Nói phải củ cải cũng nghe

Thứ Ba, 29/10/2024, 12:42

"Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết", câu cửa miệng từ ngày xửa ngày xưa nhận xét về tính cách của con người bốn tỉnh nêu trên có thật sự chính xác? Không bàn đến.

Chỉ xin hỏi "ních" là gì?  Ban đầu "ních" thường đi chung với "ninh ních" bằng chứng “Nhị độ mai” có câu: "Hề đồng theo bốn năm thằng/ Thơ ninh ních túi, rượu lưng lửng bầu". "Ninh ních" là nhiều và chứa đầy chặt trong một vật nào đó - “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích. Về sau, theo thói quen muốn nói "nhanh, gọn, lẹ" mà nguời khác vẫn hiểu nên một từ đã được giản lược bớt. Điều này rất phổ biến trong cách sử dụng lời ăn tiếng nói xưa nay. Ních là nhồi, dồn, nhét cho đầy, cho chặt đến mức không thể thêm được nữa.

Nói phải  củ cải  cũng nghe -0
Bữa cơm gia đình của người Việt xưa (Ảnh tư liệu).

Thật lý thú khi "ních" nhảy một phát ngoạn mục để chỉ hành động… ăn!

Nếu chọn lấy một nhân vật ăn uống thuộc dạng ngoại hạng, ăn bao nhiêu cũng không no, lúc nào cũng cảm thấy thòm thèm, những muốn ních thêm cho căng cái bao tử mới hả lòng hả dạ, chỉ có thể là thằng cu Lặc của nhà văn Tô Hoài. Anh ta ăn như thế nào? "Bụng nó to hơn cái bụng ông phỗng. Rốn nó vừa bằng cái bát mộc. Nó ăn như đánh trống. Quả thật là cu Lặc ăn khỏe vừa ngoại ngạch mà vừa vô địch. Hình như chẳng bao giờ hắn no miệng. Ăn lắm vào, cái bụng tích trữ bị phềnh ra quá đỗi, thì phải thôi đấy, chứ cu Lặc chẳng hề biết thế nào là no đâu. Lúc ngồi ăn, hai chân hắn xoạc ra, để cho cái bụng được tự do thở và chứa. Rồi thì hắn múa đũa lên để và, để húp soàn soạt. Cơm quyện với nước canh cứ trôi xuống cuống họng òng ọc như nước chảy xuống lỗ cống. Hắn ăn lấy ăn để, ăn ăn, thở thở, như ăn cướp".

Rồi như mọi người bình thường khác, cu Lặc cũng có vợ, khổ thay: "Cô ả cũng ăn khỏe không kém gì chàng. Có nghĩa là cho đến khi vét cồn cột cũng chẳng còn sót lấy một hạt cơm thì phải đứng dậy đó. Mỗi lần xong bữa, cô vợ khệ nệ đứng dậy, vươn vai. Nếu cái bụng của nàng phưỡn ra to phềnh thì cái bụng của chàng cũng thế, không kém. Có phần lại hơn nữa. Cặp vợ chồng mới liền nhìn nhau mà cười. Chàng cù nàng một cái. Ôi! Hạnh phúc thay!".

Đoạn văn này đáng yêu quá, bởi trên đời chỉ khi tận hưởng được niềm vui từ tình chồng nghĩa vợ, người ta mới ta mới càng cảm nhận cuộc đời thi vị xiết bao.

Vậy, ta đã rõ nghĩa của từ "ních" trong câu "Thừa Thiên ních hết", còn "co" trong "Quảng Ngãi hay co" thì sao? "Co" có phải là sự thu mình: "Ăn no nằm co chuồng bò", "Nhịn đói nằm co, hơn ăn no phải làm"; là an phận? Không phải thế, "co" ở đây cần hiểu theo nghĩa của “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) giải thích là "co cượng: hay chống lý sự, hay cãi đi cãi lại, cứng cõi", ta hiểu là "cự nự, đôi co". Nghĩa "co" trong trường hợp này, còn tìm thấy trong từ "cượng", chẳng hạn, năm 1882, Trương Vĩnh Ký cho in tập sách “Bất cượng, chớ cượng làm chi” là khuyên người ta đừng cãi, đừng chống báng lại…

 Từ cách giải thích trên, rõ ràng, "co" rất gần với "cãi" là dùng lời lẽ lập luận, lý luận nhằm bác bỏ hoặc chống chế lại ý kiến người khác chứ họ không dễ bị bắt nạt, ức hiếp, áp đặt.

Dù không có lý lẽ gì sất nhưng vẫn cố cãi đi cãi lại, cãi cho bằng được là "Cãi chày cãi cối"… Chê cười ai dù đuối lý mười mươi ra đó nhưng vẫn gân cổ lên cãi, không khác gì "Cãi xàng quay như cối xay cùn" v.v... Có ai cắc cớ hỏi rằng, cãi… sợ gì nhất? Tục ngữ có câu: "Nói phải củ cải cũng nghe" - đây là sự đồng âm rất thú vị. "Cải" vốn một thứ cây trồng (cải bắp, cải bẹ, cả củ, cải cúc…) nhưng ở đây dù "củ cải" đi nữa - hiểu theo nghĩa có là củ cãi/ cãi nguyên một củ/ một khối (chứ không phải thứ cãi lụn vụn, lẻ mẻ, lặt vặt) thì cũng phải chào thua trước lời nói phải. Hiểu như thế mới chính xác, chứ không phải như “Từ điển tục ngữ Việt” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh - 2010) của Nguyễn Đức Dương của giải thích: "Nói lẽ phải thì ngay cả củ cải cũng ngoan ngoãn nghe theo". Thử hỏi, củ cải là vật vô tri, vô giác làm sao có thể "ngoan ngoãn nghe theo"?

Cải/ cải là lợi dụng sự đồng âm để "bắt cầu" qua nghĩa khác, trường hợp này phổ biến trong cách chơi chữ của người Việt, chẳng hạn, năm 1933, Bảo Đại về nước, thực dân Pháp "bật đèn xanh" cho ông ta trực tiếp tham chính vào bộ máy nhà nước, qua đó ông ta đã có những cải cách quan trọng. Lưu ý, hiện nay, chúng ta dùng từ "cải cách" nhưng thời đó gọi "cải lương" là hiểu theo nghĩa mà “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích: "Sửa đổi cho tốt hơn: Cải lương hương chính". Công cuộc cải lương này thế nào? Dân gian có câu: "Bảo Đại cải lương như phường bội cải chắc". "Cải" ở vế sau nghĩa là thay đổi, "chắc" là nhau, tức cái sự cải lương/ cải cách ấy chỉ là các đào kép làm  mới vai diễn bằng cách đổi vai cho nhau. Thế nhưng khi phát âm, ta nghe thành "cãi chắc" là cãi với nhau, mà lại phường tuồng thì chỉ là một trò diễn mua vui trên sân khấu, chứ không thay đổi được gì.

Rất tinh đời, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết truyện ngắn “Đào kép mới” vào năm 1937 như "đi guốc trong bụng" của cái gọi là cải lương ấy. Rằng lúc xem diễn tại rạp tuồng An Lạc, "Một người tinh mắt, mỉm cười, trỏ lên sân khấu nói: "Các ngài thử nhìn kỹ xem bọn kép này là mới hay cũ. Cái anh lần trước ngồi kia, thì bây giờ bỏ bộ râu ra và ngồi đây. Cái anh ngồi bên này bây giờ vận mũ khác áo khác và vẽ mặt khác. Vả được độ một vài thằng kép khổ hoặc con đào ươn, mà đã nhặng lên là mới, là chấn chỉnh, thì chúng mình chỉ mắc một lần là cùng".

Ta hãy trở lại với từ "co". Ngoài nghĩa co cự, đôi co, "co" còn có hàm nghĩa khác, chẳng hạn, "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", nếu biết tằn tiện, cần kiệm, tính toán chu đáo, không đua đòi, không "vung tay quá trán" thì dù chưa dư dả nhưng vẫn có thể sống phây phây, sống khỏe re, không túng quẫn. Sống ở đời đừng quên rằng, làm cái gì cũng nên vừa vừa phải phải, nên biết hòa đồng, mở lòng cùng người khác, chứ đừng xo lo/ xo ro kiết riết quá mức, chỉ biết riêng mỗi bản thân mình, vì "Xởi lởi trời cởi cho, xo lo trời co lại". "Cởi" là tháo ra, mở ra, lột ra, gỡ ra trái ngược với "co" là rút lại, thu hẹp lại.

Có giai thoại về tiến sĩ Nguyễn Văn Giai (1553-1628): Thuở còn học trò áo vải, nghèo túng kiết, gặp ngày gió rét mùa đông buốt giá, cậu nằm khoèo, nằm co quắp trong quán trọ. Bỗng đâu vị quan võng lọng xênh xang đến quán trọ xét hỏi nhưng cậu vẫn không buồn ngồi dậy. Cho là vô lễ, quan bắt phải làm bài thơ tạ tội, cậu ứng khẩu đọc ngay:

Ba gian lều cỏ, một mình truồng,

Rét phải nằm co há có cuồng.

Nằm co là nằm khoanh mình, co hai chân gập trước ngực, hai tay siết chặt lại. Mà cũng có nhiều kiểu co, chẳng hạn, co quắm, co quắp, co rúm, co cúm, "Co ro như mo phải nắng"… Co cúm là co rúm người lại như sợ sệt, nhưng "Ông cúm bà co" lại ám chỉ người bị cảm cúm, cảm sốt. Trong một truyện ngắn, nhà văn Tô Hoài còn ghi lại được mấy câu "thần chú" chữa bệnh cảm cúm, cảm sốt mà bọn thầy cúng ba trợm thuở ấy đã xài như cái cần câu cơm:

Ông cúm bà co

Ông ở xứ Nghệ ông dò ra  đây

Tín chủ tôi xin biếu món quà này

Mắm tôm, kẹo bọt, bỏng, nắm bánh dầy, bánh đa

Ăn rồi, xin ông bước ra

Ông cúm bà co/ Ông ở xứ Nghệ...

Câu hát được láy lên láy xuống nhiều lần. Hát mà vẫn chữa được bệnh à? Không, cuối cùng nhân vật trong truyện ngắn “Ông cúm bà co” phải ra… hụi nhị tì! Mê tín đến thế là cùng. Khi nói "co kéo", ta hiểu, co là rút lại, thu hẹp phạm vi; kéo là lôi tới, vì thế nó chỉ sự giằng co, lôi kéo giữa hai bên. Không dừng lại đó, trong tâm thức người Việt "co kéo" còn hàm nghĩa chỉ sự xoay xở, lấy chỗ này bù đắp cho kia, sao cho không bị thiếu hụt. Nếu "kéo" phải có sự tác động từ bên ngoài thì duỗi là "tự thân vận động":

Co rồi tất phải duỗi ra

Lẽ thường trời đất hẳn là chẳng sai

Tương tự "Qua cơn bĩ cực tới hồi thới lai", hết mưa lại nắng, nói lên sự tuần hoàn, lẽ tự nhiên trong trời đất, vì thế chẳng có gì phải sợ hãi, hết "co" ắt đến lúc "duỗi". Một khi nói co tay, co chân… tất ta hiểu sự thể hiện bề ngoài, nhưng co gối lại chỉ về tính cách: "Ví dù theo thói người ta/ Uốn lưng co gối cũng nhơ một đời" (Nhị độ mai). Nhơ là nhơ nhớp, nhơ nhuốc. Theo nghĩa đó, hiện nay, từ "quỳ gối" lại phổ biến hơn "co gối". Tương tự, "co vòi" là nhút nhát không dám thò ra làm việc gì, nhưng nó cũng chỉ về tính cách. Cái sự co vòi nhút nhát ấy, ở miền Trung, cụ thể Quảng Nam lại còn dùng cụm từ khác, chẳng hạn một người bình luận: "Thằng chả nhát thỏ đế, mới nghe người ta ho một tiếng đã thụt âm thụt dương".

“Tự điển của Hội Khai Trí tiến đức” (1931) còn ghi nhận: "Co cóp cho cọp nó ăn", co cóp là nhặt nhạnh, tích góp, dè sẻn từng tí một để dành; gần đây, xuất hiện dị bản "Ky cóp cho cọp nó xơi". Nếu ai đó cắc cớ hỏi: "Vì sao "co cóp" lại bị "ki cóp" chen chân, đánh bạt ra khỏi trí nhớ của người sử dụng? Thú thật, tôi bí rị bà rì. Không dám "múa rìu qua mắt thợ/ đánh trống qua cửa nhà sấm", vì nếu giải thích không chính xác, biết đâu bạn đọc chê "tào lao bí đao" thì quê độ lắm.

Chi bằng tạm dừng ở đây vậy.

Lê Minh Quốc
.
.
.