Những thân phận bên lề

Thứ Sáu, 10/06/2022, 20:16

Sự phân hóa giàu - nghèo ở Việt Nam chưa bao giờ rõ rệt đến thế. Và trong sự phân hóa mạnh mẽ ấy, những thân phận bên lề xã hội cũng càng nổi bật hơn với những mẫu số hình hài rất chung…

Cảm giác bất lực

Lâu lắm mới có dịp đi qua con phố cũ đã ở hồi nhỏ, tôi ngỡ ngàng nhìn tòa bulding đá trắng với những chi tiết mạ vàng trên cánh cổng sắt ở nơi xưa là một ngôi nhà cũ kỹ có ô cửa sổ màu nâu và rêu xanh bám trên tường.

chenhlechgiaungheo_qufy.jpg -0
Ảnh: S.t

Ngôi nhà ấy, nếu còn, chắc cũng đổ nát lâu rồi. Và tòa nhà mới đứng đó cũng là chuyện vô cùng bình thường trong thành phố. “Thế gian biến cải vũng nên đồi…”, chẳng có gì để nói, mà có nói cùng lắm chỉ thốt lên: “Nhà ai giàu thế này?”. Thốt lên thế thôi, chẳng phải vì ngạc nhiên. Nhà cự phú, nhà bá hộ thừa tiền xây biệt phủ, khắp thành thị nông thôn giờ vô số kể. Lướt một thoáng đã thấy dinh thự lộng lẫy mới xây hay ô tô xịn láng bóng nhiều không đếm được. Thì đấy là chuyện để mừng!

Cái lối ngấm ngầm coi thường người giàu, ngược đời thế, mà các cụ hàn nho truyền lại cho con cháu giờ không tồn tại nữa. Đất nước giờ khấm khá hơn xưa, nghèo mãi là cái lỗi. Thậm chí lỗi lớn. Tuy nhiên, vì một số lý do, người nghèo, thậm chí rất nghèo, vẫn cứ đông đúc, vẫn tồn tại bên lề xã hội. Thật ra, ngay trong xã hội chứ chẳng phải bên lề.

Mấy hôm nay mạng xã hội ầm ầm chuyện một bà mẹ có con học một trường quốc tế livestream tố cáo việc con bị bạn học đánh. Chuyện bé xé rất to. Vấn đề cộng đồng mạng lao vào không phải chuyện gì to tát, mà chuyện học trường ấy, cha mẹ phải đóng học phí 600 triệu/năm. Một khi đã nộp chừng ấy tiền cho nhà trường, họ đòi con họ phải được bảo vệ tận chân răng, thậm chí không được dính hạt bụi nào. Nghĩ thế cũng chẳng có gì sai. 600 triệu là một con số lớn kinh khủng với rất nhiều người nghèo, lớn không tưởng tượng nổi.

Cô giúp việc nhà bên cạnh nhà tôi mới đây ra phố bị xe máy đâm. Không gãy xương, chụp X.quang xong yên tâm về nhà, nhưng đau quá, chân cứ sưng lên, lại phải đi chụp cộng hưởng từ. Lần đầu chụp mất mấy trăm nghìn đồng, lần sau chụp mất mấy triệu, thế là hết nửa tháng tiền làm thuê. Nhưng thế chưa là gì. Bác sĩ chụp xong nói đứt dây chằng, phải mổ để nối. Cần đặt trước 60 triệu, nếu không có bảo hiểm. Bảo hiểm trái tuyến giảm được gần nửa, nhưng đấy mới là tiền mổ, còn thuốc men và các phụ phí khác. Trời sụp cũng không thể gây bàng hoàng với cô giúp việc ấy khi nghe đến số tiền 60 triệu. Cả năm đi làm giúp việc với mức 5 đến 7 triệu/ tháng thế coi như xong. Ở nhà còn mẹ già con nhỏ, con đi học trường làng dù ít cũng phải đóng học phí, mua đồng phục… Cô ấy hoàn toàn không nằm trong diện xã hội phải cứu trợ. Ngoài sự giúp đỡ (mà cơ bản không nhiều lắm của chủ nhà), một cú ngã nhẹ cũng khiến cô ấy bị bần cùng một cách dễ dàng.

Đấy chỉ là một ví dụ rất nhỏ. Người ta nên sống giàu có . Nhưng nếu không thể giàu có, người ta sống thế nào?

Người nghèo đâu có thể trả lời câu hỏi ấy. Họ nghĩ họ đã cố gắng, nhưng cố gắng có khi không được đáp trả, thế nên họ hoang mang. Tất yếu sẽ nảy sinh các dịch vụ tâm linh từ đó. Tạo nghiệp, rồi giải nghiệp. Nợ kiếp trước, trả kiếp này. Oan gia nghiệp chướng… Vô vàn lý giải. Mỗi khi không may thì đem cái mơ hồ không may là do tiền định ra mà an ủi bản thân. Mà xác định đi, nếu do tiền định thì cố gắng cũng chẳng ăn thua. Cố gắng kiếp này, là gieo hạt thôi, kiếp sau mới có quả ăn. Cứ nghĩ thế cho tâm bớt nặng. Cả một bộ phận vô cùng đông đảo dân chúng đang sống nghèo mơ đến kiếp sau được hưởng phúc trong lúc cố gắng giữ cho tâm nhẹ. Nếu có một khoản tiền trước mắt chừng 600 triệu với nhiều người, ắt là tâm sẽ nhẹ. Nhưng có 600 triệu (rất ít trong tổng số, chỉ để nộp tiền học cho con), tâm có nhẹ hay không? Hóa ra cũng không. Nhẹ thì đã chẳng livestream chửi cả nhà trường. Nhà trường thu ngần ấy tiền cha mẹ học sinh nộp tâm cũng chẳng nhẹ. Các thầy cô vùng cao cơm không đủ bữa, sáng sáng uống chén rượu ngô men lá, nhìn lớp học toang hoang gió lùa của học trò rét run, thương thì thương, tâm vẫn nhẹ hơn…

Câu chuyện phân hóa giàu nghèo là câu chuyện ở bất cứ đất nước, chế độ, xứ sở nào. Không bàn đến nguyên nhân vì sao nghèo hoặc vì sao giàu, đây là câu chuyện của kẻ mạnh và người yếu. Kẻ có quyền và kẻ bất lực. Người ta bảo câu chuyện bà mẹ livestream ở trường quốc tế học phí 600 triệu na ná như bộ phim truyền hình đình đám “Penhouse” của Hàn Quốc, nghĩa là ở đâu cũng như nhau, có giàu có nghèo là có vênh váo hoặc khinh bỉ, đau khổ hoặc tàn ác, khép nép hoặc phô trương…

Giải pháp cho những chuyện này đến nay hầu như không có. Chẳng phải riêng nước mình, đâu cũng thế.

Nếu để làm nhẹ tâm người này hoặc giảm bớt nỗi đau người khác, chỉ có mỗi cách duy nhất là san sẻ gánh nặng. Trên thực tế, một số không ít những người giàu ở đất nước này nhiều lúc đã tận tâm san sẻ gánh nặng với người nghèo. Nhưng giống như một cái vực không đáy, bao nhiêu cố gắng đổ ra đều vô vọng nếu như tất cả những người trong cuộc, giàu cũng như nghèo, không cố gắng thay đổi tâm thế cũng như cuộc đời mình.

Trong cuộc phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu rộng, cảm giác bất lực có lẽ là cảm giác chung nhất.

Vậy hãy biết cách giàu và cố gắng đừng quá nghèo!

Phạm Hà

Giàu - nghèo: nhìn từ các đô thị

Những thân phận bên lề -0

Hội An, một ngày đầu mùa hè, tháng Sáu.

Tôi theo chân một người môi giới bất động sản suốt một ngày dài. Anh dắt khách tham quan giới thiệu khu biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng. Ngôi nhà mẫu tráng lệ, mát lạnh với những người phục vụ ân cần, chu đáo chăm sóc từng người khách đến tham quan cho cảm giác năm sao đúng nghĩa. Và tất nhiên, giá của nó cũng rất… năm sao. Năm mươi tỷ cho một căn villa đơn lập. Mười hai tỷ cho một căn hộ 2 phòng ngủ diện tích 115 mét vuông. Toàn bộ được quản lý bởi một tập đoàn dịch vụ hàng đầu thế giới. Và dù phải tới tháng 8 mới chính thức mở bán nhưng số lượng căn biệt thự được đặt cọc đã chiếm tới hơn 60%. Rõ ràng, có một thế giới giàu có đến mức xa hoa đang tự tin tồn tại ở Việt Nam hôm nay.

Hội An, vẫn một ngày đầu mùa Hè, tháng Sáu.

Tôi trở về một villa home stay của người bạn. Anh đầu tư nơi nghỉ dưỡng này cũng được vài năm. Sau dịch, khách bắt đầu đông trở lại. Nhân viên cũng vì thế mà tươi tỉnh hơn. Tôi hỏi han Sáu, cô phục vụ nhỏ nhắn trong số 5 người phục vụ của khu home stay này. Sáu năm nay ngoài 30, hiền lành, chăm chỉ. Lương của cô 5 triệu tròn. Tiền học cho hai đứa con mầm non là 3 triệu mỗi tháng. Sáu ở xa nên thuê nhà để tiện đi làm. Tiền thuê nhà là 2 triệu. Coi như hết sạch lương. Tôi hỏi Sáu “làm vậy sao đủ sống?” thì nhận được câu trả lời hồn nhiên “Em đi làm vầy coi như đóng tiền học được cho hai đứa nhỏ. Lại bớt một miệng ăn vì ở đây chủ nuôi ăn ba bữa. Chồng em kiếm việc chạy thêm nuôi con. Hết tiền về xúc gạo nhà cha mẹ”. Những người làm khác cũng hoàn cảnh không khác gì Sáu là mấy. Rõ ràng, họ đại diện cho một tầng lớp nghèo đông đúc và áp đảo mà chúng ta có thể nhận diện dễ dàng ở khắp các đô thị Việt Nam hôm nay.

Nhưng chúng ta còn có thể chưa bao giờ nhìn thấy những thân phận còn nghèo hơn như thế, ở những vùng sâu, nơi ít có sự so sánh giữa những năm sao, sáu sao xa xỉ, cao cấp, thượng lưu với những dăm triệu chưa nhận đã cạn sạch túi vì các khoản định phí hàng tháng cho gia đình.

Trong buổi ăn trưa gặp mặt một đạo diễn người Nhật cùng tham gia một dự án nghệ thuật sắp tới. Đây là lần thứ hai anh tới Việt Nam, cách lần đầu khoảng 10 năm. Nhận xét của anh về Việt Nam rất ngắn gọn “lần này thấy Việt Nam nhiều xe hơi hơn hẳn. Và rất nhiều xe sang”. Dĩ nhiên, anh ta nhìn nhận nó với con mắt tích cực, như một bước tiến của xã hội Việt. Nhưng chắc chắn anh ta không thể nhìn thấy những người sau vô lăng của những chiếc xe sang, xịn, mịn kia. Đó là nhưng tài xế lái thuê. Lương bình quân của nghề này chỉ khoảng trên 10 triệu. Giữa một đô thị phù hoa như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, mười triệu chỉ là khoản tiền mà một gia đình 1 vợ, 1 chồng, 2 con có thể tiêu sạch bách ngay trong vòng 10 ngày đầu tháng.

Nhưng dĩ nhiên, những người như các tài xế lái thuê, như Sáu ở Hội An vẫn còn may mắn chán so với nhiều  gương mặt vô danh khác vì họ còn có nghề nghiệp để kiếm một nguồn thu ít ra đảm bảo một vài khoản định phí quan trọng của gia đình. Rất nhiều người khác, ở đâu đó, không có cơ hội như họ và sống một cuộc đời vô cùng bấp bênh.

Học phí tiểu học của một trường quốc tế hiện thời thấp nhất cũng phải 400 đến 500 triệu một năm học. Học phí tiểu học của một trường công hiện nay ở vào khoảng từ 1 đến 2 triệu một tháng, tức là khoảng 10-20 triệu một năm học. Chênh lệch hai mươi lần ấy không chỉ thể hiện một khoảng cách giàu - nghèo giữa các phụ huynh. Nó thể hiện ở khoảng cách của những đứa trẻ sẽ trưởng thành sau này. Không phải trường công không có khả năng đào tạo ra nhân tài nhưng về mặt bằng chung, các đứa trẻ tốt nghiệp trường công sẽ không được trang bị tốt bằng những đứa trẻ học trường quốc tế. Với trang bị tốt hơn như vậy, những đứa trẻ “quốc tế” tham gia vào thế giới năng động hơn. Trong cuộc tham gia này, chắc chắn, nhiều đứa trẻ sẽ rơi vào tình trạng đứng ở bên lề xã hội mà nguyên nhân không phải do chúng.

Chúng ta sẽ còn cảm thấy dằn vặt hơn nếu nhìn vào các thân phận ở các vùng rẻo cao, hay ngóc ngách miệt sông nước ở miền Tây Nam Bộ. Nhưng hãy chỉ cần nhìn vào các đô thị lớn thôi đã. Cái khoảng cách ở chính nơi phồn hoa đô hội đã đủ đáng sợ rồi. Một người lao động phổ thông ở một quận chẳng cần phải vùng ven cũng đủ có cái mặc cảm nghèo hèn thực sự khi đi ngang một trung tâm thương mại mà không dám bước vào. Nếu bạn từng gọi một lao động phổ thông như thế tới nhà mình để giúp một việc vặt nào đó, bạn hãy thử để ý tới cái bẽn lẽn của họ khi cởi bỏ đôi giày, đôi dép trước khi bước vào không gian sống của mình, bạn sẽ hiểu cái bẽn lẽn ấy mang hàm ý nào, dù là từ vô thức. Mà bạn vẫn chưa phải một con người “sang chảnh” trong xã hội náo nhiệt hôm nay. Vậy thì sự bẽn lẽn của họ còn tới đâu nếu họ bước vào một dinh thự đúng nghĩa, của một ai đó thuộc giới siêu giàu?

Người giàu ở Việt Nam nhiều không? Rất nhiều. Người ta giờ nói chuyện triệu đô hàng ngày, ở các quán cafe sang trọng. Người khác nhìn vào đó luôn mang câu hỏi “không biết làm gì mà giàu đến thế?” Còn người nghèo ở Việt Nam thì sao? Nhiều, rất nhiều. Họ bị dạt ra bên lề của đời sống mà chúng ta không chỉ được thấy mô tả trên phim ảnh. Đó là một đời sống thực tế xung quanh ta thôi. Và điều đáng ngại là giới trung lưu ở Việt Nam lại quá ít trong tương quan so sánh 3 giới. Sự ít ỏi của giới trung lưu chính là điểm nhấn của một cuộc phát triển tốc độ nhưng cơ hội thực sự không có nhiều cho tất cả mà đang bị dồn lại cho một nhóm nào đó, với điểm tựa dĩ nhiên là việc được hưởng lợi từ những nhũng nhiễu, những luồn lách chính sách theo kiểu được cung cấp thông tin để đi trước người khác trong những vụ đầu cơ đủ tầm tạo nên cả một gia sản cho mấy đời.

Đáng sợ hơn nữa, sẽ có những trung lưu lầm lũi cả đời để rồi cuối cùng, họ bắt đầu cũng sẽ bị nghèo hóa đi khi tuổi đã muộn, không còn đủ sức cạnh tranh trong khi con cái họ lại không có được những đầu tư để vượt thoát hay bứt phá ở phần đời sau này.

Hà Quang Minh

Những cuốn vở chữ xấu

Những thân phận bên lề -0

Khoảng cách thu nhập giữa nhóm cao nhất và nhóm thấp nhất trong xã hội Việt Nam – theo Tổng cục Thống kê – đã tăng gần gấp 3 lần chỉ trong vòng một thập kỷ từ 2010 đến 2020.

Với tất cả những chỉ tiêu phát triển vượt bậc hàng năm, ngay tại những thành phố loại 1, loại đặc biệt của Việt Nam, người ta vẫn có thể tìm thấy những hộ gia đình không có điện lưới.

Nhà ông Khoánh mới có điện được hơn một năm, dù về mặt hành chính, ông là dân thành phố trực thuộc Trung ương. Nhà ông Khoánh ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

Căn nhà nằm ở cuối con hẻm chỉ một người đi bộ được, đang chống trả với việc truyền cái nghèo đến đời thứ ba. Hai đời trước đã nghèo. Ông bà không có đất, hai đứa con không được ăn học, đi làm mướn. Rồi giờ hai đứa cháu đến tận tuổi lên 10 mới biết mặt chữ.

Năm ngoái, họ còn ngủ dưới gầm giường. Vì cái mái nhà thủng lỗ chỗ, không còn che được nắng mưa. Ngày mưa, nằm dưới gầm giường cũng đỡ ướt. Ngày nắng, nằm ngủ dưới gầm giường cũng mát hơn. Nhà không có nổi một đồng, không lắp được đồng hồ để vô điện.

Con gái lớn ông bà Khoánh đi làm thuê từ năm mười mấy tuổi. Đến giờ vẫn biệt tích. Bà Khoánh chỉ biết mùa COVID không có việc nên nó không về nổi. Họ cũng không có điện thoại để gọi hỏi thăm nhau. Cậu con trai thứ hai năm nay 26 tuổi, cũng đi làm thuê từ khi còn thanh niên, nhưng gặp tai nạn lao động, không làm việc nặng được nữa, nên giờ chỉ loanh quanh trong xóm ai kêu gì làm nấy. Tổng thu nhập tiền mặt của cả gia đình, đến từ việc ông Khoánh đi chăn vịt thuê mãi dưới Sóc Trăng, khoảng ba triệu đồng mỗi tháng, nhưng cũng không thường xuyên.

Hai đứa trẻ, thằng An và thằng Hào được mẹ nó bế về để trước cửa nhà. Chúng đã bắt đầu bước vào tuổi thiếu niên. Ông Khoánh lúc nào cũng ao ước được cho hai đứa đi học cho biết chữ. Đến tận năm 2021, nhờ sự quan tâm của vài nhà báo, rồi các nhà hảo tâm tìm đến, chúng mới có sách bút đi học.

Cuốn vở của hai cậu thiếu niên đã đến tuổi dậy thì, giờ mới vào lớp 2, nhằng nhịt chữ xấu. Ông Khoánh cũng chỉ biết “học được tới chừng nào hay chừng đó”, chứ không có một kế hoạch cụ thể nào cho hai đứa cháu sắp bước vào tuổi thanh niên.

Khắp vùng Cờ Đỏ, có thể dễ dàng bắt gặp những thanh niên học rất ít năm phổ thông, rồi nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động. Họ không có tay nghề, và sau đó là một mức lương không đủ tích lũy. Điều này đã diễn ra ở thế hệ mẹ và cậu của An và Hào; nhưng đang có nguy cơ tiếp nối đến các thế hệ sau – khi hệ thống đào tạo nghề vẫn đang được thiết kế cho những người có khả năng theo đuổi lâu dài.

Khi Cần Thơ xây dựng “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn” vào năm 2010, có tới hơn 2/3 quy mô đào tạo nghề của thành phố là do các trường cao đẳng, chuyên nghiệp. Một phần nhỏ thuộc về các cơ sở, doanh nghiệp đào tạo ngắn ngày. Mục tiêu của Cần Thơ khi đó là tăng số lượng những người được đào tạo nghề ngắn ngày (dưới 3 tháng).

Trên thực tế, Cần Thơ mỗi năm vẫn chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ để thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhưng năng lực đào tạo của hệ thống đến năm 2020 vẫn chỉ đạt khoảng 5.000 lao động được đào tạo ngắn hạn/năm (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh trả lời báo Kinh doanh & Tiếp thị, 2/10/2020).

Và đó không phải là câu chuyện cá biệt của Cần Thơ. Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, nơi nào bạn cũng có thể bắt gặp những xóm nghèo cực đoan như vậy ngay giữa lòng thành phố - chỉ cách các “startup kỳ lân” tỷ đô la một hai cây số, và thậm chí, có thể nhìn thấy từ ban công của những căn hộ triệu đô ven sông Hồng hay sông Sài Gòn.

Mùa COVID ập tới, và người ta bất giác nhận ra câu nói tưởng như đã sáo mòn: “Tốc độ của đàn chim là tốc độ cánh chim bay cuối đàn” có ý nghĩa như thế nào. Những cánh cổng khu đô thị cao cấp có bảo vệ và thang máy có thẻ từ không khiến ta trở thành người vô can: dòng chảy kinh tế, an ninh chính trị, sự ổn định của xã hội phụ thuộc vào tất cả mọi người. Khi xã hội giãn cách vì COVID, chúng ta nhận ra rằng người lái xe, giao hàng và công nhân vệ sinh quan trọng không kém gì các kỹ sư phần mềm – trong việc tạo dựng nền kinh tế. Khi xã hội bất an và chỉ cầu yên, ta nhận ra rằng sự vững vàng của những người thu nhập thấp, mới thực sự làm nên sự ổn định của xã hội.

Nếu cái nghèo ở các vùng nông nghiệp có một bộ biện pháp rất quen thuộc, là khuyến nông, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, với những chương trình như “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); thì cái nghèo truyền thừa ở các đô thị lại là một bài toán hiếm khi được bàn tới. Với cơ cấu kinh tế chủ yếu là thương mại, xây dựng và dịch vụ, người nghèo ở các đô thị lớn sẽ cần một trình độ tay nghề nhất định để tham gia vào thị trường lao động. Họ cần trở thành lao động trình độ cao để hoán cải số phận của mình và cả gia đình.

Nhưng việc theo đuổi giáo dục phổ thông và sau đó trở thành lao động có trình độ cao là bất khả thi với nhiều gia đình. Lũ trẻ bỏ học từ cấp 2, không phải vì tiền học tốn kém, mà chúng cần tham gia ngay vào thị trường lao động để phụ giúp kinh tế gia đình.

Hai đứa trẻ con nhà ông Khoánh giờ đã bắt đầu nghĩ đến việc giúp bà, bằng việc đi lượm ve chai. Chúng tự ra kênh bắt ốc, bắt cá về nấu ăn cùng nhau. Chúng cũng cố học, mỗi khi có thể. Ông Khoánh tin vào sức mạnh của con chữ - nhưng ông không thể tự lên lộ trình để cái nghèo dừng lại ở thế hệ thứ ba.

Những cuốn vở chữ xấu của những đứa trẻ ở Cờ Đỏ, Cần Thơ, ở Ngọc Thụy, Long Biên hay ở những xóm ngụ cư bên Quận 2 và Tân Bình – nằm xen kẹt giữa các khu đô thị tỷ đô đang được xây dựng – hàm chứa một tương lai bất ổn cho bản thân chúng, và cho cả cộng đồng. Và để đẩy nhóm này lên cùng tốc độ của phần còn lại, là một câu hỏi lớn, đặc biệt là của ngành giáo dục-đào tạo.

Chỉ một thập kỷ, khoảng cách thu nhập giữa nhóm đầu và nhóm cuối đã tăng 3 lần. Thập kỷ sau nhìn lại, khoảng cách này là bao xa? Khi mà nhóm đầu vẫn đang được đầu tư với rất nhiều nguồn lực còn nhóm cuối đã mất đến 3 thế hệ chỉ để học cách viết tên mình lên cuốn vở ô li?

Đức Hoàng

Phạm Hà - Hà Quang Minh - Đức Hoàng
.
.
.