Chọc gậy bánh xe

Thứ Tư, 10/01/2018, 16:49
Người mình có nhiều ngạn ngữ, châm ngôn thật thâm thúy, hẳn cũng vì thực tiễn đời sống có bao kẻ tính xấu, những cái bụng chỉ vun cho mình và tìm cách phá người. 

Mang dòng máu Việt hoặc gốc Việt nhưng chỉ chực phỉ báng quê hương đất mẹ, tìm cớ quấy rối, chọc phá, mưu đồ làm khánh kiệt, suy tàn đất nước…

Bánh xe đang lăn chạy, dù nhanh hay chậm thì phụ thuộc ở chính người điều khiển, của chính bánh xe và nội tại chiếc xe. Tuy nhiên, với những kẻ mưu hại thì chúng không bao giờ muốn xe lăn bánh nhanh, đều và êm, chỉ chăm chăm tìm cớ chọc cản tốc độ, nhịp độ, không những làm gãy, hỏng bánh xe mà thậm chí gây đổ nát cả xe. Chiêu trò này đã xưa cũ, tuy nhiên những kẻ chống đối vẫn triệt để lợi dụng trong xa lộ thông tin mạng lan rộng mọi ngõ ngách đời sống.

Kể từ khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), hành vi xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung hỏa mù được các đối tượng tận dụng triệt để.

Minh họa: Lê Phương.

Không chỉ bằng những bài viết thiên về “phán” và “bình” như trước, ngày nay các đối tượng sử dụng tính lợi hại của mạng xã hội bằng cách lồng ghép video, ảnh cùng những tài liệu nội bộ hoặc tài liệu chưa được kiểm chứng. Đó có thể là tài liệu dưới dạng thư tay, công văn có nội dung mật, những đơn thư tố giác liên quan nội dung nhạy cảm, chưa được kiểm chứng.

Những tài liệu có dấu của cơ quan chức năng, có thể tài liệu thật, dấu thật bị lộ, lọt song cũng có thể được làm giả mạo để đánh lừa người đọc, người xem. 

Khi Hội nghị Trung ương 5 quyết định thi hành kỷ luật, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng, trên mạng lan tràn các thông tin xuyên tạc, nói rằng đây là minh chứng cho cuộc “ẩu đả”, “đả hổ” giữa các phe phái trong Đảng. 

Một số trang mạng lại chế giễu hình thức xử lý kỷ luật này và nói rằng, đó là kiểu kỷ luật quá nhẹ, “vuốt ve”, “mị dân” chỉ xử lấy cớ chứ sự thực “Đảng vẫn bao che, dung túng”.

Nhưng khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam, cũng chính những trang mạng đó lại trở bút, đưa ra giọng điệu “bình loạn” rằng “có biến trong Đảng”, “thanh trừng nội bộ”, “ẩu đả phe phái”... Tương tự, khi bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, không ít trang mạng suy diễn rằng truy nã chỉ là “cái cớ” còn thực tế ông Thanh đã được thế lực “bật đèn xanh” cho trốn.

Tuy nhiên, khi Trịnh Xuân Thanh về đầu thú, những thông tin sai lệch nhằm vào nội bộ Đảng, Nhà nước lại tiếp diễn với chiều hướng khác. Hay khi ông Nguyễn Xuân Anh bị xử lý kỷ luật, cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các thế lực thù địch lại đẩy vấn đề chống tham nhũng, suy thoái của Đảng thành “nạn nhân phe phái tranh giành quyền lực”, “triệt hạ” nhằm vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bôi nhọ, xuyên tạc, gây chia rẽ.

Gần đây, khi cơ quan An ninh điều tra khởi tố, phát lệnh truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), việc xử lý Đinh Ngọc Hệ (Út “trọc”), rất nhiều thông tin trên Internet đã lợi dụng vụ việc này để đánh lận, giở chiêu bài bôi nhọ lực lượng công an, quân đội, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin thất thiệt cũng được tung, lan truyền trên mạng, từ chỗ hành vi của cá nhân lại đánh lận, bôi nhọ cả lực lượng công an, quân đội.

Khi Vũ “nhôm” trốn khỏi nơi cư trú, xuất hiện nhiều bài viết trên mạng vội vàng quy chụp rằng, có “thế lực” lớn chống lưng, mở đường cho Vũ “nhôm” trốn, chống lại “thế lực” đang quyết truy bắt ông ta. Từ đó dẫn dắt thông tin, xuyên tạc thành chuyện chính trị, cho rằng “nội bộ xung đột, phe phái thanh trừng”. Song, khi Vũ “nhôm” bị bắt, số này lại ngay tắp lự thay đổi với kiểu suy diễn cũ, chuyển từ “được bảo kê cho trốn” thành “Vũ về, bão lại nổi”. Chúng tung ra các video, hình ảnh được lắp ghép với dụng ý xấu nhằm hướng lái người đọc từ vấn đề của cá nhân, của vụ án sang vấn đề chính trị nội bộ trong Đảng, Nhà nước.

Âm mưu của kẻ địch luôn mượn chuyện Đảng ta chống tham nhũng, chống suy thoái, từ việc khởi tố, bắt giam, điều tra, xử lý các vụ việc nổi cộm như vậy để xoay ngược, phê phán, suy diễn kiểu quy chụp hòng gây chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi trong nhân dân về chuyện “phe cánh”.

Một số hình ảnh, clip còn được cài đặt tự động trên các trang Zalo, Facebook, YouTube... có tốc độ lan truyền lớn. Mục đích của các đối tượng chính là đánh vào lòng tin người dân, làm cho người dân tin những thông tin, hình ảnh các đối tượng tung ra, từ đó gây hoài nghi đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Cần thấy rằng, chống tham nhũng, suy thoái là cuộc chiến ngay trong nội bộ, ngay trong đồng chí, ngay trong cấp lãnh đạo của tổ chức đảng, đụng chạm rất nhiều vấn đề về quan hệ giữa con người với con người. Do đó, việc kiểm tra, kết luận tuân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nguyên tắc khách quan, thận trọng, đúng người, đúng tội, đúng hành vi.

Việc chúng ta phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn gần đây thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ, trước hết là trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương. Hiện thực đó là minh chứng hiển nhiên, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch, bịa chuyện phe cánh, đấu đá trong nội bộ Đảng. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ với cử tri rằng, không hay ho gì khi phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình nhưng vì sự tồn vong của chế độ, của Đảng, đòi hỏi phải làm nghiêm, xử lý nghiêm. Mong muốn của người dân, đảng viên là công cuộc phòng, chống tham nhũng phải mạnh mẽ, triệt để hơn nữa với các hình thức xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, đây là công cuộc chống “giặc nội xâm” nên không thể nóng vội, các công việc phải làm từng bước, thận trọng, chắc chắn.

Tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh sau kỳ họp thứ 4 - Quốc hội Khóa XIV, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng khẳng định, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt một số kết quả bước đầu, tích cực, củng cố lòng tin của nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra còn chưa đạt được mong muốn, đòi hỏi phải chuyển biến đồng bộ hơn nữa.

“Tham nhũng là “giặc nội xâm”, các đối tượng len lỏi trong bộ máy chúng ta nên công tác điều tra cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, chắc chắn” - Chủ tịch nước chỉ rõ.

Hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang chỉ đạo 23 vụ cần tập trung làm rõ, làm xong đến đâu xử lý đến đó, xử lý xong lại tiếp tục làm. Đồng ý với ý kiến cử tri về việc xử lý tham nhũng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đấu tranh chống tham nhũng phải làm kiên quyết, không loại trừ bất kỳ ai, vị trí nào, không có vùng cấm...

Và thực tiễn thời gian qua, nhìn từ các vụ việc nổi cộm cho thấy, công tác chống tham nhũng, tiêu cực đã diễn ra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, hiện trong xã hội, kể cả trong Đảng có những biểu hiện thiếu niềm tin, chẳng hạn như cho rằng chống tham nhũng là quá khó, rồi cho rằng làm sao chống được, làm sao làm được...

Trong khi đó, các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu xằng bậy vì chúng không bao giờ ủng hộ những việc làm của ta. Mình làm kém, chúng móc ra chửi bới. Nhưng làm kiên quyết, thẳng thắn, đến nơi, đến chốn thì chúng cũng tìm cách xuyên tạc, bảo nội bộ thanh trừng nhau, đấu đá nội bộ, phe nhóm này kia. Bởi chúng chỉ tìm cách đả phá, bất kể ta làm được tốt hay chưa tốt. Do đó, ông khuyến nghị, người dân cần có sự thanh lọc thông tin, nhất là thông tin gây nhiễu trên mạng internet. Phải tỉnh táo để chọn lọc thông tin đúng, tránh các thông tin độc hại, sai lệch tiêm nhiễm.

Có hiện thực rằng, nhiều thông tin trên báo chí đang có dấu hiệu chạy theo mạng xã hội, thậm chí bị mạng xã hội dẫn dắt. Trong khi đó, tính định hướng, thông tin khách quan, chính xác của báo chí là yêu cầu đã được quy định trong Luật Báo chí. Nhà báo vừa viết báo, vừa chơi mạng xã hội, điều đó càng đặt ra tính cẩn trọng trong thu nạp và xử lý thông tin, không thể chạy theo trào lưu, vì sự tò mò của độc giả mà đưa tin thiểu kiểm tra, tin chưa được kiểm chứng.

thời cần sự thống nhất giữa chính bài viết trên báo với bài viết trên Facebook, blog bởi nếu không thận trọng, những thông tin của nhà báo cũng dễ bị kẻ địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.

Ngày nay, trong thế giới mạng, người ta luôn có cảm giác bội thực thông tin nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là bị nhiễu thông tin để rồi tin vào điều không đúng, điều sai trái, trong khi đó điều đúng, điều là lẽ phải, là sự thật thì lại không tin hoặc không chịu tin.

Với người dân, trước sự việc chính trị, xã hội đang được lan truyền với vô vàn “dị bản” lắp ghép trên mạng, chủ ý có, ác ý có, nhiều khi họ dễ tin và trở thành con rối, tiếp lửa cho những chiêu trò xuyên tạc, đả phá của kẻ xấu.

Trong khi đó, những thông tin chống phá không chỉ là cá nhân, tổ chức phản động thâm thù với chế độ ta. Không ít người Việt sống trên quê hương mà luôn có bụng dạ nguyền rủa quê hương, phản bội nhân dân.

Còn nữa, những người a dua, phụ họa cho kẻ địch, chạy theo những thông tin xuyên tạc, chống phá. Họ có thể vì thiếu hiểu biết song cũng không ít người có học, có trình độ nhưng quan điểm, thái độ lệch lạc, bám gót kẻ xấu “chọc gậy bánh xe” mà vẫn không ý thức được điều đó, vẫn tự cho mình quyền phán xét, “lên lớp” ngay trên Facebook, blog của mình. Đó thực là điều tai hại. 

An Nhi
.
.
.