Kia
Mobifone

Luôn có một bầu trời

Chủ Nhật, 29/10/2023, 11:04

Những ngày cuối cùng của tháng 10 luôn là những ngày “nháo nhác” đối với nhóm Hà Nội tha hương như chúng tôi. Ngày xưa, khi còn chưa có mạng xã hội, cái cảm giác “nháo nhác” ấy gần như không tồn tại. Bắt đầu “từ thuở mang face đi phờ lếch (flex)” thì đúng nghĩa là “càng thương càng nhớ đất Thăng Long” thật.

Sáng ra mở facebook thấy ông anh đồng nghiệp khoe cái se se dịu dàng của mùa thu Hà Nội bên tô bún bốc khói; trưa lại thấy mấy đứa bạn cũ đăng hình tung tăng “phố phường”; rồi chiều lại ngó ra đám nối khố xưa đang nói chuyện mùa thu quanh bàn bia hơi. Bảo sao lòng mình không “xoắn hết cả quẩy”.

Luôn có một bầu trời -0
Ảnh: Đình Nguyễn

Cái “nháo nhác” trong lòng mấy đứa tha hương vào Nam như tôi mỗi dịp “khoe mùa thu ngoài kia” là vậy. Phải thừa nhận, nếu cuộc sống không mưu sinh vất vả, được an nhàn rồi, chắc nhiều người chỉ muốn sống ở Hà Nội. Thành phố cũ có bốn mùa đủ cả, và hơn nữa, còn tiện lợi với cái ngon. Quanh quẩn phố phường, kiếm thức ngon thật như trở bàn tay…

Để gạt cái cơn “nháo nhác” từ những bài đăng kèm ảnh của chúng bạn, tôi lướt về ký ức cũ trên mạng xã hội của mình. Đập vào mắt tôi là một tấm ảnh năm trước, chụp một tấm áo hai màu vàng và xanh thẫm. Trên tấm áo ấy là chữ ký “thương hiệu”. Đó là tấm áo của Quang Hải, cầu thủ tài hoa thế hệ hiện tại của ĐTVN. Hải ký tặng tôi chiếc áo đấu của CLB Pau, và em nhờ người quen gửi về. Tấm áo ấy, tôi vẫn trang trọng treo nó riêng một góc, bảo quản thật kỹ.

Gắn bó với thể thao nhiều, tôi cũng được tặng áo khá nhiều, từ thời thế hệ Hồng Sơn trải cho tới thế hệ này. Lâu nhất là chiếc áo ĐTVN của anh Đỗ Mạnh Dũng năm 1997, khi anh tập trung ĐTQG cho giải đấu Cúp Độc lập (lúc ấy còn gọi là Dunhill Cup). Tôi giữ nó từ 1997 tới nay, thi thoảng vẫn khoác nó ra sân bóng. Kỳ lạ thay, nó không cũ đi nhiều dù cũng lăn lộn cùng tôi trên sân không ít. Quý nhất là chiếc áo mà HLV Diddier Deschamps của ĐT Pháp tặng tôi hồi tôi sang Paris 2014. Và mới gần đây nhất là tấm áo của Quang Hải (QH19) mà tôi kể ở trên.

Còn nhớ, nhận được tấm áo đó, tôi đã nhắn tin cho Hải cảm ơn em, kèm theo lời chúc. Rồi tôi cũng đăng lại lời chúc ấy lên mạng kèm theo tấm ảnh. Là người theo dõi bóng đá khá sát sao, tôi hiểu mức độ cạnh tranh ở trời Âu là như thế nào. Lúc mà nhiều người chê lựa chọn của Hải tới Pau FC là đội bóng hạng hai, ít tính cạnh tranh, tôi còn nhớ mình từng khẳng định “đừng vội chê hạng hai của Pháp. Để Hải được ra sân chắc chắn thử thách khó khăn vô cùng”. Và tôi đã nhắn nhủ em rằng “Chân cứng đá mềm em nhé. Hãy nhớ rằng ở bất kỳ nơi nào ta đặt chân, luôn có một bầu trời để vươn cánh bay”.

Luôn có một bầu trời -0
Ảnh: ST

Tôi đã hi vọng Hải có thể vươn cánh bay ở Pau dù về lý trí, tôi nghĩ là điều đó quá khó. Sức mạnh cơ bắp, sức va đập, tốc độ, nhất là tốc độ áp sát… ở Pháp luôn ở một đẳng cấp khác xa so với V.League nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Nhưng tôi luôn ủng hộ quyết định mạo hiểm đó của Hải. Bởi tôi tin rằng, nếu không có những người mở đường thất bại ban đầu để những người kế tục học hỏi kinh nghiệm, sẽ khó có thể có ngày ta mơ về một ngôi sao Việt chơi bóng giữa một giải chuyên nghiệp hàng đầu châu Âu.

Chuyến đi của Hải là thất bại, ai cũng biết điều đó. Nhưng cái đáng buồn hơn với em chính là thời gian dài không được chơi bóng, chỉ tập hoặc chơi ít phút với đội dự bị ở hạng 5, đã khiến em chưa thể lấy lại được cảm giác bóng tốt nhất để thăng hoa khi trở về nước khoác áo CLB CAHN. Ngay cả ở ĐTQG cũng vậy thôi, em cũng chưa tìm lại được vị thế của chính mình. Nhưng tôi tin Hải rồi sẽ trở lại với đỉnh cao mà em vốn có. Cái một cầu thủ cần chính là thời gian, ý chí và sự kiên trì. Điều đó, tôi đã thấy ở em sau rất nhiều chuyện xảy ra kể từ khi em bước lên sân khấu cuộc đời như một ngôi sao từ Thường Châu năm nào.

Nghĩ về Hải, về tấm áo kỷ niệm, tôi chợt liên tưởng tới chính mình và nhiều người khác nữa. Sau đại dịch, kinh tế khó khăn đi nhiều, cũng rất nhiều người mất việc làm. Tôi cũng đã mất một công việc làm thêm vốn dĩ mang lại thu nhập khá tốt và ổn định suốt nhiều năm dài. Bây giờ, gần như tôi chỉ còn mỗi việc làm báo là chính. Cũng thảng đôi khi, tôi có suy nghĩ bi quan rằng “Mình cũng đã muộn tuổi rồi. Thời kỳ sung sức nhất của mình đã đi qua. Bây giờ là thời của những người trẻ, sức cạnh tranh mình không còn nữa”. Nghĩ vậy, và thấy bế tắc. Tự dưng cảm thấy mình vô dụng quá, cảm thấy mình khó có thể lo được cho con mình trưởng thành chu toàn.

Rồi cũng chính ký ức mạng những ngày cuối tháng 10, của 7 năm trước, đã nhắc tôi phải khác. Tôi đã chụp màn hình ký ức đó, luôn giữ theo mình tấm ảnh mấy năm nay như một động lực. Đó là một buổi sáng, năm 2016, khi tôi vẫn sống ở căn nhà cũ trong hẻm khu Đa Kao, nơi đầu hẻm có xe bán bánh mì chả cá. Một người phụ nữ miền Trung bán trái cây ngồi tạm trên bậc thềm ăn vội miếng bánh mì. Sáng nào chị cũng ghé vào hẻm của tôi, mua một ổ bánh mì, ngồi đúng chỗ đó. Nhìn thấy chị luôn chỉ ăn nửa ổ rồi tất tả đi, bữa đó tôi đã hỏi, “Sao không ăn cho nốt bữa rồi hẵng đi, vội vàng chi thế chị?”. Để rồi câu trả lời nhận được khiến tôi sững sờ: “Sức được ăn có thế thôi”. Tưởng mình nghe lầm, tôi đã phải hỏi lại cho kỹ và biết ra rằng “Sáng nửa ổ, trưa nửa ổ. Sức mình khoẻ nên chỉ được ăn thế thôi. Còn để nuôi con đi học”.

“Sức mình còn khoẻ nên chỉ được ăn thế thôi”, câu nói của chị ám ảnh tôi bao nhiêu năm nay. Còn tin mình khoẻ mạnh, và còn có những niềm tin để mình hi sinh, người ta đủ có thể vượt qua tất cả. Chính điều đó từ chị đã luôn dạy cho tôi nhớ về sự lạc quan, về cái bền sức của mình, không chỉ là thể lý, mà còn là cả tinh thần, nơi sáng tạo không bao giờ được phép nhốt mình trong cùn mòn.

Kể từ 2017, dọn nhà đi nơi khác, tôi không còn được gặp chị nữa. Không biết đận đại dịch COVID-19, chị sinh sống thế nào. Nhưng tôi tin vào sự bền bỉ của chị. Đơn giản, sự bền bỉ ấy nuôi cho tôi một niềm tin vào sự bền bỉ của chính mình. Và ở ngoài kia, cũng có biết bao người ở vào tuổi tôi, thậm chí già hơn, đang trong những nan khó còn hơn tôi nhiều lần và họ vẫn bền bỉ vượt qua, tự giữ cho mình một hi vọng chắc chắn ngày mai sẽ khác, sẽ sáng sủa hơn. Vậy thì làm sao tôi có thể bi quan khi mới gặp chút khó khăn nho nhỏ trong khi chính tôi từng động viên Quang Hải rằng “chân cứng đá mềm, ở nơi mình đặt chân tới, luôn có một bầu trời để vươn cánh bay”.

V.League mùa mới sắp khởi tranh rồi, và Quang Hải cũng sẽ bước vào mùa bóng mới ở tư thế một nhà đương kim vô địch. Tôi muốn nhìn thấy Hải sẽ vươn cánh bay ở đội bóng này, nơi luôn có một bầu trời. Và cả ở ĐTQG nữa, nơi cũng có nhiều người mong chờ sự trở lại của Hải, nhất là khi ĐTVN chuẩn bị vào vòng loại World Cup 2026. Cho dù ngoài kia, những bình luận của khách quan vẫn luôn luôn nhiều chiều như thế. Khi đội bóng chiến thắng, họ nghĩ đó là đội bóng bất khả chiến bại và luôn cảm thấy thất bại là không chấp nhận được. Có thể, chính họ, khi bước về với đời sống riêng, họ cũng sẽ nhận ra đời người ai cũng có lúc thăng, lúc trầm và chỉ có sự kiên định cùng lòng tin mới giúp họ bền bỉ để vượt qua những quãng trầm của đời sống. Chỉ những lúc phải tĩnh lòng lại như thế và nghĩ tới lòng tin, họ mới hiểu rằng đòi hỏi của mình dành cho những người khác, cái đòi hỏi phải muôn ngày như một, là bất công vô cùng.

Ngày mai, tôi cũng sẽ lại bước vào một ngày làm việc khác, với những công việc thường nhật mà tôi vẫn làm cả hai chục năm trời. Nhưng tôi biết, vẫn có một khoảng trời để đến lúc nào đó mình lại tiếp tục vươn cánh…

Hà Quang Minh

.
.