Mồi lửa ném vào "thùng thuốc súng" Trung Đông

Chủ Nhật, 11/08/2024, 08:09

Thủ lĩnh chính trị cao nhất của phong trào Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng trong một vụ tấn công táo bạo chưa từng có giữa thủ đô Tehran của Iran, nhưng tình tiết vụ việc này vẫn còn gây tranh cãi. Trong khi đó, căng thẳng đang ngày một leo thang giữa hai kì phùng địch thủ là Israel và Iran đang chực chờ thổi bùng một cuộc xung đột khốc liệt có thể nhấn chìm Trung Đông trong biển lửa.

Những thuyết âm mưu sau vụ ám sát

Vài giờ sau khi dành những lời chúc tụng tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian trong một buổi lễ nhậm chức trọng thể ở thủ đô Tehran, ông Ismail Haniyeh, thủ lĩnh chính trị cao nhất của phong trào vũ trang Hamas của người Palestine ở Dải Gaza và một vệ sĩ đã thiệt mạng sau một tiếng nổ chát chúa vang lên vào khoảng 2h sáng 31/7 (giờ địa phương) tại nơi ông lưu trú, cũng là "khu nhà đặc biệt dành riêng cho các cựu chiến binh" ở phía Bắc Tehran. Cả Iran và Hamas đều khẳng định Israel đứng sau âm mưu ám sát. Tuy nhiên, các phiên bản khác nhau về tình tiết vụ việc đã được đưa ra.

a1-am sat hamas.jpg -0
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh.

Ở phiên bản đầu tiên, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khẳng định ông Haniyeh thiệt mạng vì một vụ tấn công ám sát được tiến hành từ trên không. Theo tờ báo tiếng Arab Asharq Al Awsat, ngay sau thông tin ông Haniyeh thiệt mạng được loan báo, một số hãng tin Iran nói rằng, vụ tấn công gây ra bởi một máy bay không người lái (UAV) của Israel. Kênh PressTV của Iran dẫn tuyên bố từ IRGC cho hay, "một vật thể bay", ám chỉ một quả tên lửa dẫn đường không đối đất, đã lao trúng căn phòng của ông Haniyeh. Chưa rõ liệu quả tên lửa mà PressTV nhắc đến được khai hỏa từ UAV hay máy bay có người lái. Ông Khalil Al-Hayya, phó thủ lĩnh Hamas tại Dải Gaza cũng tuyên bố, các nhân chứng đã nhìn thấy một tên lửa lao trúng căn phòng của ông Haniyeh, khiến ông thiệt mạng và phá hủy những bức tường xung quanh.

Về vị trí quả đạn được khai hỏa, hãng tin Lebanon Al-Mayadeen dẫn nguồn tin an ninh Iran quả quyết, vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh "được thực hiện bằng tên lửa phóng qua biên giới, không phải từ bên trong lãnh thổ Iran". Tuy nhiên, Kênh 12 của Israel lại đưa tin, quả tên lửa được phóng từ bệ phóng trong lãnh thổ Iran. Ngày 3/8, IRGC đưa ra tuyên bố mới nhất cho biết, một quả đạn "tầm ngắn mang theo khoảng 7 kg vật liệu nổ đã được phóng từ ngay bên ngoài nơi ông Haniyeh lưu trú tại Tehran".

Dù được khai hỏa ở đâu, nếu vụ ám sát được thực hiện bằng tên lửa, nó là dấu hiệu cho thấy quả đạn đạt độ chính xác rất cao, có thể lao thẳng vào căn phòng qua cửa sổ, sức sát thương cũng chỉ vừa đủ để đoạt mạng ông Haniyeh và cận vệ canh gác bên ngoài mà không ảnh hưởng tới những người khác trong cùng tòa nhà. Israel là một cường quốc quân sự, song các nhà quan sát khẳng định, để đánh trúng mục tiêu với độ chính xác như vậy, tên lửa phải được trang bị đầu dò laser và cần nhân sự, thiết bị để chiếu laser khi vụ tấn công xảy ra. Bên cạnh đó, nó đã kéo theo những câu hỏi về việc tại sao một quả tên lửa dẫn đường có thể vượt qua các lớp phòng không dày đặc của Iran mà không bị đánh chặn? Một câu hỏi tiếp theo là quốc gia nào trong khu vực có thể cho phép bên tấn công mượn không phận để phóng tên lửa vào Tehran? Đây được coi là điều rất nhạy cảm, bởi đòn tập kích có thể bị coi là hành động tấn công Iran và sẽ bị Tehran đáp trả.

Với phiên bản thứ hai, tờ New York Times đăng tải thông tin gây sốc khi khẳng định kết quả điều tra do tờ này thực hiện, dựa trên ít nhất 7 nguồn tin, trong đó có các quan chức Mỹ và Iran, cho thấy ông Haniyeh thiệt mạng do một quả bom được gài khoảng 2 tháng trước bên trong căn phòng ông lưu trú. Một loạt hãng tin phương Tây cũng dẫn các nguồn tin riêng đề cập đến khả năng này.

Tòa nhà bị tấn công nằm ở phía Tây Bắc Tehran, thuộc khu phức hợp Neshat cao cấp, được bảo vệ bởi IRGC. New York Times khẳng định quả bom được kích nổ từ xa khi ông đang bên trong căn phòng. Vụ nổ làm rung chuyển tòa nhà và khiến các bức tường bị hư hại. Theo các nguồn tin, ông Haniyeh đã lưu trú tại tòa nhà này nhiều lần khi đến thăm Iran. Vẫn chưa rõ cách thức quả bom được gài vào tòa nhà. Việc lập kế hoạch ám sát bằng bom sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Hai nguồn tin của New York Times mô tả vụ ám sát nói trên được áp dụng chiến thuật tương tự như khi Israel sử dụng một khẩu súng máy - robot - được ứng dụng trí tuệ nhân tạo và điều khiển từ xa để ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh vào năm 2020. Trong vụ việc năm 2020, New York Times tiết lộ, toàn bộ thiết bị để lắp đặt khẩu súng máy robot nặng 1 tấn, được tuồn lậu vào Iran lần lượt từng bộ phận nhỏ trước khi được lắp ráp và triển khai đến địa điểm tấn công.

Israel vấp sai lầm chiến lược?

Cái chết của ông Haniyeh đánh dấu mất mát đáng kể nhất trong hàng ngũ Hamas kể từ khi chiến sự Dải Gaza nổ ra, đồng thời đẩy tiến trình đàm phán ngừng bắn vào ngõ cụt, bởi Haniyeh là người có vai trò quyết định trong các cuộc đối thoại gián tiếp giữa Hamas và Israel. Nếu Israel được xác nhận đứng sau vụ việc, đây là một chỉ dấu khác cho thấy Tel Aviv không ngần ngại nhắm mục tiêu vào các đối thủ dù họ ở bất cứ đâu. Tuy vậy, giới quan sát nhận định, cái chết của ông Haniyeh không khiến Hamas sụp đổ, trái lại, nó có thể đẩy Israel vào các tình huống phức tạp.

Theo chuyên gia Ibrahim Al-Marashi, giáo sư về lịch sử Trung Đông tại Đại học San Marcos ở California, Mỹ, mỗi lần Israel bị cáo buộc tiến hành một vụ ám sát thủ lĩnh cấp cao các nhóm vũ trang đối địch ở Trung Đông, tình hình an ninh khu vực lại diễn biến tồi tệ hơn. Năm 1992, lãnh đạo Hezbollah Abbas al-Musawi cùng vợ và con trai 6 tuổi bị ám sát ở miền Nam Lebanon. Sự việc khiến Hezbollah có lập trường cứng rắn hơn với Israel, với minh chứng là các cuộc giao tranh liên miên 3 thập kỉ qua.

a3-am sat hamas.jpg -1
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei chủ trì buổi lễ cầu nguyện cho ông Haniyeh ở Tehran.

Sau vụ ám sát ông Haniyeh, một cuộc tổng đình công đã nổ ra ở khu vực người Palestine sinh sống tại Bờ Tây, trong khi tình hình Dải Gaza tiếp tục leo thang căng thẳng khi Hamas tuyên bố họ sẽ trả thù cho thủ lĩnh của mình.

Bên cạnh đó, Israel gần như không thể tránh khỏi một cuộc tấn công trả đũa từ Iran. New York Times dẫn lời các quan chức cấp cao Iran cho biết lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã lệnh tấn công Israel dù chưa nêu phương thức và quy mô. Cần nhắc lại, ngày đầu tháng 4/2024, Israel bị cáo buộc phóng tên lửa vào Lãnh sự quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria, khiến 7 thành viên IRGC thiệt mạng, bao gồm tướng Mohammad Reza Zahedi, chỉ huy đơn vị tác chiến ở nước ngoài của đặc nhiệm Quds thuộc IRGC. Sau 2 tuần, Iran đã triển khai hơn 300 tên lửa, UAV tấn công Israel để trả đũa, nhưng không gây thiệt hại lớn do hầu hết hỏa lực bị Israel phối hợp với tàu chiến Mỹ và Anh đánh chặn.

Theo giới truyền thông, Iran đã báo trước cho Mỹ và nhiều nước về kế hoạch tập kích Israel, động thái giúp Tel Aviv và các đồng minh chủ động ngăn thiệt hại. Việc ông Haniyeh bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran có thể trở thành giọt nước tràn ly, đẩy Iran vào tình thế buộc phải trả đũa theo cách quyết liệt hơn nhiều.

Iran-Israel từ lâu coi nhau là kẻ thù không đội trời chung. Hai nước chưa để xảy ra xung đột trực tiếp, nhưng trong vài thập kỉ qua đã tiến hành một cuộc chiến "trong bóng tối", tấn công các lợi ích của đối phương trên mặt đất, trên biển, trên không và cả trên không gian mạng. Những năm qua, Israel dùng mọi cách để chống lại Iran, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc ám sát nhắm vào giới tinh hoa và các nhà khoa học hàng đầu Tehran.

Yaakov Amidror, chuyên gia cấp cao tại Viện Chiến lược và An ninh Jerusalem ở Israel, cho hay nước này đang phải đối mặt với "vành đai lửa" mà Iran đã dày công củng cố từ những lực lượng phản kháng khắp khu vực Trung Đông, bao gồm nhóm Hezbollah ở Lebanon hay Houthi ở Yemen. Vành đai này đang dần siết chặt và có thể tung đòn tấn công hiệp đồng vào Israel. Trong khi đó, Tiến sĩ Raz Zimmt, chuyên gia tại Trung tâm Liên minh về nghiên cứu Iran thuộc Đại học Tel Aviv cảnh báo: "Nếu Israel bị kéo vào xung đột lớn hơn với Iran, mối đe dọa từ Hezbollah cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn". Dù Israel sở hữu năng lực phòng thủ ưu việt hàng đầu khu vực, các khẩu đội phòng không cũng không thể cùng lúc đánh chặn hàng ngàn quả tên lửa và UAV.

Từ phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng tỏ ra rất không hài lòng trước thông tin Israel hạ sát ông Haniyeh ở thời điểm Washington tìm mọi cách để thiết kế một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza. Theo New York Times, Israel không thông báo trước với Mỹ về vụ tấn công ở Tehran, dù Thủ tướng Israel Netanyahu gặp gỡ ông Biden vỏn vẹn vài ngày trước đó. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mới đây khẳng định Washington sẽ bảo vệ Israel nếu nước này bị tấn công.

"Tôi nghĩ rằng, luôn có cơ hội cho ngoại giao. Nhưng, nếu Israel bị tấn công, chúng tôi sẽ giúp Israel tự vệ. Chúng tôi đã nói rõ điều đó ngay từ đầu", ông Austin khẳng định.

Nguyễn Phùng
.
.
.