Văn Chinh, nhà văn “không giống ai”

Thứ Năm, 04/03/2021, 12:07
Hơn ba mươi năm, ngót bốn mươi năm trôi qua, không thiếu những nỗi vật đổi sao dời, và chẳng có gì đảm bảo rằng ông nhà văn Văn Chinh ở cái thuở ngoại tam tuần kia còn giữ được chút hình bóng cũ nào đó trong ông nhà văn Văn Chinh của bây giờ, khi đã lão thực lão.

Trong cuốn chân dung văn học có tên “Miền lưu dấu văn nhân”, ở bài viết về Văn Chinh, nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế kể lại rành rẽ cái ấn tượng hình ảnh hơn ba mươi năm trước của mình, năm 1980, khi gặp Văn Chinh ở một trại sáng tác do Hội Văn nghệ Vĩnh Phú tổ chức: “Chiếc túi đen ka-ki thêu một bông hoa cúc tí xíu, đựng bản thảo ngoắc ghi-đông. Ba lô quần áo cũng buộc luôn đó. Áo sơ-mi cộc tay, mỏng như xô màn, đóng không hết khuy để lộ ra mảng ngực nâu bóng, căng tràn nhựa sống. Quần vải tổng hợp màu rượu chát, từng được chạy qua bàn là phẳng căng nhưng chủ nhân ưa ngồi xổm nên nó đã kịp xoắn lại như lò xo ngang ống chân gân guốc. Đôi dép thời trang cao su màu ghi quai đen chéo. Chiếc mũ lá mới tinh quang dầu. Ánh mắt nhanh, mạnh, nhìn đâu là đóng đinh ở đó” (“Văn Chinh và đối cực”. Sđd, tr447, 448. Phương Nam Book & NXB Hội Nhà văn, 2013).

Chân dung một nhà văn tỉnh lẻ thời bao cấp, vừa nồng nã bụi đất quê lại vừa phơi phới cái ngang tàng Lương Sơn. Chân dung ấy còn được Nguyễn Tham Thiện Kế nhấn thêm vào một nét nữa, nét khụng khiệng kiểu cụ lý ở giữa chốn đình trung: “Khi ăn Văn Chinh chọn ngay mâm chính giữa, ngồi vị trí trang trọng, cầm đũa huơ lên, cười bên này ngóng bên kia rồi mới bàn chuyện văn chương. Toàn bàn những chuyện không giống ai. Bao giờ cũng bắt đầu một câu quen thuộc, trịnh trọng nhuốm gây sự: Xin được hỏi ông (bà)… đây là nghị quyết hay là bản báo cáo tình hình sản xuất. Nếu là văn chương thì con người đâu? Tôi chẳng thấy ai ở đây cả, ngoài các sự kiện kể lể” (Sđd, tr448).

Nhà văn Văn Chinh.

Hơn ba mươi năm, ngót bốn mươi năm trôi qua, không thiếu những nỗi vật đổi sao dời, và chẳng có gì đảm bảo rằng ông nhà văn Văn Chinh ở cái thuở ngoại tam tuần kia còn giữ được chút hình bóng cũ nào đó trong ông nhà văn Văn Chinh của bây giờ, khi đã lão thực lão. Vậy mà vẫn có cái giữ được, chính là sự “không giống ai” mà Nguyễn Tham Thiện Kế từng nhận thấy.

Năm 2018, nhà văn Văn Chinh tròn 70 tuổi, ông cho công bố tập truyện ngắn có cái tên “Thần thức dưới rêu phong” (NXB Hội Nhà văn). Đây là tập truyện ngắn gồm nhiều truyện được Văn Chinh viết ở nhiều giai đoạn khác nhau trong đời cầm bút, nên về cơ bản cũng có thể xem như một tuyển tập mang tính đại diện nhất định cho diện mạo và phong cách truyện ngắn Văn Chinh. Có thể nói ngay rằng: những truyện ngắn này đã có công góp vào cái “không giống ai” cho Văn Chinh, vì bản thân chúng cũng rất… không giống ai.

Không giống ai, bởi trước hết, về cấu trúc, hầu hết các truyện ngắn của Văn Chinh đều lệch/ chệch hoặc đi hẳn ra ngoài các mô hình cấu trúc truyện ngắn  phổ biến. Những khái niệm mà ta thường gặp trong phân tích truyện ngắn, như: “một lát cắt của hiện thực đời sống”, “khoảnh khắc truyện ngắn” hay “cao trào”, “thắt nút”, “mở nút” v.v… đều khó mà áp được vào các truyện ngắn của ông.

Cách kể chuyện của Văn Chinh, từ nhập đề, đến dẫn dắt câu chuyện và kết thúc, mang khá đậm hơi hướng, cung cách của truyện kể truyền miệng, kiểu “đêm hè mẹ kể con nghe”, hoặc truyện kể của những nghệ nhân hát rong thời xa xưa nơi góc đình quán chợ. Chúng “mềm” về bố cục, mềm tới mức luôn có xu hướng chảy tràn và làm loãng cốt truyện bởi những trữ tình ngoại đề hoặc những tình tiết mới, được nảy sinh theo một cách bất ngờ và khá “mất trật tự”.

Đấy là nét duyên của Văn Chinh, khi ông có thể khiến độc giả được hưởng thụ cái khoái thú của “miên man đọc” trong sự chế định của “rề rà kể”. Nhưng đấy cũng chính là nguyên do khiến không ít lần người đọc có cảm giác hẫng hụt khi truyện ngắn Văn Chinh đi đến cái kết của nó. Kết truyện, nhưng câu chuyện không chịu khép lại, nó cứ ở đấy, ngổn ngang những người và việc, dở dang như sự đời vốn chẳng mấy khi được chu toàn như ta muốn, xộc xệch như những thiên đường không bao giờ hoàn hảo.

“Ai biết mộ liệt sỹ ở đâu”, “Mừng nỗi buồn qua”, “Chiếc đồng hồ một kim”, “Chị Mỵ làng Minh Quang”, “Con tàu tuổi thơ”, “Mùi trần”, “Ghi chép của ngài Appin về con ngựa hãn huyết”… là những truyện ngắn như thế. Thử lấy ví dụ bằng truyện “Ghi chép của ngài Appin về con ngựa hãn huyết”, giải Ba truyện ngắn 2011 – 2012 của báo Văn nghệ. Đây là truyện ngắn, theo tôi, được cấu thành từ một chủ ý tạo nên nhiều nghi vấn và… chưng hửng.

Ngay dưới nhan đề truyện, tác giả chua một dòng lạc khoản: “Gửi tác giả Tô-tem sói”, nhưng rốt cuộc, đọc mãi nghĩ mãi tôi vẫn không dò ra được cái mối liên văn bản giữa tác phẩm của Khương Nhung với câu chuyện lưu lạc đầy ly kỳ mà con ngựa hãn huyết nòi Mông Cổ kể lại với ngài Appin, vốn là nhân vật trong một truyện ngắn trước khi là nhà văn? Chưa hết, cứ theo như phi lộ vào truyện thì ngài Appin sang Mông Cổ là để xem ở những nước hay gây chiến thì “hoàng gia được cái gì, thường dân được cái gì trên những cái chết của các chiến binh”, nghĩa là một lý do hết sức nghiêm trọng, và quả thật, câu chuyện mà con ngựa hãn huyết được đánh số 054 ấy kể lại cũng đầy vẻ nghiêm trọng, khi phần nào nó phơi bày được những cái nhếch nhác quái quỷ mà chiến tranh, và những sự kiện còn hơn cả chiến tranh, đã gây nên trong đời sống của đại chúng cần lao.

Thế nhưng, phần kết truyện, lời đáp cho mối băn khoăn của ngài Appin lại là một cú chơi khăm với cái nghiêm trọng, khi Tổ của con 054 dặn cháu mình rằng: “hễ thấy trong người rậm rật thì hãy tạm ngừng ăn nếu trong đàn không có ả nào động dục, chớ để rậm rực lâu ngày tất sinh tính ác”. Một cách lý giải đầy trào tiếu về “tính ác” như là cái căn rễ của hành vi phát động chiến tranh. Và bởi thế, mới có câu khép lại thiên truyện mà thật ra là chẳng khép lại cái gì, của ngài Appin: “Đêm ấy… lần đầu tiên tôi biết trong việc ngủ với đàn bà là có tinh thần nhân đạo, nên sướng hơn mọi bận. Kể cả trừ đi phần tương tác là người nước ngoài, vẫn còn sướng hơn”.

Tôi muốn nói thêm về một đặc điểm nữa, khá trội bật, ở những truyện ngắn loại này của Văn Chinh: chúng “ngắn”, nhưng lại mang tham vọng ôm trọn những hiện thực dài rộng, có khi đến cả một đời người. Những cuộc trăm năm nhân thế với biết bao cơn chìm nổi ấy, đương nhiên, miền dư địa đầy vẫy gọi của nó phải là tiểu thuyết. Còn thể loại truyện ngắn, với trên dưới mười trang sách in, sẽ là một thách thức không nhỏ cho người viết trong việc bày binh bố trận, dàn dựng cảnh huống, lọc lựa chi tiết trước sau để tạo lập một cấu trúc văn bản chặt chẽ, tuy nhỏ gọn mà vẫn đủ sức dung chứa những ba động lớn của cuộc đời.

Truyện ngắn của Văn Chinh, nói chung, thỏa mãn đòi hỏi ấy. Thế nhưng, nó vẫn không khỏi gợi lên cái mà ở trên, tôi tạm chỉ định bằng cụm từ “mất trật tự”. Tôi sẽ lấy truyện “Ai biết mộ liệt sỹ ở đâu”, giải Ba truyện ngắn 2005 – 2006 của tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm ví dụ. Truyện ngắn này - từ trang 181 đến trang 194 – không kể một cuộc đời, mà kể đến năm cuộc đời: người mẹ không chồng mà chửa, đứa con không cha, ông bố dượng đầy “chất nghệ”, ông bố đẻ “một vị tướng có tài, chỉ mỗi tội thích ngủ với gái non”, và ông bố hờ chẳng được tích sự gì ngoài việc làm kẻ “tráng men” cho đứa khác, rồi chết.

Năm cuộc đời ấy, với không ít sự kiện, cứ móc vào nhau, chồng lấp nhau, chen chúc, rối rít, và càng trở nên chen chúc rối rít hơn khi ở nhiều chỗ, tác giả cố tình để giọng của người kể chuyện và giọng của nhân vật nhòe lẫn với nhau, rất khó bóc tách. Năm cuộc đời ấy, theo cách của Văn Chinh, phát lộ một phần hiện thực đời sống nhọc nhằn kéo dài từ chiến tranh đến hậu chiến, loang rộng từ tiền tuyến về hậu phương.

Nó mang lại đáp án cho câu hỏi treo ngay ở cái tên truyện: Tại sao lại “Ai biết mộ liệt sỹ ở đâu”? Vì rằng: “Có bố, dù bố có thế nào cũng còn hơn là bố liệt sỹ”. Cái nhận thức tối đơn giản chỉ có thể có ở một nhân dân từng phải nếm vị chiến tranh đắng ngắt ấy đã hướng đạo cho nhân vật: “Như thế, Nguyễn Thị Thùy Liên đã đi làm cái việc loan tin ai biết mộ liệt sỹ ở đâu suốt mười lăm năm qua. Da diết và có phần sà sã, mỗi ngày”.

Không giống ai, bởi ở tuyển tập này Văn Chinh còn có một mảng truyện ngắn mà ở lời “Tựa”, ông tự gọi là “viết lại”, học theo cách “Chuyện cũ viết lại” của văn hào Lỗ Tấn. Bộ ba truyện “Thị” – “Puellae” – “Gái”, rồi các truyện “Dưới rêu phong”, “Trái tim bốc khói”, “Cựu hoàng”, “Văn tự án liệt truyện” v.v… là những truyện khá tiêu biểu. Thật ra, “viết lại” là một truyền thống lớn của văn chương toàn thế giới, nó đặt căn bản ở sự cạo xóa hạ bản để viết thượng bản đè lên, như trên một miếng da (G. Genette). Nhưng viết lại của Văn Chinh không nhằm vào một văn bản cụ thể, mà là liên và xuyên văn bản.

“Tứ thư ngũ kinh” của Nho giáo, “Nam hoa kinh” của Trang Tử, rồi “Tam quốc chí diễn nghĩa”, “Thủy hử truyện”, “Hoàng Lê nhất thống chí”… đều trở thành vật liệu cho viết lại của Văn Chinh. Đặc biệt, khi sự viết lại diễn ra ở khu vực của thư tịch lịch sử, như truyện ngắn “Dưới rêu phong”, Văn Chinh hiện diện như một nhà văn đang hăm hở tranh cãi với sử gia về cái gì là sự thật: sự thật của việc một vương triều sụp đổ, sự thật trong tâm hồn một bà hoàng hậu mà sau bao nhiêu thế kỷ, thành tượng thờ rồi, ánh mắt “còn thèm khát thế kia!”.

Không những thế, có thể nói, “Dưới rêu phong” còn là một sự giải ảo lịch sử của Văn Chinh: những rồng bay phượng múa huyền hoặc, những sơn son thếp vàng lung linh về hai triều Đinh, Lê trong tâm thức hậu thế đã bị nhà văn gột sạch bằng cách kể chuyện thấm đẫm tinh thần trào tiếu nhưng lại tàn nhẫn như lột vỏ củ hành.

Lột hết lớp này đến lớp khác, lột đến đâu cay mắt đến đấy, để rồi cuối cùng sự thật hiện ra, trơ khấc. Rằng triều đại khai mở cho nền độc lập dân tộc thật ra vô cùng hoang sơ, cái gọi là vương pháp chưa hề được thiết định chặt chẽ, những thúc đẩy bản năng của con người có khi còn mạnh hơn sức ràng buộc của đạo đức và các lợi ích chính trị xã hội. Thế nên cái việc ăn, uống và giao cấu chốn cung đình mới phóng phiếm buông tuồng đến thế, đàn bà mới thọc tay vào chính sự sâu đến thế, và sự chuyển giao quyền lực giữa hai triều đại mới nhanh gọn và nhiều thảm khốc đến thế.

Vẫn là nhà văn Sương Nguyệt Minh bình luận: “Đọc văn Văn Chinh tôi thấy trong ông có hai con người. Một con người có cái cách bộc trực nồng nhiệt, có cái vẻ khệnh, vênh vênh râu, có cái bốp chát chân thành tức thì, có cái lọc lõi trải đời, có cái sự chịu đọc, có cái thất thần thảng thốt, có cái “sục sặc không yên” (chữ Vương Trí Nhàn dùng). Một con người có cái khờ dại đáng yêu, có cái yếu đuối mặc cảm cứ gồng lên”.

Như thể để chứng minh bình luận ấy, nhà văn Văn Chinh cho biết, tuyển tập truyện ngắn “Thần thức dưới rêu phong” này là cú chuẩn bị cho sự ra mắt một tác phẩm mà ông ấp ủ đã lâu, cuốn sách cuối cùng của một đời cầm bút: tiểu thuyết “Nằm ngửa đấm với”. Nằm ngửa đấm với, hình ảnh ấy có thể “đọc” như một nỗ lực chân thành nhưng đầy tuyệt vọng, chính vì thế mà nó hài hước, thậm chí như trêu ngươi. Và đương nhiên, là một sự không giống ai.

Hoài Nam
.
.
.