Syria tiếp tục nung nóng quan hệ Nga - Mỹ

Thứ Tư, 12/10/2016, 19:04
Trong vòng một năm qua, chiến dịch không kích của Nga tại Syria đã lấy đi mạng sống của gần 10.000 người, khiến hàng chục ngàn người rời bỏ nhà cửa và tàn phá nhiều khu vực trên diện rộng.

Nga cũng trở thành tâm điểm chỉ trích sau hầu hết các cuộc không kích ở phía đông thành phố Aleppo hai tuần qua, khiến nhiều dân thường thiệt mạng và cơ sở hạ tầng bị phá huỷ. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá Nga đã góp phần ổn định tình hình quân sự và chính trị tại Syria, cũng như củng cố vị trí của chính quyền hợp pháp tại quốc gia này. 

Hiện nay, Nga đang củng cố căn cứ không quân ở Syria bằng cách triển khai nhiều máy bay ném bom và sẵn sàng gửi thêm máy bay tấn công mặt đất. Nhờ sự trợ giúp của Nga, lực lượng Chính phủ Syria hiện đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ quốc gia này.

Những diễn biến mới

Thời gian gần đây, quân đội Syria liên tục siết chặt vòng vây phiến quân ở Aleppo. Binh sĩ quân đội Syria và đồng minh trong những ngày qua đã giành lại nhiều khu vực từ các nhóm khủng bố ở những vùng ngoại ô, phía bắc thành phố Aleppo, và sẵn sàng cho một bước tiến lớn là hoàn thành cuộc bao vây phiến quân. 

Lực lượng Chính phủ Syria đã đánh bật những kẻ khủng bố Jeish al-Fatah ra khỏi khu vực Al-Shaqif, và bắt đầu hoạt động càn quét phiến quân ở những khu vực vừa được giải phóng. Khu vực Al-Shaqif bây giờ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Syria và các tay súng ủng hộ chính phủ.

Các cuộc không kích ở phía Đông thành phố Aleppo hai tuần qua đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng và cơ sở hạ tầng bị phá huỷ nghiêm trọng.

Sau khi gặt hái được những chiến thắng vang dội trong việc giải phóng Al-Shaqif, Bệnh viện Al-Kandi và trại Handarat từ lực lượng phiến quân, binh lính quân đội Syria đang thắt chặt vòng vây những kẻ khủng bố bị mắc kẹt ở các quận phía đông thành phố Aleppo. 

Trước đó, vào ngày 2-10, Bộ chỉ huy tối cao quân đội Syria kêu gọi toàn bộ phiến quân có vũ trang tại phía đông Aleppo rời khỏi các khu vực này và trả lại cuộc sống bình thường cho người dân nơi đây. Theo đó, quân đội Nga và Syria sẽ đảm bảo đường đi an toàn cho các phiến quân và cung cấp viện trợ cần thiết.

Theo nhiều phân tích, chính Nga đã “lật ngược” xu hướng hỗn loạn tại Syria và giúp ngăn chặn lực lượng cực đoan mở rộng vùng kiểm soát hòng cướp chính quyền tại Syria. 

Trong một động thái mới nhất, Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến đến Syria lần đầu tiên, cho thấy Moscow đang tăng cường hoạt động quân sự nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Giới chức Nga cho biết, hệ thống vũ khí mới có khả năng đối phó với bất kỳ cuộc tấn công tên lửa hành trình nào của Washington trên lãnh thổ Syria.

Một số nguồn tin thân cận cho hay, các bộ phận của hệ thống chống tên lửa và máy bay SA-23 Gladiator, có tầm bắn xa khoảng 250km, đã được chuyển đến một căn cứ hải quân Nga ở thành phố Tartus (Syria) bên bờ Địa Trung Hải đầu tháng 10 vừa qua. 

Không những thế, Nga còn triển khai những lực lượng mặt đất thiện chiến nằm ngoài biên chế quân đội Nga, đó là “quân đoàn Slav” tác chiến dưới sự chỉ huy chung của Nga - Syria. Số lượng của quân đoàn Slav có thể tăng nhanh theo tình hình.

Bước đi trên diễn ra sau sự sụp đổ của lệnh ngừng bắn và các cuộc thảo luận trực tiếp về cuộc khủng hoảng ở Syria giữa Nga và Mỹ bị hoãn. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3-10 tuyên bố đình chỉ hiệp ước loại bỏ plutonium dư cấp độ vũ khí với Washington, và cho biết Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ lực lượng vũ trang Syria chống khủng bố. 

Trong trường hợp cần thiết, Nga sẽ tăng cường mạnh mẽ hỏa lực cho lực lượng vũ trang Syria, trong bối cảnh Mỹ có thể cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ôn hòa ở nước này.

Những tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ cáo buộc Moscow và Damascus quyết tâm đi theo “đường lối quân sự” là tín hiệu gửi tới lực lượng khủng bố rằng chúng có thể đẩy mạnh hoạt động và kỳ vọng vào sự giúp đỡ của Washington. 

Vì thế, quân đội Nga đã sẵn sàng cho kịch bản này. Bộ quốc phòng Nga đã soạn thảo kế hoạch tổng thể bao gồm các biện pháp chính trị - quân sự tại Syria cũng như ngoài biên giới của nước này để ứng phó nếu cần thiết.

Căng thẳng gia tăng

Mâu thuẫn giữa Nga - Mỹ về vấn đề Syria vẫn chưa hết căng thẳng. Moscow đã cáo buộc Washington phá hoại thỏa thuận ngừng bắn Syria, và cho phép các nhóm khủng bố tập hợp lực lượng và bổ sung dự trữ. 

Cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bày tỏ thiện chí bình thường hóa tình hình ở Aleppo.

Đã đến lúc Mỹ phải công khai thừa nhận về việc Mỹ nuôi dưỡng và dung túng lực lượng đối lập tại Syria, phát triển thành một chi nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda - nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra. Vì vậy, phía Nga cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ cuộc tấn công khủng bố mới nào tại quốc gia Trung Đông này.

Phản ứng sau khi Mỹ hoãn hợp tác về vấn đề Syria, Nga cho rằng Mỹ chưa bao giờ gây áp lực thực sự lên nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra, không có kế hoạch tấn công cũng như hành động chống lại các phần tử này. Theo đó, Washington sẵn sàng “thỏa hiệp với ác quỷ”. 

Ngoài việc hoãn thảo luận, Washington còn cản trở nỗ lực của Moscow ngăn chặn những kẻ khủng bố. Moscow cho rằng, mọi hành động của Washington phản chiếu sự bất lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho sự hợp tác Nga - Mỹ trong tiến trình hòa bình Syria.

Căng thẳng giữa Mỹ và Nga dâng cao kể từ sau khi lệnh ngừng bắn ở Syria, do hai nước làm trung gian, bị phá vỡ hồi tháng trước. Các bên liên tục đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận. 

Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 4-10, Ngoại trưởng John Kerry cho biết Mỹ không từ bỏ việc theo đuổi hòa bình ở Syria sau khi Nhà Trắng thông báo ngừng cuộc đàm phán với Nga về việc khôi phục một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Ông Kerry nêu rõ, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực tìm giải pháp để chấm dứt chiến tranh tại Syria, đồng thời theo đuổi một thỏa thuận chấm dứt thù địch có ý nghĩa, có thể kiểm chứng và thực thi ở Syria.

Mỹ nhiều lần tỏ thái độ quan ngại và giận dữ trước những vụ tấn công vô tội vạ vào dân thường của lực lượng Chính phủ Syria và đồng minh Nga. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn tại Syria sụp đổ, Mỹ đang nghiên cứu các giải pháp, cùng phối hợp với các quốc gia khác hoặc hành động một mình nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Syria, trong đó có các phương án kinh tế, tình báo, quân sự và ngoại giao.

Tuy nhiên, phía Nga đã đáp trả bằng lời cảnh báo Mỹ sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng” trên toàn khu vực Trung Đông nếu tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Chính phủ Syria. 
Nga lần đầu tung “hàng nóng” đến Syria để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công tên lửa hành trình nào của Washington.

Thay đổi chế độ ở Syria sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực và lỗ hổng đó sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi khủng bố. Việc Mỹ ngừng đối thoại với Nga nhằm duy trì lệnh ngừng bắn tại Syria sẽ làm tình hình ở quốc gia này thêm phức tạp; tuy nhiên, Nga sẽ vẫn tiến hành những kế hoạch riêng trong việc chống khủng bố và hỗ trợ quân đội Syria chống khủng bố.

Trong cuộc chiến ở Syria, nhiều chuyên gia nhận định có khả năng Mỹ sẽ tính tới con bài “áp đặt vùng cấm bay” trên Syria. Mỹ đã thực hiện thành công áp đặt vùng cấm bay ở Iraq, Lybia và Afghanistan theo các bước này. Tuy nhiên, tại Syria thì… không. 

Hệ thống phòng không của Syria là do Nga đảm nhiệm hợp pháp. Do đó áp đặt vùng cấm bay tại Syria là đối đầu trực tiếp với Nga. Nga cũng như Mỹ chỉ có thể cấm người khác chứ không một quốc gia nào, liên minh nào có khả năng cấm bay Nga hay Mỹ. Vì vậy, chỉ khi nào Mỹ loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng không của Nga tại Syria thì mới có thể áp đặt được vùng cấm bay trên Syria.

Tất nhiên khi đó Nga sẽ không ngồi nhìn. Có thể nói, nếu Mỹ hành động để thiết lập vùng cấm bay trên Syria là tuyên bố chiến tranh với Nga. Một loạt động thái điều binh của Nga đã chứng tỏ Nga sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất. 

Lần đầu tiên, Nga đã triển khai một hệ thống bắn tên lửa ở Syria, để chặn các cuộc tấn công tên lửa hành trình của Mỹ và liên quân. Dù vậy, tất cả chỉ mới dừng lại ở những suy đoán. Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu thay đổi chiến lược tại Syria, thể hiện qua cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov mới đây. 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cuộc điện đàm nói trên tập trung vào vấn đề bình thường hóa tình hình ở Aleppo, và hai bên đều có thiện chí bày tỏ mong muốn “không sử dụng bạo lực… quá nhiều”…

Trần Quân
.
.
.