Lũ lụt dưới góc nhìn quản trị thảm họa

Thứ Ba, 01/11/2016, 16:03
Cơn lũ miền Trung qua đi, để lại những thiệt hại nặng nề về người và của, và để lại những nghĩ suy. Với một quốc gia nhiệt đới, quá quen thuộc với thiên tai, những thiệt hại này nhẽ ra có thể tránh được nếu chúng ta có một chiến lược quản trị thảm họa đúng đắn.

Bạn với thiên nhiên

Xét ở góc độ văn hoá – lịch sử, mối quan hệ của người Việt đối với thiên tai là một mối quan hệ khá đặc biệt, từ chiều hướng chống chọi, đến thích nghi – thích ứng. Truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, về bản chất là một cách dân gian cố giải thích nguồn gốc của cuộc trị thuỷ của người Việt.

Hằng năm, dù Thuỷ Tinh hung hãn cho nước dâng làm chết nhiều dân, nhưng Sơn Tinh vẫn luôn chiến thắng. Là một quốc gia xứ nhiệt đới, sự cực đoan của thiên nhiên gắn liền với người dân Việt như bóng với hình. 

Bằng kinh nghiệm ứng biến với thiên nhiên, và lường đoán thảm hoạ, trong việc tổng kết các nguy cơ thường xảy ra thảm hoạ, người Việt có câu: “Thuỷ, hoả, đạo, tặc”, xem nước – “thuỷ” (lũ lụt, bão tố…) là nguy cơ, đại hoạ đầu tiên. 

Sau hàng ngàn năm mòn mỏi chống chọi với giặc nước, ngày nay xuất hiện tư duy ứng biến linh hoạt hơn: “sống chung với lũ”, xem lũ là một hiện tượng thiên nhiên thường gặp, và sống cùng với nó. Người Việt dành sự tinh khôn của mình vào  việc quan sát để rút ra những chiêm nghiệm về thế giới thiên nhiên, để nắm thế chủ động ứng biến với thảm hoạ:

“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”

Hay

“Đầu măng ngã gục vào hè
Nương nhờ vào mẹ kẻo e bão về”.

Khi tham dự các hội thảo quốc tế, đồng nghiệp ngoại quốc của tôi thường hỏi câu này: Lý do sâu xa nào, trong lịch sử, người Việt có thể đánh bại các đế chế ngoại bang hùng mạnh? 

Dưới góc nhìn của mình, tôi trả lời các bạn ấy rằng, có lẽ do dân tộc chúng tôi được sinh ra bên một bờ eo nhiệt đới của Đông Nam Á – Thái Bình Dương, nơi dồn tụ những sự cực đoan của thiên nhiên – thời tiết. Thiên nhiên dạy cho chúng tôi cách phải sinh tồn. Có lẽ ý chí quật cường của người Việt được hun đúc trước hết qua những cuộc cựa mình chống lại thiên nhiên.

Bởi vậy, không ngoa khi nói rằng, có lẽ dân tộc Việt là một trong những dân tộc ứng biến giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất với sự “trái tính trở trời” của thời tiết. Ấy vậy mà tại sao vẫn có nhiều người chết mỗi năm vì bão lũ? Và sự việc này mỗi năm đều xảy ra và quen đến mức có thể khiến ta nghĩ rằng đó là việc có thể “chấp nhận được”? 

Sau ngập lụt, bờ biển Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) ngập đầy cảnh cây rác thải. Ảnh: Nguyễn Đông.

Hay ở một đất nước, mỗi ngày có hàng trăm người chết vì tai nạn giao thông, nên số người chết trong bão lũ như vậy không “gây được sự chú ý” đối với chúng ta? Nếu vậy, có lẽ cần phải đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc: Với kho tàng kinh nghiệm dồi dào đó, kết hợp với những kỹ năng kĩ trị thảm hoạ hiện đại, lẽ ra chúng ta có thể hạn chế được sự trắc trở của thiên nhiên.

Ở những nước có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như Israel, Nhật Bản… họ luôn tìm cách để hạn chế tai ương từ thiên nhiên bằng cách phát minh ra những cách thức chống chọi với nghịch cảnh. Bởi vậy, Israel dù đất chật, thời tiết khắc nghiệt đối với cây trồng… nhưng họ lại trở thành quốc gia số 1 thế giới về làm công nghiệp trong nông nghiệp.

Nỗi lo nhân tai

Điều trớ trêu hiện nay là những thiệt hại mà người dân phải hứng chịu có vẻ như đến từ… con người. Trong một cuộc trò chuyện với các nhà khoa học quốc tế, tôi từng nói rằng, nhẽ ra Việt Nam là một cường quốc trong việc sáng chế các giải pháp công nghệ chống lại các thảm hoạ thiên nhiên. 

Thiên nhiên đặt chúng tôi vào thế cần phải nghĩ ra các “phương thuốc đặc trị” để xử lý “bệnh cảnh” này. Tuy nhiên, để đến được tương lai đó, có lẽ chúng tôi cần nhìn nhận lại những yếu kém hiện tại…

Để quản trị bất cứ khủng hoảng nào, điều quan trọng hàng đầu là cần biết “tính cách”, “đặc điểm”, “quy luật” của nó. Biết thiên tai ở Việt Nam thường mang tính quy luật (vậy nên mới có mùa gọi là “mùa bão”), nhưng sự quản trị các thảm họa này rất kém. 

Hệ thống cảnh báo thảm hoạ của chúng ta rất yếu, nếu so sánh với khả năng và tiềm lực của chúng ta. Các giải pháp đưa ra chắp vá, thiếu  tính chiến lược và hệ thống. Thiếu đi một mô hình quản trị thảm hoạ khả dĩ, ứng biến nhanh và hiệu quả. Do đó, mỗi năm bão đến, chúng ta chạy theo bão hơn là “đón bão”, và hậu quả tất nhiên là số người thiệt mạng và tài sản thiệt hại không hề nhỏ.

Chúng ta hạn chế nguồn thảm hoạ hiệu quả và căn cơ, khi điều trị tận gốc căn nguyên sâu xa gây nên thảm hoạ. Việc chặt phá rừng tràn lan, ở khắp đất nước, dù được cảnh báo mạnh mẽ nhưng tình trạng có vẻ không thuyên giảm, đã là nguồn cơn của mọi cuồng nộ của thiên nhiên.

Các nhóm lợi ích dựa vào tận dụng khai thác thiên nhiên để phục vụ cho lợi ích của mình. Vụ thuỷ điện Hố Hô xả lũ vào người dân vùng thượng Hà Tĩnh là một ví dụ điển hình. 

Khi người dân chịu hạn hán, thuỷ điện này gom giữ nước để chạy nhà máy và không xả một giọt nước nào để phục vụ tưới tiêu đồng áng, nhưng mùa mưa đến thì sẵn sàng biếu tặng thảm hoạ là cả quả bom nước khổng lồ. Dù chủ ý hay vô tình, thì những thiệt hại của hành động này gây ra cho người dân không phải là từ thiên tai, mà do nhân tai.

Ở tầm mức chiến lược, bên cạnh khai thác thiên nhiên, người ta tận dụng thảm hoạ thiên nhiên như là con bài mặc cả giữa các quốc gia. Trò chơi này gây nguy hiểm không một loại vũ khí nào có thể so sánh được. Những nước thượng nguồn sông Mêkông xây các đập thuỷ điện chằng chịt, và những vùng hạ nguồn như đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phải gánh đủ những hệ lụy (hạn hán, ngập mặn…).

Thủy điện Hồ Hô xả lũ. Ảnh: Đắc Lam.

Cần một mô hình mới về quản trị thảm họa

Rõ ràng, cần một chiến lược tổng thể ở tầm mức quốc gia để quản trị các thảm hoạ thiên nhiên. Trong chiến lược đó phải kết hợp các yếu tố đào tạo nhân lực trình độ cao, giáo dục, kỹ thuật - công nghệ, và tính cả yếu tố chính trị - ngoại giao, nhằm quản trị các rủi ro đang gia tăng tiềm ẩn.

Điều lo lắng nhất có lẽ là chất lượng nguồn lực và việc kỷ luật lao động. Người ta đặt câu hỏi là nếu những người có trách nhiệm của thuỷ điện Hố Hô làm việc nghiêm túc, sẽ đo được lượng nước mưa và dự báo khả năng lũ, như vậy sẽ tránh được thảm hoạ vừa qua gây cho đời sống người dân hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh điêu đứng. Nhưng sự yếu kém về năng lực, và sự vô trách nhiệm của con người đã trút hậu quả lên đầu người dân. 

Do vậy, có lẽ con người là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất cần phải tính đến trong mô hình quản trị thảm hoạ ở Việt Nam. Xã hội công nghiệp, hiện đại, cần những con người có năng lực thực sự và kỷ luật cao, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ có thể ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng triệu người.

Về mặt giáo dục, ngay từ bậc học cơ bản, chúng ta cần dạy cho trẻ em cách ứng phó với thảm hoạ. Ở những nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản,… ngay từ nhỏ, trẻ con đã được dạy ứng xử với các tình huống: Khi gặp đám cháy phải làm gì, gặp tai nạn phải xử lí ra sao, gặp lũ thì ứng xử thế nào v.v… Các kỹ năng sinh tồn này sẽ giúp ích cho mỗi cá nhân suốt cuộc đời của mình, dù đối diện với thảm hoạ ở bất kỳ đâu.

Về công nghệ, chúng ta là nước có bờ biển dài, cần có một hệ thống cảnh báo các thảm hoạ, hệ thống này kết nối từ trung ương đến địa phương, cập nhật rõ các dự báo quốc tế về nguy cơ bão lũ. 

Lấy ví dụ, ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản… hệ thống cảnh báo sóng thần được xây dựng chặt chẽ, nhằm ứng phó với những sự thay đổi của thiên nhiên. Xét về mặt năng lực tài chính và trình độ công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng những mô hình này vào việc cảnh báo thiên tai.

Những yếu tố trên cần được đặt trong tổng thể một mô hình đảm bảo an ninh quốc gia trước những thách thức phi truyền thống. Khi đó, với kinh nghiệm đấu tranh và văn hoá sống chung với rủi ro của người Việt, cộng với những chiến lược quản trị đúng đắn, chúng ta sẽ hạn chế được thấp nhất các thiệt hại.

Lê Ngọc Sơn
.
.
.