Lễ hội âm nhạc - Cơ hội phát triển công nghiệp âm nhạc
Những ngày cuối năm, đời sống nhạc Việt sôi động hơn bởi 3 lễ hội âm nhạc diễn ra tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc tổ chức các lễ hội âm nhạc là nỗ lực của những người làm nghề với mong muốn mang đến cho công chúng những món ăn tinh thần mới mẻ, hấp dẫn, tiệm cận với những xu hướng âm nhạc của thế giới.
Nhưng làm thế nào lễ hội âm nhạc trở thành một thương hiệu văn hóa để phát triển công nghiệp âm nhạc - công nghiệp văn hóa là một bài toán không hề đơn giản.
Chúng ta có quá ít lễ hội âm nhạc
Hay Glamping Music Festival (Hay fest) với 1 đêm trình diễn tại công viên Yên Sở đã làm thỏa mãn giới yêu nhạc bởi họ được đắm chìm trong không khí của lễ hội và được thưởng thức những set nhạc hay cùng thần tượng. Kéo dài gần 12 tiếng, từ 13h chiều đến hơn 24h đêm 30/9, đây là năm thứ hai của Hay Fest tiếp tục quy tụ các ngôi sao cả trong và ngoài nước. Hai cái tên quốc tế được chọn làm điểm nhấn của năm nay là Ronan Keating - cựu đội trưởng của nhóm nhạc Boyzone (Anh quốc) đình đám quốc tế một thời và Epik High - nhóm nhạc hiphop có tiếng tại Hàn Quốc.
"Chúng tôi hối hận vì không tới Việt Nam sớm hơn. Các bạn thật tuyệt. Việt Nam sẽ là một điểm đến trong tour thế giới sắp tới của chúng tôi", DJ Tukutz và Mithra Jin - hai thành viên của Epik High chia sẻ.
Còn Ronan Keating khẳng định anh đã đến Việt Nam 2 lần nhưng đây là lần đầu tiên được biểu diễn trong một đêm nhạc quy mô như thế. Hay Fest còn thu hút dàn sao Việt nổi tiếng như Suboi, JustaTee, MCK, Trung Quân, Hoàng Dũng, Vinh Khuất, Chillies, Microwave, Mademoiselle, Thịnh Suy, Vũ Thanh Vân, Bùi Trường Linh, Minh, Minh Đinh, Osad, MACHIOT, Kay C, Gigi Hương Giang và Ban nhạc Màu Nước…
Tháng 10 này, Hà Nội chờ đón Monsoon Music Festival với rất nhiều hoạt động âm nhạc trải dài trong 10 ngày. Nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn của Monsoon chia sẻ, sau 8 năm ấp ủ, đi tham dự nhiều lễ hội âm nhạc trên thế giới, cuối năm 2014, ông và những người bạn của mình đã đưa Monsoon Music Festival đến với khán giả Hà Nội nói riêng và khán giả yêu nhạc trên cả nước nói chung. Qua 5 mùa thực hiện, Monsoon Music Festival đã trở thành một "thương hiệu" rất riêng của Hà Nội khi vào cuối thu đầu đông. Theo thống kê, qua 5 mùa, Monsoon Music Festival đã huy động 3.000 tình nguyện viên là sinh viên, rất nhiều bạn sau đó trở thành thành viên của Ban tổ chức; thu hút hàng vạn khán giả và đạt doanh thu khoảng 15 tỷ đồng/năm/chương trình.
Sau 5 lần tổ chức, Monsoon Music Festival đã đón hơn 225.000 khán giả trong nước và những du khách quốc tế tới du lịch Hà Nội. Hơn 300 nghệ sĩ trong nước và quốc tế đã tham gia biểu diễn qua các năm, trong đó có nhiều tên tuổi được yêu thích như ban nhạc Scorpions (Đức), nữ ca sĩ Joss Stone (Anh), nhóm Kodaline (Ireland), nhóm ADOY (Hàn Quốc), Los Frequencies (Bỉ), Hyukoh (Hàn Quốc) hay nhóm Bond (Anh).
Năm nay, Monsoon Music Festival trở lại lấy chủ đề Phố Hàng Nhạc - dựa trên cảm hứng từ tên gọi 36 phố phường Hà Nội và kéo dài từ 14 - 22/10 với hình thức mở rộng hơn. Đó là một lễ hội thành phố với 10 ngày âm nhạc, có sự tham gia của 40 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, hơn 70 buổi biểu diễn và tính ra là 4.000 phút chơi nhạc, lan tỏa không khí lễ hội khắp thành phố Hà Nội vào cuối tháng 10. Điểm nhấn năm nay của Monsoon là sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ trẻ trong và ngoài nước như Rapper Suboi và Vũ, nhóm nhạc Synth-pop Sunset Rellercoaster đến từ Đài Bắc (Đài Loan) gồm 5 thành viên, nhóm này rất nổi tiếng với giới trẻ.
Tại TP Hồ Chí Minh cũng vừa công bố các hoạt động của Liên hoan âm nhạc Quốc tế TP Hồ Chí Minh lần 3 - Hozo. Chương trình có các hoạt động kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12/2023. Trong đó các đêm nhạc trong HOZO Super Fest là dấu ấn lớn nhất liên hoan vì quy tụ nhiều nghệ sĩ đình đám trong và ngoài nước. Đây là chương trình nghệ thuật đa dạng về thể loại âm nhạc từ EDM, rock tới rap, Jazz, Pop, và có cả sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và đương đại. Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới để thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ và hứa hẹn trở thành một điểm hẹn thưởng thức văn hóa nghệ thuật độc đáo tầm cỡ quốc tế mang thương hiệu của TP Hồ Chí Minh.
Với 3 lễ hội âm nhạc được tổ chức vào dịp cuối năm nhưng nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, đó chưa phải là nhiều. Bởi nếu phát triển các lễ hội âm nhạc, lợi ích mang lại cho đời sống và cộng đồng là không hề nhỏ.
Cơ hội để phát triển công nghiệp âm nhạc
Nhạc sĩ Huy Tuấn cũng khẳng định, Việt Nam có cơ hội để phát triển lễ hội âm nhạc vì dân số của chúng ta trẻ, lại rất yêu âm nhạc. Nhưng mỗi năm chúng ta mới chỉ có 2 đến 3 lễ hội là ít, nếu không nói là quá ít. Trong khi đó, thị trường hiện tại đang nở rộ các liveshow ca nhạc mà rõ ràng, không phải liveshow nào cũng chất lượng, đem lại cho khán giả những giá trị mới mẻ, nếu không nói có nhiều liveshow cũ và nhàm chán. Vì thế, mặc dù các lễ hội được tổ chức vào thời điểm nở rộ rất nhiều liveshow, concert của các nghệ sĩ, nhưng vé bán của Hay Fest hay Monsoon đều hết từ sớm. Hozo được chính quyền hỗ trợ nên ở mùa 2 vẫn hoàn toàn miễn phí cho người dân. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn từ lễ hội âm nhạc và rõ ràng, khán giả Việt, đặc biệt là giới trẻ đã bắt đầu có thói quen mua vé tham gia lễ hội âm nhạc. Ở đó, khán giả được thưởng lãm một không gian âm nhạc văn minh, mới mẻ, tiệm cận cái mới. Họ được chạm vào những cảm xúc tích cực của tuổi thanh xuân, dù trẻ hay già.
Điều đáng nói nữa là, thời gian qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến mới nổi của khu vực, bằng chứng là có một số nghệ sĩ quốc tế đã sang Việt Nam diễn như The Moffatts, 911, BlackPink, Charlie Puth hay sắp tới sẽ là nhóm Westlife, Epik High, Ronan Keating... Với những nghệ sĩ đã biểu diễn ở Việt Nam, họ cũng rất hài lòng và xúc động trước tình yêu âm nhạc, niềm say mê, cuồng nhiệt của khán giả Việt Nam. Có công chúng, có một nền tảng đầu tư về tổ chức và có những ê-kíp làm việc say mê, cống hiến với mục đích lớn nhất là vì cộng đồng. Rõ ràng, lễ hội âm nhạc đang là một món ăn tinh thần góp phần nâng cao đời sống văn hóa, gu thẩm mỹ của người Việt trong thời gian tới. Đó cũng là cơ hội để chúng ta phát triển công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc xây dựng thương hiệu cho các sự kiện nghệ thuật có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo ông, đây là hoạt động vừa có mục đích tạo dấu ấn cho các địa phương, vừa trở thành cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện tài năng, kết nối, giao lưu với đồng nghiệp, khán giả. Đó cũng là cơ hội để định vị tên tuổi của sự kiện nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam trong dòng chảy chung của văn hóa, nghệ thuật thế giới. Những sự kiện nghệ thuật như lễ hội âm nhạc quốc tế hay rất nhiều các sự kiện nghệ thuật công cộng khác đang trở thành những địa chỉ hấp dẫn và thu hút sự quan tâm từ khắp cả nước và thế giới.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê Bros - đơn vị tổ chức Hay Fesst cũng cho rằng, việc tổ chức lễ hội âm nhạc ở các thành phố lớn sẽ là cơ hội để kết nối và phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại những lợi ích lâu dài và thiết thực cho cộng đồng. Và đi kèm với nó là những lợi ích về kinh tế.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, lễ hội âm nhạc gắn liền với công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa. Một lễ hội âm nhạc muốn tồn tại và phát triển phải trở thành biểu tượng của địa phương, phải được người dân quan tâm và tự hào vì thấy mình trong đó. Hiệu quả về quảng bá và kinh tế của một lễ hội mang lại uy tín cho thành phố luôn rất lớn. Ở nhiều nơi trên thế giới, sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền luôn là điều kiện tối thiểu cần thiết để xây dựng và phát triển.
Đây có lẽ cũng là vấn đề mấu chốt, sự quan tâm và hỗ trợ từ phía chính quyền đóng vai trò quan trọng để các lễ hội âm nhạc có thể xây dựng bài bản, lâu dài, trở thành một thương hiệu văn hóa của thành phố, hơn thế, của một quốc gia. Hiện tại, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã có những quyết sách mang tính định hướng để Hozo trở thành một thương hiệu của thành phố. Hozo được thành phố kỳ vọng sẽ trở thành một lễ hội âm nhạc thường niên, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ lễ hội âm nhạc thế giới, là điểm đến quen thuộc của khán giả và khách quốc tế.
"Để có được điều đó, cần sự bắt tay và hỗ trợ sâu sát của chính quyền để lễ hội âm nhạc ở Việt Nam có thể phát triển, đi đường dài và trở thành một thương hiệu văn hóa", nhạc sĩ Huy Tuấn khẳng định.