HDBank
Mobifone

Ngũ lâm âm nhạc Việt Nam (tiếp theo và hết)

Thứ Ba, 13/09/2022, 10:59

Vậy là, ngũ bá, với những ngón đòn và công phu độc môn của mình, mỗi người hùng cứ một phương. Cuộc trình diễn võ thuật thoát vượt khỏi không gian nhỏ hẹp của khán đài sàn đấu để phô bày vẻ đẹp trước thiên nhiên hùng xanh. Mỗi vị đều có tuyệt kỹ riêng và số phận khác biệt...

Bắc cái Phó Đức Phương

Có một điều hết sức lạ ở Phó Đức Phương rằng hầu hết các ca khúc của ông được công chúng đón nhận đều gắn với sông, nước, núi, hồ. “Một thoáng Hồ Tây” thoảng cơn gió heo may trong suy tưởng tiếng chuông chùa. “Trên đỉnh Phù Vân” liêu trai với bóng dương qua rừng trúc. “Hồ trên núi” lặng phẳng soi mây trời, in ngấn nước. “Chảy đi sông ơi” xoáy cuốn chiếc lá niệm du cùng muôn ghềnh ngàn thác vẫn ngóng trông nơi đầu nguồn. “Mộng mị Sa Pa” phiêu ẩn trong giấc mơ chinh phục tuyết sương. “Nao nao thác Bà” là cõi nhớ thương về miền mông lung phiêu bồng. “Người đi Tam Đảo” ngẩn ngơ non nước hữu tình. “Gió Ô Quy Hồ” man mác nỗi tương phùng. “Huyền thoại Hồ núi Cốc” nước mắt thề nguyền một tình yêu. Mái chèo lâng lâng “Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể” xưa xa đưa ta về miền khởi nguyên hoang sơ. “Mái chèo thiên thu” trên dòng Lam chất ngất ánh trăng lu…

Ngũ lâm âm nhạc Việt Nam (Tiếp theo và hết) -0
Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Những suối nhạc đó, tất cả đều bắt nguồn từ dòng chảy tâm linh con sông Cái trong tâm thức Việt từ ngàn đời vẫn thao thiết đến ngàn sau để bồi đắp phù sa cho tâm hồn Việt. Dòng sông Cái quy tụ về đây mọi ngọn núi, sông hồ, thác nước trên dải đất này, thiết lập cõi thiêng từ dãy Hoàng Liên đến đỉnh Yên Tử, từ dòng sông Công núi Cốc đến Đà giang, từ hồ Ba Bể về hồ Tây, từ Tam Đảo đến thác Bà… Và Phó Đức Phương đã uống nước dòng sông ấy. Không thấy chàng Trương Chi đâu, chỉ nghe tiếng hát cứ ngân vang trong lùm lau lách, khi vút lên khói sương mây trời, khi phiêu trầm đáy nước bóng trăng. Tiếng hát bắc những nhịp cầu âm nhạc… từ rung cảm tới những rung cảm, từ trái tim tới triệu trái tim.

Một điều hết sức quen ở Phó Đức Phương rằng hầu hết các ca khúc của ông mang một phong vị hoài cổ. Những bài hát đẹp xa xăm tựa bức tranh vẽ trên lụa bằng những nét ảo huyền. Dòng sông phiêu mặc gió hú. Ngọn núi trầm hoài bóng mây. Mặt hồ phiêu ca khói sóng… Những dòng sông nhuần nhị chảy. Nếu sóng nước có dữ dằn nơi đầu nguồn hoặc thác đổ trắng xóa thì tiếng réo gầm đâu vượt khỏi vách núi và ngàn lau. Này đây một dòng sông quan họ nhịp nhịp tang tình. Này đây ngọn núi thiền ngược sáng và âm u. Này đây nước hồ thoáng hồn thu thảo… Phó Đức Phương dường như đã say uống cái hồn dân tộc rồi phả lên các ca khúc trong từng tiếng ứ hự, từng khoảng lấy hơi… Một bầu rượu chưng cất từ gạo quê và nước sông Cái, hạ thổ ngàn năm trong lòng núi, đêm trăng thanh đem ra giữa đảo hồ mà uống. Ta ngất ngây.

Dòng sông Cái ở đây chính là sông Hồng, dòng sông Mẹ trong tâm thức hằng luân của những người con châu thổ Bắc Bộ vẫn luôn cuộn chảy từ niềm thao thiết phù sa. Đều là tráng sĩ sông Hồng, Trần Tiến thì gió mưa tuyết sương, còn Phó Đức Phương lại thăm thẳm ưu trầm. Cùng sùng bái dân ca, khai thác chất dân gian thổ nhưỡng, nhưng âm nhạc Nguyễn Cường thì vạm vỡ, rắn rỏi, trầm hùng, còn âm nhạc Phó Đức Phương lại mượt mà, hào sảng, phiêu linh.

Âm nhạc Phó Đức Phương cấu trúc cân đối, bố cục chặt chẽ, tuyến giai điệu uyển chuyển, tiết tấu kỹ càng, luyến láy phức tạp, chất dân gian nhuần nhuyễn, ca từ uyên thâm, khúc chiết, súc tích nhưng vẫn rất thanh tao, dung dị, duyên dáng. Viết về tình yêu thì nồng nàn da diết, về xã hội thì phất phơ uyên truyết, về lịch sử thì hào hùng khí phách, về quê hương thì du dương đằm thắm, về tâm linh thì mênh mang thâm trầm… nhưng tất thảy đều tạo thành dòng chảy âm thanh vô cùng truyền cảm. Nhìn vào dòng sông nhạc Phó Đức Phương ta thấy ảo mặc. Trôi trên dòng sông ấy cảm thấy bồng phiêu. Ngụp trong dòng sông đó sẽ thấm đẫm tình quê. Bởi người nhạc sĩ đã hòa hồn mình vào mỗi giọt nước của dòng sông nặng ân tình: Thổn thức trong tôi một dòng sông/ Bờ bến phiêu diêu giữa nước chảy mênh mông; Sông hiến mình tất cả/ Đời sông không hề tiếc vơi đầy. Bởi cái chất nhạc của ông là hào sảng dân tộc và dung dị tình quê. Nó thấm vào mỗi giọt âm thanh trong ca khúc, vừa cuồn cuộn phiêu ly vừa hư trầm mặc thủy.

Như thực rồi như hư, như quen lại như lạ, rằng ta có thể cảm nhận cái bản sắc tinh thần thuần Việt ở âm nhạc Phó Đức Phương một cách mơ hồ phiêu lãng. Nghe các ca khúc ấy ta thấy được tận đến cõi thẳm sâu hồn Việt bởi ông đã bắc những cây cầu âm thanh huyền túy để người Việt trở về với cội nguồn dòng sông Cái.

Trung thần thông Trần Tiến

Như một khối rubic sắc màu nhiều cách xoay hay khối đa giác biến ảo đầy ngẫu hứng, hội đủ những đường cong nét thẳng nhưng hết sức giản dị, hòa sắc nhiều gam màu bình dị không cầu kì, tập trung mọi cung nhạc dung dị không hàn lâm, nhạc Trần Tiến vô cùng tự nhiên, tùy hứng. Một khối hình đa góc tạc bằng âm nhạc. Góc ánh lên một bình nguyên mượt xanh “Chuyện tình thảo nguyên”, góc hiện ra đỉnh núi cao chỉ có một mùa yêu nhau “Giấc mơ Chapi”, góc là người đàn bà đi qua nỗi buồn thời gian “Chị tôi”, rồi cây cầu quê mộc mạc trên dòng sông nhiều gió heo may “Tùy hứng Lý qua cầu”, rồi bờ cát in dấu chân người lính “Vết chân tròn trên cát”, rồi “Độc huyền cầm” ngân lên réo rắt…

Ngũ lâm âm nhạc Việt Nam (Tiếp theo và hết) -0
Nhạc sĩ Trần Tiến.

Ngẫu hứng tình yêu, ngẫu hứng phố, ngẫu hứng đồng quê, ngẫu hứng chiến tranh. Cái biến hóa của âm nhạc Trần Tiến tài tình đến độ bất kể đề tài nào, dù là miền đất nào ông qua cũng đều có ca khúc hay. Phiêu du khắp nẻo dọc dài đất nước từ miền biên viễn vùng núi phía Bắc của “Cô gái Sầm Nưa” xinh đẹp tới đồng bằng Bắc Bộ “Ngẫu hứng sông Hồng” rồi trải dài suốt  dải miền Trung “Mưa bay tháp cổ”, “Ngọn lửa cao nguyên” đến phương Nam “Ngẫu hứng Lý ngựa ô”... ông đều để lại dấu ấn ở những nơi đã đi qua trên mảnh đất hình chữ S này. Khi viết theo đơn đặt hàng với những yêu cầu cụ thể, cảm hứng vẫn cất cánh bay lên thành tác phẩm sống với thời gian. Sáng tác để cổ động nhưng bài hát không chỉ có tuyên truyền mà còn rất nghệ thuật. Thậm chí tính nghệ thuật đã vượt xa tính giáo dục đơn thuần. Ra đời từ cuộc thi “Tiếng hát át tiếng bom” “Thanh niên ra tiền tuyến”, đề tài chiến tranh biên giới “Những đôi mắt mang hình viên đạn”, kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27 – 7 “Vết chân tròn trên cát” hay cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch “Sao em nỡ vội lấy chồng”… những giai điệu tuy giản đơn như có thể đọc được nhưng lại hàm chứa cái sức sống bền lâu trong tâm hồn.

Rồi cả những ca khúc được doanh nghiệp đặt hàng như “Sen hồng hư không” cũng có thể thu hút một lượng lớn khán giả. Khi nằm trên giường bệnh ông cũng có thể cho ra đời ca khúc “Không gục ngã” để tự động viên mình vượt qua giai đoạn khó khăn. Ngày 9-5-2022, ông cùng rapper Đen Vâu ra mắt MV “Đi trong mùa hè” để khơi dậy niềm tự hào, truyền tải ước mơ về chiến thắng vinh quang, kể câu chuyện về bóng đá qua nhiều góc nhìn thú vị, gần gũi. Ca khúc của ông vì thế được phổ biến cứ như là truyền khẩu dù khai thác làn điệu dân ca hay chất men của rock, sử dụng chất liệu rap hay xử lý nhạc jazz, dù là acoustic hay dân gian đương đại…

Như một khúc phiêu ca, lãng tử, “ai mời thì hát, cảm hứng đến thì viết”, Trần Tiến là thế. Nhạy bén khi đối thoại với thực tế, ông hứng thú đến với những miền quê xa vắng để sống và đồng cảm với những thân phận nghèo, để thâm nhập vào các hoạt động sôi nổi của phong trào xã hội như kế hoạch hóa gia đình, xây dựng kinh tế mới… Từ đó mà ra đời những bài hát bám sát với cuộc sống và luôn nồng nhiệt tưởng như âm nhạc chính là cuộc đời bật lên thành giai điệu. Đi đâu viết đó. Cuộc sống - con người - bài hát, cả ba cùng du ca phiêu lãng đầy zigan như một cuộc hành trình về phía cầu vồng, nơi gặp gỡ bất chợt chất ngẫu hứng của mặt trời, ánh sáng và cơn mưa.

Hành trình của khối hình đa diện tập trung nhiều sắc màu và âm thanh. Viết nhanh nhưng trong từng đường nét giai điệu, sự lựa chọn ý tứ và ca từ không hề dễ dãi. Hình tượng âm nhạc sâu sắc và hơn thế, còn tạo được hồn thơ thăng vút bởi ông rất có tài trong ngôn ngữ lời ca, bình dân nhưng không trần trụi, triết lí nhưng không cao siêu… Đề tài thiên biến, mỗi lần sáng tác là một sự chuyển hóa thần tình. Ông có nghìn bài hát nhưng mới công bố hơn trăm bài. Mỗi sắc nhạc trên dải cầu vồng đời sống mà người lữ hành lang thang gom góp cùng với một phong cách pop từng trải, một tư chất rap bất ngờ, một thứ men rock bừng lửa đã tạo nên sự kì thú trong tâm hồn người nghe. Khi là lời nói mượt mà sâu lắng trong “Giai điệu Tổ quốc”, khi là chuỗi cười hồn nhiên “Mặt trời bé con”, khi thì thầm “Vòng tay cầu hôn”, khi rộn ràng “Tiếng trống Baranưng”, khi là tiếng vọng từ giấc mơ “Cây đàn Chapi”, khi là giọt nước mắt hiếu hạnh “Mẹ tôi” và nỗi nhớ “Quê nhà” vời vợi trong tâm can… đến khoảng lặng im thinh không của “Sắc màu”.

Ca khúc Trần Tiến: âm nhạc hội đủ thiên biến vạn hóa bởi trong con người nghệ sĩ của ông đã tập trung đầy đủ các phép thần thông. Âm nhạc Trần Tiến vừa có chất đời vừa có chất thiền. Trước kia, người “Lữ khách sông Hồng còn đi mãi, trời đất mang mang cõi hồng hoang”. Nay, sau bao nhiêu miên phiêu, sau những lần ngẫu hứng… thì giờ đây là chiêm nghiệm những điều đã luân trầm, ngộ ra những điều vô thường kiếp nhân sinh. Xưa, ông luôn đau đáu suy tư trước bĩ cực đời người, từ “Tạm biệt chim én”, “Về đi em”, “Hà Nội những năm 2000”, “Đời doanh nhân”, “Lambada quê ta”, “Sói con ngơ ngác”, “Rock đồng hồ”, “Tóc gió thôi bay”… thì nay, những sáng tác của ông mang hơi hướng triết lý nhà Phật: “Sắc màu”, “Sen hồng hư không”, “Mưa bay tháp cổ”, “Mẹ tôi”, “Ra ngõ tụng kinh”…

Vậy là, ngũ bá, với những ngón đòn và công phu độc môn của mình, mỗi người hùng cứ một phương. Cuộc trình diễn võ thuật thoát vượt khỏi không gian nhỏ hẹp của khán đài sàn đấu để phô bày vẻ đẹp trước thiên nhiên hùng xanh. Mỗi vị đều có tuyệt kỹ riêng và số phận khác biệt. Một bài quyền đẹp bon sai dưới gốc đa cổ thụ bên tường thành mùa đông trong ánh chiều tà. Một thế võ hiểm độc phiêu mãnh đại ngàn. Một miếng đòn uy lực vương triều trong trống giục cờ bay. Một võ say đêm trăng thanh bắc cầu qua dòng sông Cái để tới miền phiêu luân. Một võ sư nội công thâm hậu, vận khí làm tụ lại cả gió bấc, mưa ngàn, nắng quái, trời nghiêng, lửa biếc thành một khối cầu, biến ảo trong từng đường kiếm… Hành trình đi tìm thanh âm trên vòm trời Việt đã thấy ngũ hiệp khách, những người khơi nguồn cho các dòng suối nhạc, chảy theo thời gian, lấp lánh không gian…

Lê Bảo Âu Long

.
.