Địa Trung Hải và lần dậy sóng bị lãng quên

Thứ Sáu, 19/10/2018, 08:08
Đó đã từng là một trong những khoảng thời gian căng thẳng nhất trong suốt hơn 40 năm lịch sử Chiến tranh Lạnh, khi quân đội hai siêu cường Liên Xô - Mỹ đứng đối diện nhau, và chỉ còn chờ một mệnh lệnh cuối cùng. 


Thế nhưng, cuộc đọ sức trực diện với những hệ lụy tiếp nối khôn lường đã không xảy ra. Thế giới thở phào. Và rồi thế giới dần lãng quên những ngày Địa Trung Hải sục sôi hồi tháng 10-1973 ấy.

Một Trân Châu Cảng mới

"Tất cả mọi vũ khí sẽ được huy động ngay từ đợt công kích đầu tiên: tên lửa, pháo binh, tàu ngầm…Khó có gì có thể được bảo toàn, sau những trận oanh tạc phủ đầu của đối thủ. Vì thế, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để trở thành những ngọn thần phong cảm tử (kamikaze)". 

Năm 2004, Yevgeni Semenov - một trong những chứng nhân lịch sử của cuộc đối đầu cân não ấy, trong vai trò cấp chỉ huy hạm đội của Liên Xô - hé lộ.

Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ theo tính toán của Đô đốc Mỹ Daniel Murphy, nếu đứng vững được sau đợt giao tranh mở màn, đủ sức đánh chìm tất cả mọi chiến hạm Liên Xô. Và cũng nghĩ như thế, Đô đốc Liên Xô Yevgeni Volubuyev lên sẵn một kế hoạch.

Hàng không mẫu hạm USS Independence của Hạm đội 6 Mỹ.

Quá thua thiệt về không quân, ông muốn những lực lượng dưới tay mình hủy diệt được càng nhiều máy bay của Hải quân Mỹ càng tốt, hoặc ít nhất là tàn phá mọi bệ phóng để chúng không thể cất cánh. Đó chính là điều Hải quân Nhật Bản đã hướng tới trong trận Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Và đó cũng chính là lý do để Yevgeni Semenov phác họa lại tâm thế của các binh sĩ Hải quân Liên Xô bằng thuật ngữ "kamikaze" đầy ám ảnh.

Nhưng, từ đâu mà có một tình cảnh "nước sôi lửa bỏng" giữa hai siêu cường như vậy?

Những cố gắng vô vọng

Sau "Cuộc chiến sáu ngày" năm 1967, khối Arab (Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq, Saudi Arabia, Kuwait và Algeria), thua trận quá dễ dàng, đã mất khá nhiều đất đai về tay Israel (Đông Jerusalem, dải Gaza, Bờ Tây sông Jordan và cao nguyên Golan). Suốt 10 năm sau đó, những nỗ lực ngoại giao nhằm đòi lại các phần lãnh thổ này không mang lại chút hiệu quả nào.

Ngày 6-10-1973, Ai Cập và Syria lại bất ngờ tiến đánh Israel (vào ngày lễ Yom Kippur - lễ sám hối của người Do Thái). Trong vòng 5 ngày đầu, quân Ai Cập và Syria thắng như chẻ tre. Nhưng sau đó, cục diện lại thay đổi.

Khả năng hợp đồng tác chiến - điểm yếu chí tử của liên quân Arab từ Cuộc chiến sáu ngày - vẫn còn nguyên đó. Nhờ vậy, ở cao nguyên Golan, Israel đánh bật binh sĩ Syria. Ở bán đảo Sinai, Quân đoàn 3 Ai Cập gần như đã bị bao vây cô lập, trước khi lệnh ngừng bắn của Liên Hợp Quốc có hiệu lực.

Bù lại, Israel cũng phải nhận những tổn thất nặng nề. Theo những số liệu thống kê chính thức, chỉ tính riêng ở Sinai, khoảng ¼ lực lượng không quân Israel đã bị bắn hạ. 20 ngày chiến tranh (từ 6-10 đến 26-10), họ mất khoảng 50% lực lượng thiết giáp cùng khoảng 40-60% lực lượng không quân. Nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài, sự thua thiệt của Israel sẽ rất khó có thể bù đắp.

Song, Ai Cập lại sớm nhờ các cường quốc vào cuộc, thiết lập đàm phán. 22-10, quân đội Ai Cập chấp nhận lệnh ngừng bắn của Liên Hợp Quốc, đồng nghĩa với việc bỏ rơi những đồng minh Syria vẫn còn đang cố gắng tái chiếm cao nguyên Golan. 

Ai Cập về sau đạt được điều họ muốn: Công nhận Israel, đổi lại là được trao trả bán đảo Sinai cùng kênh đào Suez. Trong khi đó, Syria buộc phải bỏ cuộc mà không thu được lợi ích gì. Đây có lẽ là nguyên nhân chính để năm 1979, Syria bỏ phiếu trục xuất Ai Cập khỏi Liên đoàn Arab (AL).

Nhưng, phía sau cả Ai Cập lẫn Syria, còn cả Liên Xô. Chúng ta có thể hình dung nỗi thất vọng ghê gớm của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi ấy - Leonid Brehznev - qua lời "kết tội" đầy giận dữ ngày 4-11-1973, được rất nhiều hãng thông tấn ghi lại: "Chúng ta đã cung cấp cho họ những giải pháp thấu tình đạt lý nhất trong suốt những năm qua. Nhưng không, họ chỉ muốn đánh. Được, chúng ta đồng ý cung cấp cho họ những công nghệ và vũ khí tốt nhất có thể, những thứ mà ngay cả Việt Nam còn không có. Họ đạt lợi thế tuyệt đối 2 chọi 1 về xe tăng, 3 chọi 1 về pháo, cùng một lượng khí tài lớn về vũ khí chống tăng và phòng không. Và kết cục ra sao? Họ lại thất bại một lần nữa".

Sóng gió Địa Trung Hải

Suốt 20 ngày giao tranh ấy, ở một mặt trận khác, Liên Xô đã làm tất cả để hỗ trợ cho những bước tiến của binh sĩ Ai Cập và Syria, thậm chí là mạo hiểm cả sự an nguy của chính mình.

Sau năm 1967, Trung đội chiến đấu số 5 được thành lập. Gọi là Trung đội nhằm tránh gây căng thẳng với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng thực ra đó chính là Tiểu hạm đội Địa Trung Hải, có nhiệm vụ gây áp lực đối với Hạm đội 6.

Ngày 6-10-1973, Chiến tranh Yom Kippur bùng nổ. Ngày 8-10, một cụm lực lượng tác chiến của Hạm đội 6 di chuyển đến vịnh Suda, phía bắc đảo Crete, trong khi cụm tàu sân bay Independence hội quân với tàu chỉ huy USS Mount Whitney ở phía nam đảo Crete. Ngày 9-10, Liên Xô bắt đầu cung cấp vũ khí và trang thiết bị hậu cần cho liên quân Arab.

Ngày 10-10, đã có 21 tàu mặt nước Liên Xô hiện diện ở Địa Trung Hải. Hàng loạt tàu ngầm đang hoạt động ở Đại Tây Dương và Tây Địa Trung Hải cũng tập trung về đó. Liên Xô muốn đưa ra một thông điệp rõ ràng: Không ai được phép ngăn cản hoạt động tiếp vận của mình cho liên quân Arab.

Ngày 11-10, trong lúc giao tranh với quân Syria, lính Israel bắn chìm tàu buôn Ilya Metchnikoff mang quốc kỳ Liên Xô. Moskva không chấp nhận bất cứ lời giải thích nào của Tel Aviv, rằng mục tiêu thực sự là hai tàu chiến Syria (cũng bị bắn hạ). Ba sư đoàn đổ bộ đường không tinh nhuệ được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Ngày 14-10, hải quân Liên Xô được lệnh bắn vào bất cứ mối đe dọa nào đối với máy bay và đội tàu vận tải.

Ngày 15-10, Israel tổng phản công trên bán đảo Sinai. Hạm đội 6 Mỹ ráo riết lên các kế hoạch ngăn chặn Hồng quân đổ bộ. 17-10, thiết giáp Israel vượt kênh đào Suez. Cả thế giới thấp thỏm.

22-10, Liên Hợp Quốc ban lệnh đình chiến lần thứ nhất, và 24-10, lần thứ hai. Nhưng, chiến sự vẫn leo thang. Ai Cập ngả về hướng đàm phán, khiến quân Israel có được ưu thế trên chiến trường, "thừa thắng xông lên".

Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev gọi điện trực tiếp cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon, đề nghị hai cường quốc cùng nhau giám sát thỏa thuận ngừng bắn. Nếu không, Liên Xô sẽ đơn phương hành động. Cùng lúc, Tư lệnh Hải quân Liên Xô Gorshkov tuyên bố: Thủy quân lục chiến Liên Xô đã sẵn sàng đổ bộ lên Sinai.

25-10, Mỹ đặt tất cả các lực lượng vũ trang của mình trong tình trạng chuẩn bị chiến tranh cấp độ 3 (trên 5 cấp độ). Lúc đó, quanh đảo Crete, Liên Xô đã tập trung tổng cộng 2 tàu tuần dương trang bị pháo hạm, 8 tàu khu trục lớp Kashin trang bị tên lửa.  phía bắc cảng Said (Ai Cập), Liên Xô có 4 tàu đổ bộ cỡ lớn và 5 tàu đổ bộ cỡ trung bình, cùng 1 tàu khu trục. Chưa hết, thêm 2 tàu đổ bộ khác khởi hành từ Hạm đội Biển Đen đến vùng chiến sự, nơi đã có 28 tàu ngầm Liên Xô hoạt động.

Trung đội chiến đấu số 5 - tức Tiểu hạm đội Địa Trung Hải của Hải quân Liên Xô.

Một bước nữa thôi, mọi giới hạn sẽ bị phá vỡ. Liên Xô sẽ tấn công quân đội Israel, và sẽ tấn công cả Hạm đội. Cảm nhận được điều đó, Washington xuống thang. Quân Israel chính thức ngừng bắn, và chiều 25-10, một lực lượng gìn giữ hòa bình không có sự tham gia của binh sĩ hai siêu cường đã được bố trí nơi giới tuyến tạm thời.

Cho dù vậy, Liên Xô vẫn tiến hành diễn tập hải quân tấn công tàu sân bay quy mô lớn. Và cho dù Đô đốc Daniel Murphy rất tự tin, thì Cục trưởng Cục tác chiến Hải quân Mỹ lúc đó là tướng Elmore lại lo ngại: "Nếu chiến tranh bùng nổ, chúng ta có thể mất toàn bộ số tàu chiến ở Đông Địa Trung Hải".

26-10, quân đội Mỹ dỡ bỏ tình trạng chuẩn bị chiến tranh cấp độ 3, nhưng Hạm đội 6 vẫn được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Phải đến tận 31-10, bóng ma chiến tranh mới thực sự lùi xa. Cân nhắc lợi hại thiệt hơn, trong bối cảnh binh lực của tiểu hạm đội Liên Xô vẫn liên tục được tăng cường tạo thế áp đảo, Nhà Trắng điều cụm tàu sân bay của mình rời khỏi phía nam đảo Crete. Đáp lại, Liên Xô cũng bắt đầu tiến trình rút quân khỏi vùng biển ấy.

Một trận quyết chiến dữ dội - hoàn toàn có thể trở thành ngòi nổ cho cuộc đụng độ quân sự trực diện và toàn diện giữa hai siêu cường - đã lướt qua trong đường tơ kẽ tóc. 

Ở một khía cạnh nào đó, trong sự kiện này, nhân loại đã may mắn không kém gì lần tên lửa hạt nhân hai bên chĩa vào nhau trong cuộc đối đầu cân não tại Cuba năm 1962, khi tránh được nguy cơ tự hủy diệt chính mình trong một cuộc Đại chiến thế giới mới.

* Đến ngày 31-10-1973, tổng cộng Liên Xô đã tập trung về vùng Đông Địa Trung Hải 96 tàu chiến (cả tàu mặt nước lẫn tàu ngầm). Theo tính toán từ phía Mỹ, trong đợt tấn công đầu tiên, tiểu hạm đội Địa Trung Hải Liên Xô có thể phóng ra 88 quả tên lửa, nhắm thẳng vào các tàu sân bay cũng như tàu sân bay trực thăng của Hạm đội 6 Mỹ.

* Cũng đến lúc đó, đã có 60 tàu chiến Mỹ hiện diện ở Địa Trung Hải (trong đó bao gồm 3 tàu sân bay, 2 tàu sân bay trực thăng).

Thiên Phong
.
.
.