Bầu cử Tổng thống Mỹ: Những bất ngờ tháng 10

Thứ Sáu, 25/09/2020, 16:08
Tháng 9-2020 đã đi tới hạ tuần. Rất nhiều nhà phân tích của các hãng thông tấn - báo chí quốc tế lớn bắt đầu đặt câu hỏi: Đâu sẽ là "Điều bất ngờ tháng 10" mà đương kim tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn? Nhưng thế thì đầu tiên, "Bất ngờ tháng 10" là gì? Và chúng ta nên hình dung về nó ra sao?

Khái lược về một thuật ngữ

"Điều bất ngờ tháng 10" (October Surprise) là một thuật ngữ chính trị Mỹ đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với thế giới. Đó là một sự kiện được cố tình sắp đặt (hoặc cũng có khi xảy đến một cách ngẫu nhiên) trong năm có bầu cử tổng thống Mỹ, để tác động mạnh mẽ đến kết quả của cuộc bầu cử ấy, thậm chí là lật ngược thế cờ.

Bởi vì ngày bầu cử Tổng thống Mỹ luôn được ấn định là thượng tuần tháng 11, nên tháng 10 trở thành quãng thời gian thích hợp nhất để các ứng viên tung ra "đòn quyết định". Nó sẽ có thời gian để dư chấn không bị lãng quên, để thuyết phục các cử tri còn dao động, cũng như để đối thủ trực tiếp "ngấm đòn".

Tất nhiên, trong bối cảnh đường đua ấy, những ứng viên đang là đương kim tổng thống Mỹ sẽ có nhiều cơ hội tạo nên một cú "October Surprise" giàu ấn tượng và nhiều sức "hủy diệt" đối thủ hơn, bởi họ sở hữu nhiều công cụ quyền lực hơn. Song, cũng không phải không từng có những cú "Bất ngờ tháng 10" thành công đến từ phe thách thức.

Cũng tất nhiên, thành bại của cả một cuộc đua quyền lực như vậy sẽ không chỉ phụ thuộc vào một sự kiện nào đó trong tháng 10, dù sự kiện đó có thể có sức ảnh hưởng rất lớn. Nền tảng của nó vẫn là cả một quá trình dài xây dựng chiến lược, triển khai tuyên truyền, gặp gỡ và thuyết phục cử tri, chỉ ra các khiếm khuyết trong lập luận của đối thủ, đưa ra các giải pháp cho hiện tại… nhằm chứng minh rằng mình sẽ là người thích hợp nhất để trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Tuy vậy, kể từ khi được sử dụng rộng rãi lần đầu vào năm 1980 bởi William J.Casey - một nhân vật lão luyện trên chính trường Mỹ, thuật ngữ "October Surprise" đã, đang và sẽ luôn là một dấu ấn đặc sắc mang đậm phong cách chính trị Mỹ mà toàn thế giới chờ đợi trong mỗi mùa bầu cử. Cũng bởi vậy, giới nghiên cứu quốc tế thường không xem 1980 là thời điểm bắt đầu xuất hiện của những "Bất ngờ tháng 10".

Họ lùi sâu nữa về quá khứ, đến tận năm 1972.

Richard Nixon (phải) với "Hòa bình trong tầm tay".

 Những dấu ấn lịch sử

Năm 1972, đương kim tổng thống Mỹ khi ấy, Richard Nixon, quyết đấu với ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đối lập là George Mc Govern. Đó cũng là năm mà dư luận nước Mỹ đã quá chán chường với sự can dự của Mỹ vào Việt Nam, còn các quan chức ngành ngoại giao Mỹ cũng đã quá mệt mỏi với Hội nghị Paris kéo dài đằng đẵng mà không tìm được điểm đột phá khỏi bế tắc. 

Ngày 26-10-1972, Cố vấn Quốc phòng của Richard Nixon - Henry Kissinger tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng hòa bình đã ở trong tầm tay!". Điều này hẳn là đã có những tác động tích cực đến kết quả cuối cùng dành cho Nixon, khi ông ta tái đắc cử với 60% số phiếu phổ thông nhiều hơn Mc Govern trên toàn quốc. 

Thậm chí, như nhà bình luận của tờ Washington Post - Daniel W.Drezner, trong bài đăng ngày 9-9-2020 với tiêu đề "Liệu sẽ có một Bất ngờ tháng 10 trong chiến lược đối ngoại?", từ năm 1968, Richard Nixon đã cố gắng tạo nên October Surprise với những hứa hẹn về tương lai Việt Nam - cuộc chiến mà cả thế giới chú mục theo dõi thời điểm đó.

Tuy nhiên, thực tế, trong tháng 10 năm ấy, Mc Govern có lẽ đã phạm phải những sai lầm không thể cứu vãn thì đúng hơn là Richard Nixon đã tạo nên kỳ tích. Trong bối cảnh thế giới vẫn còn chia rẽ bởi Chiến tranh Lạnh, và khi vị thế của nước Mỹ vẫn còn đang bị thách thức dữ dội từ nhiều phía, đề xuất giảm chi tiêu quốc phòng mà Mc Govern hướng đến đã trở thành mục tiêu công kích ưa thích của phe Cộng hòa suốt cả hành trình tranh cử, với sự hậu thuẫn của cả giới tướng lĩnh diều hâu lẫn các nhà tài phiệt công nghiệp vũ khí.

Một thí dụ kinh điển khác về "Bất ngờ tháng 10" - cuộc cạnh tranh giữa đương kim tổng thống Mỹ khi ấy là Jimmy Carter, với ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan. 

Cùng muốn lợi dụng việc Iran bắt giữ các con tin Mỹ để phục vụ lợi ích chính trị của mình, nếu Jimmy Carter thậm chí còn dự định tiến hành một chiến dịch đột kích các con tin ấy, thì bằng những công cụ ngoại giao và tuyên truyền, ê-kíp đảng Cộng hòa của Ronald Reagan lại bảo đảm được rằng Iran sẽ thả các con tin, nhưng vào thời điểm ngay sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Và những con tin được thả vào ngày 20-1-1981, khi Ronald Reagan đã chính thức đắc cử.

Có điều, sau này, nhắc đến chiến dịch tranh cử ấy, giới quan sát chú trọng nhiều hơn đến cương lĩnh tranh cử của Reagan - một cựu diễn viên Hollywood. Ông đề cao tính tự do. Ông chủ trương hạ thuế suất để kích thích nền kinh tế. Ông muốn chính phủ ít can thiệp hơn vào xã hội. Và ông đưa ra slogan: "Tôi tin vào quyền của các tiểu bang" - nghĩa là khả năng độc lập của các chính quyền địa phương.

Donald Trump được cho là có khá nhiều điểm tương đồng so với Ronald Reagan.

Đừng quá trông đợi tháng 10

Như BBC từng đưa bài: "Liệu có ‘Bất ngờ tháng 10” nào thực sự ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử Mỹ?" (October Surprise, does it ever swing an US eclection?), nếu lướt lại tất cả những lần "Bất ngờ tháng 10” được ghi nhận, bất cứ ai cũng sẽ có những cách nhìn khác so với khi mới nghe về thuật ngữ này.

Quả thật là vào năm 1992, Bill Clinton của đảng Dân chủ đã đắc cử sau khi phe Cộng hòa thiệt hại nặng nề bởi những thông tin bị rò rỉ từ vụ Iran-Contragate (vụ bán vũ khí Mỹ cho Iran - một quốc gia thù địch). Tuy nhiên, lời buộc tội ứng viên đảng Cộng hòa George W.Bush bị bắt vì lái xe trong tình trạng say rượu lại chẳng đủ đem đến chiến thắng cho ứng viên đảng Dân chủ khi ấy là Al Gore.

Bốn năm sau, ngày 27-10-2004, khi đội ngũ hậu thuẫn ứng viên đảng Dân chủ John Kerry cố gắng đổ lỗi quản lý kém cho chính quyền của đương kim tổng thống về một kho chứa chất nổ khổng lồ ở Iraq, George W. Bush dễ dàng "phản pháo" rằng kho chứa đó đã được dọn dẹp và chuyển đi nơi khác, trước khi vụ xâm nhập nào đó được cho là đã xảy ra. Và John Kery vẫn thất bại.

Tháng 10-2008, mẹ của ứng viên tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ - Barack Obama - bị cáo buộc sống như một người nhập cư bất hợp pháp ở Boston. Nhưng, điều đó cũng chẳng giúp đỡ gì được ứng viên đảng Cộng hòa John Mc Cain. Tháng 10-2012, đến lượt cơn bão Sandy được phe Cộng hòa mang ra công kích chính quyền Obama. Và nó chỉ có giá trị như một trò đùa.

2016 có lẽ là một kỳ bầu cử đỉnh điểm của những "đòn đánh", kể cả những "đòn dưới thắt lưng". Đảng Dân chủ của Hillary Clinton ra tay trước, với việc khai thác ngôn từ tục tĩu mà Donald Trump sử dụng trong một đoạn băng ghi âm. Điều này kích động được không ít các nhân vật nổi tiếng trong giới tinh hoa, lẫn cả đông đảo nữ giới trong xã hội. Song, những đòn đáp trả giá trị hơn nhiều. 

WikiLeaks hé lộ những khuất tất trong quản lý tài chính của Hillary Clinton, và sau đó, FBI tuyên bố điều tra việc bà Clinton sử dụng email cá nhân cho những công việc của đất nước - một động thái bị xem là bất cẩn đến vô trách nhiệm.

Như vậy, trái với cách hiểu hời hợt, "Bất ngờ tháng 10" chủ yếu sẽ là những đòn phép chính trị nhằm hủy hoại đối thủ chứ không phải là kiến tạo những thành tựu, đặc biệt là các thành tựu đối ngoại. Xét cho cùng, cử tri Mỹ quan tâm đến những gì liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ hơn là những điều xa vời nào đó. Bởi vì, chính các biến động chính trường Mỹ mới khiến cả thế giới chờ đợi, cũng như điều chỉnh các chiến lược đối ngoại của mình.

Bởi vậy, trong trường hợp này, vì sao ngài Donald Trump lại phải cố gắng tiến gần đến Bình Nhưỡng? Động thái đó có quá khó đoán định để có thể bị phản kích bởi đảng Dân chủ không? Và tiến trình thực thi Thỏa thuận hòa bình Trung Đông mới, theo gợi ý của Nhà Trắng, không phải là đã đạt được khá nhiều thành tựu bất ngờ rồi hay sao?

* Trước cuộc so tài hiện tại giữa hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden, đã có 11 sự kiện được liệt kê vào danh sách những "Bất ngờ tháng 10". Trong đó, không chỉ có những lần bầu cử tổng thống Mỹ, còn có cả những ngoại lệ khác, như cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thống đốc bang California năm 2003, hay hai cuộc bầu cử Nghị viện Mỹ giữa nhiệm kỳ các năm 2006 và 2018.

* Cần nhấn mạnh: Ngay sau khi tái đắc cử, Richard Nixon lập tức chỉ đạo không quân Mỹ đánh phá Miền Bắc Việt Nam dữ dội hơn, và chỉ chịu quay lại bàn đàm phán sau khi đã phải nhận những thất bại nặng nề sau 12 ngày đêm bão lửa "Điện Biên Phủ trên không".

Đông Quân
.
.
.