“Vui lòng không chạm vào hiện vật!”

Thứ Tư, 04/01/2023, 13:45

Muốn hiểu di sản, tâm hồn của đất và người, có một cách khá nhanh là đi thăm bảo tàng. Mỗi bảo tàng lại trưng bày dạng hiện vật riêng tùy theo chuyên ngành. Khi đến thăm bảo tàng, chúng ta thường xuyên đọc được những tấm biển nhỏ đề: “Vui lòng không sờ vào hiện vật”. Điều này dường như là hiển nhiên đúng. Phải rồi. Mỗi người đều dùng xúc giác vào thì còn gì là hiện vật nữa.

Vậy xem hiện vật (không tiếp xúc) và xem ảnh trên sách, internet khác nhau ở đâu?

Một số bảo tàng áp dụng kỹ thuật thực tại ảo (Virtual reality – VR) cho khách đeo kính VR đi vào môi trường mô phỏng không gian 3 chiều sinh động hệt như thật. Không chỉ dùng thị giác, hiện nay công nghệ mới đã cập nhật xúc giác ảo. Khách xem được dùng găng tay thực tại ảo có chức năng xúc giác như thật. Nếu sờ vào bức tường ảo thì khách sẽ cảm nhận được vật liệu mịn hay nhám từ đôi găng tay.

Nghệ thuật gây được cảm xúc con người từ việc đánh thức ngũ quan thị, thính, vị, khứu giác, xúc giác... Người ta nói trăm nghe không bằng một thấy. Lại có người đòi rằng trăm thấy không bằng một sờ. Đó là từng bước trong quá trình trải nghiệm.

Dạo này nhà trường phổ thông cũng không ngớt nói về trải nghiệm, nhưng đến bảo tàng thì luôn gặp những tấm biển: “Vui lòng không sờ vào hiện vật!”. Hầu như chỉ có hình ảnh, còn hiện vật thì trong tủ kính. Nhìn xuyên qua kính loáng bóng thực sự rất vướng mắt. Có bảo tàng của tỉnh miền núi nhưng không thấy có các hiện vật như đồ dùng, trang phục của dân tộc thiểu số… Chỉ có trong tủ kính thì khó mà trách khán giả thờ ơ “một đi không trở lại”.

Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng dù chưa nhiều. Thí dụ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhiều năm qua đã cho khách được xem, nghe, nhìn, xoa, vuốt hiện vật trong không gian thực tế, chơi các trò chơi truyền thống như cà kheo, ném còn, kéo co… Vì vậy khách đến xem đông như hội.

Lại có các bảo tàng tư nhân cho khách trải nghiệm thoải mái. Ở Giao Thủy, Nam Định có “Bảo tàng đồng quê” do vợ chồng bà giáo về hưu Ngô Thị Khiếu xây dựng. Bảo tàng với 6.000m2, tái hiện đầy đủ nhà cửa, vật dụng, nông cụ, tiền nong của người dân Bắc bộ. Nếu cao hứng, khách có thể tự tay làm các món ăn Bắc bộ như bánh trôi, bánh gai... hoặc trồng rau, bắt cá, xay thóc, giã gạo.

Ông Dương Văn Đôn ở Kim Sơn, Ninh Bình, tự làm bảo tàng có hơn 1.000 hiện vật, chủ yếu về quân sự. Ông sưu tầm rất nhiều vỏ đạn pháo, bom, tên lửa đất đối không, không đối không, dàn phóng rốc-két và điểm nhấn là chiếc tiêm kích MiG-21 huyền thoại.

Những bảo tàng tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều từ Bắc chí Nam. Thật may, ở đây rất ít gặp các cô thuyết minh nói như cái máy học thuộc lòng. Khách khá dễ dàng gặp được chủ nhân bởi họ làm bảo tàng cùng sự đam mê nên thường sống và làm việc tại bảo tàng luôn.

Cuối năm nay có một triển lãm rất đặc biệt là “Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022”, thu hút 170 công ty của 30 quốc gia trình diễn tại Sân bay Gia Lâm. Phần lớn hiện vật trưng bày là những thứ khách muốn sờ tận tay. Tại đây, khách có thể ngắm tốp tiêm kích đa nhiệm Su30MK2 bay biểu diễn khai mạc. Thật vui, không có biển “Không sờ và hiện vật”. Vào triển lãm, khách chụp ảnh thoải mái, sờ nắn vận tải cơ Airbus C295, xe tăng T90, tổ hợp phòng không S-125, Spyder, tên lửa đất đối đất R17E, ngư lôi, pháo tự hành Su 152, UAV Việt Nam tự phát triển; cầm nhiều loại súng như AK 47 hiện đại, M16 và hàng chục kiểu súng tân kỳ… Bên cạnh các khí tài đều có các sĩ quan trực, tươi rói trả lời mọi câu hỏi của khách. Tiếc là triển lãm chỉ nhận khách trên 18 tuổi. Lớp trẻ yêu và muốn kế tục kỹ thuật quốc phòng thường bắt đầu từ tuổi nhi đồng, thiếu niên lại không được vào.

Ở Washinhton DC có bảo tàng Hàng không và không gian rất sinh động. Ở đây có mấy chục loại máy bay gắn với lịch sử hàng không được treo lơ lửng. Khách có thể đi vào trong một số nội thất máy bay, sờ nắn tàu vũ trụ và khoang hạ cánh của các du hành gia.

Tất nhiên có những giới hạn mà khách xem không thể vượt qua vì nó thuộc vấn đề bảo an toàn. Lại nhớ vụ Bảo tàng Mường (tư nhân tại Hòa Bình) gặp hỏa hoạn. Nhóm du khách tự ý nướng ngô trong bảo tàng và để xảy ra cháy. Họ không kêu cứu mà lên ô tô chạy trốn. Thế là rất nhiều cổ vật và đồ dùng sinh động đã trở thành tro tàn. Giá như bảo tàng cẩn trọng hơn khâu giám sát thì việc đáng tiếc đã không xảy ra.

Nhu cầu cầm nắm, trải nghiệm là nhu cầu lớn chứ không nhỏ. Vậy cần phân loại có những thứ là bảo vật thực sự thì cách ly trong tủ kính, những vật tương tự, hay bản sao có thể để trong không gian thực và cho người xem trải nghiệm. Hỏng thì thay đồ khác. Thực tế rất nhiều bảo vật cất trong kho. Những vật trưng bày là hiện vật tái tạo, giả cổ.

Trong giao tiếp, dù nồng nhiệt đến đâu mà thiếu một cái bắt tay hay cái ôm, vỗ vai thì mất đi phần thân mật. Hãy hình dung, mọi giao tiếp luôn với tinh thần “Vui lòng không chạm vào hiện vật!” thì cuộc sống tẻ nhạt biết bao nhiêu.

Tả Từ
.
.
.