết được loại nội dung nào đánh trúng cảm xúc của người dùng mạng... Anh cứ nhìn lại những năm gần đây mà xem, từ châu Mỹ, châu Âu, sang châu Á đều có những nhà chính trị như vậy cả.

Có thể nói đấy là sự lên ngôi của những nhà lãnh đạo đi theo chủ nghĩa dân túy. Họ có thể thành công được vì bây giờ niềm tin của công chúng rất dễ bị lung lay. Và, những gì gọi là giá trị cổ điển, giá trị cốt lõi, giá trị nền tảng không còn khiến người ta nhất nhất đi theo và lấy làm chuẩn mực như trước nữa.

Tranh cãi không hồi kết?

- Chúng ta đang bàn tới khía cạnh những nhà chính trị sử dụng mạng xã hội để thực hiện những chiêu dân túy, lấy lòng người dân. Nhưng, chúng ta cũng cần bàn thêm ở khía cạnh: vậy thì vai trò của những nhà sở hữu mạng ở đâu? Suốt cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đây là một đề tài được người Mỹ bàn tán, thậm chí là tranh cãi vô cùng quyết liệt.

Tôi lấy một ví dụ, khi ông Donald Trump nói rằng việc bỏ phiếu bầu cử qua bưu điện có thể gây ra gian lận thì lập tức Twitter dán nhãn cảnh báo lên dòng trạng thái của ông. Sau này, khi tờ Washington Post nói một số điều còn gây tranh cãi về chuyện gia đình ông Joe Biden thì Twitter và Facebook cũng sử dụng thuật toán chặn người dùng chia sẻ, lan truyền bài báo. Theo quan điểm của ông Donald Trump và những người theo phe Cộng hòa thì mạng xã hội làm như vậy là sai. Vì như vậy là phạm luật và không tôn trọng quyền tự do ngôn luận.

Nhiều người còn bảo, ở thung lũng Silicon, có một quy tắc bất thành văn của những nhà sáng tạo: Chúng tôi chỉ tung ra công nghệ, còn sử dụng công nghệ đó như thế nào là quyền của người dùng. Nhưng, trái lại, cũng có người ủng hộ việc các nhà mạng nên thể hiện trách nhiệm của mình trước những thông tin gây tranh cãi, cần phải kiểm chứng thêm. Anh là một nhà nghiên cứu truyền thông, anh nghiêng về quan điểm nào hơn?

- Tôi cho rằng các ông chủ của mạng xã hội suy cho cùng vẫn là những cá nhân và vì thế trong mọi vấn đề vẫn luôn có những lăng kính của riêng mình. Nếu mọi người nói những điều không phù hợp với lăng kính của họ thì có thể họ sẽ can thiệp. Tôi xin nhắc lại, mạng xã hội không phải là các cơ quan báo chí. Facebook chỉ là công ty của ông chủ Mark Zuckerberg và ông Mark có quan điểm của ông ấy. Vấn đề đáng bàn tiếp theo là chúng ta lại phải coi thế nào là can thiệp? Hay nói cách khác, đó là mức độ của sự can thiệp.

Ví dụ dòng trạng thái của ông Trump hay ai đó bị dán nhãn thì có nghĩa là ông Trump hay ai đó vẫn có quyền được nói đấy chứ, chỉ có điều những điều ấy không hoặc chưa phù hợp với quan điểm của nhà mạng mà thôi. Tức là họ vẫn cho anh nói và họ dán nhãn, chứ đâu có cấm anh. Ngay cả một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới khi đăng tải một số bài viết cũng thường gắn theo dòng ghi chú: “Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không phải quan điểm tờ báo”. Đấy thực chất cũng là một kiểu dán nhãn trên báo chính thống.

- Tôi hiểu ý anh. Nhưng chúng ta sẽ nói thế nào nếu ai đó đọc được cuộc đối thoại này và vặn lại chúng ta rằng: việc so sánh mạng xã hội với báo chí chính thống là khập khiễng. Bởi báo chí chính thống có quan điểm truyền thông của báo chí chính thống, còn mạng xã hội không phải là một cơ quan ngôn luận nên không thể bày tỏ quan điểm của mình bằng những nhãn cảnh báo.

Thêm nữa, Điều 230 Đạo luật Truyền thông đứng đắn của Mỹ quy định: “Không bên cung cấp hay người sử dụng dịch vụ máy tính tương tác nào bị coi là nhà xuất bản hay phát ngôn viên của bất cứ thông tin nào do người cung cấp nội dung đăng lên”. Anh nghĩ sao ạ?

- Tôi nghĩ đó sẽ là một cuộc tranh cãi khó có hồi kết được. Mà có thể là không bao giờ có hồi kết.

- Xin chân thành cảm ơn anh!

Mỗi người nên chậm lại thêm một chút

“Tôi đã nói rất nhiều lần trên những phương tiện truyền thông chính thống là chúng ta cần phải trở thành những người sử dụng mạng xã hội chậm hơn một chút. Để làm gì? Để chúng ta có một khoảng thời gian nhất định kiểm chứng những thông tin đọc được hoặc để chuẩn bị một cách kỹ lưỡng trước khi tung ra một nhận định, một phán xét của riêng mình. Lúc đó may ra chúng ta mới đủ tỉnh táo để lựa chọn các thông tin phù hợp và không bị lầm lạc giữa bão tố thông tin”.

Nhà báo Lê Quốc Vinh

* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.