Ông Joe Biden có giải được “Bài toán Iran”?

Thứ Tư, 17/03/2021, 08:46
Đáp lại đề nghị đàm phán để lập lại thỏa thuận hạt nhân của tân chính quyền Mỹ, thật bất ngờ là phía Iran lại từ chối. Điều gì đã khiến cho Tehran trở nên cứng rắn như vậy? Và liệu ông chủ mới của Nhà Trắng sẽ có những cách tiếp cận thích hợp nào với vấn đề nan giải này?


Phản ứng ngoài dự đoán

Tái lập thỏa thuận hạt nhân Iran là một điểm quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vì vậy, không lâu sau ngày nhậm chức, ông Biden đã thúc đẩy mối liên hệ với các đối tác để sớm hiện thực hóa mục tiêu này.

Vào ngày 18-2 vừa qua, Washington đưa ra đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán với Tehran do Liên minh châu Âu làm trung gian. Mục tiêu là để các bên có thể tái lập lại Hiệp ước kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran - được gọi tắt là Hiệp ước P5+1-. Hiệp ước, nếu được chấp thuận, sẽ đổi lấy việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt Iran mà chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump đã thực thi từ khi rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018. Sau cuộc rút lui đó, Iran đã khôi phục các chương trình làm giàu uranium ở mức độ cao - hành động được đánh giá là nguy hiểm gây bất ổn với tình hình an ninh khu vực Trung Đông.

Iran giữ thái độ cứng rắn trong quan hệ với Mỹ.

Những đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực như Saudi Arabia hay Israel là những nước bày tỏ nhiều quan ngại với diễn biến này, đồng thời cũng có những phản ứng mạnh mẽ. Giờ đây, chính quyền ông Biden muốn tái lập thỏa thuận để trấn an tinh thần các đồng minh. Nhưng, những nỗ lực đó lại đang đi vào bế tắc.

Trong một thông báo qua mạng xã hội Twitter, ông Saeed Khatibzadeh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, đã trả lời đề nghị của chính quyền ông Biden là: “Thời điểm chưa chín muồi cho cuộc gặp được đề xuất”. Trước đó, phía Iran cho biết họ đang "xem xét" đề nghị gặp mặt nhưng sự “có thể” đó đã trở thành “không” vào đúng Chủ nhật 28-2, ngày cuối cùng của tháng, để lại một dấu hiệu đáng lo ngại rằng con đường ngoại giao mà chính quyền ông Biden đang muốn mở ra rất dễ đâm vào ngõ cụt.

Các nguồn tin cho thấy phía Iran không muốn gặp Mỹ cho đến khi rõ ràng rằng họ sẽ nhận được điều gì từ một cuộc họp như vậy. Iran cũng muốn EU làm trung gian cho một "quy trình từng bước", theo đó cả Washington và Tehran đều nhượng bộ trước bất kỳ cuộc đàm phán nào. Iran muốn được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt tái áp dụng đối với nước này trước khi chào đón Mỹ trở lại. Một tuyên bố cho thấy phía Iran không còn muốn là người chạy theo thỏa thuận nữa, họ đã đặt mình ở vị thế của người đi trước.

Phát ngôn viên của Nhà Trắng, sau đó, đã nói rằng chính quyền ông Biden “thất vọng về phản ứng của Iran” nhưng nói thêm: “Chúng tôi vẫn sẵn sàng hợp tác ngoại giao để đạt được sự quay trở lại”. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, nói luôn là điều dễ hơn làm.

Tại sao Iran từ chối thỏa thuận lúc này?

Không ai biết chắc chính quyền Iran tính toán gì. Song, qua dòng tweet của mình, ông Khatibzadeh cho biết lý do là "thời điểm chưa chín muồi" cho các cuộc đàm phán Mỹ-Iran là vì "các hành động của Mỹ". Điều đó có nghĩa là các động thái gần đây của Mỹ làm cho thời điểm đàm phán trở nên "chưa chín muồi", chứ không phải phía Iran không muốn thực hiện đàm phán.

Phía Iran hiểu rõ tác hại của các lệnh trừng phạt hiện tại. Nó đã bóp nghẹt nền kinh tế của họ khi khóa lại con đường xuất khẩu dầu, nguồn thu ngoại tệ chủ yếu của đất nước này. Nhưng họ cũng không hài lòng với quyết định của Tổng thống Joe Biden tấn công vào căn cứ của các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở miền Đông Syria vài ngày trước đó.

Hành động của chính quyền Mỹ được coi là đòn "nắn gân", gây sức ép với chính quyền Iran ngay sau khi đưa ra đề nghị thỏa thuận. Nó nằm trong một chuỗi hành động khi trước đó Mỹ cùng nhóm 3 nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức đã đệ trình lên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bày tỏ "mối quan tâm sâu sắc với sự hợp tác của Iran với IAEA".

Báo cáo này đã được gửi lên hội đồng IAEA vài ngày trước cuộc tấn công, nhằm mục đích phê phán những hành động của Iran trước cộng đồng quốc tế. Như vậy, phía Mỹ đã lặp lại thái độ "bề trên" của mình với Iran, khi gây sức ép bằng cả ngoại giao lẫn quân sự trước khi muốn Iran ngồi vào bàn đàm phán. Một hành động rất giống với những gì chính quyền cựu Tổng thống Obama từng làm khi muốn kéo Iran vào thỏa thuận năm 2015.

Tuy nhiên, khác với 6 năm trước khi phía Iran chấp nhận hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân của mình, tăng thêm sự giám sát của cộng đồng quốc tế để đổi lấy sự nới lỏng của các lệnh trừng phạt thì nay, Iran dường như đã vượt qua ám ảnh về những lệnh trừng phạt đó.

Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở phía Nam thủ đô Tehran. Ảnh: L.G

Vị thế mới đòi hỏi những tính toán mới

Sau khi chính quyền ông Donald Trump rút quân khỏi Syria, Iran đã được hưởng lợi. Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad dần đòi lại quyền kiểm soát lãnh thổ. Sự có mặt của các lực lượng Nga và thân Iran tại Syria hiện nay đem đến ưu thế trên chiến trường cho quân đội chính phủ. Không chỉ tại Syria mà lực lượng của Mỹ tại toàn khu vực Trung Đông đã giảm xuống sau những cuộc rút bớt quân liên tiếp trong giai đoạn ông Trump nắm quyền. Tam giác Iran - Iraq - Syria được hình thành đã tạo ra thế cục mới ở Trung Đông, nâng tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Thực tế, dù phía Mỹ có thể tấn công căn cứ của dân quân Syria nhưng rất khó có khả năng họ sẽ tái can thiệp quân sự vào Syria trong thời gian tới. Trong khi đó, dù các nước đồng minh của Mỹ ở khu vực đã lên tiếng gợi ý về thành lập những liên minh nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran thì cũng chưa có gì cụ thể được thực hiện.

Khu vực Trung Đông của năm 2021 hoàn toàn khác với bối cảnh năm 2011 khi mà cuộc chiến Syria mới nổ ra. Ở thời điểm đó, Mỹ với chiêu bài "đánh bại IS" dễ dàng tìm được sự ủng hộ trong và ngoài nước để can thiệp trực tiếp vào khu vực này gây áp lực đến Iran. Nhưng, sau thời gian tồn tại giữa vòng bao vây cô lập của Mỹ, Iran đã dần thích nghi với hoàn cảnh để tìm ra lối thoát cho mình.

Chính quyền ông Trump đẩy mạnh việc thắt chặt trừng phạt Iran cũng đồng thời đẩy họ về phía những đối tác mới có sức nặng là Nga và Trung Quốc. Vì thế, rất khó để nói việc nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận để tái kiềm tỏa Iran đã làm cho quốc gia này yếu đi hay mạnh lên nhưng chắc chắn một điều nó đã làm cho tình hình thay đổi.

Nước Mỹ hiện nay không còn đủ vị thế để ép Iran hay các đối tác phải theo ý mình như trước. Hành động tấn công bộc phát bất ngờ của ông Biden hôm 26-2 khó có thể làm cho phía Iran lung lay. Thậm chí, có khả năng nó còn khiến Iran quay lại với thái độ cứng rắn như họ đã từng đáp lại chính quyền ông Trump trong những năm trước đó.

Đây chính là thế khó của ông Biden vào lúc này. Ông cố gắng quay trở lại một thỏa thuận cũ để nhanh chóng khép lại vấn đề nhưng dường như không lường hết được được phản ứng của đối thủ. Phía Iran đã rút ra được nhiều bài học và có lẽ họ sẽ sẵn lòng đợi người Mỹ xuống nước, để tìm kiếm một thỏa thuận mới tốt hơn cho mình thay vì để bị ép vào một thỏa thuận cũ không còn giá trị vào lúc này nữa.
Tử Uyên
.
.
.