Giám đốc Quản lý gấu và thú y, Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam Heidi Quine

“Tổ ấm của tôi ở giữa rừng Việt Nam”

Thứ Ba, 27/02/2024, 14:15

Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam thuộc Tổ chức Động vật châu Á nằm ẩn mình giữa rừng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Chị Heidi Quine - Giám đốc Quản lý gấu và thú y của Trung tâm, một phụ nữ Australia đã gắn bó với nơi này gần 10 năm qua luôn hết mình với công việc bảo tồn và mang lại phúc lợi cho động vật hoang dã.

Cuộc trò chuyện giữa chị Heidi Quine và phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng được thực hiện tại nhà của chị - một không gian rất Việt Nam nằm trong Trung tâm. Điều thú vị là chị Heidi Quine luôn muốn dùng tiếng Việt, nhấn nhá thành ngữ, tục ngữ để nói những điều tâm đắc...

“Thương những con gấu tật nguyền, tôi đứng ngồi không yên”

PV: Năm mới đã đến, khởi đầu cho những nỗ lực và thành công tiếp nối tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam. Thưa Giám đốc Heidi Quine, năm nay là năm thứ mấy chị ở Việt Nam rồi?

Chị Heidi Quine: Bước sang năm thứ 10 tôi gắn bó với Việt Nam, cũng lâu đấy chứ. Năm 2015, lần đầu tiên tôi đặt chân tới Vườn Quốc gia Cúc Phương với nhiệm vụ chăm sóc tê tê. Sau đó một năm tôi đến làm việc tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.

“Tổ ấm của tôi ở giữa rừng Việt Nam” -0

PV: 10 năm xa quê hương, chị có thường xuyên trở về Australia thăm gia đình, bạn bè?

Chị Heidi Quine: Mỗi năm tôi về nước thăm mẹ tôi khoảng 2 lần. Mỗi lần tôi ở nhà một tuần...

PV: Chỉ một tuần thôi sao? Có phải vì công việc ở Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam quá bận rộn?

Chị Heidi Quine: (Cười...). Mẹ của tôi lúc đầu cũng ngạc nhiên y như bạn vậy. Giờ thì mẹ tôi đã quen với sự xa cách. Bà luôn tôn trọng và ủng hộ công việc của tôi. Tôi yêu thích môi trường làm việc ở đây, nên nhanh chóng muốn quay trở lại. Trong thời gian dịch COVID-19 bủa vây, suốt 3 năm tôi không về được Australia nhưng tôi cảm thấy rất an toàn, dễ chịu bởi mọi người luôn vì nhau. “Thương người như thể thương thân”, người Việt thường nói như vậy...

PV: Phải sống xa gia đình, quê hương để dành gần như trọn vẹn thời gian làm những điều tốt đẹp nhất cứu sống loài gấu. Tôi đang tự hỏi rằng, động lực nào khiến chị làm được điều đó?

Chị Heidi Quine: Tôi yêu động vật từ bé. Lớn lên tôi chọn chuyên ngành về động vật học để theo đuổi. Sau đó, tôi học lên thạc sĩ về phúc lợi động vật và pháp luật liên quan đến động vật quốc tế. Luận văn thạc sĩ của tôi làm về nạn buôn bán mật gấu. Quá trình đó cho tôi những hiểu biết toàn cảnh về loài gấu. Nhưng, điều đáng nói hơn, chính loài vật này đã truyền sự kiên cường, mạnh mẽ cho tôi. Ở các trại nuôi gấu, dù điều kiện sống khổ sở, dù thể trạng rất tệ nhưng gấu vẫn kiên cường bám trụ. Và, khi được cứu hộ về Trung tâm thì chúng phục hồi nhanh chóng để trở lại hòa nhập với thiên nhiên.

Tôi nhớ chú gấu Amy - cá thể gấu đầu tiên được cứu hộ từ xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về Trung tâm trong tình trạng ốm yếu. Thương Amy, cán bộ chăm sóc đã đem về cho gấu một mảng cỏ xanh non. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bàn chân gấu được chạm vào cỏ cây giữa thiên nhiên xanh mát vì nó đã chết sau đó không lâu. Đó là kí ức buồn với tôi và tất cả cán bộ ở đây, nhưng chúng tôi có thêm niềm tin vì đây là dấu hiệu của sự thay đổi, một bước tiến của việc cứu hộ gấu. Trung tâm vẫn kiên trì vận động các gia đình, các trại nuôi gấu hợp tác, tự nguyện giao nộp gấu. Để làm được điều đó, thực sự phải kiên trì, dũng cảm.

“Tổ ấm của tôi ở giữa rừng Việt Nam” -0
Chị Heidi Quine có tên Việt Nam là Lan Anh.

PV: Trung tâm Cứu hộ gấu tại Vườn Quốc gia Tam Đảo là ngôi nhà bình yên cho những con gấu tật nguyền. Để cứu được gấu và đưa chúng về đây là một điều không hề dễ dàng?

Chị Heidi Quine: Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm lâm Việt Nam, hiện còn khoảng hơn 300 cá thể gấu đang bị mắc kẹt trong các trại nuôi nhốt trên cả nước. Chúng bị nhốt suốt đời trong lồng cũi chật hẹp và bị rút mật định kỳ; nếu thả gấu về tự nhiên, chúng sẽ không sống nổi, vì thế chúng tôi nỗ lực vận động, tuyên truyền để có thể cứu hộ gấu và đưa chúng về Trung tâm chăm sóc. Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam do Tổ chức Động vật châu Á hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, vận hành tại Vườn Quốc gia Tam Đảo.

Tính đến nay, Trung tâm đã cứu hộ và chăm sóc 265 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam, trong đó 201 cá thể đang được chăm sóc suốt đời tại 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên với diện tích khoảng 12 ha. Đó là nỗ lực rất lớn để bảo tồn loài gấu trong bối cảnh loài vật này ở Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do suy giảm môi trường sống và do nạn nuôi nhốt gấu lấy mật vẫn đang tồn tại.

PV: Tôi đã chứng kiến con gấu Holly được đẩy vào phòng phẫu thuật túi mật. Nó đã được gây mê, nằm bất động trên bàn mổ. Tay trái cụt ngủn giơ lên, bàn tay ấy trước kia đã bị người ta cắt để ngâm rượu. Holly thật may mắn đã thoát khỏi “địa ngục trần gian” khi được cứu hộ về đây...

Chị Heidi Quine: Tình trạng sỏi mật của Holly là hệ quả của những tháng ngày bị nuôi nhốt tàn nhẫn và rút mật kéo dài. Bạn hãy nhìn cây kim dài cả gang tay đáng sợ này đi. Đây chính là dụng cụ chọc hút mật gấu, khiến vùng gan của chúng bị tổn thương, còn phía ngoài da thì chằng chịt những vết sẹo. Khi được cứu hộ về đây, nhiều con gấu trong tình trạng đói khát, suy dinh dưỡng. Nhưng, ngược lại, có con được chủ nuôi cho ăn vô tội vạ thành ra thừa cân, béo phì và mắc bệnh tim mạch. Có khoảng 60-70% gấu ở đây bị cao huyết áp. Có con mù hai mắt, có con cụt chân, cụt tay, cơ thể mang đầy thương tích, những khối u, những cơn đau và cả những bất ổn trong tâm tính. Đa số gấu phải “sống chung” với thuốc cả đời.

Tôi kể cho bạn nghe về chuyến cứu hộ hai chú gấu ngựa mà chúng tôi đặt tên là Anh và Em, từ tỉnh Yên Bái vào năm 2020. Một thanh niên tốt bụng đã can thiệp khi phát hiện hai chú gấu con bị một đối tượng buôn lậu rao bán. Cậu ấy đã liên lạc với chúng tôi và lực lượng kiểm lâm. Nhưng, trong khi chờ chúng tôi đến, hai chú gấu con lại lách vào khe tường dài và hẹp giữa một gara ô tô và khu vườn, vì vậy chúng tôi thực sự gặp khó khăn khi cứu hộ chúng. Cuối cùng, chúng tôi cũng nhử được chúng ra khỏi khe hẹp bằng cách dựng một cái lồng có đầy rơm khô êm ái và phủ chăn lên trên như một cái hang. Trở về Trung tâm, Anh và Em được chăm sóc chu đáo. Từ khoảng 10 kg khi mới cứu hộ, đến nay cả hai đã nặng 135 kg, đều phát triển tốt. Đó là một cuộc cứu hộ đặc biệt vì tôi biết Anh và Em sẽ phải chịu đựng như thế nào trong rất nhiều năm nếu chúng bị bán vào trại gấu. Đó là một trong số rất nhiều dấu mốc tuyệt vời của tôi ở Việt Nam.

PV: Tôi cũng chứng kiến cảnh một chú gấu ở Trung tâm tách đàn để đứng lẻ loi một góc trong khu bán hoang dã, cứ liên tục lắc đầu cả tiếng đồng hồ...

Chị Heidi Quine: Đó là tình trạng gấu bị sang chấn tâm lý do ám ảnh bởi quá khứ bị nuôi nhốt lấy mật. Chứng kiến cảnh đó, tôi thấy day dứt, đứng ngồi không yên. Tôi nghĩ đến những cánh rừng xanh um ở Việt Nam. Đó mới thực sự là nhà của gấu, chứ không phải ở khu bán hoang dã, dù chúng tôi có cố gắng tạo ra môi trường cho gấu tốt đến đâu chăng nữa. Tiếc rằng, chúng không thể trở về rừng xanh với một cơ thể thương tật cả về thể chất lẫn tinh thần.

“Tổ ấm của tôi ở giữa rừng Việt Nam” -0

Việt Nam đang trở thành quốc gia tiên phong

PV: Là người phụ trách cao nhất việc khám, chữa bệnh, phẫu thuật cho số lượng “bệnh nhân gấu” không hề nhỏ, chị có thấy áp lực không?

Chị Heidi Quine: Các cá thể gấu được cứu hộ từ các trại gấu thường mắc các vấn đề sức khỏe cần được điều trị liên tục hằng ngày, chẳng hạn như huyết áp cao mãn tính, các vấn đề về vận động, da, bệnh gan, túi mật và ung thư. Vì vậy, chúng tôi thường đặt kế hoạch tiến hành kiểm tra sức khỏe 3 lần một tuần tại bệnh viện gấu đặt ngay tại Trung tâm. Bên cạnh đó, các bác sĩ thú y, y tá và quản lý nhóm gấu cũng tiến hành trực quan thường xuyên để theo dõi sức khỏe của gấu.

Tôi không bao giờ cảm thấy áp lực, bởi bên tôi luôn có những đồng nghiệp tuyệt vời. Thực sự, tôi phải dành lời khen tới các nhân viên xuất sắc đang làm việc tại Trung tâm vì chuyên môn và sự tận tâm của họ. Họ hiểu tính cách, sở thích của từng con gấu. Họ đang mang lại cho gấu một cuộc sống đáng mơ ước.

Tổ chức Động vật châu Á đang phát động chiến dịch cứu hộ toàn bộ cá thể gấu trong các trại nuôi nhốt tại Việt Nam với khẩu hiệu “Không để một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau”. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ nhiều loài vật khác như loài voi ở Vườn Quốc gia Yok Đôn, các trạm cứu hộ động vật ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hoàng Liên (Lào Cai)...

Thời gian qua, bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhiều điểm nóng nuôi nhốt gấu đã bị phá vỡ. Có đến hơn 20 tỉnh, thành đã chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu như Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Bến Tre... Tôi rất biết ơn Chính phủ Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế và lực lượng kiểm lâm trên cả nước đã hợp tác với chúng tôi để chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam. Sự cương quyết thực thi pháp luật quốc tế của Chính phủ Việt Nam không chỉ có tác động trong nước, mà còn góp phần chấm dứt nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn thế giới. Tôi biết nhiều quốc gia khác đang dõi theo và học hỏi kinh nghiệm của các bạn.

PV: Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam vừa xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở thứ hai tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế). Vậy là hiện tại chị phải đi về giữa Huế và Vĩnh Phúc để điều hành công việc?

Chị Heidi Quine: Tôi và các đồng nghiệp rất tự hào về trung tâm mới ở Bạch Mã. Nơi đây đủ lớn để trở thành “mái ấm” cho tất cả các cá thể gấu hiện đang còn bị nuôi nhốt trong các trại gấu trên cả nước. Nơi đây sẽ hoàn toàn do các cán bộ Việt Nam vận hành, từ quản lý, bác sĩ thú y, quản lý dinh dưỡng gấu. Trong 6 năm qua, chúng tôi đã tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ Việt Nam để nâng cao năng lực, tay nghề. Tuy vậy, tôi vẫn đến Bạch Mã khi các bạn cần hỗ trợ.

Tên tôi là Lan Anh

PV: Gắn bó với Trung tâm Cứu hộ gấu giữa rừng núi Tam Đảo, có lúc nào chị cảm thấy buồn không?

Chị Heidi Quine: Từ khi còn bé tôi đã muốn giúp đỡ động vật. Vì vậy, tôi hiếm khi buồn hay cô đơn vì tôi cảm thấy mình thật vinh dự khi được làm công việc mang lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc sống. Tôi cũng là người sống khá nội tâm, nên thấy bình yên, hạnh phúc khi được sống và làm việc trong rừng Tam Đảo mát mẻ và trong lành. Ngoài thời gian làm việc, tôi có cuộc sống giản dị. Tôi vừa nghe nhạc, vừa chăm sóc những chú mèo, hay vẽ tranh về động vật hoang dã...

PV: Thật tuyệt vời khi được đến thăm nhà chị, một tổ ấm rất Việt Nam. Chị có hài lòng về không gian này không?

Chị Heidi Quine: Tôi lớn lên ở Vườn Quốc gia Blue Mountains, ở phía Tây Sydney. Mỗi khi về Australia, tôi thường tới thăm nơi này. Không khí ở đó thoang thoảng mùi bạch đàn và khu rừng luôn văng vẳng tiếng vẹt mào đen và chim currawong - hai loài chim đặc hữu của Australia. Có lúc rất nhớ rừng núi Blue Mountains với rất nhiều loài động vật hoang dã.

Lần cuối tôi sống ở Australia là năm 2011, trước khi tôi bắt đầu làm việc tại châu Á để cứu hộ loài gấu. Còn bây giờ, tôi đã “mọc rễ” ở Việt Nam rồi. Tổ ấm của tôi vẫn gắn với rừng, nhưng là ở rừng Tam Đảo. Nhà tôi không thể thiếu đồ mỹ nghệ và đồ cổ độc đáo của Việt Nam. Bạn nhìn trên tường xem, những tấm vải dệt thổ cẩm thật đẹp. Tôi còn trưng cả con rối gỗ hình trâu và hình rồng, khuôn bánh Trung thu với họa tiết hoa lá được khắc tinh xảo. Những món đồ bản xứ khiến tôi cảm thấy ấm lòng và như được hòa mình với cuộc sống Việt Nam vậy.

“Tổ ấm của tôi ở giữa rừng Việt Nam” -0
Chị Heidi Quine trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

PV: Chị Heidi Quine giờ là người Việt Nam thật rồi... 

Chị Heidi Quine: Tôi thấy văn hóa Việt Nam có nhiều nét hay và độc đáo ẩn trong từng câu nói, nếp sinh hoạt hằng ngày, có lẽ sống cả trăm năm cũng chưa hiểu hết được. Người Việt vừa mạnh mẽ, vừa tình cảm, hào phóng với nhau. Tôi sống ở đây và cảm thấy thân quen như ở nhà tôi vậy. Đến nỗi tôi vừa về đến Australia đã thấy nhớ Việt Nam, nhớ bầy gấu, nhớ những đồng nghiệp dễ mến.

Hiện tại tôi đang cố gắng học thêm tiếng Việt. Đó là một ngôn ngữ tuyệt vời và khá giống tiếng hát. Tôi thích được nói chuyện với mọi người. Khi đi siêu thị, cô thu ngân cho tôi số Zalo của cô ấy để kết bạn. Các bác tài xế luôn trò chuyện với tôi bằng tiếng Việt và hỏi han tôi về cuộc sống, gia đình. Khi tôi nói tiếng Việt thì mọi người luôn động viên tôi. Và, tôi còn tranh thủ đi học nữa...

PV: Chị vẫn đi học sao?

Chị Heidi Quine: Hiện tại tôi đang học thêm thạc sĩ về quản lý nhân sự. Có thể là bạn sẽ ngạc nhiên tại sao quản lý Trung tâm Cứu hộ gấu lại học thêm về quản lý nhân sự. Nhưng, làm việc ở đây, tôi nhận thấy rằng nhân sự rất quan trọng. Phải hiểu mọi người để phân công, điều phối uyển chuyển và hợp lý thì công việc mới hiệu quả. Tôi may mắn có những đồng nghiệp Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, chỉ cho những điều mà tôi chưa biết. Tôi học thêm được nhiều điều từ họ.

PV: Tôi nhớ là tại Hội nghị Sarawak “Vì động vật châu Á” (AFA) 2023 tại Kuching, Malaysia hồi tháng 3/2023, với tư cách là đại diện của Tổ chức Động vật châu Á, chị đã chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về vấn đề "Con người hạnh phúc có nghĩa là những chú gấu hạnh phúc” và lý giải tại sao chăm sóc động vật phải đi đôi với chăm sóc đội ngũ nhân viên...

Chị Heidi Quine: Thành lập năm 1998, Tổ chức Động vật châu Á đã trải qua hành trình 25 năm kiên trì vì sứ mệnh cứu hộ gấu và nâng cao phúc lợi cho động vật trên khắp châu Á, đồng thời thúc đẩy lòng nhân ái và sự tôn trọng đối với động vật nói chung. Chính đội ngũ nhân viên là động lực thúc đẩy sứ mệnh của chúng tôi. Bởi thế, chúng tôi phải ưu tiên phúc lợi dành cho họ, điều đó hoàn toàn xứng đáng. Chính những đồng nghiệp Việt Nam với tầm ảnh hưởng và mối quan hệ với cộng đồng địa phương sẽ là những người tiếp tục tạo ra sự thay đổi lớn cho phúc lợi động vật. Trách nhiệm của chúng tôi là phải nỗ lực xây dựng một môi trường đáng sống cho động vật và cho cả nhân viên.

PV: Đã nhiều năm ở Việt Nam, chị thường đón Tết thế nào?

Chị Heidi Quine: Tôi thích không khí đón Tết ở Việt Nam. Khi thấy người dân đi xe máy chở những cây quất trĩu quả len lỏi giữa dòng xe cộ, tôi thấy vui và rộn rã. Tôi cũng thường đi chọn một cây quất hoặc cành đào để trưng trong nhà. Bộ sưu tập đồ trang trí Tết của tôi nhiều lắm rồi. Trong tôi luôn có một nguồn năng lượng đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán. Các gia đình Việt Nam mời tôi đến nhà họ để cùng chung vui, rất xúc động! Thật ngọt ngào khi thấy tụi trẻ hào hứng với chiếc phong bao lì xì đỏ tươi, được chia sẻ đồ ăn thức uống với bạn bè ở Việt Nam và thưởng thức bánh chưng thuần chay. Mỗi khi về Australia vào dịp Tết, tôi đều mang quà tặng gia đình, có mứt dừa, mứt gừng - món mẹ tôi thích và chuẩn bị phong bao lì xì cho trẻ nhỏ. Dù không phải người Việt Nam, nhưng Tết bây giờ là một ngày lễ quan trọng đối với tôi. Tôi sẽ luôn ăn Tết vào đúng dịp này, dù có ở đâu trên thế giới.

PV: Chị có “nghiện” món ăn nào ở Việt Nam không?

Chị Heidi Quine: Tôi rất yêu động vật nên ăn thuần chay. Món ăn Việt Nam tôi yêu thích là gỏi hoa chuối. Rất ngon! Có sự kết hợp hoàn hảo giữa giòn, mặn, ngọt và vị hơi chát của hoa chuối. Tôi đã có lần mua hoa chuối ở chợ về tự làm món này, nhưng kết quả thì không được ngon lắm (cười...). Tôi còn thích cả đậu phụ sốt cà chua nữa. Tôi đã ăn nhiều món ngon ở Việt Nam nhưng luôn thấy thèm những món giản dị, thân quen.

PV: Chị sẽ gắn bó dài lâu với Việt Nam chứ, Heidi? 

Chị Heidi Quine: Nhà tôi ở đây, công việc của tôi ở đây, 3 chú mèo của tôi cũng đang ở đây. Tên tiếng Việt của tôi là Lan Anh. Tôi thấy vui khi ngày càng nhiều bạn bè, đồng nghiệp gọi tôi bằng cái tên đó. Việt Nam là một phần quan trọng trong trái tim tôi. Tôi sẽ làm việc ở đây cho đến lúc về hưu...

PV: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nhà động vật học Heidi Quine là người có chuyên môn và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phúc lợi và bảo tồn động vật. Chị là thạc sĩ về phúc lợi động vật quốc tế, đạo đức và luật tại Đại học Edinburgh. Chị gia nhập Tổ chức Động vật châu Á năm 2011 với vị trí quản lý gấu ở Trung tâm Cứu hộ gấu Thành Đô, sau đó chuyển tới Nam Ninh (Trung Quốc) làm quản lý gấu cao cấp. Hiện, chị giữ vị trí Giám đốc Quản lý gấu và thú y của Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.

Huyền Châm (thực hiện)
.
.
.