Kê khai biệt phủ
Ngày nay, xã hội đổi khác song nhiều quan chức vẫn giữ thói tham lam, vơ vét của cải nhà nước, nhân dân để tư túi, sở hữu những khối tài sản kếch xù. Chúng ta đang xây dựng bộ máy nhà nước mà cán bộ là công bộc của dân, việc dư luận vẫn nêu tên dinh thự, biệt phủ, đồn điền của quan này, quan kia cho thấy đây vẫn là thực trạng nhức nhối, cần nhiều hơn nữa sự quyết tâm và thời gian cải sửa.
Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy ông Lê Đức Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Theo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thống nhất đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Đức Thọ. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật hành chính kịp thời, đồng bộ với kỷ luật đảng.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 31, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Lê Đức Thọ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy, vi phạm của ông Lê Đức Thọ ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và cá nhân, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Về ông Lê Đức Thọ, trước khi được Bộ Chính trị điều động, phân công, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020-2025, ông Thọ đã có một khoảng thời gian dài gắn bó với ngành ngân hàng, từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng VietinBank. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc, làm rõ và kết luận ông Thọ vi phạm "gây hậu quả rất nghiêm trọng" như nêu trên. Tuy nhiên, trong thông tin báo chí về kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra không nêu cụ thể kết quả xác minh nguồn tài sản của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ.
Trước đó, trong vụ án cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh cùng 14 bị can khai thác trái phép 1,3 triệu tấn quặng apatit, cơ quan điều tra đã kê biên nhiều nhà đất, dinh thự của ông Nguyễn Văn Vịnh. Cụ thể, kê biên lô đất rộng 100 m2 và nhà xây trên đất tại phường Cốc Lếu, TP Lào Cai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh. Trước đó, từ cuối năm 2022, qua xác minh của cơ quan điều tra, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh có liên quan tới 7 thửa đất tại TP Lào Cai. Trong đó, có 6 lô đất mặt đường tại các tuyến phố đắc địa, sầm uất thuộc TP Lào Cai, 1 lô là đất biệt thự.
Câu chuyện quan chức sở hữu hàng loạt biệt phủ, dinh thự, trang trại, đất đai đang nhưng giấu giếm, không kê khai trung thực là vấn đề gây nhức nhối dư luận. Ngày nay, dường như tài sản để xác định sự giàu có của quan chức không còn được tính bằng động sản mà phải là bất động sản. Đơn giản bởi giá trị của những chiếc xe sang thì cũng khoảng dăm bảy tỷ hay một - hai chục tỷ, giá trị cả trăm cây vàng cũng chẳng thấm tháp gì so những lô đất, những khu biệt thự ở vị trí đắc địa có giá hàng trăm tỷ đồng. Với vị trí Bí thư Tỉnh ủy, ông Nguyễn Văn Vịnh đã gom về "nhẹ nhàng" 7 lô đất rộng ở các vị trí đắc địa, chưa kể những khối tài sản khác, ở các khu vực khác. Đáng chú ý, trào lưu gom đất, xây dựng dinh thự, biệt phủ, khu sinh thái của quan chức hiện không chỉ giới hạn trong một vùng, một lãnh thổ mà còn bao rộng ra nhiều vị trí "vàng" trên toàn quốc, thậm chí cả ở nước ngoài.
Có ý kiến cho rằng, bây giờ trong giới cán bộ, quan chức, người ta "giao ước ngầm", ai ở vị trí nào, cỡ nào thì phải "xứng tầm" với bao nhiêu dinh thự, biệt phủ, khu sinh thái. Nếu cỡ bí thư, chủ tịch tỉnh mà ở nhà ống, không dinh thự, biệt phủ thì bị cho là "lạc lối", không gia nhập được "nhóm G phát triển"! Và, cũng có những nhóm kiểu như câu lạc bộ nghìn tỷ để khẳng định giá trị của mình. Những điều này chỉ là dư luận, chỉ là "hiểu ngầm" nhưng dư luận cũng đặt ra những vấn đề thời sự rất đáng chú ý về suy nghĩ, lối sống, cách chơi, cách hiểu, sự vơ vét, giàu có của một số cán bộ lãnh đạo hiện nay.
Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định cụ thể các trường hợp phải kê khai tài sản và công khai, giải trình nguồn gốc tài sản đó. Tuy nhiên, thực tế việc kê khai và công khai, giải trình nguồn gốc tài sản vẫn còn nặng tính hình thức, chưa thực sự là công cụ hữu hiệu để kiểm soát tài sản, thu nhập, chưa trở thành "tấm khiên" ngăn chặn tham nhũng. Mới đây, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 cho thấy, số người đã tiến hành xác minh trong kỳ là 13.093 người, có 2.664 người sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định... Đáng chú ý, chỉ có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, cách chức). Cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, kể cả đối tượng là lãnh đạo quản lý cấp cao ở địa phương. Như trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau... bị xem xét, xử lý kỷ luật vì kê khai tài sản thu nhập không trung thực.
Tại tỉnh Bạc Liêu, qua công tác xác minh tài sản thu nhập ngẫu nhiên đối với 7 trường hợp, cơ quan chức năng đã kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 trường hợp, xử lý kỷ luật 2 trường hợp, qua công tác kiểm tra việc kê khai tài sản thu nhập tại 7 đơn vị đã phát hiện, xử lý đối với 5 cá nhân vi phạm. Trong khi đó, qua giám sát của Ủy ban Tư pháp và dư luận, cử tri cho thấy tình trạng vi phạm việc kê khai tài sản thu nhập diễn ra còn rất nhiều.
Thực tế, kê khai tài sản nhằm hướng đến việc minh bạch tài sản của công chức phục vụ công tác phòng ngừa tham nhũng. Tuy cùng chung mục đích nhưng ở các quốc gia, việc xác định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập có sự khác nhau, có nước yêu cầu tất cả công chức phải kê khai tài sản, thu nhập, cũng có nước xác định một số nhóm đối tượng phải kê khai. Ở Việt Nam, vào những thời điểm khác nhau, đối tượng kê khai tài sản cũng có những thay đổi nhất định.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định 130/2020/NĐ-CP thì các trường hợp phải kê khai tài sản hằng năm bao gồm 3 nhóm. Nhóm 1: Các ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên; điều tra viên; kế toán viên; kiểm lâm viên; kiểm sát viên; kiểm soát viên ngân hàng; kiểm soát viên thị trường; kiểm toán viên; kiểm tra viên của Đảng; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên thuế; thanh tra viên và thẩm phán. Nhóm 2: Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Nhóm 3: Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngoài ra còn kê khai trong trường hợp bổ sung, kê khai phục vụ công tác cán bộ.
Đáng chú ý, để ngăn ngừa quan niệm tùy thích trong kê khai, tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ có những quy định rất cụ thể về việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, tại Điều 20 của Nghị định này nhấn mạnh việc xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.
Kê khai gắn liền với giải trình nguồn tài sản khi có yêu cầu, đây là lý do mà nhiều bản kê khai vắng bóng dinh thự, biệt phủ, trang trại... Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ sai phạm của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ cũng như một số cán bộ lãnh đạo khác để cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm minh chính là biện pháp góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm chung.