Những tiếng nói mới trong nhiếp ảnh Việt Nam

Thứ Bảy, 27/05/2023, 10:13

Nếu thế hệ đi trước coi nhiếp ảnh là tư liệu, ghi lại những khoảng khắc của cuộc sống, mà nhờ nó, ta thấy được bối cảnh văn hóa, xã hội từng thời kỳ thì với thế hệ trẻ hôm nay, nhiếp ảnh chỉ là một phương tiện trong thực hành nghệ thuật của họ. Ngôn ngữ nhiếp ảnh, vì thế cũng đa dạng hơn, mang đến những góc nhìn đa chiều về đời sống.

Từ nhiếp ảnh truyền thống đến đương đại

Từ thế hệ sinh năm 1960 mơ mộng và quyết liệt cho đến thế hệ sinh vào những năm 2000 tỉ mẩn và đầy thách thức, nhiếp ảnh Việt Nam cho thấy một chặng đường dài phát triển, biến đổi và dịch chuyển ở trong và ngoài biên giới quốc gia. Qua đó, ta thấy những câu chuyện được kể bằng nhiếp ảnh đã thay đổi, trở nên phức tạp và đa dạng, đa chiều hơn. Hội thảo “Những tiếng nói mới trong nhiếp ảnh” diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ sự kiện “Photo Hanoi’23” đã cung cấp một góc nhìn đa chiều về nhiếp ảnh Việt Nam đương đại.

nsnd nguyễn hữu bảo.jpg -0

NSND Nguyễn Hữu Bảo cầm máy lần đầu tiên năm 1973, lúc đó điều kiện vật chất còn hạn chế. Nhưng với thiết bị máy móc thô sơ ấy, ông đã ghi lại rất nhiều hình ảnh giá trị về Hà Nội xưa. Ông kể về thuở làm nghề sơ khai nhưng đầy say mê và hạnh phúc ấy: “Bức ảnh đầu tiên tôi chụp năm 1973, tại buổi trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Em họ dạy tôi chụp ảnh chỉ trong buổi sáng, cách lắp phim, lấy nét, thế mà dám cầm máy đi. Dần dần, tôi học chụp ảnh từ các anh vì cả nhà vốn là dân điện ảnh, lúc đó ở Việt Nam không có trường nào đào tạo về nhiếp ảnh”.

Khó khăn là thế, nhưng NSND Nguyễn Hữu Bảo vẫn khẳng định rằng, ông được “hưởng thụ” trong nhiếp ảnh chứ không phải “lao động” trong nhiếp ảnh. Với thế hệ NSND Nguyễn Hữu Bảo, mục đích cuối cùng của nhiếp ảnh là cảm xúc, rung cảm. Điều ông trăn trở là làm sao ghi lại được những câu chuyện mang tính lịch sử, xã hội để chia sẻ cùng mọi người. Bộ ảnh “Hà Nội những năm 1980 và Hà Nội hôm nay” của ông cho thấy sự biến động, đổi thay của Hà Nội trong cơn lốc đô thị hóa. Đó là những tư liệu quý mà nhiếp ảnh đã ghi lại được.

Nhưng từ thế hệ NSND Nguyễn Hữu Bảo đến thế hệ trẻ hôm nay, thực hành nhiếp ảnh đã có nhiều thay đổi, đa dạng, phong phú hơn. Nếu với NSND Nguyễn Hữu Bảo, nhiếp ảnh là ống kính ghi lại những điều ông quan sát từ cuộc sống thì nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn lại đi sâu vào nhiếp ảnh thị giác, kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật đương đại như nhiếp ảnh, sắp đặt, trình diễn. Đó là hành trình mà anh gọi là từ “2D sang 4D”. Khởi đầu từ dự án “Cây Việt Nam”, “Bóng cây”, những dự án xuất phát từ nhiếp ảnh truyền thống, Nguyễn Thế Sơn đã đi một hành trình xa trên con đường sáng tạo của mình. Các dự án sau đó của anh như “Núi liền núi, sông liền sông”, “Nhà mặt phố”, “Nhà Tây biến hình”... đều có sự kết hợp, đối thoại của nhiều loại hình nghệ thuật như phù điêu trong “Núi liền núi, sông liền sông”, dự án biến các tác phẩm nhiếp ảnh in trên giấy dó và bồi trên tường đá ở Phùng Hưng, dự án biến “Gánh hàng rong” trong ảnh thành tỷ lệ thật, tương tác với nghệ thuật sắp đặt....

1 tác phẩm của phạm tuấn ngọc.jpg -0
Một tác phẩm của Phạm Tuấn Ngọc.

Mới đây, Nguyễn Thế Sơn chọn 8 bức nhiếp ảnh phù điêu từ chuỗi tác phẩm, “Nhà Tây biến hình” anh thực hiện vào năm 2012 và phản hồi lại chúng với 8 tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu mới, phản ánh lại hiện trạng và sự thay đổi của các kiến trúc sau 10 năm ở Hà Nội. Từ mỗi bức ảnh chụp, anh tạo nên một cấu trúc ba chiều đa tầng, mang đến sự sống động cho câu chuyện anh muốn kể, về những ngôi nhà với đủ loại phương tiện giao thông đan xen phía trước, từ những chiếc xích lô kiểu cũ cho đến xe đạp, xe máy hay ôtô sang trọng, biểu tượng cho sự biến chuyển chóng mặt của thành phố.

Khó nhất là chụp cái gì

Trong khi thế giới dùng máy kỹ thuật số thì nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc vẫn dùng máy chụp phim và phim đen trắng, những kỹ thuật ít người thực hành. Điểm khác biệt là nhiếp ảnh của Ngọc không phải là nhiếp ảnh tư liệu, phản ánh các vấn đề chính trị xã hội. Anh sử dụng nhiếp ảnh như một công cụ, chất liệu để thể hiện cảm xúc và ý tưởng của cá nhân mình. Đó là sự tái sinh- bất tử, là tình yêu.

ptn.jpg -0

Anh chia sẻ: “Mặc dù học nhiếp ảnh với máy số nhưng bây giờ tôi chụp iphone là chính. Ảnh của tôi tập trung vào kỹ thuật thủ công, chụp hình, tạo ra hình. Tôi không chỉ giới hạn chụp lại hình ảnh mà dùng nghệ thuật tạo hình để làm ra tác phẩm”. Duy nhất chỉ có bộ ảnh từ năm 2005 trưng bày ở Paris, “Hà Nội hiền” có hơi hướng của nhiếp ảnh truyền thống còn lại, các tác phẩm sau này của anh đều sử dụng những kỹ thuật độc đáo như in trên ảnh đen trắng, phơi dưới nắng tạo ra những độc bản. Lần đầu tiên, tại Việt Nam, những bông hoa trên ảnh không do máy ảnh chụp mà nhiếp ảnh gia dùng hoa thật hấp thị ánh nắng để in trên giấy bạc. Phạm Tuấn Ngọc sử dụng ánh nắng, nhiệt độ, độ ẩm để những cánh hoa tự “tái sinh và hóa thạch” trên nền giấy ảnh phủ bạc. Không phải những bức tranh vẽ, càng không phải ảnh chụp, khái niệm về một lĩnh vực nghệ thuật đứng giữa hội họa và nhiếp ảnh đã được Tuấn Ngọc phát triển.

Với Phạm Tuấn Ngọc, điều khó khăn nhất trong nhiếp ảnh không phải công nghệ, kỹ thuật mà là chụp cái gì? “Công cụ nhiếp ảnh thời nào cũng như nhau, đơn giản con người có đủ quyết tâm, kiến thức và đam mê để đi theo con đường mình chọn hay không. Tôi chọn ảnh đen trắng bởi vì tôi có sự kết nối đặc biệt với ảnh thủ công, nó là giây phút của mình, trong phòng tối, vì chính mình. Và quan trọng là sự sáng tạo của mình trong đó”. 

Còn nghệ thuật nhiếp ảnh của Maika Elan, sinh năm 1980, đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia khi chị theo đuổi nhiếp ảnh tư liệu từ góc nhìn xã hội học. Chị quan tâm đến những vấn đề về con người và các mối quan hệ xung quanh cá nhân và lựa chọn của họ. Dự án “The Pink Choice” của chị có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng, đó là vấn đề con người lựa chọn sống sao với giới tính của mình. Hay dự án chị chụp những con người lựa chọn sống với động vật và mất dần những quan hệ với xã hội, “Aint Talking Just Lovin ở Thái Lan, “Những người mắc kẹt hikikomori” ở Nhật mở ra những góc nhìn mới về con người trong xã hội hiện đại.

mk.jpg -0

Với Maika, cùng đồng quan điểm với Phạm Tuấn Ngọc, chị không quan tâm nhiều lắm đến kỹ thuật mà quan trọng là kể câu chuyện gì. “Máy ảnh đầu tiên tôi sở hữu cũng rất thô sơ, thiết bị với tôi chỉ là thứ ghi hình ảnh, nhờ đó, tôi kể câu chuyện của mình”. Maika chia sẻ.

Trong cuộc đối thoại của các thế hệ này, Thạch Thảo là người trẻ nhất, thuộc thế hệ GenZ. Thảo quan tâm đến các vấn đề tâm lý xã hội của giới trẻ, một vấn đề khá nóng hiện nay. Bộ ảnh của Thảo kể về những những bạn trẻ sinh sống, làm việc tại Hà Nội, có những vấn đề liên quan đến tâm lý và tình cảm và hành trình tìm lại bản thân của họ. Ngoài ra, Thảo theo đuổi câu chuyện về trẻ tự kỷ. Ống kính của chị hướng vào thế giới riêng của trẻ tự kỷ với cái nhìn ấm áp, yêu thương.

Có thể thấy, hành trình của nhiếp ảnh Việt Nam đã đi qua nhiều biến chuyển, thay đổi. Và tư duy làm nghề của các nghệ sĩ cũng đổi thay theo từng thời kỳ. Thế hệ NSND Nguyễn Hữu Bảo làm nghề bằng một tình yêu thuần khiết, trong trẻo (nhiều khi vật lộn trong buồng tối chỉ mong cả cuộn phim có được một bức ảnh) thì thế hệ trẻ hôm nay, với những phương tiện hiện đại và trong thế giới phẳng, họ lại chịu nhiều áp lực hơn khi phải nỗ lực tìm kiếm ngôn ngữ mới trong nhiếp ảnh để khẳng định cá tính của mình. Và nhiếp ảnh, vì thế, đã vượt ra ngoài những hình ảnh đóng khung để tương tác, đối thoại với những loại hình nghệ thuật đương đại khác như sắp đặt, video art... Nhiếp ảnh, cũng vì thế, mang ngôn ngữ toàn cầu, vượt qua biên giới quốc gia để kể câu chuyện về con người...

Photo Hanoi’23 – Biennale là sự kiện nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với quy mô lớn chưa từng có. Sự kiện đã giới thiệu với khán giả thủ đô hơn 20 triển lãm tập thể và triển lãm cá nhân tại 20 địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố cùng hơn 20 hoạt động đồng hành như trình chiếu phim, workshops, tọa đàm, portfolio review, art tour... Photo Hanoi’23 được kỳ vọng là nơi gặp gỡ của các nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và giáo dục nghệ thuật trong nước và quốc tế, khuyến khích đối thoại đa chiều về vai trò của ngôn ngữ hình ảnh trong nghệ thuật đương đại

Việt Hà
.
.
.