Tiến sĩ khoa học, Phó Giáo sư Phạm Đức Chính: Khi nhận thức về “cái danh” còn chưa hợp lý!

Thứ Ba, 13/03/2018, 14:59
Nhỏ thó, giản dị nhưng cực kỳ sắc bén và quyết liệt - đó là cảm giác đập ngay vào mắt người đối diện mà Tiến sĩ khoa học, Phó giáo sư Phạm Đức Chính (Viện Cơ học Việt Nam) tạo ra.

Từ khoảng hơn chục năm trở lại đây, Phó giáo sư Phạm Đức Chính thường xuyên lên tiếng trong các vấn đề được cho là rất nhạy cảm như quy trình phê duyệt và cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu cơ bản (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong quá khứ, hay quy trình xét duyệt các chức danh giáo sư, phó giáo sư (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vốn gây xôn xao dư luận suốt thời gian qua.

Những ý kiến thẳng băng, không e ngại của ông khiến ông đã từng trở thành một cái gai trong mắt một số người. "Tôi vẫn sẽ như thế, không thay đổi, vì nhiều đồng nghiệp trẻ của tôi nói rằng những người như anh mà không lên tiếng thì ai lên tiếng nữa!" - Phó giáo sư Phạm Đức Chính tiếp tục khẳng định như vậy trong cuộc đối thoại sôi nổi, kéo dài tới gần 2 giờ đồng hồ với nhà báo Phan Đăng.

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Phó giáo sư Phạm Đức Chính, xin được bắt đầu ngay bằng một vấn đề nóng hổi, khi số lượng hồ sơ xin xét duyệt phó giáo sư và giáo sư năm 2017 bỗng tăng lên đột biến. Xung quanh chuyện này, người thì bảo sự tăng vọt ấy là bình thường, người lại bảo nó là biểu hiện lạm phát nghiêm trọng. Người thì than vãn, số lượng các giáo sư, phó giáo sư không ngừng tăng nhưng chất lượng khoa học nước nhà lại không tăng như thế. Với một người hiểu ngóc ngách vấn đề như ông, câu chuyện này cần phải được nhìn nhận như thế nào cho chuẩn xác?

+ Phó giáo Sư Phạm Đức Chính: Lý do người ta đưa ra để giải thích cho sự tăng đột biến này là thời hạn nộp hồ sơ của năm 2017 nhiều hơn năm 2016 tới 6 tháng. Nhưng theo tôi, ngay cả khi tính thêm 6 tháng thì số lượng hơn 1.000 hồ sơ xin xét duyệt vẫn là quá cao. 

Dân trong nghề đều hiểu đây có thể sẽ là đợt xét duyệt cuối cùng theo tiêu chí cũ, trước khi chuyển sang tiêu chí mới khó khăn hơn, do vậy có thể người ta đã tận dụng cơ hội cuối này để xin, để chạy, để làm tất cả những gì có thể làm...

- Vâng, nhiều người ví đợt xét duyệt này như một "chuyến tàu vớt". Tôi trộm nghĩ, người ta có thể vớt một cái lá, vớt một cọng rau, vớt một cụm bèo, chứ vớt một giáo sư thì...

+ Với cách làm của nước ngoài thì những người được công nhận giáo sư luôn là những nhà khoa học hàng đầu, là những người xuất sắc nhất. Làm thế nào để biết một nhà khoa học là xuất sắc? Phải xem nhà khoa học ấy có nghiên cứu khoa học tầm cao nào trong lĩnh vực của mình và có những bài báo khoa học nào trên những tạp chí uy tín quốc tế? 

Bây giờ vào website các đại học quốc tế, anh sẽ thấy rất rõ các bài viết, các công trình nghiên cứu của các giáo sư thuộc trường đại học đó. Căn cứ vào đấy người ta mới biết một ông giáo sư giỏi đến cỡ nào, nghiên cứu cụ thể những vấn đề gì, từ đó nghiên cứu sinh mới biết mà tìm đến để học, đồng nghiệp tìm đến mà cộng tác. 

Còn ở Việt Nam, chúng tôi chỉ đề nghị một điều rất đơn giản là các thành viên trong hội đồng chức danh giáo sư ngành và nhà nước đưa danh mục công trình khoa học của mình ra công khai mà cũng không được. Đến các thành viên của hội đồng xét duyệt còn như thế thì làm sao việc xét duyệt minh bạch, đáng tin được.

- Theo tôi được biết thì trong dự thảo quy chế mới, một nhà khoa học chỉ được phong giáo sư, phó giáo sư khi có ít nhất 2 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế. Tôi cũng được biết là với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, việc có 2-3 bài trên các tạp chí uy tín quốc tế không phải là một vấn đề quá nan giải. Vậy thì với chúng ta, tại sao tiêu chí này lại khiến người người sợ tới mức phải đổ dồn hết vào một "chuyến tàu vét", theo ông?

+ Tiêu chí có 2 bài trên các tạp chí uy tín quốc tế vốn dĩ cũng là một tiêu chí rất thấp rồi. Với quốc tế, đấy mới chỉ là chuẩn cho tiến sĩ thôi, chứ chưa phải là chuẩn giáo sư. Nhưng ở ta, chỉ 2 bài thôi, nhiều người cũng đã rất sợ. Bởi tôi nói thật, nếu tiêu chuẩn này được áp dụng thì chính rất nhiều vị trong các hội đồng chức danh giáo sư ngành và nhà nước cũng không đạt được.

- Nhưng đấy là tiêu chí bắt buộc phải hướng đến?

+ Nhất định phải như thế, vì chúng ta đang ở trong một thời đại hội nhập. Thực ra 10 năm trước, chúng ta đã có một cuộc cải cách rất thành công về quy trình xét duyệt và cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ (Nafosted). Hồi đấy chúng tôi đấu tranh quyết liệt hướng tới việc muốn được chủ trì một đề tài thì một nhà khoa học phải có công bố quốc tế trong 5 năm gần nhất. 

Đề xuất đề tài được đưa ra để một hội đồng đánh giá, xem xét và dự đoán xem trong khoảng 2-3 năm tới, nhà khoa học đó có thể có được ít nhất 2 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín nữa không. Và sau 2-3 năm, khi đã có đúng 2 bài báo quốc tế thì mới được nghiệm thu và duyệt đề tài mới.

Hồi đấy chúng tôi đấu tranh đề nghị tất cả các thành viên của tất cả các hội đồng xét duyệt cũng phải có bài báo công bố quốc tế trước đã. Mà những hội đồng xét duyệt cũ cũng chính là các vị trong hội đồng chức danh giáo sư ngành và nhà nước.

- Và điều gì đã xảy ra với những vị này?

+ Hầu như các vị ấy bay hết.

- Những người thay thế họ thì sao?

+ Những người thay thế không chỉ đáp ứng tiêu chí có ít nhất 2 bài báo quốc tế, mà còn phải là những người xuất sắc nhất. Mà như thế nào là xuất sắc nhất? Một là, phải có nhiều (và hơn nữa là chất lượng) công bố quốc tế hơn những người khác. Hai là phải được bầu cử công khai dân chủ.

Tất cả các ứng viên của hội đồng phải đưa các công trình, các bài báo quốc tế của mình lên mạng để những người trong những nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế tối thiểu đọc được, từ đó bình bầu. Kết quả là mỗi hội đồng ngành đã được chọn ra từ 9 người xuất sắc thật sự.

- Trước khi cuộc cải cách theo tiêu chuẩn quốc tế này được áp dụng thì có lẽ việc duyệt các đề tài và cấp kinh phí diễn ra cảm tính, mà cảm tính thì không tránh khỏi thất thoát?

+ Trước đấy thì đúng là mọi chuyện cứ mù mờ, đi theo cơ chế xét duyệt, y như việc xét duyệt giáo sư bây giờ vậy. Mà đã như vậy thì không hề minh bạch, khách quan. Bây giờ, chúng tôi đang lấy câu chuyện của 10 năm trước làm gương để đấu tranh cho việc thay đổi quy trình công nhận giáo sư.

Bây giờ thì hội đồng chức danh giáo sư vẫn làm việc theo kiểu chấm điểm công trình và mọi thứ phụ thuộc hết vào điểm số. Đấy là điều bất hợp lý ghê gớm vì công trình quốc tế với những công trình lèm nhèm trong nước cũng được chấm điểm gần như nhau. 

Ngay cả khi một bài quốc tế được chấm gấp đôi một bài trong nước cũng chẳng có nghĩa lý gì cả vì bài trong nước sản xuất vô cùng dễ. 

Có những người sắp đến đợt phong giáo sư đã tìm cách "tống" đến chục bài báo trong một hội nghị để ghi điểm và tôi biết có những người như thế bây giờ lại đang ngồi trong hội đồng xét duyệt giáo sư nhà nước. Dân trong ngành chúng tôi gọi những bài báo, những công trình kiểu ấy là những công trình rác.

- Công trình rác nhưng vẫn được tính điểm số thật?

+ Thì thế!

- Mười năm trước, ông và những người đồng chí hướng với mình đã đấu tranh quyết liệt để tạo ra những thay đổi tích cực như đã nói. Tôi hỏi thật, khi đấu tranh như thế, ông có gặp phiền phức gì không?

+ Những chức sắc bám theo quy trình cũ phản đối ghê gớm lắm. Tôi kể một chuyện thế này là anh hiểu, từ năm 2005 đến nay, khi nhà nước xới lại chuyện bình bầu chiến sĩ thi đua, năm nào tôi cũng là chiến sĩ thi đua của Viện Cơ học, nhưng riêng năm 2008 - năm đấu tranh gay gắt nhất thì không được. Năm ấy, viện tôi họp hội đồng khoa học, từng người đứng lên phê phán, đấu tố tôi, có lẽ nghe giống như thời cải cách ruộng đất.

- Hội đồng khoa học có bao nhiêu người?

+ 20 người, gồm cả tôi.

- Như vậy là 19 người "đấu tố" 1 người?

+ Người ta bảo tôi đấu tranh ghê quá, làm ảnh hưởng uy tín của Viện và các nhà khoa học cây đa cây đề ở bên trên. Nhưng sau này, khi cải cách thành công, quy trình mới được thông qua thì những người ấy lại bắt tay tôi: chúc mừng thành công nhé, muốn gì được nấy. Tôi làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, và chân thành với đồng nghiệp. Kỳ bầu Hội đồng khoa học Viện Cơ học gần đây nhất, tôi là người duy nhất trúng 100% phiếu.

- Khi đấu tranh như thế, ông có sợ mất việc không?

+ Không hề! Hồi ấy, những người "nổ súng" đầu tiên là 2 nhà khoa học lão thành và rất nghiêm chỉnh là Giáo sư Hoàng Tuỵ và Giáo sư Phạm Duy Hiển. Đứng sau chúng tôi cũng là rất nhiều nhà khoa học nghiêm chỉnh khác, họ giúp chúng tôi vững tin hơn rất nhiều.

- Trở lại với các hội đồng chức danh giáo sư ngành và nhà nước bây giờ, nếu áp tiêu chuẩn mỗi thành viên của hội đồng phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế thì theo ông có bao nhiêu phần trăm thành viên đáp ứng thành công?

+ Hiện tại có khoảng 27 hội đồng chức danh giáo sư ngành chia đều cho các lĩnh vực khác nhau, mỗi hội đồng khoảng chục người, như vậy tổng cộng có khoảng hơn 300 người. Và chỉ một phần nhỏ trong số đó đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu tác giả chính 2-3 bài báo quốc tế. Nhưng hội đồng là phải từ những người công bố xuất sắc nhất, chứ không phải chỉ đạt chuẩn tối thiểu của bản dự thảo chức danh mới. 

Tôi cứ phải nhấn đi nhấn lại cái tiêu chuẩn quốc tế là vì bây giờ là thời kỳ hội nhập. Tất cả mọi thứ đều hội nhập, kinh tế hội nhập, luật pháp hội nhập..., thì học thuật bắt buộc cũng phải hội nhập.

- Ở đây lại nảy sinh một vấn đề là tốc độ hội nhập quốc tế của khối ngành tự nhiên và khối ngành xã hội là rất khác nhau. Chắc chắn chúng ta phải tính toán đến những khác biệt này, chứ không thể chọn một mẫu số chung cho cả hai?

+ Do đặc thù của mình mà khoa học tự nhiên, kĩ thuật phải đi trước, đi tiên phong và khoa học xã hội đi sau. Chứ cứ vin vào những khó khăn của khoa học xã hội theo kiểu: "Công bố quốc tế của ngành Mác - Lênin khó lắm..." rồi kéo cả khoa học tự nhiên, kĩ thuật xuống cùng thì bất ổn. 

Tôi thấy có dấu hiệu bên tự nhiên, kĩ thuật cứ núp dưới những khó khăn của bên xã hội để suốt những năm qua vẫn giữ nguyên việc xét duyệt theo kiểu cũ. Không thể núp bóng mãi như vậy được, phải có lộ trình riêng, tách bạch cho mỗi bên, và đều lấy tiêu chuẩn quốc tế làm đầu. Quỹ Nafosted cũng đã tách 2 khối ngành với lộ trình riêng.

- Tôi lại thắc mắc, nếu tiêu chuẩn mới được thông qua, chúng ta liệu có đủ người để rải vào 27 cái hội đồng không?

+ Thừa sức, cho khối các ngành khoa học tự nhiên và kĩ thuật! Nhiều người rất giỏi, nhưng họ bị chặn để phát huy vai trò bởi các chức sắc đang bám giữ ghế.

- Ở góc độ ngược lại, trong quá khứ, đã có người nào từ chối vào các hội đồng này chưa ạ? 

+ Những hội đồng như thế này là do Bộ Giáo dục & Đào tạo chỉ định, chứ không thông qua bầu chọn. Mà khi đã chỉ định thì có lẽ người ta đã ướm cả rồi nên làm gì có chuyện từ chối. Bây giờ không nên chỉ định kiểu đấy nữa mà phải bầu chọn dân chủ, công khai, dựa trên chuẩn mực quốc tế. 

Không ai hiểu những người trong ngành bằng chính những người trong ngành, và chính những người trong ngành sẽ bầu cho nhau. Mà người bầu cũng phải đạt mức chuẩn nhất định mới được bỏ phiếu bầu, ví dụ như cũng phải có một số lượng bài quốc tế nhất định, chứ không phải ai cũng có thể đi bầu. 

Khi nào chúng ta làm như thế thì mới có thể chọn ra những hội đồng với những nhà khoa học xuất sắc, công tâm nhất. Hiện tại, chúng tôi đang đấu tranh quyết liệt để điều này có thể thành sự thật.

- Khả năng thành sự thật là bao nhiêu phần trăm, theo ông?

+ Đấy là cuộc chiến 5 ăn 5 thua. Nhưng tôi tin chắc là xu thế hội nhập sẽ chiến thắng, chỉ có điều là đến thời điểm nào thôi.

- Theo hiểu biết của tôi, với việc được phong giáo sư, một nhà khoa học sẽ được lên lương, sẽ được nới dài thời hạn công tác. Ngoài ra còn có những lợi ích nào mà nhiều người phải tìm cách "đi tàu vét" như trong năm 2017 vừa qua?

+ Cái lợi lớn nhất là người ta có thể vin vào đó để lên chức nọ chức kia. Nhân đây tôi cũng muốn nói, các quan chức không nên đăng ký xét duyệt giáo sư, phó giáo sư, vì quan chức dính đến cái này rất dễ tiêu cực. Quan chức có tầm ảnh hưởng, có thể tạo sức ép và nếu vì họ sử dụng sức ép để "đẻ" ra một quy trình nhập nhèm nào đó có lợi cho họ thì không riêng gì họ, nhiều người khác cũng sẽ vì thế mà ăn theo. 

Tôi lấy ví dụ một vị lãnh đạo một ngành hay lĩnh vực nào đó thì cần chức danh giáo sư, phó giáo sư để làm gì? Lãnh đạo thì nên tập trung vào công việc quản lý ngành mình, lĩnh vực mình phụ trách. Để làm tốt việc quản lý thôi đã mất nhiều thời gian lắm rồi, lấy đâu thời gian để giảng dạy, nghiên cứu một cách nghiêm túc nữa.

- Cho nên những đơn thư tố cáo về vị quan chức này, vị lãnh đạo nọ trong đợt xét duyệt giáo sư năm 2017 kể ra cũng có lý do của nó?

+ Chúng ta biết có những vị quan lấy tiền nhà nước học qua mạng rồi được những đại học "dỏm" ở nước ngoài phong tiến sĩ, giáo sư nữa kìa.

- Theo tôi được biết thì ở Mỹ không hề tồn tại một hội đồng chức danh giáo sư nhà nước nào cả. Ở đó việc phong giáo sư thuộc về các trường đại học, nó phản ánh tính chất và mối quan hệ giữa một trường đại học với một nhà khoa học. Theo ông trong tương lai chúng ta có nên đi theo mô hình này không?

+ Bên cạnh mô hình ở Mỹ như anh nói cũng có cả những mô hình khác xuất hiện những hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, như ở Pháp chẳng hạn. Theo tôi, cả hai mô hình này đều có những điểm hay riêng, nhưng điều đáng nói nhất là nó đều tuân theo những chuẩn quốc tế. 

Ở đại học Mỹ, hội đồng xét giáo sư không chỉ gồm những giáo sư của một trường mà còn có cả những giáo sư danh tiếng được mời ở bên ngoài nữa. Và giáo sư được phong ở những trường đại học nổi tiếng thì danh giá hơn ở những trường đại học nhỏ. Tất cả đều diễn ra cực kỳ nghiêm cẩn.

Bây giờ nếu ta cũng trả việc xét phong giáo sư cho các trường đại học giống như họ thì chỉ sợ là sẽ loạn. Vì văn hóa khoa học của ta quá thấp, các trường có thể sẽ lợi dung chuyện này để phong bừa phong bãi, khiến thật giả càng khó phân biệt hơn. Cũng giống như chuyện mở ồ ạt các trường đại học ấy mà, vì ồ ạt nên chất lượng đào tạo nhiều nơi không đảm bảo. 

Thế nên, trong bối cảnh hiện nay, sự xuất hiện của các hội đồng chức danh giáo sư ngành là hợp lý. Đến một lúc nào đó, khi trình độ và văn hóa khoa học của chúng ta đủ phát triển thì có thể nghĩ đến mô hình như của Mỹ.

- Số lượng giáo sư của chúng ta không ngừng tăng, số lượng các công trình nghiên cứu khoa học cũng tăng nhưng theo ông chất lượng chủ yếu của các công trình này thì sao? Có lẽ cũng không hoàn toàn vô lý khi có người bảo rằng, trong khi nhiều phát minh của nông dân được đưa vào đời sống một cách hữu ích thì nhiều công trình của các giáo sư, tiến sĩ được viết ra chỉ để... đưa vào thư viện?

+ Trong khoa học có những cái áp dụng được ngay, có những cái chưa áp dụng được ngay, lại có cả những lĩnh vực rất trừu tượng nữa. Phải phát triển đều tất cả các lĩnh vực thì một cơ thể khoa học mới khỏe khoắn được. 

Thế nên vấn đề ở đây là chất lượng của từng lĩnh vực chứ không nên đánh đồng hay lấy những chuẩn mực của các lĩnh vực ứng dụng để áp vào những lĩnh vực lý thuyết, trừu tượng. Mà đánh giá chất lượng của từng lĩnh vực thì không khó.

Vì nó có một cái chuẩn chung là các công bố quốc tế. Tất cả các lĩnh vực đều phải công bố quốc tế. Bây giờ không có nước nào tự đóng cửa hết, tất cả đều lấy cộng đồng khoa học quốc tế để đánh giá chất lượng của mình.

- Trong lĩnh vực khoa học xã hội, có một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian mà dân trong nghề ai cũng phục, đó là ông Phan Cẩm Thượng - tác giả cuốn "Tập tục đời người". Một lần, khi tôi hỏi ông Thượng về việc tại sao đến tận bây giờ, khi đi đến những đoạn cuối cùng của cuộc đời nghiên cứu mà vẫn không phải là giáo sư hay tiến sĩ gì cả thì ông ấy cười phá lên rồi bảo, ông ấy chẳng quan tâm đến mấy cái đó làm gì. 

Tôi cũng biết một nhà sử học nổi tiếng cho đến bây giờ vẫn không liên quan gì tới các chức danh giáo sư, tiến sĩ. Ông ấy nói một câu rất đáng suy nghĩ rằng: "Có mỗi cái bằng cử nhân mà tôi dùng mãi cũng chưa hết". Theo ông, ở nước ta số lượng những trí thức chuyên tâm vào sự nghiệp nghiên cứu mà không màng đến danh vị như thế nhiều không?

+ Tôi có biết anh Nguyễn Bá Ân bên ngành lý. Mấy lần anh ấy cũng đã xin xét duyệt giáo sư, nhưng vì thiếu điểm viết sách nên không được duyệt. 

Thực ra anh ấy có viết một cuốn nhưng là viết chung, nên chỉ được nửa điểm, mà yêu cầu là một điểm mới qua. Nhưng anh ấy là một người thực sự xuất sắc, người từng được giải thưởng Tạ Quang Bảo, từng công bố hơn trăm bài báo quốc tế và thường xuyên được mời sang giảng dạy ở Hàn Quốc. 

Thời ấy, nếu là giáo sư thì nghiễm nhiên trở thành nghiên cứu viên cao cấp, đạt mức lương cao nhất trong lĩnh vực nghiên cứu. Không thì phải đi thi và thi qua mới có thể trở thành nghiên cứu viên cao cấp, nhưng anh ấy cũng chẳng đi thi và cho đến giờ vẫn không phải giáo sư, không phải nghiên cứu viên cao cấp, dù ai cũng thấy trong lĩnh vực của mình, anh ấy thuộc tốp đầu.

- Thế còn ông, đến lúc này ông cũng vẫn chỉ là phó giáo sư, và vẫn chỉ là một ông trưởng phòng. Trong khi rất nhiều người cần cái mác giáo sư để có thể lên chức, vì sao ông không xin xét duyệt?

+ Chức tước với tôi có quan trọng gì đâu. Trước đây, người ta bảo tôi làm trưởng phòng, tôi cũng không làm. Vì trưởng phòng khi ấy thường phải dựng các công trình nghiên cứu không nghiêm chỉnh, để rút tiền nhà nước. Mà lương tâm của tôi không cho phép nên tôi không làm. 

Mãi đến khi quy trình xét duyệt và cấp kinh phí cho các công trình nghiên cứu cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ theo chuẩn quốc tế được thông qua thì tôi mới tập hợp anh em trong và ngoài Viện, lập ra những đề tài nghiêm túc, lập ra một phòng chuyên môn để tất cả cùng làm và chỉ trở thành trưởng phòng trong 5 năm trở lại đây.

- Ở những thời kỳ làm khoa học đầu tiên, viết những bài báo quốc tế đầu tiên, chắc ông phải đối diện với nhiều gian khổ lắm?

+ Tôi học ở Nga và đã công bố được vài bài viết chung cùng thầy mình khi là sinh viên. Khi về Việt Nam thì vấn đề lớn của chúng tôi khi ấy là thiếu thông tin. Thời ấy Trung Quốc thường sao chép một số tạp chí quốc tế của Mỹ rồi cho Việt Nam và tôi bắt đầu vào các thư viện làm quen với những tạp chí ấy để lấy thông tin. Sau đó tôi mạnh dạn gửi những bài viết đầu tiên cho những tạp chí hàng đầu của Anh, Mỹ. 

Cứ Chủ nhật là tôi đến cơ quan mượn máy chữ của các cô kế toán, tài vụ để viết những bài báo quốc tế. Nhưng chỉ viết bằng chữ thôi, còn các công thức thì lại viết bằng tay, rồi gửi đi bằng đường bưu điện. Tôi dựa vào địa chỉ in trên các tạp chí cũ để gửi. 

Bài đầu tiên tôi gửi tới một tạp chí đầu bảng rất khó đăng của Anh và mấy tháng sau nhận được hồi đáp với nội dung là: bài báo đã đến nơi nhưng tạp chí đã chuyển đi nơi khác và cái ông phụ trách biên tập đã chết từ vài năm trước rồi. 

Tuy nhiên, người ta rất tử tế khi lại chuyển giúp tôi tới địa chỉ mới của tạp chí. Tôi gửi 5 bài đầu đều bị từ chối hết và họ có gửi phản hồi rằng: một là bài viết đánh máy trên giấy than quá mờ, chữ khó đọc; hai là tiếng Anh thì kém và ba là thiếu thông tin nên không biết những kết quả mới nhất trong lĩnh vực của mình. 

Tuy nhiên, họ lại đánh giá tôi có những ý tưởng khác lạ. Sau đó, có người (có lẽ là phản biện) gửi cho tôi nhiều bài báo mới giúp tôi cập nhật thông tin trong lĩnh vực. Mà hồi ấy gửi bưu điện tốn tiền lắm. Tiền gửi một bài chiếm khoảng 1/10 tiền lương tháng. Tôi có xin cơ quan hỗ trợ nhưng cơ quan không cho. Bây giờ thì soạn thảo bài báo trên máy tinh, gửi bài trực tiếp online: rất nhanh, bảo đảm và không tốn 1 xu.

- Đến khi nào thì ông được đăng bài đầu tiên?

+ Tôi gửi lần đầu năm 1987, phải đến cỡ năm 1991 mới chính thức có bài được đăng. Sau đó thì năm nào tôi cũng có một vài bài quốc tế. Nghĩ lại tôi thấy mình vất vả nhưng may mà còn đạt được hiệu quả. Chứ nhiều bạn bè tôi thời ở Liên Xô cũ cũng vất vả lắm, nhưng không đạt được hiệu quả nên bỏ đi buôn hết.

- Trở lại với vấn nạn lạm phát giáo sư, tiến sĩ ở ta bây giờ - nếu đặt nó bên cạnh những chuyển động của xã hội phong kiến ngày xưa, chúng ta thấy thật ra nó là một cái gì đó mang tính tiếp nối. Bởi từ thời phong kiến xưa đã có một câu vè nói rất trúng sự lạm phát này: "Một rổ ông đồ/ Một bồ ông cống/ Một đống ông nghè/ Một bè tiến sĩ/ Một bị trạng nguyên/ Một thuyền bảng nhãn...".

+ Thời xưa, người ta còn mua các chức lý trưởng, chánh tổng để được ngồi cùng mâm với những lý trưởng, chánh tổng thật kia mà...

- Những mặt trái văn hóa ấy rõ ràng ăn sâu bắt rễ vào chúng ta. Vậy khi nào nó có thể được triệt tiêu, theo suy đoán của ông?

+ Tiến trình hội nhập sẽ làm thay đổi hết. Khi tôi sang Mỹ, giáo sư người Mỹ chỉ cho tôi thấy rất nhiều ông tiến sĩ thuộc khối Đông Âu cũ giờ sang Mỹ chỉ có thể đi lái taxi. Ở đấy cái danh chẳng có ý nghĩa gì. Ở Việt Nam thì đúng là nhận thức về cái danh vẫn còn có những điều chưa hợp lý nhưng quá trình hội nhập rồi sẽ khiến nó trở nên hợp lý thôi. Tôi tin như vậy.

- Xin cảm ơn ông!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.
.