Văn hóa gia đình & bình đẳng giới

Thứ Hai, 20/12/2021, 11:48

“Văn hóa soi đường cho quốc dân” và gia đình là tế bào của xã hội. Vậy thì từ cái tế bào nhỏ nhất, từ những mối quan hệ thường ngày nhỏ nhất, những vấn đề như bạo hành, bình đẳng giới cần phải được nhìn nhận thẳng thắn để xây dựng được nếp văn hóa trong ứng xử với nhau. Có nếp văn hoá ấy thì mới mong mỏi xây dựng một xã hội có văn hóa đủ để soi đường…

Gia đình, bạo hành và bí mật

Vào đầu tháng 12, một chàng trai Huế tuyên bố trên game show truyền hình rằng tiêu chuẩn người yêu của anh là phải có trình độ, không được nhuộm móng tay, và nếu không đẻ được con trai thì sẽ… ly hôn. Câu chuyện này lập tức gây bão trên truyền thông và mạng xã hội, như bao tranh cãi về giới và gia đình khác.

Tại phần bình luận của một trang báo lớn, những gì tôi đọc được là một cuộc khẩu chiến khốc liệt giữa hai giới, với lập luận thường bắt đầu bằng những định kiến: “đàn ông tay nào chả thế”; “ôi đã bảo hôn nhân là địa ngục mà”; hay “không rắn để các bà ngồi lên đầu à, giờ nữ quyền quá đáng lắm rồi”.

Đấy dường như là một dịp để giải tỏa ẩn ức khổng lồ, được châm ngòi bởi một thứ trông-có-vẻ-chính-đáng. Những người đã “còm” (comment - bình luận) dưới bài báo đơn giản muốn chứng minh rằng đối tác của họ dở ra sao, và cuộc sống hôn nhân/yêu đương thực chất tệ như thế nào.

Nhưng sau này thì mọi chuyện mới vỡ lở ra rằng chương trình ấy chỉ là sự dàn dựng, với kịch bản nhằm mục đích câu khách. Chỉ có một thứ duy nhất là thực: các cuộc hôn nhân/yêu đương đang tạo ra những ẩn ức, và chúng chỉ được giải tỏa trong những dịp kiểu này. Bên ngoài kia, cuộc sống hôn nhân và gia đình dường như chứa đầy những bí mật, nhưng không ai dám tung hê các bí mật, một cách chính thức.

Văn hóa gia đình & bình đẳng giới -0
Ảnh: S.t

Bạo hành là một phần trong các bí mật gia đình, không chỉ ở Việt Nam. Từ góc nhìn của cá nhân lẫn gia đình, những bí mật có thể hủy hoại con người. Trong nhiều tình huống, chúng có thể làm gia tăng bạo lực, chẳng hạn như các gia đình mà hành vi lạm dụng không được thừa nhận và nạn nhân thậm chí có thể bị buộc phải tiếp tục chung sống với thủ phạm.

Việc tự nhủ rằng các mâu thuẫn lẫn bạo lực gia đình đều có thể giải quyết bằng “đóng cửa bảo nhau” đã tạo ra những ẩn ức trong các cuộc tranh cãi về giới nói chung và gia đình nói riêng trên các kênh truyền thông chủ lưu, và làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Điều này được minh họa một cách khắc nghiệt trong cuốn hồi ký nổi tiếng có tên “Có học” (Educated, xuất bản năm 2018) của Tara Westover, một nạn nhân của bạo hành gia đình. Cô mô tả lại cuộc sống cùng với cha mẹ là người theo đạo Mặc Môn có tư tưởng sinh tồn cực đoan ở vùng nông thôn Idaho, sống cô lập và mâu thuẫn với xã hội chính thống. Khi Tara còn là một thiếu niên, anh trai đã bắt đầu ngược đãi và bạo hành cô cả về thể chất lẫn tinh thần. Anh ta kéo tóc, gí đầu cô vào bồn cầu, gọi cô là đồ đĩ thõa và đe dọa giết cô.

Trong nhiều năm, Tara đã giữ bí mật về chuyện bị lạm dụng, không chỉ với người khác, mà ngay cả với chính bản thân mình, cô cũng tự nhủ đó chỉ là một trò đùa chị em hay làm với nhau. Cuối cùng, khi cô hết chịu nổi và phải dùng hết dũng khí để thú nhận với cha mẹ, họ từ chối thừa nhận hành vi bạo lực đó và cố gắng thuyết phục rằng cô đang bị hoang tưởng. Trong một bài trả lời phỏng vấn tờ The Guardian sau này, Tara nói: “Trong những gia đình như nhà tôi, không tội lỗi nào tệ hại hơn việc nói ra sự thật”.

Trong báo cáo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam vào năm 2019, một phụ nữ 43 tuổi đã trả lời nghiên cứu định tính thế này: “Tôi nói với những chị em khác: nếu cảm thấy cuộc sống của mình không nhẫn nhịn được thì mình phải sống riêng cho mình. Không thể nào chỉ vì sợ cái tiếng hai, ba chồng mà phải chôn vùi cái cuộc sống của mình ở chỗ ngục tù như vậy”.

Thực tế rất ảm đạm: khảo sát cho biết cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 người (tỉ lệ 62,9%) đã từng trải qua một hoặc hơn một hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời. Cứ 4 phụ nữ từng kết hôn/có bạn tình ở Việt Nam thì có 1 người (26,2%) đã từng bị chồng/bạn tình bạo lực thể xác trong đời. Bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra đang là dạng bạo lực có tỉ lệ cao nhất - gần một nửa (47%) phụ nữ tham gia điều tra đã từng phải trải qua trong đời.

Tất cả, giống như Tara, không chỉ sống cho riêng họ được, thậm chí còn phải hy sinh sự an toàn của mình cho một gánh nặng luân lý: bảo vệ các bí mật, và làm đẹp mặt gia đình. Đấy là một quy ước bất thành văn đã biến bạo lực gia đình thành một thứ đương nhiên được chấp nhận, và rất ít người dám lên tiếng. Và lên tiếng xong thì cũng chỉ để bổ sung thêm vào các báo cáo ngày một dày đặc thêm về bạo hành gia đình.

Vì cơ bản chúng ta đang sống với những “thành trì” được tất cả đồng lòng bảo vệ nhiều năm. Gia đình phải luôn hạnh phúc, hoặc ít nhất là phải trông như thế, có gì “đóng cửa bảo nhau”, hay “xấu chàng thì hổ ai”. Trong nhiều năm, hệ thống tư tưởng về gia đình kiểu này đã phát triển thành nhiều dạng ngụy biện khác nhau, như là yêu cho roi cho vọt, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về, hay trông cục súc thế thôi nhưng thương vợ/người yêu lắm. Như là người cha phải gia trưởng để lập lại trật tự tôn ti trong gia đình.

Các diễn ngôn kiểu này thường được giải thích rằng để bảo vệ tổ ấm gia đình, một mô hình quan trọng với xã hội lẫn sự thịnh vượng của quốc gia. Nhưng có một con số có thể khiến các nhà xã hội học phải đau đầu: với tình trạng phụ nữ có việc làm bị bạo hành gia đình, thì tổng thiệt hại của nền kinh tế có thể lên đến 2% GDP, theo báo cáo của chương trình điều tra quốc gia về bạo lực gia đình. Sự chịu đựng này, rốt cục, chẳng có lợi cho ai cả.

Cũng vào đầu tháng 12, một người mẫu có tiếng đăng bức hình cô bị bạn trai đánh đập dã man lên mạng xã hội, như một lời cảnh tỉnh rằng các hình thức bạo hành gia đình không chừa một ai, bất kể người phụ nữ có địa vị hay nhan sắc cỡ nào. Cô không cần cái vỏ hạnh phúc gia đình, hay sợ mất mặt vì những hình ảnh kinh khủng nữa. Cô chỉ cần lên tiếng, và công an đã vào cuộc.

Nếu cô im lặng để tiếp tục giữ nó như một bí mật, thì chẳng ai có thể can thiệp được vào câu chuyện này. Chấm dứt bạo hành gia đình trước hết phải là chấm dứt việc coi chúng như những bí mật. Đấy là tội ác, và với tội ác, thì chỉ có một lựa chọn là đúng đắn: phơi bày, và loại trừ chúng.

Phạm An

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Phái yếu mạnh hơn lên là điều chỉnh của thực tế phát triển”

Văn hóa gia đình & bình đẳng giới -0
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

+ Chào PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, trước tiên, tôi mời chị xem đoạn clip này (Đoạn clip của TV show “Hành lý tình yêu” phát sóng hôm 29-11 xoay quanh chàng trai người Huế với tuyên bố nếu vợ không đẻ được con trai thì ly dị). Chị nhận xét gì về nó?

- Tôi thấy tính kịch chan chát trong đối thoại . Cả hai đều bảo vệ đến cùng cái mà  họ cho là đúng. Cả hai có quyền sống theo ý muốn của mình.

+ Nhưng tôi thì lại thấy thế này, chưa nói đúng-sai hay quan niệm cũ-mới, tôi chỉ chú ý đến câu nói của đạo diễn Lê Hoàng là “nếu con gái cưới cậu này thì cho cái bạt tai lôi về nhà ngay”. Câu nói đó có phải là biểu hiện vô thức của gia trưởng?

- Đúng. Bệnh gia trưởng là di vết của cuộc sống ngày xưa của người Việt. Cha được xếp vị trí ngồi trên nóc nhà - cao nhất. Con không cha là nhà không nóc. Dân gian Việt nói cái chắc như vậy. Và An Dương Vương đã lầm lẫn khi hành xử với con gái trên tinh thần này “cha đặt đâu con ngồi đấy” nên đã gả Mỵ Châu cho Trọng Thuỷ, mà không biết mình đã rơi vào bẫy của Triệu Đà. Đấy là bi kịch lịch sử của chuyện gả con mà Lê Hoàng đang rơi vào, là quyết không gả con cho một người tương tự như nhân vật mang cái quan niệm lấy vợ sinh con hoàn toàn lệch lạc như thế. Thái độ và cách phản ứng ấy là gia trưởng cũ kĩ và thực ra chả mới gì hơn cái anh chàng quyết chung thủy với lề lối gia đình xứ Huế kia. Có vẻ vui hơn nếu ta thấy hai người tưởng chan chát đối thoại ấy lại có vẻ rất giống nhau. Và gia trưởng như nhau. Đều muốn gả con và lấy vợ theo chuẩn của mình, chả đếm xỉa đến người con gái mình gả chồng hoặc mình định lấy làm vợ.

+ Thật ra thì đa số các dân tộc trên thế giới đều có di vết gia trưởng cả, chỉ là nơi này xóa mờ nó nhanh hơn nơi khác thôi. Song, thực tế thì nếu trong một gia đình không có một người “lãnh đạo” đúng nghĩa, hỗn loạn dễ xảy ra. Suy cho cùng, gia đình là một mẫu hình của một xã hội thu nhỏ, và nó cần có trật tự chứ.

- Nhưng phải là một thứ trật tự đúng nghĩa và tử tế, chứ không phải cửa quyền và thiếu tôn trọng nhau. Gia đình không chỉ là xã hội thu nhỏ mà còn là tế bào của xã hội. Trong sự dân chủ có từ gốc tình yêu tạo lập gia đình, phải có tự do và dân chủ trong yêu đương, không thể để bố mẹ  sắp đặt mà mình chẳng có yếu kiến gì, như thơ của thi sĩ nào đã viết  “chồng chị là ai/chị nào có biết/ Đợi đến ngày mai/ nhìn qua kẽ liếp…”. Trong sự kết hợp giữa đàn ông đàn bà, ngay cả tự nhiên cũng quy định: đàn ông phái mạnh và đàn bà phái yếu, đàn ông thuộc dương, đàn bà thuộc âm và thường là đàn ông ở vị trí lãnh đạo, nhưng trong sự phát triển, không hẳn thế. Vẫn có những nữ nguyên thủ quốc gia xuất sắc chả kém gì đàn ông, thậm chí hơn. Nên không thể phân biệt theo tiêu chí mạnh yếu theo cơ bắp.

Về chuyện yêu đương, con người phải được là mình. Chuyện ngụ ngôn kể: con gà trống vô cùng hăng tiết đuổi theo con gà mái. Con mái cũng chạy rất hăng, có điều, nó vừa chạy vừa nghĩ: không biết mình chạy như thế có quá nhanh không. Cách nghĩ ấy là của con người và xem ra nó điều hành cuộc chạy ấy một cách chủ động chứ không phải bị động đâu. Trong tất cả các con trên đời này thì chỉ có con người mới biết cách xử lý yêu khác tất cả các con khác như thế. Mà tất cả các con đều phải “phe la mua” (faire lamour) phải không? Chỉ con người mới có cách người, còn các con khác thì không . Bởi vậy, chỉ còn người mới có văn hoá yêu đương, còn các con khác đi chỗ khác chơi!!!

+ Trong gia đình chị, chị có phải là "nguyên thủ" hay không? Và nhân chị nói đến mạnh - yếu, vậy thực tế trong quan hệ giữa hai phái, chị có nhận thấy là thực chất hiện nay “thế mạnh” lại đang nằm ở phái nữ chứ không ở phái nam?

- Phải rồi, nữ mạnh hơn lên và ở thế mạnh bởi trước đó, họ bị xếp dưới nóc nhà có đàn ông ngồi nghiễm nhiên chình ình ở trên. Và đây là sự điều chỉnh của thực tế phát triển của xã hội loài người, nhất là ở các nước phương Đông, vốn không coi trọng phụ nữ trong chế độ gia trưởng. Vì vậy, thiếu bình đẳng khi đàn ông trong thế kỷ 20, 21 vẫn giữ ít nhất là thái độ gia trưởng. Tôi đã ly hôn chồng từ tuổi tam thập bởi tôi không chịu nổi sự gia trưởng ấy, và chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định ấy của mình.

+ Phụ nữ cho rằng họ chịu “cửa dưới” quá nhiều thế kỷ rồi nên bây giờ họ đòi hỏi phải được bình đẳng. Và hiện nay, xã hội Việt Nam cũng thuộc diện có tính bình đẳng nam nữ khá cao. Song, cứ mỗi khi có mâu thuẫn giới xảy ra, y như rằng tự phụ nữ lại lui về “cửa dưới”, lấy đó làm lợi thế để uy hiếp ngược lại người đàn ông đối diện mình. Hơn nữa, đàn ông hiện tại có phải là thủ phạm của việc đè nén phụ nữ trăm năm trước đâu mà giờ đây họ lại bị “bắt vạ”. Chị có thấy đấy là mâu thuẫn?

- Nếu cứ nói chung chung như thế thì có vẻ là muốn nói lấy được đấy. Phụ nữ có nhu cầu tự nhiên về sự được/phải là mình trong quan hệ với gia đình và xã hội.  Người đàn ông Việt không phải ai cũng vậy. Tự thức về sự gia trưởng truyền đời của chính xã hội nông nghiệp Việt Nam truyền thống, khi lấy gia tộc là nguyên tắc đầu tiên để cấu trúc nên xã hội ấy. Cá nhân người Việt thường ký sinh và chìm đắm trong gia tộc nên người đứng đầu gia tộc đã quyết định số phận của toàn gia tộc mình với tôn ti trật tự nghiêm ngặt. Bạn hãy đọc “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu lần nữa. Tôi không tin khi mâu thuẫn xảy ra, phụ nữ lui hết về cửa dưới. Sẽ có số ít không lui và số ít này sẽ thành hiện thực của số đông. Người phụ nữ tử tế cũng không thích uy hiếp ngược người đàn ông đối diện nếu anh ta không ngang bằng trong đối thoại. Theo tôi, cho rằng đàn ông vừa là thủ phạm đè nén lại vừa bị bắt vạ giờ đây (như ý bạn nói) chính là mặc cảm tự ti. Mâu thuẫn ấy chính là mặc cảm.

+ Và cũng có một ví dụ, từ một người quen chung giữa chị và tôi. Ông ta là người vô cùng hiện đại, tôn trọng vợ hết mực và luôn để vợ có quyền quyết định rất lớn trong gia đình. Kết cục, vợ phá nát hết cả. Và kéo theo đó, bà vợ lại dệt lên một câu chuyện là chính ông này vì gia trưởng, quyết hết nên nhà tan cửa nát. Cái ví dụ này thực tế xảy ra ở rất nhiều gia cảnh, và ở đó, trọng tâm của xoáy bao giờ cũng là đàn ông. Hiện thời, trong xã hội (không chỉ Việt Nam), đang có một hình thức đấu tranh nữ quyền thái quá đến mức bị coi là "phát xít nữ quyền". Vậy thì không lẽ cái xoay vần thế mạnh - thế yếu này chỉ mang lại tích cực đơn thuần? Và phụ nữ có vô can?

- Thí dụ của bạn không điển hình, bạn đang cố chứng minh phụ nữ có can tội hoặc vô số tội, thậm chí trở thành phát xít trong nữ quyền. Đúng, nhưng xã hội sẽ phải tự điều chỉnh trong sự phát triển có tính quy luật không thể cưỡng chống. Sao lại để cho phụ nữ muốn làm gì thì làm, kể cả rất sai, như cái ông chồng nhẫn nhịn kia? Để cô vợ phá nát gia đình? Sao lại không chứng tỏ quyền uy tự nhiên của mình trong hoàn cảnh không giống ai của Việt Nam? Hệ quả là ông ta phải chịu trách nhiệm, mình không can dự như cách bạn phán xử được.

+ Thực tế, có rất nhiều tranh luận bình đẳng, và trong đó, khi phụ nữ đuối lý thì họ lại lấy "quyền phụ nữ" để buộc đàn ông phải nhún lại. Đúng như chị nói là đời sống đàn ông Việt nặng tính gia trưởng do tự trói mình vào trong những tôn ti, lề luật của dòng tộc, mà nhiều khi là hủ lậu. Nhưng không hẳn tất cả đàn ông Việt đều vậy, đặc biệt là ở đô thị hiện nay, nhất là trong các công ty, nơi mà vai trò của nữ giới càng ngày càng vô cùng quan trọng.

- Thì tốt chứ sao, ai lấy quyền phụ nữ để buộc đàn ông phải nhún là một dấu hiệu không tệ, nếu đàn ông phải nhún. Tại sao phải nhún? Và vai trò phụ nữ càng quan trọng trong các công ty là dấu hiệu tuyệt hảo của sự phát triển lành mạnh, nhất là khi xã hội Việt Nam vốn dĩ là xã hội lâu đời với các hằng số: nông dân - nông nghiệp - nông thôn, lại đã và đang theo mô hình phương Tây để phát triển, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, thì phụ nữ buộc phải đổi mới tư duy, mới tích hợp  với phương Tây và toàn cầu.

+ Nhưng rốt cuộc, rất nhiều phụ nữ hiện đại, thành đạt, là con người của xã hội và có một người chồng hậu phương tuyệt vời có thể thay thế họ để làm "nội tướng" cuối cùng lại không thỏa mãn với người đàn ông "cắm mặt vào bếp" ấy của mình. Nghịch lý nhỉ? Đấu tranh cho quyền của mình, và rơi vào trạng thái chán ngán chính cái vị thế đạt được?

-  Cái ngu dốt là người đàn ông tự cho mình làm phận sự cắm mặt vào bếp ấy. Tự xem lại người đàn ông tư thế kém cỏi và ngu ngốc ấy đi. Mình làm chủ vận mệnh mình hay cô kia làm chủ? Sao không ly hôn đi? Thiếu gì giải pháp hay hơn “cắm mặt vào bếp” bạn nhỉ? Người như thế, làm sao coi trọng?.

+ Như vậy, kiểu gì cũng là đàn ông có lỗi nhỉ. Một câu hỏi khác, rộng hơn về gia đình chứ không chỉ đơn thuần chuyện nam, nữ, chồng, vợ. Đó là “dạy lẫn nhau”. Dạy vợ, dạy chồng, dạy con, phương cách thực hành tất cả các hành vi ấy theo chị là có nên phải thay đổi gì trong đại đa số các gia đình Việt hiện nay? Ví như chuyện “thương cho roi cho vọt” chằng hạn. Không dùng bạo lực là đúng, nhưng khốn nỗi đa số thành phần tội phạm mà sau đó được mô tả là “cháu nó ở nhà ngoan lắm” lại toàn là những người lớn lên theo kiểu “trứng - hoa” cả.

- Bạn không thể vội vã bảo kiểu gì đàn ông cũng có lỗi theo kiểu võ đoán như thế được. Có lỗi hay không là theo góc nhìn nào. Tôi vẫn thấy có nhiều đàn ông rất đáng trọng và đáng yêu trong đời, và đó là lý do sống của một nửa nhân loại đấy. Còn về cái gọi là dạy nhau kia, dạy lẫn nhau là quy luật của sống chung trong cả ba khu vực: gia đình, nhà trường và xã hội. Dạy nhau cũng là học nhau nữa. Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Gái ngoan mới biết dạy chồng. Và GS Trần Quốc Vượng từng nói thâm thuý: “Học thầy không tày học bạn. Học bạn không tày học sinh viên”. Lẽ đời là thế. Cách dạy của các cụ ngày xưa là yêu cho roi vọt có thể rất phù hợp với ngày xưa nhưng thực tế thì chẳng nên đánh đập con cái tàn nhẫn, hay coi đó là cách tốt nhất. Người hiện đại hôm nay ít chọn cách ấy và ngay cả bạn cũng đâu có chọn. Bạn chẳng đánh con bao giờ mà vẫn có uy. Tôi nghĩ: khi người ta có tư duy hiện đại, sẽ tìm ra cách dạy con tốt nhất theo lựa chọn của mình.

+ Ngoài hai tiếng "man rợ" để nhận xét vui vui đúng thương hiệu của Nguyễn Thị Minh Thái ra, sau cuộc đối thoại này, chị có nghĩ rốt cuộc tôi cũng là kẻ gia trưởng, cổ hủ và chống lại nữ quyền không?

- Đừng khái quát thế! Bạn là giai Việt, đương nhiên có ít nhiều gia trưởng trong máu, nhưng nồng độ là chịu được. Bạn chắc không dại gì mà chống lại nữ quyền Việt vốn đang là câu chuyện không đơn giản và bị xâu xé với nhiều góc nhìn. Việc của bạn là tìm ra một góc nhìn văn hóa nhất, đẹp nhất, so với góc ít đẹp hơn.  Chọn tôi là người đối thoại là một lựa chọn tốt và thích hợp cho chủ đề này. Vả lại dại gì mà chống lại nữ quyền, nếu những người phụ nữ thông minh và tử tế chỉ muốn đòi đúng cái quyền mà họ được có, và hiểu rằng phụ nữ đẹp nhất là vẻ đẹp giới tính của mình, nếu không thì sinh ra Adam để làm gì?

+ Xin cảm ơn chị về buổi trao đổi cởi mở này.

Hà Quang Minh

Nữ quyền thành thị

Trong một cuộc khảo sát của UN Women và Ủy ban Dân tộc năm 2017, có đến gần 60% phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định rằng nếu cãi chồng mà bị đánh là đúng.

Cũng trong cuộc khảo sát đó, 74% số hộ gia đình dân tộc thiểu số tại Việt Nam có người đứng tên quyền sở hữu đất đai và tín dụng là nam giới.

Văn hóa gia đình & bình đẳng giới -0
     Ảnh: S.t

Đó là những vấn đề hiển hiện. Còn hàng tá con số thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới tại nhiều vùng của Việt Nam. Những khuôn mẫu giới theo kiểu “đàn ông thì phải” và “đàn bà thì nên” gắn chặt vào nhiều vùng văn hóa. Một ví dụ mạnh mẽ khác, là tỷ lệ trẻ em nữ dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi, tại nhiều vùng ở Việt Nam ở mức dưới 50% cho cấp THPT.

Nếu bạn đã nhìn vào gương mặt của cô bé trên một triền núi sát biên giới, nhìn thấy ánh mắt vốn đã rất sắc của một người Mông, và nghe cô tuyên bố, rằng mình sẽ tự tử nếu bị bắt nghỉ học, bạn sẽ hiểu rằng bình đẳng giới là một xung đột sâu sắc và hiện hữu. Rất nhiều bạn bè của cô đã đi làm dâu nhà người từ tuổi 14. Đến 77% số vụ tảo hôn ở các vùng đồng bào thiểu số là với các em nữ. Trong các biên bản vận động trẻ quay trở lại trường của các thầy, đầy những dòng chữ bất lực: “Em A. đã đi lấy chồng ở bản bên, không còn khả năng theo học”.

Tại Tây Nguyên, tỷ lệ trẻ em nữ dân tộc thiểu số được đi học cấp 2 đúng tuổi chỉ là 75%. Và tỷ lệ tảo hôn ở trẻ em nữ, bạn có thể kinh ngạc: hơn 28%, theo số liệu năm 2020.

Tiếc rằng nếu giở mặt báo và mạng xã hội ra, bạn sẽ có xu hướng nhìn thấy một diễn ngôn khác về nữ quyền. Toàn những câu chuyện thành thị. Mục Tâm sự, mục Gia đình của các tờ báo, các talkshow trên truyền hình hay trên YouTube, đều được thực hiện bởi các cư dân thành thị tiếp cận với Internet và chúng bàn những câu chuyện khá xa xôi so với các xung đột mà chúng ta kể ở trên.

Những câu chuyện mông lung mang màu sắc triết học. Chồng tôi làm ăn thất bại, tôi có nên rời bỏ anh ấy. Một motif điển hình của báo mạng. “Làm ăn thất bại” là hoàn cảnh, chắc gì đã liên quan đến nhân cách đâu mà hỏi? Hoặc ngược lại, vợ chì chiết tôi vì làm ăn thất bại, tôi muốn được giải thoát. Cũng là một chủ đề ăn khách. Nghe có vẻ có chuyện gì đáng bàn ở đây. Nhưng một lần nữa, “làm ăn thất bại” có thể cũng liên quan đến nhân cách của anh, anh lười, anh cố chấp, anh không thực sự thương yêu và đặt sự an toàn của vợ con lên thật thì sao? Người ta có quyền lên án những tính cách độc hại chứ?

Trên các talkshow, các đạo diễn và cả các nhãn hàng ra sức thổi bùng lên những cuộc tranh luận theo kiểu “lương 10 triệu có nên lấy vợ” hay “nữ tính là gì”. Những khái quát mà lần nào nói lại cũng như mới, cãi nhau mải miết không thôi.

Điểm thú vị của những chủ đề thành thị kiểu này, là chúng rất ăn khách. Chúng ăn khách vì chúng vốn không đủ hàm lượng thông tin để thảo luận, nên thích cãi nhau đến bao giờ cũng được. “Làm ăn thất bại” với “lương 10 triệu” hay “không vào bếp” đều là những khái quát rất đáng ngờ - chúng chỉ là các tình cảnh và chẳng phản ánh gì về con người cả.

Có một truyện ngụ ngôn thế này. Vị hoàng đế chiếm được một vương quốc, và cho triệu nhà hiền triết giỏi nhất của vương quốc đó đến. Bạo chúa ban ra một trò chơi: “Ta cho ông nói một câu, nếu nói đúng thì ông bị chém đầu còn nói sai ông sẽ bị treo cổ”.

Nhà hiền triết từ tốn đáp: “Tôi sẽ bị treo cổ”.

Bạo chúa cười: “Được, như ý nguyện, ta sẽ cho ông lên giá treo cổ”.

Nhà hiền triết cũng cười: “Thưa đức vua, nếu ngài đưa tôi lên giá treo cổ tức là câu nói của tôi đúng, vậy thì tôi phải bị chém đầu”.

Nhà vua sực nhận ra, nếu đưa ông triết gia đi chém đầu thì tức là triết gia nói sai. Mà như thế nghĩa là ông ta phải bị treo cổ. Nếu treo cổ lại thành nói đúng, tức là phải bị chém đầu… Nhà vua nhức não quá, không còn cách nào khác ngoài thả nhà hiền triết ra.

Bạn có biết vì sao nhà vua không thể hành hình được nhà hiền triết dù có một luật chơi khá rõ ràng không? Vì câu nói của triết gia hoàn toàn không-có-thông-tin. Đó là một “giả mệnh đề”. Câu nói đó về cơ bản không thể phân định đúng sai được.

Mỗi lần đọc một chủ đề thảo luận rôm rả kiểu “lương 10 triệu có nên lấy vợ”, “gái Huế ngoan hiền hơn gái Bắc”, “tật xấu đàn ông Việt” tôi lại nhớ đến truyện ngụ ngôn này. Chúng là những “giả mệnh đề”, tức là nó không đủ thông tin để thảo luận, và thích thì có thể cãi nhau đến năm 2050.

Và trong khi chúng ta theo đuổi những giả chủ đề ấy, thì nữ quyền hay bình đẳng giới gặp những vấn đề cụ thể. Có một cô bé 14 tuổi vừa bị gả cho một anh thanh niên nào đó ở bên kia dãy núi. Cơ thể cô sẽ bị dày vò bởi tình dục không an toàn, bởi những giờ lao động khổ sai cho nhà chồng, bởi cả những nắm đấm. Cô sẽ làm mẹ ở tuổi 15. Có một người phụ nữ nào đó vừa bị chồng đánh bằng chày giã gạo sau cuộc rượu ban chiều. Khi người chồng đã ngủ say, chị ta sẽ dùng cái chày đó đập vào đầu chồng đến chết, trong cơn uất ức. Chị đi tù và để lại 2 đứa trẻ mồ côi. Tôi đã nhìn thấy hai anh em ấy, nép vào nhau trong một sân trường nội trú giữa mây trắng buốt lạnh.

Bất kỳ một nhà báo nào cũng có thể nói cho bạn biết, rằng một phóng sự về hai đứa trẻ đó, với thông điệp về bạo hành giới trong các gia đình người Mông, sẽ không ăn khách bằng một bài về “chồng tôi làm ăn thất bại” hay bất kỳ một chủ đề ứng xử gia đình nào đó kiểu thành thị. Và nhà báo, nếu bị áp chỉ tiêu, cũng chọn chủ đề thành thị mà viết thôi. Vì sợ về nhà lại bị coi là người đàn ông thất bại, rồi lại phải vào bếp, rồi lại trở thành chủ đề đàm tiếu của thiên hạ.

Đức Hoàng

Phạm An – Hà Quang Minh – Đức Hoàng
.
.
.