Chống tham nhũng: Xu thế "không ai có thể đứng ngoài cuộc"

Thứ Sáu, 25/05/2018, 20:51
Cuộc chiến chống tham nhũng bây giờ đã trở thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể đứng ngoài xu thế và không thể không công khai, bởi tính công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương...

Tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ trước thềm kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đấu tranh chống “giặc nội xâm” rất phức tạp, đã làm từ lâu nhưng điểm mới hiện giờ là đã thành phong trào, thành xu thế và không ai có thể đứng ngoài cuộc. Cách làm phải chắc chắn, cẩn thận, từng bước chặt chẽ, tạo được sự tâm phục, khẩu phục. Không chỉ chống tham nhũng, mà chống lãng phí, tiêu cực cũng vô cùng quan trọng. Những công việc này càng làm càng chứng tỏ Đảng ta mạnh, nên phải làm để cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Đây là cuộc chiến phải làm kiên quyết, kiên trì, lâu dài, bền bỉ”.

Còn nhớ, tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 3 diễn ra vào đầu hè năm ngoái, thông điệp “xử một vài người để cứu muôn người” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, là việc cấp bách nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Cần lưu ý rằng, thời điểm đó, nhiều vụ án lớn vừa “khui lộ” nhưng đang còn rất dở dang. Người dân hoan nghênh trước quyết tâm của Tổng Bí thư trong việc xử lý các vụ án tham nhũng. 

Nhưng người dân vẫn bất bình trước tình trạng còn nhiều vụ việc bức xúc, nổi cộm chưa được xử lý hoặc còn những hoài nghi về tình trạng “vùng cấm” trong xử lý cán bộ, đảng viên tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN.

Đó là câu chuyện của một năm về trước, khi mà dư luận xã hội đang nóng lòng muốn biết Đảng “nói và làm” như thế nào trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Giờ đây, sau năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, lòng tin đã được bồi đắp bằng thực tiễn sinh động. Với bối cảnh như vậy, trước kỳ họp thứ 5 lần này, gặp lại cử tri, những người từng đã dự, nghe và đặt câu hỏi từ những năm trước, thì nay, những cái bắt tay thật chặt, những câu chuyện nồng ấm đã nói lên tất cả. 

Sau một năm kể từ buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 3, cuộc chiến chống tham nhũng dẫu còn rất cam go nhưng đã đã đánh dấu những cột mốc có ý nghĩa lịch sử, đó cũng chính là hành động nhất quán giữa nói và làm được chính người “cầm trịch” chứng minh. Giờ thì không ai hỏi “tắm từ đầu hay chỉ tắm từ cổ”, “vào Bộ Chính trị rồi thì có phải sai cũng miễn truy cứu?”. 

Xử hình sự ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, xử kỷ luật bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Nguyễn Xuân Anh - những “củi tươi” dính chàm thì “phải cháy” và sự cháy ấy đau một số người nhưng để cứu muôn người!

Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác đấu tranh chống tham nhũng - một vấn đề lần nào cũng được cử tri quan tâm, chứng tỏ công việc quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, vì đây là cuộc đấu tranh trong nội bộ. Theo Tổng Bí thư, việc này chúng ta đã làm từ lâu, nhưng chưa bao giờ quyết liệt, thành xu thế như hiện nay. 

“Đừng lo làm ra thì mất uy tín. Không phải thế, bưng bít, che giấu mới mất uy tín. Đấu tranh, làm cho bằng được mới lấy lại được uy tín. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhất là năm 2017, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác này. Nếu không có sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của cử tri, nhân dân cả nước thì không thể có kết quả ấy. Điều đó củng cố thêm niềm tin, quyết tâm để tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hơn nữa trong thời gian tới” - Tổng Bí thư lưu ý. 

Tổng Bí thư phân tích thêm, chúng ta không chỉ có “chống” mà cơ bản, lâu dài chính là “xây”. “Chống” là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, phải làm và làm quyết liệt, nhưng phải “xây” để ngăn ngừa, răn đe, để tham nhũng, tiêu cực không xảy ra. 

Trong xét xử các vụ án tham nhũng cũng không phải cốt để xử tội, mà cái chính là giúp người bị xử nhận ra sai phạm của mình, là thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. 

Tổng Bí thư cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm, phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn, nhưng làm từng bước, phải nắm vững luật pháp, làm cho đúng đắn, chặt chẽ, làm để bảo đảm sự ổn định và tăng cường đoàn kết nội bộ. Ai sai thì phải xử lý, để giáo dục, răn đe, ngăn chặn, cảnh tỉnh người khác không sa vào vết xe đổ... 

Cuộc chiến chống tham nhũng bây giờ đã trở thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội, không ai có thể đứng ngoài xu thế và không thể không công khai, bởi tính công khai là thanh bảo kiếm chữa lành những vết thương...

Tất nhiên, với tính chất cuộc chiến trường kỳ, phức tạp thì cái khó, cái vướng còn rất nhiều. Cử tri băn khoăn, vì sao, nhiều vụ, việc xảy ra từ lâu, nhưng nay mới bị xử lý, nếu phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời sẽ không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng? 

Tham nhũng quyền lực đang phát triển, nhưng chúng ta chưa tìm ra được cơ chế kiểm soát, còn nhiều sơ hở trong chính sách, quản lý nhà nước, nhất là đối với lĩnh vực đất đai. 

Cử tri có quyền đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải giải trình một cách minh bạch về những tài sản không rõ nguồn gốc, những “biệt phủ” chứ không theo kiểu giải trình do “đi buôn chổi đót” mà có.

Một giai đoạn mới cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, giai đoạn có thể khái quát qua cách nói của Tổng Bí thư: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”!

Cán bộ là trung tâm của mọi công việc, bản chất cốt lõi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng không phải chỉ nhằm xử lý vụ việc mà phải xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu gắn với việc thiết lập, tạo ra cơ chế dùng người hiệu quả. 

Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã chỉ rõ quan điểm, mục tiêu trong từng giai đoạn trước mắt và lâu dài: từ nay đến 2020; đến 2025; đến 2030. 

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được xác định đối với từng đối tượng: cán bộ chiến lược (lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ban, bộ ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương; cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương; cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an; đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia; cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Đặc biệt, Nghị quyết đã đưa ra những giải pháp mới, được cân nhắc kỹ lưỡng từ thực tiễn và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ. Đó là quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. 

Xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài. 

Đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ: thực hiện chủ trương bầu trực tiếp bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp ở những nơi có điều kiện; thực hiện nghiêm việc lựa chọn, bầu cử có số dư; ứng viên trước khi bổ nhiệm phải trình bày chương trình hành động và cam kết trách nhiệm thực hiện. 

Quy định trách nhiệm của lãnh đạo và cấp ủy viên các cấp trong việc tiến cử người có đức, có tài; người đứng đầu có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng, tiến cử người thay thế mình. Mở rộng việc thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng.

Bên cạnh đó, vấn đề lâu nay dư luận quan tâm là cơ chế từ chức cũng lần đầu tiên được đưa vào nghị quyết của Đảng: Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống", "có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ. 

Hoàn thiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu. 

Không lấy việc bố trí chức vụ, phong hàm, phong, thăng quân hàm, nâng ngạch để thực hiện chế độ, chính sách cán bộ. Có cơ chế cạnh tranh vị trí việc làm để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tiến tới bỏ chế độ “biên chế suốt đời”...

Nghị quyết cũng xác định rõ, cần nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền. 

Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có “vùng cấm”.

Như vậy, với các mục tiêu, giải pháp có tính chiến lược, trong đó nhiều giải pháp mới mẻ, có tính đột phá trong công tác xây dựng, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ cũng như xây dựng thiết chế để cán bộ phát huy năng lực, hiệu quả, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, chạy chức chạy quyền, thân quen, cánh hẩu... vốn làm trì trệ, cản trở sự phát triển và gây bức xúc dư luận, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển biến rõ nét.

An Nhi
.
.
.