Vốn văn hóa và thủ khoa "trường làng"

Thứ Tư, 26/07/2023, 09:18

Trong nhiều năm, khác biệt về bối cảnh tạo ra sự chênh lệch đáng kể về vốn văn hóa giữa giáo dục thành thị và nông thôn, cả về thành tích lẫn cơ hội giáo dục.

Chênh lệch vốn văn hóa

Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy rằng mức chi tiêu bình quân cho một người đi học trong một năm ở Việt Nam ngày càng tăng, từ 627.000 đồng năm 2002 lên đến hơn 3 triệu và năm 2010. Điều đáng nói là mức chi này ở khu vực đô thị thường cao hơn nông thôn gấp hơn 2 lần (năm 2010, con số này tại thành phố là 5.253.000 đồng, còn nông thôn là 2.064.000 đồng).

Ở bậc tiểu học, con số này chênh lệch lớn nhất: Mức chi tiêu bình quân cho một trẻ đi học tại thành thị tốn khoảng 2.533.000 đồng/năm, còn tại nông thôn con số này chỉ khoảng 636.000 đồng, kém gần 4 lần. Với thống kê về quan tâm đến việc học của con cái, được đo bằng tỷ lệ % học sinh được bố mẹ chi tiền cho học thêm, thì các phụ huynh thành phố vẫn nhỉnh hơn, với tỷ lệ 80% học sinh thành phố được chi để học thêm, so với 70% ở nông thôn (số liệu năm 2012).

Vốn văn hóa và thủ khoa
Trần Ngọc Đan Thanh, thí sinh duy nhất đạt điểm 10 môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, đến từ một "trường làng" ở Nam Định.

Sự chênh lệch này được lý giải chủ yếu bằng khái niệm "vốn văn hóa" (culture capital), một thuật ngữ được xuất hiện đầu tiên trong các nghiên cứu của nhà xã hội học người Pháp Pierre Bourdieu từ những năm 1960. Trong nỗ lực nghiên cứu về sự phân tầng và bất bình đẳng của giáo dục, Bourdieu đã xây dựng lý thuyết này. Ông dùng nó để giải thích cho tình trạng thành tích học tập không đồng đều giữa các học sinh có xuất thân từ các tầng lớp xã hội khác nhau.

Theo đó, các cá nhân được đầu tư ít thời gian và vốn văn hóa cho quá trình học tập sẽ khó có thành tích học tập cao. Khi trưởng thành, những người này cũng có vốn xã hội ít hơn các cá nhân được đầu tư mạnh mẽ và có xuất thân tốt hơn. Điều này dẫn đến vốn kinh tế (khả năng kiểm soát các nguồn lực kinh tế) cũng chênh lệch, và cứ thế, vòng lặp này diễn ra liên tục, bắt đầu từ chênh lệch cơ hội về giáo dục.

Để dễ hình dung, hãy thử tưởng tượng một bối cảnh. Bạn lớn lên trong một gia đình ở trung tâm Thủ đô, với bố mẹ đều có trình độ đại học, trong nhà có một tủ sách lớn, đầy đủ trang thiết bị học tập, và gia đình bạn, vốn xuất thân đều là trí thức, có những nguyên tắc ứng xử và chuẩn mực riêng. Việc học tập của bạn được quan tâm từ khi bạn còn rất nhỏ, và đây không chỉ là vấn đề tiền bạc.

Chuyển sang một bối cảnh khác. Bạn lớn lên trong một gia đình thuần nông, bố mẹ bận bịu cả ngày, không đủ thời gian quan tâm đến việc con học. Trong nhà cũng không có một không gian học tập đủ chuyên biệt: Bạn thậm chí vừa học, vừa phải nấu cơm, chăm đàn gà, con lợn. Trong đại gia đình bạn, người có học vấn cao nhất mới tốt nghiệp cấp 3. Chuyện học hành ở đây gần như là một nỗ lực tự thân.

Rất dễ dàng để kết luận được là bối cảnh nào tốt cho việc học hơn. Học từ bé ở ngôi trường trung tâm Thủ đô cũng cung cấp vốn xã hội ban đầu ổn hơn (các mối giao hảo thân tình bền chặt nhất thường bắt đầu xuất hiện từ thời đi học).

Trong nhiều năm, khác biệt về bối cảnh tạo ra sự chênh lệch đáng kể về vốn văn hóa giữa giáo dục thành thị và nông thôn, cả về thành tích lẫn cơ hội. Không chỉ là chuyện trường học, bất bình đẳng cơ hội còn xuất phát từ mật độ của các hạ tầng hỗ trợ hưởng thụ văn hóa: Rạp chiếu phim, nhà hát, các không gian văn hóa cao cấp, nhà sách, thư viện... đều tập trung ở đô thị.

Trong một cảnh của bộ phim "kinh điển" về chuyện đưa con đi thi đại học “Chuyện nhà Mộc” (sản xuất năm 1998), người cha nói với một phụ huynh khác về chuyện bán lợn để cho con đi thi đại học: "Con bé nhà tôi là học sinh tiên tiến mấy năm liền, bây giờ mà để nó ở nhà theo trâu thì uổng công, bà ạ. Thôi, cho nó lên đây, chịu khó thắt lưng buộc bụng, kiếm cái bằng đại học, cho nó mát mặt sau này".

Đấy là giai đoạn mà tỉ lệ chọi để vào đại học tăng cao chưa từng thấy và câu nói trên có tính phổ quát với nhiều gia đình nông thôn bấy giờ: Vào năm 2005, số thí sinh đăng ký dự thi đại học đã lên đến 1,5 triệu người và đa số tập trung vào các trường ở những đô thị lớn. Đấy được xem là cách ngắn nhất để rút gọn cơ hội thành công của các thí sinh nông thôn.

Đấy là một khoảng cách không dễ san lấp, ngay cả trên thế giới. Tất cả các thẩm phán Tòa án Tối cao hiện tại ở Mỹ đều tốt nghiệp từ Đại học Harvard hoặc Trường Luật Yale. Ở Vương quốc Anh, 41 trong số 54 thủ tướng từng trải qua quá trình học tập ở Đại học Oxford hoặc Cambridge. Và, rất nhiều Tổng thống lẫn Thủ tướng Pháp đều tốt nghiệp Viện Khoa học chính trị Paris. Những trường đại học này không chỉ tự hào về việc cung cấp cơ hội giáo dục tuyệt vời mà còn tạo ra vốn văn hóa và xã hội mạnh đến mức những người học từ đây ra sẽ tiếp tục giữ các vị trí có ảnh hưởng lớn của đất nước.

Vốn văn hóa và thủ khoa
Một trường học ở vùng cao đang được hoàn thiện. Ảnh: TTXVN

Thủ khoa "trường làng" đến từ đâu?

Khi danh sách thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay được công bố, phản xạ có điều kiện của nhiều người là chờ đợi một cái tên từ những trường chuyên top đầu đô thị, như nhiều năm qua. Ấn tượng chênh lệch về kết quả là rất rõ ràng.

Nhưng, năm nay, một loạt thủ khoa lại đến từ "trường làng". Thậm chí, thí sinh duy nhất được điểm 10 môn Ngữ văn đến từ một ngôi trường khá vô danh ở Nam Định. Một người bạn quê Nam Định của tôi đã rất ngạc nhiên khi biết tin này, vì với anh, đây đơn giản là một "ngôi trường làng đúng nghĩa, được xây dựng ở một vùng đất vốn nhiều tệ nạn xã hội". Thí sinh đạt điểm 10 Ngữ văn cũng tiết lộ rằng hầu như mình chỉ tự học.

Có lẽ, chúng ta chưa đủ dữ kiện để kết luận xem liệu cơ hội giáo dục giữa thành thị và nông thôn đã trở nên bình đẳng hay chưa, nhưng đây là những tín hiệu đầu tiên cho thấy sự chênh lệch giữa chúng được rút ngắn.

Tôi đã làm một việc hơi kỳ dị một chút để "kiểm tra" việc này, là tìm hiểu xem có bao nhiêu nhà sách và rạp chiếu phim đã mọc lên ở Nam Định trong 10 năm qua. Không có con số thực sự cụ thể nào xuất hiện, nhưng vào năm 2017, có một cụm rạp lớn bậc nhất đã được thành lập ở thành phố Nam Định. Và, giờ gõ tìm kiếm các nhà sách lớn ở Nghĩa Hưng, nơi có thủ khoa vừa giành điểm 10 Ngữ văn, bạn sẽ thấy ít nhất tên tuổi của 2 nhà sách lớn nổi tiếng ở tỉnh Nam Định có chi nhánh tại đây.

Sự phổ cập của các không gian văn hóa, vốn từng là đặc quyền của các đô thị lớn, có thể đã góp phần thu hẹp khoảng cách về vốn văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Có thể đó là lời giải tình cờ cho một vấn đề mà chỉ mình nỗ lực của ngành giáo dục là không đủ. Tôi chưa dám kết luận dứt khoát rằng mối quan hệ nhân quả ở đây là rõ ràng, nhưng có lẽ tất cả chúng ta đều nên suy nghĩ về nó.

Vào thời điểm viết bài báo này, tôi đọc được bài viết của một đồng nghiệp về chuyện tảo hôn ở cộng đồng tại Vân Hồ: Một cô bé 17 tuổi đang học phổ thông bỗng bị chất vấn rằng tại sao 17 tuổi rồi vẫn chưa lấy chồng. Cơ hội học hành đóng lại ở đó. Cô bé lấy chồng, sinh con và đành chia tay việc học ở đoạn đường ấy.

Vốn văn hóa ở đây đã lên tiếng. Theo Pierre Bourdieur, thì chính các quy ước và tập tục của cộng đồng cũng là một phần của khái niệm này, và nó có thể kéo lùi, thúc đẩy, thậm chí chấm dứt một cơ hội giáo dục. Ở đây, người ta nói về chuyện hôn nhân từ sớm và bé gái có lẽ ước mơ có một con búp bê hay một cuốn sách để làm phong phú đời sống tinh thần còn khó.

Các cô giáo vùng cao vẫn sẽ phải quay quắt chống lại lực cản này, khi vấn đề không thực sự nằm ở nỗ lực của giáo dục. Nó có thể nằm ở chỗ chính quyền địa phương đã lựa chọn mở rộng các không gian văn hóa như thế nào và quan tâm đến đời sống tinh thần ra sao.

Sự chênh lệch lớn nhất, đôi khi không nằm ở vật chất. Các đoàn từ thiện vẫn lên vùng cao thường xuyên, với mì tôm và gạo. Nhưng, có thể trong thùng xe, thứ có thể giải quyết được vấn đề về lâu dài, là những cuốn sách hoặc một thùng đồ chơi. Đấy có thể là hạt giống đầu tiên cho một thủ khoa trường miền núi sau này. Biết đâu đấy.

Ban Cầm
.
.
.