Từ virus đến robot: Bài toán ứng phó của nhân loại

Thứ Hai, 06/04/2020, 14:31
Các dân tộc nói riêng và toàn nhân loại nói chung đã chuẩn bị như thế nào để đối diện, ứng xử và giải quyết những vấn đề không biết trước? Liệu kinh nghiệm của quá khứ trong những trường hợp mới toanh, chưa từng có dạng này có thể phát huy tác dụng hay không? Đấy là những vấn đề mà ANTG GT-CT đặt ra với nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng Nguyễn Trần Bạt.


Cuộc sống luôn đặt một xã hội - một dân tộc - và trong những trường hợp đặc biệt nào đó là toàn bộ nhân loại vào những thử thách không biết trước. Đột nhiên COVID-19 xuất hiện, khiến nhiều quốc gia lao đao, nhiều biên giới đóng cửa, nhiều thành phố bị cách ly, đó là một thử thách không biết trước. Những con robot cũng đột ngột xuất hiện, tạo nên một xã hội người – robot chung sống với nhau, đấy cũng là một “hoàn cảnh mới” không dễ gì biết trước và biết chính xác về những tác động nhiều chiều của nó. 

Các dân tộc nói riêng và toàn nhân loại nói chung đã chuẩn bị như thế nào để đối diện, ứng xử và giải quyết những vấn đề không biết trước? Liệu kinh nghiệm của quá khứ trong những trường hợp mới toanh, chưa từng có dạng này có thể phát huy tác dụng hay không? Đấy là những vấn đề mà ANTG GT-CT đặt ra với nhà nghiên cứu văn hóa tư tưởng Nguyễn Trần Bạt.

Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Nguyễn Trần Bạt, khi COVID-19 bỗng nhiên xuất hiện ở Trung Quốc, khiến một số thành phố ở tỉnh Hồ Bắc phải cách ly một thời gian thì nhiều công ty nước ngoài ở Trung Quốc đã phải đóng cửa, và tới đây họ sẽ phải cân nhắc về việc có nên  chuyển hoạt động sản xuất tới những đất nước khác hoặc về đất nước mình hay không. Cá nhân tôi rất chú ý đến chi tiết này, bởi tất cả chúng ta đều biết Trung Quốc được nhìn nhận như một công xưởng lớn của thế giới. Một khi “công xưởng lớn của thế giới” biến dạng, và những “công xưởng” khác của thế giới cũng sẽ biến dạng vì chuyện này hay chuyện khác, bằng cách này hay cách khác thì thế giới sẽ tác động như thế nào?

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ Trung Quốc không phải “được nhìn nhận như một công xưởng” của thế giới, mà nó thực sự là công xưởng của thế giới. Tùy thuộc vào các mức độ phát triển khác nhau của từng giai đoạn mà người ta nhìn nhận một cách khác nhau về quy mô của công xưởng này. Hiện nay, dịch bệnh tạo một cơ hội để thế giới xem lại về vai trò công xưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Với tư cách là người thường xuyên theo dõi các diễn biến của quá trình toàn cầu hóa trong suốt 30 năm nay, tôi thấy hóa ra lâu nay chính mình cũng chưa hình dung được hết quy mô và địa vị của công xưởng này trong toàn bộ nền kinh tế thế giới, nền công nghiệp thế giới và cả nền công nghiệp tương lai của thế giới.

- Cụ thể, bây giờ ông thấy sự ảnh hưởng của công xưởng này như thế nào?

- Nó ảnh hưởng đến từng nhịp thở của nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến từng động tác của các nhà chính trị trên thế giới, và ảnh hưởng đến từng khía cạnh khác nhau của chính sách đối ngoại của tất cả các quốc gia.

- Đặc biệt là các cường quốc? Ví dụ chúng ta thấy khi dịch bệnh càn quét ở Trung Quốc thì kinh tế Mỹ ảnh hưởng, kinh tế Pháp cũng ảnh hưởng. Đấy phải chăng chính là những diễn biến mới của toàn cầu hóa, thưa ông?

- (Gật đầu) Đấy chính là toàn cầu hóa. Chúng ta vẫn nhìn toàn cầu hóa như một bức tranh một chiều đẹp đẽ có thể làm thơ được, nhưng đến bây giờ người ta thấy rằng toàn cầu hóa không chỉ mang lại sự phát triển kinh tế mà mang lại cả sự phát triển của dịch bệnh. Người ta đi chơi, mua hàng và tụ họp đông đúc, nên đã tạo ra môi trường lý tưởng cho tất cả các loại virus, không phải chỉ có COVID-19 bây giờ đâu, mà còn nhiều virus thế hệ sau nữa. Cho nên trong tất cả các chính sách hay các biện pháp mà thế giới dùng để ngăn chặn sự lây lan của virus thì cô lập là biện pháp quan trọng nhất.

- Nhưng xu thế toàn cầu hóa là bất khả cưỡng lại, không thể nói là vì những mặt tiêu cực đó mà thế giới không nên toàn cầu hóa nữa?

- Toàn cầu hóa không hề lệ thuộc vào ai. Nó là một thực tế khách quan vượt ra khỏi ý muốn của tất cả các nền chính trị và các nhà chính trị.

- Cho nên khi xuất hiện những mặt tiêu cực nào đó thì chúng ta cần có những điều chỉnh để quá trình toàn cầu hóa bớt tiêu cực hơn?

- Không phải là chỉnh. Tôi nghĩ toàn cầu hóa không chỉnh được. Con người chỉ có thể nhận biết các mặt tiêu cực của toàn cầu hóa để tìm cách né tránh nó mà thôi. Sự né tránh này không phải chỉ diễn ra với các virus trong lĩnh vực y tế như chúng ta đang thấy, mà còn với tất cả các virus, kể cả virus chính trị, virus văn hóa nữa.

- Phải chăng cũng chính vì những tác động của toàn cầu hóa mà ở một số đất nước nào đó người ta cứ nghĩ rằng đất nước mình chỉ có thể phát triển được nếu đi theo đúng mô hình tổ chức chính trị kiểu Anh, Mỹ? Họ không hề nghĩ rằng mỗi một vùng văn hóa luôn có những đặc điểm khác nhau, và chính cái khác biệt văn hóa sâu thẳm ấy sẽ quyết định sự khác biệt tất yếu về các mô hình chính trị?

- Đấy là sự nhận thức từng mảng ở từng đối tượng khác nhau khi quan sát hiện tượng toàn cầu hóa, và trong quá trình quan sát, nhận thức đó đúng là xuất hiện nhiều cái sai. Thế nên Nghị quyết 4 Đại hội XII của chúng ta mới nói rằng sự suy thoái văn hóa tư tưởng đạo đức của một bộ phận nào đó cũng đến từ chính hệ quả của quá trình toàn cầu hóa.

- Như vậy khi chúng ta nhận thức không chính xác về toàn cầu hóa thì chúng ta sẽ bị lây lan các căn bệnh, và trong rất nhiều trường hợp, chính mình cũng không biết là mình đang bị lây bệnh?

- Tôi đã nói về điều này trong những cuốn sách của tôi, và ở đó thì tôi dùng chữ “phơi nhiễm”. Tôi nghĩ rằng chúng ta bị phơi nhiễm nhiều căn bệnh của quá trình toàn cầu hóa.

- Vậy nên điều quan trọng vô cùng khi tham gia vào cái chuỗi tất yếu toàn cầu hóa, đó là chúng ta phải có một sức kháng cự bên trong, một nội lực thực sự mạnh mẽ, phải không ạ? 

- Tôi cũng đã viết một bài về lý thuyết hai nền kinh tế: nền kinh tế bên trong gọi là kinh tế bản thể và nền kinh tế vươn ra bên ngoài gọi là nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế bản thể là một yếu tố đề kháng mà mỗi quốc gia đều phải có để chống lại quá trình phơi nhiễm và để cân bằng trong các tình trạng khủng hoảng của thế giới. Nếu không thì chúng ta sẽ bị cuốn trôi theo dòng chảy của lịch sử. Trên thực tế có rất nhiều quốc gia đã bị cuốn trôi, và giờ chỉ còn lại những di chứng mà thôi. Một cách khái quát có thể gọi cái sức mạnh bên trong cần phải có ấy là bản lĩnh, trong đó bao gồm bản lĩnh chính trị, bản lĩnh kinh tế, bản lĩnh văn hóa. Nếu không có những bản lĩnh ấy thì chúng ta dễ bị cuốn trôi trong quá trình toàn cầu hóa.

Qua hiện tượng dịch COVID-19 vừa rồi, chúng ta thấy có những nước là niềm mơ ước của chúng ta về sự phát triển giờ đây đang lúng túng trước việc ngăn chặn dịch bệnh. Trong khi đó Việt Nam ta lại xử lý khá tốt, đến mức chính người Việt Nam cũng không tin đó là sự thật. Ở giai đoạn chống dịch đầu tiên, tôi thấy là nhiều người Việt Nam vẫn nghi hoặc Chính phủ đang giấu bớt số liệu. Giấu bớt thế nào được, bởi mọi thứ sẽ thể hiện ra ngoài ngay thôi. Sự lây nhiễm của virus chẳng trừ một ai cả. Chúng ta thấy rằng những nhà chính trị, những nhà lãnh đạo, những thượng nghị sĩ của một số quốc gia quan trọng đã dính virus rồi. Virus không phân biệt đẳng cấp gì đâu.

- Thật ra thì ngay cả ở giai đoạn 2 của quá trình chống dịch hiện nay, nhiều người đều thấy là Chính phủ và người dân Việt Nam vẫn đang làm rất tốt những việc có thể làm. Nói chính xác thì đâu đó vẫn có những người khiến cộng đồng khó chịu về việc họ không khai báo tình hình di chuyển hoặc tình hình tiếp xúc với người khác một cách trung thực, từ đó tạo ra những hệ luỵ cho cộng đồng, nhưng nhìn một cách toàn bộ thì sự phối hợp giữa người dân và chính quyền trong suốt quá trình chống dịch là rất rõ. Là một nhà nghiên cứu xã hội, ông thấy gì về sự hợp tác này?

- Sự hợp tác của người dân với chính quyền có ở nhiều việc chứ không phải chỉ việc này. Tôi thấy tính kỷ luật của xã hội Việt Nam đã bắt đầu hình thành và có tác dụng. Thí dụ, việc tuân thủ qui định không được uống rượu bia khi lái xe đã làm cho các quán bia ngoài đường vắng vẻ hẳn. Điều ấy chứng tỏ nếu nói điều phải thì nhân dân sẽ nghe. Mặc dù người ta nghiện, người ta thích thú và ham vui nhưng người ta vẫn biết kiềm chế bản thân mình. Năng lực kiềm chế bản thân của người Việt Nam để không uống rượu bia khi lái xe và đối phó với trường hợp virus COVID-19 là một hiện tượng đáng nể đấy.

Tôi chợt nhớ đến một câu khẩu ngữ có thể gọi là “kinh điển” của người Việt Nam trước đây: “Phép vua còn thua lệ làng”. Câu này cho thấy trong chừng mực nào đó thật ra chúng ta không có kỷ luật xã hội. Phép vua chúng ta không thích, mà chúng ta lại thích lệ làng hơn. Nhưng qua những chuyện vừa rồi, chúng ta thấy tính kỷ luật xã hội của người dân cũng đã thay đổi tích cực rồi. 

- Và đó cũng chính là hệ quả của toàn cầu hóa. Với tác động của toàn cầu hóa, tính kỷ luật  của các xã hội tiên tiến đã bắt đầu đi qua các cửa khẩu để thâm nhập vào xã hội Việt Nam.

- Tức là chúng ta đã học được cái hay trong quá trình toàn cầu hóa?

- Không phải chúng ta học. Tôi nghĩ là chúng ta rất khó để có ý thức học tập một cách đầy đủ, nhưng chúng ta bị cảm ứng bởi lẽ phải và lợi ích. Cho nên, cái tôi muốn nhấn mạnh không phải là phép vua mà là phép nào của vua. Trong quá khứ phong kiến, có những “phép vua” không tạo ra những cảm ứng tốt, vậy thì lúc ấy có đáng để nghe theo không?

- Câu chuyện về COVID-19 khiến chúng ta nhìn ra rất nhiều vấn đề và nhiều bài học trong cách mà chúng ta ứng xử với những cái đột ngột xuất hiện. Nhưng về lâu dài có lẽ COVID-19 đến thì COVID-19 cũng sẽ đi, giống như biết bao nhiêu thứ virus khác trước đây. Có một thứ, không phải là virus, mà là những con robot, nó cũng đã đột ngột xuất hiện trong đời sống của chúng ta. Mặc dù bây giờ nó mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở một vài quốc gia, nhưng cũng đã tạo ra những biến động, và đặt chúng ta vào những bài toán rất khó của thời đại.

Tôi xin lấy ví dụ: Trước kia có rất nhiều công ty may mặc đặt ở Mỹ nhưng sử dụng nhân công ở Trung Quốc, ở Campuchia hay Việt Nam. Còn bây giờ người ta dùng những dây chuyền sản xuất tự động hóa, dùng robot thay thế công nhân. Có thể tới đây người ta thậm chí không cần các công xưởng bên ngoài để sản xuất nữa mà làm một chiếc áo từ A đến Z tại đất nước mình, với một dây chuyền tự động gần như 100%. Và đã có những tính toán rằng, cách thức sản xuất với sự tham gia của những con robot tự động đó tạo ra một sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với cách sản xuất truyền thống. Trong một thời đại như vậy, các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với những điều gì?

- Trí tuệ nhân tạo là một lực lượng thuộc về trí tuệ của cả loài người. Nó là một tất yếu không tránh được. Sớm hay muộn thì chúng ta vẫn phải đối mặt với một vấn đề là loài người sẽ ứng xử thế nào đối với kẻ cạnh tranh với chính mình trong hoạt động quan trọng nhất của mình là lao động. Trong quá khứ, máy hơi nước đã từng đối mặt với sự tàn phá của giai cấp công nhân Anh vào những thế kỷ trước. Liệu robot có phải đối mặt với sự vùng lên của con người chống lại nguy cơ bị cướp mất công ăn việc làm không? 

Robot là sản phẩm của con người, chính con người đã sản xuất ra những thứ có khả năng tiêu diệt những con người thông thường với những năng lực lao động thông thường, đấy là cả một vấn đề triết học. Marx đã dành cả cuộc đời của mình để nghiên cứu cách thức mà loài người đối đầu với máy móc của chủ nghĩa tư bản. Vậy ai sẽ nghiên cứu giúp loài người tìm ra cách thức đối đầu với sự nổi dậy của những lực lượng định thay thế mình trong hoạt động quan trọng nhất hàng ngày của mình là lao động?

- Nhất định phải có được một câu trả lời mang tầm vóc triết học cho vấn đề này!

- Buộc phải có! Loài người liệu có hội họa số và thơ số không? Lúc đó chúng ta có mất dần những thói quen làm thơ lục bát đơn giản không? Các nhà thơ sẽ làm thơ gì khi người ta đã số hóa luôn cả thơ ca? Nếu robot được lập trình có khả năng làm thơ vượt lên trên tất cả kinh nghiệm và tài hoa của các nhà thơ thì chúng ta đối đầu với thơ số như thế nào? Đã từng có những nhà thơ như Sandor Petofi làm thơ chống lại sự nô dịch của nhà nước xâm lược vào thời kỳ trước đây. Vậy sau này, với tình trạng số hóa thơ ca, liệu có còn Sandor Petofi nào làm thơ bảo vệ đất nước không? Cứ thử tưởng tượng rồi sẽ thấy loài người có quá nhiều việc để nghĩ ngợi. Chúng ta có lẽ phải dành thời gian thích đáng để nói về các nguy cơ mà quá trình số hóa mang đến chứ không phải chỉ nói đến những lợi ích mà chúng ta nhận được trong quá trình này.

- Trong cuộc cách mạng công nghiệp, khi máy móc xuất hiện ở Anh, lúc đầu những người công nhân Anh nghĩ rằng máy móc sẽ cướp đi công việc của mình cho nên xuất hiện phong trào đập phá máy móc. Nhưng rồi người ta chợt nhận ra rằng không thể đập phá được mãi và máy móc là một tất yếu của lịch sử, cho nên cuối cùng người ta lại chung sống với máy móc và phát triển cùng máy móc, từ đó tạo ra rất nhiều sản phẩm tiên tiến cho nhân loại. Như vậy có nghĩa là đã có những bài toán tương tự đã từng được giải quyết trong quá khứ?

- Luôn luôn là như vậy. Quá trình phát triển như vũ bão của chủ nghĩa tư bản đã đặt Marx trước nhiệm vụ nghiên cứu triết học để hỗ trợ giai cấp vô sản, hỗ trợ người lao động và để lý thuyết hóa những xung đột của lịch sử nhân loại. Vậy ngày nay chúng ta dùng biện pháp gì, dùng triết học gì để xử lý mâu thuẫn giữa con người và robot, giữa khả năng làm thơ của con người và khả năng làm thơ của robot?

- Mà robot có thể làm thơ hay hơn những nhà thơ tồi ấy chứ…

- Không! Nó có khả năng được lập trình để làm thơ hay hơn những nhà thơ hay. Đấy mới là điều đáng nói. Robot là sự phát triển của thương mại hiện đại. Robot không bao giờ làm thơ tồi, vì làm thơ tồi thì không bán được.

- Và nó là sản phẩm chắt lọc từ nhiều bộ óc tinh hoa của nhân loại nữa?

- Cái vĩ đại của thời đại số chính là sự tích hợp những khả năng khác nhau của nhân loại vào một đối tượng, cho nên đối tượng ấy thông minh hơn tất cả những khía cạnh rời rạc của đời sống. Chúng ta phải đối mặt với robot, một nhà triết học tích hợp cả đông-tây-kim-cổ.

- Trước đây chúng ta có cố gắng cả đời cũng không tích hợp được nhiều kiến thức như thế trong đầu, cho dù chúng ta có là Einstein, có là Socrate hay ai đi chăng nữa. Nhưng với một con robot thì người ta có thể đổ vào đó biết bao nhiêu tinh hoa Đông Tây kim cổ.

- Số hóa là một quá trình biến tất cả các toan tính vất vả của các nhà toán học thành các thuật toán của máy tính. Chúng ta phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh vô cùng thông minh vì nó chứa đựng tất cả lịch sử thông minh của xã hội loài người.

- Kinh nghiệm của chúng ta trong quá khứ là học những bài học để đối mặt giữa con người với con người. Nhưng bây giờ  phải học bài học mới, không phải giữa người với người nữa mà là người với máy, người với robot?

- Không phải! Vẫn là bài học đối mặt giữa con người với nhau thôi. Robot là sản phẩm tích hợp của nhiều con người, vì thế nó thông minh hơn từng con người cụ thể. Cần phải nhận ra điều đó để những nhà chính trị trên thế giới này biết kêu gọi con người dung hòa, biết xử lý các bài toán nhân văn và có thái độ nhân hậu trong việc sáng tạo ra các công cụ của thời đại số. Nếu không có những lời kêu gọi đủ sức hấp dẫn thì chúng ta không thể thuyết phục con người từ bỏ các sáng tạo có khả năng đầy ải loài người đến chân tường trong quá trình tương tác với nhau. Đây vẫn tiếp tục là cuộc đấu tranh giai cấp đấy.

- Ở trong quân đội Mỹ người ta có quy định không được nghiên cứu robot có khả năng giết người hàng loạt. Đưa ra các quy định cũng là một cách ngăn chặn sự thái quá của công nghệ robot?

- Tất cả các nền khoa học đều có những hiện tượng như vậy. Tất cả các nhà khoa học đều chống lại bom hạt nhân nhưng cuối cùng thì bom hạt nhân vẫn xuất hiện. Con người chưa thấy tai họa thì chưa hối hận. Hối hận là sự thú nhận về lỗi lầm của con người.

- Vậy loài người sẽ phải làm thế nào, phải kêu gọi thế nào, phải chung sống thế nào để tạo ra một xã hội có tính nhân văn trong thời đại số?

- Tôi nghĩ chúng ta sẽ có những robot phục vụ con người. Thí dụ, robot chăm sóc người già, robot chăm sóc những người bất lực ở trong nhà và thậm chí có những robot biết cách yêu những người không còn năng lực yêu thông thường. Nhưng vẫn không loại trừ được khả năng xuất hiện những loại robot làm hại con người bởi vì trong cuộc sống vẫn có loại người sinh ra chỉ làm hại người khác. Nếu không bị đạo đức kiểm soát thì sự sáng tạo đôi khi mang lại kết quả là những thứ gây hại cho con người. Sở dĩ có những yêu cầu như của Bộ Quốc phòng Mỹ là bởi vì người ta hiểu con người, người ta hiểu nhau. Trên thế giới này, những người có khả năng sáng tạo ra các loại robot có cả năng lực phục vụ lẫn năng lực hủy diệt con người không nhiều đâu. Và họ biết nhau cả.

- Trong quá trình chuyển từ xã hội người -người sang xã hội người - robot, chúng ta cần một bước đệm, như một giai đoạn quá độ. Trong giai đoạn quá độ ấy có thể có nhiều điều xảy ra. Trước đây, một công ty ở Mỹ có thể sang Việt Nam thuê nhân công thực hiện nhiều khâu khác nhau để tạo ra một cái máy. Nhưng bây giờ có robot rồi thì người ta không cần phải sang Việt Nam kiếm nhân công nữa mà sản xuất ngay tại nước Mỹ. Như vậy thì hàng loạt nhân công Việt Nam thất nghiệp và hình ảnh các công xưởng đem lại lợi thế cho Việt Nam về mặt kinh tế không còn nữa. Vậy những nước như Việt Nam sẽ phải thích ứng với giai đoạn quá độ đó như thế nào?

- Trước đây, khi nói đến thi hoa hậu chẳng hạn, chúng ta thường nghĩ đến các cô gái Hà Nội, Sài Gòn, nhưng bây giờ lại xuất hiện một cô hoa hậu người Tây Nguyên. Thậm chí cô ấy đã trở thành người đẹp tầm cỡ thế giới. Có nghĩa là bây giờ tài năng có thể xuất hiện ở bất kỳ góc nào. Tài năng phân bố theo các quy luật tự nhiên của nó; cho nên, xét về khía cạnh sáng tạo mà nói thì con người vẫn phải đi săn tìm tài năng. Cái mà chúng ta dễ nhìn thấy là khía cạnh công nghiệp nên chúng ta dễ nhầm lẫn. Công nghiệp phát triển ở nơi có cơ sở hạ tầng tốt, nhưng sáng tạo thì không phải thế.

- Ở góc độ công nghiệp, các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức vẫn có rất nhiều lợi thế và nếu như họ tăng cường sử dụng robot trong quá trình sản xuất của mình thì dẫn đến việc họ có thể rút việc sản xuất ra khỏi những nước thứ ba. Các nước thứ ba đó sẽ phải chuẩn bị thế nào để sẵn sàng đối phó với sự thay đổi ấy chứ?

- Tôi nghĩ nhân loại luôn luôn có một quyền là quyền ngoảnh lưng, tức là tẩy chay. Tôi là người ở Hà Nội, khi đi bộ đội về các vùng nông thôn cũng thấy thích vẻ đẹp của những cô gái nông thôn, cũng tán tỉnh giống như những người lính khác. Nhưng các cô gái nông thôn ấy thường thích những chàng trai nông thôn hơn. Họ ngại chơi với người thành thị vì khôn khéo quá và đôi khi có cả lừa lọc nữa. Tôi đã trải qua những kinh nghiệm như vậy. 

Khi quan sát xã hội  như một người làm khoa học thì tôi hiểu rằng các quy luật sống tự nhiên của các vùng văn hóa có khả năng điều chỉnh tính cực đoan của con người. Ở những vùng có sự phát triển công nghiệp thấp hơn người ta vẫn còn một thứ giá trị để bù đắp, đấy chính là sự độc đáo của họ. Anh lên Cao Bằng, Tuyên Quang sẽ thấy vẻ đẹp của những cô gái miền núi, một vẻ đẹp khỏe mạnh thay cho sự yểu điệu thường thấy ở thành thị. Vẻ đẹp đó cũng hấp dẫn không hề kém vẻ đẹp mà chúng ta vẫn thấy thường ngày. Cho nên tôi nghĩ kinh tế hay những mặt khác cũng thế. Cái gì thuộc về con người thì cái đó là dấu ấn của văn hóa.

- Cho nên dù chúng ta có thể bị mất bớt công ăn việc làm do sự cạnh tranh của những con robot thì cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ sụp đổ, chúng ta vẫn có cách đi của chúng ta? Chúng ta phải tìm hướng, phải có sự chuẩn bị cho những hướng khác nữa?

- Chúng ta phải đối phó với tất cả sự yếu kém mà mình có, để tìm những bước đi của riêng mình. Ví dụ như khi tình trạng mà anh vừa nói xảy ra thì chúng ta phải tìm được những hướng đi, những mặt trận khác bù đắp lại, ví dụ như phát triển du lịch sâu hơn nữa, và toàn diện hơn nữa. Nhiệm vụ của con người nói chung là nhận ra sự yếu kém của mình để đối phó, chứ không phải vênh váo, tự xem mình là độc đáo. Bởi vì mọi sự độc đáo đều là kết quả của sự so sánh với những thứ giá trị khác xung quanh nó. Muốn làm ra sự độc đáo thì phải biết ứng phó với sự yếu kém của chính mình, và phải hiểu những giá trị xung quanh mình như thế nào.

- Mà nói về khả năng ứng phó với tình huống thì có vẻ như dân tộc Việt Nam cũng là một dân tộc giỏi ứng phó?

- Tôi không muốn nói là người Việt Nam giỏi ứng phó mà tôi nói rằng Việt Nam là một dân tộc vất vả, quen ứng phó. Chúng ta là một tích hợp của những người lam lũ, ứng phó với tất cả những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong lịch sử lâu dài.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Đăng (Thực hiện)
.
.
.