Guồng quay mạo hiểm
Bão tố ngày đầu năm
Trên thực tế, động thái này cũng khó có thể coi là một bất ngờ.
Ngay từ ngày 1-1, tức là trong lúc toàn thế giới đang hân hoan tống tiễn một năm 2020 đầy những biến động u ám để đón chào một năm mới 2021 chất chứa bao nhiêu lạc quan và hy vọng, Iran đã thông báo với Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) về dự định “sản xuất uranium với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết, chiểu theo dự luật mà Quốc hội Iran thông qua mới đây”.
Dự luật đó kêu gọi Chính phủ Iran triển khai một số bước đi, trong đó có việc tăng cường hoạt động làm giàu uranium, trong trường hợp các quốc gia châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - không bảo vệ được các lợi ích của Tehran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực năng lượng và ngân hàng. Đồng thời, Quốc hội Iran cũng yêu cầu quốc tế ngừng tất cả các cuộc thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này.
Tròn một năm tướng Soleimani bị sát hại, không khí bài Mỹ càng thêm sôi sục ở Iran. |
Cơ sở lập luận của họ rất rõ ràng: Bởi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt vô lý, bất công và thậm chí là ngang nhiên đơn phương rời bỏ JCPOA dưới thời Tổng thống Donald Trump (tháng 5-2018), nên Tehran cũng không có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ các điều khoản cam kết.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Saeed Khatibzadeh, tuyên bố Tehran sẽ không đàm phán về các chương trình phát triển tên lửa, cũng như năng lực phòng thủ của mình. Ông khẳng định: "Nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran chưa từng và sẽ không bao giờ tiến hành đàm phán về năng lực phòng thủ. Sức mạnh quốc phòng của Iran được theo đuổi một cách độc lập dựa trên nhu cầu của đất nước. Ngoài ra, trong JCPOA và Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vấn đề tên lửa đã được đề cập và giải quyết".
Theo ông Khatibzadeh, các quan chức Mỹ tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đều nhận thức được rằng chương trình hạt nhân của Iran là hòa bình, do đó "tên lửa là một vấn đề thứ yếu". Ông nhấn mạnh: Tehran "sẽ không đàm phán lại bất kỳ điều khoản nào của JCPOA".
Đáp trả và thách thức
Ở rất nhiều khía cạnh, quả thực, những phản ứng của Tehran là tương đối dễ hiểu, nếu đặt chúng vào một chuỗi sự kiện được bắt đầu từ Washington, cho dù là trong quá khứ rất gần.
Không phải ngẫu nhiên, ngày 31-12-2020, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã cáo buộc Mỹ kiếm cớ tấn công Iran, đồng thời khẳng định Tehran sẽ thực hiện quyền phòng vệ của mình, cho dù không theo đuổi chiến tranh. Ông viết trên Twitter cá nhân: “(Tổng thống) Donald Trump và quân đội đã tiêu tốn hàng tỷ (USD) để đưa (các máy bay) B-52 và các đội tàu đến khu vực của chúng ta. Tình báo từ Iraq đã tiết lộ âm mưu kiếm cớ tấn công (của Mỹ). Iran không theo đuổi chiến tranh nhưng sẵn sàng và lập tức bảo vệ người dân, an ninh và các lợi ích sống còn của mình”.
Tuyên bố đó được đưa ra sau khi 2 máy bay ném bom chiến lược B-52H được Lầu Năm Góc điều tới Vùng Vịnh ngày 30-12, nhằm thể hiện "cam kết của quân đội Mỹ đối với an ninh khu vực, cũng như thể hiện năng lực vô song về triển khai nhanh chóng sức mạnh chiến đấu áp đảo trong thời gian ngắn” - động thái được cho là gửi đi "một thông điệp răn đe rõ ràng" rằng Mỹ sẵn sàng và có khả năng ứng phó với bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào người Mỹ hoặc lợi ích của Mỹ. Một tuần trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Tehran phải chịu trách nhiệm vì đã tấn công vào các cơ sở ngoại giao của Washington ở Iraq.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định duy trì sự hiện diện của tàu sân bay hoạt động bằng năng lượng hạt nhân USS Nimitz - tàu sân bay duy nhất của Hải quân Mỹ hoạt động ở ngoài khơi khu vực Trung Đông.
Có điều, sau khi đáp trả những đòn tâm lý từ phía Mỹ, lại đến lượt Iran gia tăng áp lực, với việc nâng độ làm giàu uranium lên tới 20%.
Trò chơi cân não
Bởi vì, không chỉ nước Mỹ, nhóm P5+1 cũng là những “người chơi” có quyền tác động để quyết định số phận của JCPOA.
Nhắc lại một chút, ngay khi có kết quả sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Tehran đã tỏ ý trông đợi rằng tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ có thể cứu vãn JCPOA, đặc biệt là khi ông tỏ ý muốn đưa nước Mỹ trở lại với thỏa thuận lịch sử đó, ngày 13-12-2020. Tổng thống Iran - Hassan Rouhani - ngay khi đó đã “đăng đàn” phát biểu: "Iran và Mỹ đều có thể quyết định và tuyên bố rằng hai nước sẽ trở lại bối cảnh trước ngày 20-1-2017 (thời điểm ông Trump lên nắm quyền tại Mỹ)... Nếu có một ý định như vậy giữa các nhà lãnh đạo tương lai của Mỹ, tôi nghĩ rằng sẽ rất dễ dàng để giải quyết (các vấn đề khúc mắc tồn tại)".
B-52H trên bầu trời Vùng Vịnh. |
Tuy nhiên, trong quãng thời gian còn lại trước ngày chính thức chuyển giao quyền lực, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục không ngừng gia tăng sức ép đối với Iran, về cả kinh tế lẫn quân sự. Không ít luồng dư luận quốc tế cho rằng đó cũng là một cách “làm khó” chính quyền Joe Biden - đang chờ đợi tiếp nhiệm để thay đổi các quỹ đạo chiến lược đối ngoại cũ, đặc biệt là trong bối cảnh tinh thần “bài Mỹ” tiếp tục được đẩy lên cao ở Iran, vào dịp tròn một năm tướng Qassem Soleimani bị sát hại bởi máy bay không người lái Mỹ.
Chính vì vậy, có thể xem động thái mới nhất từ Tehran là một phép “thử phản ứng” dành cho Washington. Vấn đề là, cuộc chơi không chỉ có người Mỹ.
Theo quy định của JCPOA, Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Song, hồi tháng 11 năm ngoái, báo cáo mới nhất của IAEA cho thấy Tehran đã và đang làm giàu uranium lên mức cao hơn mức 3,67% đó. Còn hiện tại, mức 20% có nghĩa là các cam kết xem như đã bị xóa trắng.
Cho dù rất nỗ lực bảo vệ JCPOA (bởi liên quan trực tiếp đến những dự án hợp tác phát triển kinh tế trong tiến trình tái thiết Iran sau cấm vận), kể cả trong những quãng thời gian Washington tỏ ra gay gắt nhất, những cường quốc tham gia ký kết cũng rất khó chấp nhận một động thái thách thức như vậy. Chưa kể, với những tham vọng khuếch trương tầm ảnh hưởng địa chính trị riêng, họ cũng hoàn toàn có thể có những toan tính riêng và những cách phản ứng không dễ tiên liệu. Nói ngắn gọn, những cường quốc ấy cũng hoàn toàn có thể đưa ra những biện pháp răn đe hay trừng phạt, nhằm phủ định việc Tehran “kêu oan” theo cách mà họ cho là vô căn cứ.
Bối cảnh ấy đặt ra cho tất cả những người trong cuộc, từ Iran đến những “bằng hữu thân thiết” Nga hay Trung Quốc, từ Anh, Pháp, Đức tới chính nước Mỹ dưới thời một tổng thống mới (được cho là ôn hòa và mềm mỏng hơn) những bài toán hóc búa. Họ đều sẽ phải xác định được cho mình một lằn ranh mong manh trong mọi hành động, để có thể không nhân nhượng hoặc để có thể đạt được điểm thỏa hiệp cần thiết và xuống thang khi đã có được điều mình cần.
Thế nhưng, trong một bầu không khí sặc mùi thuốc súng và đầy những chồng chéo lợi ích như vậy, điều duy nhất chắc chắn chỉ có thể là việc JCPOA vẫn sẽ còn là câu chuyện dài chưa nhìn thấy hồi kết. Một guồng quay có thể đi chệch quỹ đạo bất cứ lúc nào.