Những “mảnh vỡ” văng đi từ Ukraine…

Thứ Sáu, 25/03/2022, 10:27

Chiến dịch quân sự  của Nga tại Ukraine những ngày qua khiến nhiều khu vực của đất nước này “vỡ vụn”. Đã và đang có một cuộc di cư khổng lồ của người dân tới các nước lân cận trong đó có cộng đồng người Việt. Họ như những mảnh vỡ li ti bị đạn bom làm văng đi tứ tán. Thật may mắn, những “mảnh vỡ” ấy đã không vụn hơn, khi được sự đùm bọc, cưu mang của nhiều người…

Cuộc tháo chạy xuyên biên giới

4 giờ sáng một ngày cuối tháng 2-2022 tại thành phố biển Odessa, Ukraine, tiếng súng bất ngờ dội lên phá tan bầu không khí yên tĩnh. Anh Lương Xuân Hòa (sinh năm 1978) và vợ vội vàng khoác thêm áo ấm, định bế cô con gái hai tuổi rưỡi chạy xuống hầm trú ẩn. Nhìn con đang say giấc, anh không nỡ ôm con chạy ra ngoài trời lạnh âm độ. Tiếng súng ngớt, anh Hoà dằn lòng để cho con ngủ. Đã mấy ngày đêm kể từ khi quân đội Nga tấn công vào Ukraine, lúc nào anh chị cũng trong tâm trạng lo âu, thấp thỏm như vậy. Kinh hoàng trước cuộc chiến tranh quá bất ngờ và khốc liệt, nhiều người dân đã di tản khỏi khu vực bom đạn này. Muốn rời đi nhưng vì con còn nhỏ nên anh Hoà cứ nấn ná.

Những “mảnh vỡ” văng đi từ Ukraine… -0
Đoàn người chạy nạn xếp hàng qua biên giới ở Lvov, Ukraine.

Cho đến ngày 1-3, nhận thấy ở lại Odessa rất nguy hiểm nên anh Hoà quyết định tìm đường sang Đức. Ngôi nhà anh chị thuê để ở đành khoá cửa, mấy tháng lương làm ở xưởng may chưa kịp lấy, anh phải nhờ người thân ở Việt Nam gửi tiền sang để kịp đi sơ tán. Chen chúc ra ga tàu đông nghịt người, anh Hoà mua được vé khởi hành ngày 4-3. Nhưng sáng sớm ngày 2-3, anh Hòa lại ra ga mong mua được vé sớm hơn. May mắn, anh Hòa mua được vé khởi hành ngay chiều hôm đó. Hai vợ chồng anh, mỗi người mặc một bộ quần áo trên người và một bộ dự phòng. Đồ đạc mang theo tất cả dành cho con, từ bỉm sữa, đồ ăn thức uống đến thuốc men. 14 giờ tàu khởi hành từ Odessa và đến 3 giờ sáng ngày 3-3 xuống tới thành phố Lavov gần biên giới. Ga chật cứng người, ai cũng vội vàng, anh Hòa muốn thuê một chỗ nghỉ tạm cho vợ con đỡ mệt mà cũng đành bó tay.

Giữa đêm, đoàn 15 người phải đứng ngoài trời chờ đợi và tự liên hệ thuê xe ôtô. Sang ngày hôm sau họ vẫn tiếp tục chờ đợi. Tuyết rơi trắng xoá, nhiệt độ -2oC khiến các cháu nhỏ vừa lạnh vừa đói, gào khóc không ngớt. Đôi chân lạnh cóng không còn cảm giác, có vài người đánh rơi giày lúc nào không hay. Một không khí mệt mỏi, lo lắng bao trùm. Nghĩ đến hàng hóa, nhà cửa ở lại phía sau, ai cũng tiếc xót và bất lực đến trào nước mắt. Cô con gái của anh Hòa thỉnh thoảng lại hỏi những câu ngây thơ khiến cả đoàn đều thương vì con quá bé nhỏ.

Đến tận 17 giờ 30 ngày hôm sau, gia đình anh Hòa mới thuê được ôtô chở ra biên giới. Thêm hai giờ di chuyển, xe đến đến biên giới Ukraine thì dừng lại. Cả đoàn lại đứng xếp hàng dưới trời mưa tuyết từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ mới làm xong thủ tục biên phòng của Ukraine. Sang biên giới Ba Lan, họ được đứng trong nhà ấm áp, thời gian làm thủ  tục cũng nhanh hơn. Vào đến đất Ba Lan, đoàn được cảnh sát và người dân ở đây đưa về một khu lán trại nghỉ tạm vài tiếng, được phát bánh, sữa và nước. Sau đó, cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình sang Cộng hòa Séc bằng ôtô.

Chiều ngày 4-3, vợ chồng anh Hòa sang tới thủ đô Praha, vào khu chợ Sapa. Bước chân vào quán Đông Đô – một nhà hàng của người Việt, vợ chồng anh định ăn tạm chút gì cho đỡ đói. Khi biết anh chị từ Ukraine đi chạy nạn, người quản lý nhà hàng đã khóc. Bữa ăn đó, ông nhất định không lấy tiền. Sau ba ngày ở Séc, gia đình anh Hòa đến biên giới Đức và đi tàu tới Muenchen. Tại khu tiếp nhận Maria-Probst.14, anh chị được phân một phòng riêng để ở. Đến ngày 14-3, tất cả đoàn đã nhận được giấy tờ tạm trú một tháng do chính quyền Muenchen cấp. May mắn trong suốt cuộc đi, con gái anh Hòa hoàn toàn khỏe mạnh. Giờ thì họ đã ở quá xa Ukraine, khói lửa chiến tranh đã lùi lại phía sau mình…

Tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương – Kiều bào Việt Nam tại Đức: “Bà con cố gắng thích nghi, hòa nhập với cuộc sống mới ở Đức”

“Kí ức tuổi thơ của một đứa bé chưa đầy 5 tuổi là tôi về những ngày chiến tranh ở Huế năm 1968 lại ùa về, khi hôm nay tôi nhìn thấy các em nhỏ người Việt, người Ukraine ngơ ngác, phờ phạc sơ tán chiến tranh về đây. Lúc này, bà con rất hoang mang, lo lắng, rất cần điểm tựa tinh thần. Tại khu tiếp nhận người chạy nạn Maria-Probst-Str 14., tôi là trưởng nhóm thông dịch hỗ trợ người Việt, được chính quyền Muenchen và Oberbayern cho phép đến hỗ trợ bà con.

Những “mảnh vỡ” văng đi từ Ukraine… -0
Tiến sĩ Trương Quí Hoàng Phương xúc động khi những đứa trẻ khoe bức vẽ quốc kì Ukraine

Người chạy nạn chiến tranh sang Đức ban đầu được sắp xếp ở các khu tạm cư do chính quyền địa phương quản lý, được phục vụ ăn uống hàng ngày. Hiện tại, việc giải quyết thủ tục giấy tờ đang quá tải, nhiều gia đình đang trông ngóng từng ngày. Bà con hãy yên tâm và tranh thủ thời gian tham gia các lớp học tiếng Đức miễn phí dành cho người lánh nạn. Hãy cho con em mình làm quen với cuộc sống ở đây. Sau khi có giấy tờ ổn định thì hãy tìm việc làm. Để thích nghi, hòa nhập với cuộc sống ở Đức, rất cần một tâm thế ổn định lâu dài. Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức buổi họp mặt các gia đình và lập nhóm người Việt từ Ukraine sang Đức. Trẻ nhỏ sẽ được học tiếng Việt, tiếng Đức miễn phí để có thể theo học ở đây. Tôi hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng để bà con được hỗ trợ tốt nhất.

Trong đợt chạy nạn này, không chỉ người Việt mà còn rất nhiều người Ukraine phải rời bỏ đất nước mình. Những em bé Ukraine còn thiệt thòi hơn khi cha các em không được rời khỏi Ukraine. Không nhà, không có chồng ở bên, rất nhiều phụ nữ Ukraine phải một mình chống chọi nghịch cảnh. Ánh mắt buồn thảm, gương mặt trắng bệch của những phụ nữ Ukraine luôn ám ảnh tôi. Thật cảm động khi nhiều bà con mình ở trong và ngoài nước đã gửi tiền giúp đỡ cả người Việt và người Ukraine. Có gia đình người Việt từ Ukraine sang lánh nạn ở Đức cũng gửi tiền ủng hộ người Ukraine chạy loạn.

Khu tạm cư Schleissheimerstrasse ở số 510 Muenchen mới được xây dựng để hỗ trợ cho người dân Ukraine chạy nạn sang Đức. Tôi là đại diện nhận hỗ trợ của người Việt cho bà con Ukraine ở đây. Nhìn những em nhỏ Ukraine tóc bù xù sau một cuộc di chuyển xa, chúng tôi đã mua rất nhiều kẹp tóc và dây buộc tóc đến cho bọn trẻ. Thấy tụi nhỏ buồn thiu, ngơ ngác, tôi nghĩ cần phải an ủi các em. Giấy vẽ, bút màu và đồ chơi chúng tôi mang đến đã khiến bọn trẻ quên đi hoàn cảnh hiện tại. Có bốn cháu bé chạy lại phía tôi hớn hở khoe bức vẽ. Thật ngạc nhiên, trên bốn tờ giấy đều là hai mảng màu xanh - vàng của quốc kì Ukraine. Bất giác, tôi thấy cay nơi sống mũi. Thì ra các cháu đều hiểu được hoàn cảnh hiện tại, đều nhớ quê hương. Tụi nhỏ xứng đáng được hưởng hòa bình, được trở về ngôi nhà thân yêu, được học hành, vui chơi. Tôi mong mỏi điều đó vô cùng.

Trên khắp nước Đức, bà con kiều bào chúng tôi đang ngày đêm hỗ trợ đồng bào. Mới đây thôi, chị Nguyễn Bảo Ngọc – kiều bào Việt Nam ở Rostock (phía bắc Đức) đã viết nên câu chuyện đầy xúc động. Ngày 8-3, chị Ngọc đã gặp gia đình chị Lan Anh trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Người phụ nữ này mang bầu sắp đến ngày sinh, vừa cùng chồng và ba con từ Ukraine đi năm ngày năm đêm sang Đức trong tình thế gấp gáp vì dự kiến ngày 29-3 chị sẽ sinh con. Chị Ngọc đã đưa cả nhà chị Lan Anh về ở nhà mình. Chưa hề có kinh nghiệm hỗ trợ người từ nước khác sang lánh nạn tại Đức, vợ chồng chị Ngọc đã gọi điện khắp nơi để hỏi thủ tục làm giấy tờ. Tôi và một số bà con ở Đức đã hướng dẫn chị Ngọc lo giấy tờ tạm cư cho gia đình chị Lan Anh và tìm cách đưa thai phụ đi khám bác sĩ.

Thật mừng khi mọi thủ tục đều thuận lợi và nhanh chóng. Gia đình chị Lan Anh đã có giấy tờ, được nhận tiền trợ cấp xã hội, được phép tìm nhà ở do chính quyền trả tiền. Ngoài ra còn được hỗ trợ kinh phí mua giường, xe đẩy, quần áo cho trẻ em. Và điều may mắn hơn là chị Ngọc đã xin được giấy đi khám thai cho mẹ bầu ngày 16-3. Bác sĩ chẩn đoán thai phụ trong tình trạng nước ối ít và tim thai kém, lập tức cho nhập viện và sinh sớm. Ngày 17-3, một bé gái nặng 2,9kg đã chào đời trong niềm hạnh phúc của rất nhiều người. Chị Ngọc vẫn vào viện chăm sóc mẹ con chị Lan Anh và cưu mang cả nhà chị ấy tại nhà mình. Ở mảnh đất mới, một mầm sống đã vươn lên mạnh mẽ”.

“Tại sao phải ra đi hả ba?”

“Đêm ngày mùng 1-3, sau khi quyết định bỏ lại tất cả để chạy nạn, tôi giục hai con trai sắp xếp đồ đạc lên đường. Tại sao phải ra đi hả ba, con tôi hỏi. Dường như các con tôi chưa hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh. Sau khi nghe tôi giải thích, chúng buồn thiu khi phải rời xa ngôi nhà thân yêu”, anh Phạm Tuấn Anh nhớ lại những giây phút cuối trước khi rời nhà ở thành phố Kharkov – miền Đông Ukraine sang Đức.

Những “mảnh vỡ” văng đi từ Ukraine… -0
Kiều bào Việt Nam từ Ukraine trong trại tiếp nhận Maria-Probst-Str.14 Muenchen, CHLB Đức.

Năm nào cũng vậy, tháng 2-3 là thời vụ làm ăn sôi động của bà con người Việt ở Ukraine. Bao nhiêu vốn liếng, anh Tuấn Anh và bà con ở đây đều dồn vào để nhập các loại hàng hóa như vải  vóc, quần áo, giày dép. Đúng lúc ấy thì tiếng súng vang lên khiến dân chúng hoang mang và nhốn nháo. Tổ bảo vệ làng người Việt trong đó có anh Tuấn Anh phải cắt cử người canh gác, đề phòng trong lúc hỗn loạn sẽ xảy ra trấn cướp. Đến bữa cơm, vừa bưng bát cơm thì có tiếng bom, lại chạy. Thương các con, anh chị quyết định cất bước ra đi khi chưa kịp thu gom chút vốn liếng nào.

Con trai lớn của anh năm nay thi đại học giờ cũng đành ngậm ngùi bỏ dở ước mơ vào ngành y. Hai con trai đeo hai balô nhỏ sau lưng, thêm chiếc vali nhỏ để thuốc men, quần áo cho con gái út bốn tuổi, anh Tuấn Anh chỉ có bộ quần áo trên người. Cả nhà xuất phát từ ngày 2-3 lên đến Lvov, sau đó họ cùng một gia đình khác thuê xe ôtô 10 chỗ ra biên giới, nơi từng đoàn người đang xếp hàng chờ đợi. Cô con gái bé nhỏ cứ nằng nặc đòi về nhà khiến anh chị càng day dứt. Sang đến Ba Lan, đoàn được đưa vào nghỉ hai ngày ở chùa Nhân Hòa – một ngôi chùa của cộng đồng người Việt. Sau đó, cả đoàn lên tàu sang đến Đức ngày 7-3 và được sắp xếp vào khu tạm cư.

 Được sự giúp đỡ của anh Trương Quí Hoàng Phương và nhóm tình nguyện, cả đoàn nhanh chóng được làm thủ tục và mấy hôm sau đã nhận được giấy tờ tạm trú. Hiện tại, các con anh Tuấn Anh đã được học tiếng Đức miễn phí. Rất mừng vì hai con trai của anh đang tích cực làm thông dịch cho người dân lánh nạn và hỗ trợ bà con Ukraine trong khu tạm cư. Ở một vùng đất mới, bắt đầu một ngôn ngữ mới, anh hy vọng cuộc sống sẽ dần ổn định.

8 năm hai lần chạy loạn

“Trong suốt cuộc hành trình 7 ngày đi qua 6 quốc gia từ Ukraine sang đến Đức, chúng tôi cảm thấy thật tự hào, vì chỉ cần nói mình là người Việt Nam từ Ukraine đến, lập tức được người dân các nước quý mến, giúp đỡ rất nhiều”, với chị Phạm Thị Ngoan và chồng chị là anh Lương Quốc Thắng, đó là niềm an ủi lớn trên hành trình xa thẳm.

Những “mảnh vỡ” văng đi từ Ukraine… -0
Một tình nguyện viên chuyển trái cây cho các gia đình trong khu tạm cư .

Cuộc ra đi này không phải là lần di chuyển đầu tiên. Bởi trước đây gia đình chị Ngoan ở thành phố Donetsk. Năm 2014 nơi đây biến thành chảo lửa khi xảy ra xung đột vũ trang giữa các lực lượng li khai với Chính phủ Ukraine. Bỏ lại nhà cửa, tài sản, gia đình chị chạy loạn xuống thành phố Odessa. Cứ nghĩ đi một vài tuần rồi sẽ quay về, mà mãi mãi họ không thể trở lại nơi đó. Ở vùng đất mới, anh chị được bạn bè giúp đỡ gây dựng lại từ đầu. Sau 8 năm, khi cuộc sống ở nơi mới ổn định thì lại một lần nữa phải ra đi vì chiến tranh. Lần này, không phải là cuộc chạy ngắn trong lãnh thổ Ukraine, mà là một hành trình đằng đẵng đến nước Đức xa xôi bằng chính chiếc xe ôtô của gia đình chị.

Buổi tối cuối tháng 2-2022, cả nhà chị Ngoan còn sum vầy trong căn nhà ấm áp, bảo nhau rằng lần này không chạy loạn nữa mà sẽ bám trụ lại nơi đây. Nhưng khi thấy hàng xóm rục rịch rời đi thì chị lại hoang mang. Vậy là ngày hôm sau, vợ chồng chị và hai con quyết định sẽ ra đi bằng ôtô của gia đình.

Xe tiến dần về biên giới Ukraine – Moldova. Mười mấy cây số đường đến biên giới tắc cứng ôtô chạy loạn. Chỉ còn cách biên giới 5km mà đi một đêm không đến nơi. Có lúc ôtô nằm im suốt hai tiếng mới nhích được vài mét. Đêm ấy, cả nhà chị Ngoan thay phiên nhau trực để nhích xe đi. Chị Ngoan bảo, lúc ấy chỉ cần chị hoặc chồng chị thốt lên: “Quay lại thôi”, thì có lẽ gia đình chị đã quay xe lại vì chờ đợi quá mệt mỏi. Nhưng cuối cùng thì họ vẫn đủ kiên nhẫn tiến về phía trước.

Sang đến đất Moldova, xe thẳng tiến tới biên giới Romania. Một gia đình Romania tốt bụng đã cho nhà chị Ngoan ngủ nhờ. Họ chuẩn bị đồ ăn thức uống rất chu đáo, còn mua sim thẻ để chị gọi điện về cho người thân ở Việt Nam. Họ giữ gia đình chị ở lại nhưng anh chị cũng chỉ ở đó một đêm. Cả nhà túc tắc dò đường trên google map và chạy sang Hungary, rồi sang Áo và chạm đất Đức ngày 7-3.

Hiện tại, nhà chị Ngoan đã được vào ở trong khu tạm cư tại một vùng quê yên bình, thoáng sạch cách Muenchen vài chục cây số. Xe ôtô của gia đình chị giờ đây phát huy tác dụng khi trở thành phương tiện vận chuyển đồ đạc, lương thực thực phẩm cho cả đoàn. Nhìn các con có chỗ ăn chỗ ở, được đi lại, vui chơi, lòng chị Ngoan vơi bớt những âu lo.

Biết ơn những người đã giúp đỡ mình

33 năm gắn bó với đất nước Ukraine, có lẽ đây là lần về nước đặc biệt nhất của anh Nguyễn Thế Châu ở Hà Nội trên chuyến bay đầu tiên giải cứu bà con được nhà nước tổ chức ngày 9-3 từ Ba Lan. Mùng 10-3, hai bố con anh Châu đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài, không hành lí, không quà cáp, không tiền bạc. Nhưng điều an ủi lớn là cả gia đình anh được đoàn tụ, những giọt nước mắt lăn dài sau bao nhiêu lo lắng và trông mong. Anh luôn biết ơn rất nhiều người đã giúp anh có cuộc trở về này.

Những “mảnh vỡ” văng đi từ Ukraine… -0
Bà con Việt Nam từ Ukraine chạy nạn tới ga Muenchen, CHLB Đức.

Dù đã về đến Việt Nam, nhưng anh Châu vẫn nhớ cuộc sống và nhịp làm việc ở thành phố Kharcov – nơi có đến một nửa số kiều bào Việt Nam ở Ukraine sinh sống. Ngay cả trong Chiến tranh thế giới thứ 2 thì thành phố cổ xinh đẹp này vẫn nguyên vẹn, vậy mà giờ đây bỗng chốc trở nên tiêu điều trong khói lửa chiến tranh. Sau đêm 24-2 khi Tổng thống Nga phát động chiến tranh, người dân ở Kharcov trong đó có anh Châu đều nghĩ rằng sự việc không đến nỗi nghiêm trọng. Nhưng ngay sau đó chiến sự mở rộng dần, bà con kéo nhau đi di tản. Thật khó có thể diễn tả tâm trạng của bà con người Việt ở Kharcov khi buộc phải rời đi. Một nỗi trống rỗng, chông chênh khi bỏ lại toàn bộ tài sản, nhà cửa, hàng hóa mà không hề biết phía trước như thế nào. Điều mà anh Châu tiếc nhất là cậu con trai út của anh đang học thạc sĩ cũng đành bỏ dở.

Bố con anh Châu cùng một nhóm người Việt 14 người rời khỏi vùng chiến sự  từ ngày 2-3 và tiến ra ga tàu. Một khung cảnh chen lấn, xô đẩy hỗn loạn. Phải khó khăn lắm cả nhóm mới lên được tàu cứu trợ. Đặt chân lên tàu là coi như thoát chết, cả nhóm ôm lấy nhau mừng khôn tả. Những đợt bắn phá vẫn bám theo dòng người tản cư. Nhiều lúc chớp lửa và tiếng nổ vang lên ngay cạnh đường ray. Tàu phải tắt điện và chạy trong bóng tối. Ngồi trên tàu, bố con anh Châu nín thở lo âu.

Sau 8 tiếng ngồi tàu thì đoàn người xuống đến vùng biên giới Ba Lan. Đêm ngày 3-3, trời lạnh -9oC, người già trẻ nhỏ xếp hàng nhích từng chút một, 3 giờ sáng mới làm xong thủ tục xuất cảnh. Buồn nhất là trong nhóm có 4 cháu nam thanh niên Việt Nam có quốc tịch Ukraine không thể qua được biên giới. Thời điểm đó Ukraine có quy định cấm tất cả đàn ông có quốc tịch Ukraine từ 18-60 tuổi ra khỏi biên giới, trở thành lực lượng dự bị tham gia cuộc chiến. Qua cửa khẩu Ba Lan, đoàn được bà con người Việt và người Ba Lan giúp đỡ tận tình. Sau đó, họ được đưa đến thủ đô Wacsava để làm thủ tục bay về nước. Kể từ lúc ra ga tàu rời đi đến khi đặt chân đến Ba Lan, bố con anh Châu đã trải qua 3 ngày 3 đêm không ngủ, phải di chuyển liên tục.

Về Việt Nam được một tuần thì anh Châu nhận được tin dữ. Khu chợ Barabashova, nơi tập trung hàng hóa, tài sản của bà con người Việt ở Kharkov trúng tên lửa Nga, chìm trong biển lửa. Vậy là niềm hy vọng cuối cùng của rất nhiều bà con bỗng chốc tiêu tan. Qua các phương tiện truyền thông, nhìn lửa cháy ngùn ngụt thiêu rụi khu chợ, anh Châu như đứt từng khúc ruột. Anh vẫn luôn mong mỏi chiến tranh kết thúc sớm, anh sẽ quay lại Ukraine. Và khu làng Thời Đại – nơi sinh sống của người Việt ở Kharcov sẽ vẫn vẹn nguyên để đón bà con trở lại.

Huyền Châm
.
.
.