Kia
Mobifone

Lời cảnh báo từ bức tâm thư rớt nước mắt của nữ tiếp viên hàng không

Thứ Hai, 07/12/2020, 19:17
Thưa toà soạn, đọc xong những dòng này tôi liền xem lại những bức ảnh của chị Hường khi chị là một tiếp viên hàng không, và cũng như nhiều người, tôi cảm nhận rõ một cô tiếp viên hàng không xinh đẹp, trẻ trung, thường xuyên tung tăng đi lại trên những chuyến bay, trên bầu trời. Vậy mà bây giờ, cô tiếp viên ấy thương tật đến 75%, chắc chắn không thể trở lại tung tăng như ngày nào nữa...

Kính gửi Báo An ninh thế giới GT – CT!

Những ngày vừa qua, cộng đồng facebook không ngừng lan tỏa bức tâm thư rớt nước mắt của chị Nguyễn Bích Hường, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Tôi tin là các anh chị ở toà soạn đã đọc bức tâm thư ấy. Và tôi tin là rất nhiều độc giả của tờ báo cũng đã đọc bức tâm thư ấy. Chỉ xin nhắc lại chị Hường là nạn nhân của vụ tai nạn giao thông thương tâm ngày 30-1-2020 ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong cái ngày định mệnh ấy, khi đang đi làm bằng Grabbike thì chị bị một chiếc xe ôtô Mercedes tông trúng trên đường Hồng Hà. Người lái xe Grab đã chết. Còn chị Hường đến lúc này bị xác nhận thương tật 75% vĩnh viễn. Trong bức tâm thư trên facebook cá nhân mình, chị cho biết: “Cả năm nay, em chủ yếu nằm bất động ở viện và ở nhà, trải qua 4 ca phẫu thuật và vẫn chưa kết thúc, hiện tại em vẫn phải bó bột ở chân”.

Hiện trường vụ tai nạn trên đường Hồng Hà, quận Phú Nhuận. Ảnh: L.G

Thưa toà soạn, đọc xong những dòng này tôi liền xem lại những bức ảnh của chị Hường khi chị là một tiếp viên hàng không, và cũng như nhiều người, tôi cảm nhận rõ một cô tiếp viên hàng không xinh đẹp, trẻ trung, thường xuyên tung tăng đi lại trên những chuyến bay, trên bầu trời. Vậy mà bây giờ, cô tiếp viên ấy thương tật đến 75%, chắc chắn không thể trở lại tung tăng như ngày nào nữa.

Chị đã nói với phóng viên báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh: “Tôi đi lại rất khó khăn, chân trái mất cảm giác, đang bó bột chưa thể chạm đất, chỉ loanh quanh ở nhà, không thể đi đâu. Thời gian đầu điều trị còn có nhiều người thân, đồng nghiệp lui tới giúp đỡ. Nhưng đâu thể làm phiền người ta mãi, hiện giờ mọi việc trong nhà đều trông đợi vào mẹ tôi”.

Ở một số tờ báo khác, người ta lắp tấm ảnh chị Hường trước tai nạn với tấm ảnh của chị sau tai nạn cạnh nhau. Ở tấm ảnh thứ nhất, tôi nhìn thấy một người tiếp viên với chiếc áo dài màu xanh, đang nở nụ cười rất tươi trên khoang hành khách máy bay, còn ở tấm ảnh thứ hai, tôi nhìn thấy một bệnh nhân đang nằm bất động trên giường bệnh cùng đôi chân bó bột. Hai tấm ảnh khiến tôi rớt nước mắt. Hai tấm ảnh đủ cho thấy sự tàn khốc của tai nạn giao thông đối với cá nhân chị, gia đình chị.

Càng hiểu điều này tôi càng thấy giận dữ khi nhớ lại dòng tin mình đã đọc được hồi tháng 1 năm nay: “Người gây ra tai nạn cho tiếp viên Nguyễn Bích Hường dương tính với chất ma tuý”. Thế đấy! Có những con người điều khiển phương tiện giao thông một cách điên cuồng, vô trách nhiệm đến như vậy đấy! Nhiều tờ báo cho hay, sau khi gây tai nạn khiến một người chết và một người thương tật đến 75%, kẻ dương tính với chất ma tuý này đã rời khỏi hiện trường, và mãi sau đó mới chịu ra đầu thú. Và mới nhất, theo chia sẻ của chị Nguyễn Bích Hường thì đã gần 1 năm sau tai nạn vậy mà người gây ra tai nạn vẫn chưa có nổi một lời hỏi thăm. Nếu việc gây ra tai nạn khiến một người mất mạng và một người mất nghiệp là điều vô cùng khủng khiếp thì cái cách ứng xử sau tai nạn còn khủng khiếp hơn thế rất nhiều.

Kính thưa Toà soạn, không biết là các anh/chị thực sự nghĩ gì trước câu chuyện này? Và từ câu chuyện này, liệu các anh/chị có thể trả lời một câu hỏi có tính bao quát hơn không, đó là mỗi chúng ta sẽ phải làm gì để những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng như thế này ngày một ít đi? Vẫn biết đây có thể là một đề tài rất cũ nhưng vì nó cứ trở đi trở lại trong xã hội chúng ta, và thi thoảng lại xuất hiện những sự vụ, những nỗi niềm, những bức tâm thư cứa vào trái tim chúng ta, nên tôi hy vọng các anh/chị ở toà soạn chia sẻ và đưa ra câu trả lời. Rất nóng lòng nhận được hồi âm. Xin chân thành cảm ơn toà soạn.

Hoàng Ái Linh (Thành phố Hồ Chí Minh)

Kính gửi độc giả Hoàng Ái Linh!

Chúng tôi đã đọc những dòng chia sẻ hết sức thương tâm của chị Nguyễn Bích Hường trên facebook cá nhân. Chúng tôi cũng đọc rất kỹ những thông tin về 4 cuộc phẫu thuật mà chị đã trải qua, từ mổ xếp lại xương, hàn nẹp xương chậu, xương đùi, xương bàn chân đến phẫu thuật chuyển gân…

Thực tình, mới chỉ đọc những thông tin này, chứ chưa nhìn những bức ảnh chị Hường nằm trên giường bệnh, cũng chưa tận mắt chứng kiến những cuộc phẫu thuật của chị, chúng tôi đã thấy hết sức xót xa, đau đớn. Mà theo các bác sĩ, 4 cuộc phẫu thuật này chưa phải là tất cả, chị Hường còn phải tiếp tục những phẫu thuật tiếp theo. Tất cả những điều này cho thấy: hậu quả mà những vụ tai nạn giao thông gây ra cho một con người, một gia đình là dằng dai và khủng khiếp tới đâu.

Hàng loạt chữ “nếu” đã xuất hiện trong đầu óc chúng tôi: Nếu Trần Hoàng Phong, người lái chiếc  xe Mercedes gây tai nạn cho chị Hường không nhấn chân ga ở tốc độ 84Km/h… Nếu Trần Hoàng Phong không dương tính với chất ma tuý… Nếu Trần Hoàng Phong có giấy phép lái xe khi điều khiển xe trên đường… Vâng, nếu tất cả những chữ “nếu” đó là có thật thì lúc này, chúng ta không phải ngồi xuống nói với nhau những điều này, và một cô tiếp viên tươi tắn, xinh đẹp, trẻ trung mới không phải phẫn uất viết những dòng chia sẻ trên facebook cá nhân mình.

Thưa độc giả, qua câu chuyện này chúng ta lại thấm thía một điều: Chỉ cần một cái nhấn chân ga lơ đãng, chúng ta hoàn toàn có thể khiến người khác phải trả giá bằng cả cuộc đời mình. Cho nên một điều rất cũ mà rất mới cần phải được nhắc lại, nếu không muốn nói là phải được nhắc lại thường xuyên: khi điều khiển phương tiện giao thông, chúng ta luôn phải ý thức rõ trách nhiệm của mình với chính mình, với những người quen biết đang ngồi trên xe của mình, và với những người xa lạ đang điều khiển phương tiện giao thông trên đường giống như mình.

Chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện mang tính “góc khuất” về những những người lái xe tải đường dài, trong đó có những người thường xuyên sử dụng chất kích thích với quan niệm rằng: Phải như vậy mới đủ sức nhận hàng – giao hàng đúng tiến độ. Nếu câu chuyện này là sự thật thì phải nói ngay, đấy là những con người vô trách nhiệm với chính tính mạng của họ. Lại có những câu chuyện dễ quan sát hơn, có thể là liên quan đến chính bạn bè, người thân của chúng ta, đó là chúng ta coi việc lái xe như một hình thức giải trí.

Cho nên cứ lên xe là bật nhạc, và thoải mái thả trôi cảm xúc của mình theo những bản nhạc mình ưa thích. Lúc ấy, chúng ta không lường trước rằng chỉ một giây lơ đễnh thôi, chúng ta hoàn toàn có thể hối hận cả đời. Thưa độc giả, kể lại tất cả những điều này cũng để trả lời câu hỏi của độc giả, đó là phải làm gì để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông? Câu trả lời là, phải luôn luôn, thường trực, tự nhắc nhở mình về trách nhiệm hết sức nghiêm túc và lớn lao của mình khi điều khiển phương tiện giao thông trên đường phố.

Và bên cạnh câu chuyện ý thức cá nhân, các chế tài pháp luật đương nhiên cũng là một điều không thể bỏ qua. Chắc chắn độc giả cũng đã biết, từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã chính thức có hiệu lực. Và Nghị định 100 đã tăng mạnh chế tài xử phạt so với Nghị định 46 trước đây.

Ví dụ: Nghị định 46 xử phạt người đi ô tô có nồng độ cồn từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng thì Nghị định 100 nâng mức xử phạt lên 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe tới 22-24 tháng. Theo quan sát của chúng tôi, những thay đổi trong chế tài xử phạt đã tạo ra những thay đổi  trong tâm lý chúng ta. Bằng chứng là trước đây, rất nhiều người lái xe không ngại uống bia, rượu thì bây giờ ai cũng phải dè chừng. Trước đây bạn bè ép nhau uống thì bây giờ nhiều người đã tự nhủ: “Thôi, không ép nữa, để tý còn lái xe…”.

Trước khi xuất hiện Nghị định 100, có ý kiến cho rằng tai nạn giao thông đến từ tổng hợp các nguyên nhân, chứ không chỉ đến chủ yếu từ việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma tuý… Nhưng đến lúc này, sau gần 1 năm Nghị định 100 được áp dụng, hiệu quả là không thể phủ nhận thì ai cũng thấy việc hạn chế chất kích thích giúp tai nạn giao thông được giảm thiểu như thế nào. Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 9 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông đã  giảm giảm 18,3%, số người chết giảm 13,8%, số người bị thương giảm giảm 20,9% so với 9 tháng đầu năm 2019.

Thưa độc giả, trở lại với tai nạn thương tâm của nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Bích Hường, chúng ta hy vọng là người gây ra tai nạn sẽ sớm bị pháp luật xử lý, và cá nhân người này cũng phải sớm có những lời thăm hỏi, đền bù để nỗi đau và sự mất mát to lớn của chị Hường được an ủi phần nào. Chúng ta cũng hy vọng rằng câu chuyện và bức tâm thư rớt nước mắt của chị Hường, thêm một lần nữa cũng sẽ là lời cảnh tỉnh cho chính chúng ta khi chúng ta tham gia điều khiển các phương tiện giao thông trên đường phố. Chỉ một khoảnh khắc lơ đễnh, chỉ một cái nhấn ga lơ đễnh, chúng ta hoàn toàn có thể lấy đi mạng sống của những người xung quanh!

Xin chân thành cảm ơn độc giả đã gửi câu hỏi, và hy vọng những chia sẻ của chúng tôi cũng giúp độc giả thỏa mãn phần nào.

Vương Trọng Tín

.
.