Hồn xưa bến lạ

Thứ Tư, 07/09/2022, 10:36

“A lô. Thứ Tư em rảnh không? Nếu rảnh thì chiều, ở rạp CGV Pasteur, anh chiếu cái phim cho bên phát hành coi. Em tham dự được thì tốt quá. Dù gì đi nữa em cũng đứng vai trò đồng sản xuất mà".

Nhận cuộc điện thoại như vậy của một người anh thân thiết, một đạo diễn điện ảnh, tất nhiên tôi làm sao có thể chối từ. Nhất là khi đã đảm nhận cái vai đồng sản xuất, chí ít mình cũng nên thể hiện trách nhiệm của mình. Chơi với anh suốt hai 20 qua, chưa có phim nào của anh mà tôi không là người xem sớm nhất, từ những bản cắt dựng đầu tiên. Huống hồ đây là một phim độc lập đầu tay của anh, một phim đen trắng với tính thách thức thị trường quá lớn, thể hiện rõ cái tính cách quyết liệt và liều lĩnh của anh, một người tài nhưng dường như đi lạc thời.

Hồn xưa bến lạ -0

Nhân anh nhắc tới cái rạp chiếu bóng ở đầu Pasteur - Lê Lợi, quận Nhất, và nhớ đến quãng dài thời gian anh và tôi gắn bó với nhau, cũng ngang bằng thời gian tôi định cư ở thành phố này, tự dưng tôi nhớ đến tiệm phở trong cái hẻm nho nhỏ kế bên cái rạp chiếu bóng đó. Nhìn đồng hồ, mới gần 9 giờ sáng, chắc giờ này tiệm vẫn còn hàng. Bao lâu rồi tôi không ghé tiệm ấy? Hỏi đã là tự thôi thúc mình. Vậy là lên xe, phở Minh trực chỉ.

Tiệm phở nằm trong con hẻm nhỏ xíu mà ngay từ đầu hẻm đã có những "cạm bẫy chết người" đủ để ngáng chân người kiếm tìm tô phở sáng. Ấy là hàng mì vịt tiềm khiêm tốn nhưng mùi vị thì không chê vào đâu được. Tôi cũng từng có lần tặc lưỡi kéo ghế ăn mì vịt tiềm thay vì cố bước vào sâu thêm chục mét nữa mà kêu tô phở và kết cục cảm thấy không ân hận vì sa ngã đó. Nhưng lần này thì gánh mì hẻm kia không đủ khuất phục tôi rồi. Nhiều năm tôi không ghé phở Minh, không phải do giận hờn, chán ngán gì, mà bởi tôi ở quá xa, nhiều khi vào được tới trung tâm quận Nhất thì đã gần trưa, tiệm hết hàng rồi. Mấy tháng nay tôi dọn về ở quận Nhất nên bữa nay mới có thể quay lại phở Minh trong một cơn sực nhớ.

Hồn xưa bến lạ -0

Vẫn bàn cũ, ghế cũ, những gương mặt cũ, dàn cửa cũ trên căn gác…., phở Minh chẳng thay đổi gì so với chính nó mà tôi đã chạm mặt hai mươi năm trước. Nhiều người sinh ra và lớn lên ở thành phố này cũng nói với tôi, phở Minh chẳng thay đổi gì so với lần đầu họ được dắt tới đó, từ những năm trước giải phóng. Nhắc tới phở ở Sài Gòn, nhiều người hay gọi tên hàng phở Dậu ở gần cầu Công Lý, nhất là cái giai thoại ông Nguyễn Cao Kỳ hay ăn sáng ở đó. Nhưng có những người đậm chất Sài Gòn thì chỉ nghĩ đến phở Minh, cái tiệm phở đúng nghĩa là hồn xưa của phở. Dòng chữ nhỏ nhắn "since 1945" trên thực đơn đủ để thuyết phục thực khách về cái giá trị hồn xưa ấy. Nó cũng như tiệm cơm tấm Trần Quý Cáp vậy. Một tiệm cơm cũng từ trước năm 1950 và vẫn nằm lòng người Sài Gòn như thế dù không cần quảng bá rầm rộ hay phô trương.

Có lẽ nếu ai muốn kiếm tìm hương vị phở của gần 100 năm trước, đúng chất phở được mang từ xứ Bắc vào Nam, họ nên đến kiếm tìm phở Minh. Tiệm phở được gây dựng bởi một gia đình di cư từ Vân Đình, Hà Đông, vẫn giữ được cái chân truyền của mình dù thời thế có đổi thay thế nào đi nữa. Cái thứ duy nhất thay đổi ở phở Minh sau tám chục năm xuất hiện ở Sài Gòn có lẽ chỉ là giá. Giá cả thay đổi là lẽ tất nhiên. Và cả dĩa giá trụng, đúng kiểu khẩu vị người miền Nam. Vị phở vẫn Bắc nhưng thêm rau giá cho đúng yêu cầu miền Nam. Thay đổi nhỏ ấy âu cũng là điều tất nhiên của cái gọi là nhập gia tùy tục.

Ăn tô phở Minh sáng nay, vẫn nhận ra vị cũ và tự dưng nhận ra cả người mới. Cái bàn ở ngay cửa ra vào, với khoảng sáu bảy khách gì đó, có một gương mặt tôi ấn tượng vô cùng dù đó là lần gặp đầu tiên ngoài đời. Đó là Ace Le, một giám tuyển nghệ thuật trẻ trung, tài năng và năng động. Anh mới vừa tổ chức triển lãm "Hồn xưa bến lạ" thu hút tới cả ngàn lượt người thưởng lãm những tác phẩm của các họa sỹ Đông Dương đời đầu như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm. Tôi lén chụp hình Ace Le, gửi riêng vào hộp thư cho anh. Giữa chúng tôi vẫn có cái hẹn sẽ ngồi với nhau ngoài đời trò chuyện. Cả hai chỉ biết nhau qua facebook nhưng sự quý mến thì luôn dành cho nhau. Nhìn Ace Le trẻ trung ngồi đó, giữa không gian cũ kỹ  của phở Minh, lại đang lắng nghe chuyện Sài Gòn xưa mà một người bạn cao niên của anh hào hứng kể, tôi liên tưởng đến cái hồn xưa mà anh mới chạm tay vào. Hồn xưa vẫn luôn ở đó, không cũ kỹ đi chút nào. Có chăng chỉ là chờ đợi người thế hệ sau tới và đánh thức. Như phở Minh đây cũng là một hồn xưa. Những ai say mê với phở có khi nào sực nghĩ "vị phở trăm năm trước thế nào nhỉ?" và rồi họ đến với tiệm phở "hồn xưa" này? Có một Ace Le và những người trẻ khác đang mê say làm giám tuyển nghệ thuật những tác phẩm xưa cũ thì bao giờ sẽ có những "giám tuyển ẩm thực" đi khơi gợi lại những hương vị đã được gìn giữ gần trăm năm như cách gia đình phở Minh gìn giữ hương vị phở cũ hoặc cái cách gia đình cơm tấm Trần Quý Cáp lưu giữ hương vị chà bông cá lóc đỉnh cao của mình…

Hồn xưa bến lạ -0

Với cá nhân tôi, phở Minh còn là một "hồn xưa" riêng tư khác nữa. Hơn 20 năm trước, hai người con trai của ông chủ phở Minh ra Hà Nội khởi nghiệp. Họ mở quán cafe nhỏ ở đường Lý Thường Kiệt, có tên Vú sữa. Tôi ghé quán ấy mỗi ngày và thân quen với cả hai anh em. Để rồi chính các câu chuyện của họ đã thôi thúc chân tôi đi về phương Nam, đi mãi. Cái quán cafe xưa ấy không còn. Các anh cũng đã về lại Sài Gòn. Phở Minh còn có cả chi nhánh được người Nhật mua lại và mở ở Nhật. Những dịch chuyển thời đại cứ ào ạt đến nhưng cái hồn xưa vẫn không mờ đi chút nào, cho dù có đôi khi, vì lý do này kia, vì bận rộn này kia, chúng ta xao lãng. Nhưng rồi sẽ có lúc, ở đâu đó, một ai đó, đủ gợi nhắc chúng ta rằng trong mọi thứ ta đang sống vẫn có một phảng phất hồn xưa nào đó, với những câu chuyện rất riêng của nó.

Chính những câu chuyện ấy mới khiến một thương hiệu tồn tại lâu dài. Chính những câu chuyện ấy mới khiến những tác giả, tác phẩm trở thành huyền thoại. Và người kể chuyện tiếp nối là ai? Nhìn lại hình ảnh của Ace Le, tôi nhoẻn miệng cười. Cuộc đời thật may mắn khi vẫn có những người trẻ mang niềm mê say hồn xưa như thế. Những thứ họ gìn giữ không phải cho riêng mình và không cần phải khẩu hiệu hóa lên như một sứ vụ lớn lao nào.

Hà Quang Minh
.
.
.