Làm vợ nhà thơ, nghèo khó một thuở

Thứ Năm, 25/07/2024, 12:32

Tôi đã nhiều lần nghe câu hỏi: "Làm vợ nhà văn, nhà thơ dễ hay khó, sung sướng hay khổ sở?". Cũng nhiều lần được nghe lời đáp của bà vợ các văn nhân, tôi cũng tự hỏi và tự trả lời về câu chuyện này. Khó hay dễ, sướng hay khổ thì "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" tùy từng gia đình, nhưng có một điểm chung nhất: những người vợ nhà văn nhà thơ đều có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, mãnh liệt.

1. Văn nhân thì bao giờ cảm xúc cũng dào dạt, mỗi khi bắt được ý tưởng truyện ngắn hay vồ được một tứ thơ là nung nấu, sục sôi sáng tạo. Ông nhà văn thì nghiền ngẫm tình huống, chi tiết nhân vật, cốt truyện, ông thi sĩ thì đau đáu chọn câu lựa từ, chọn ý, chọn biểu tượng, hình ảnh. Lao động sáng tạo dẫn dắt tác giả đến mức ăn không ngon, ngủ không yên, có lúc người cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

anh 2.jpg -0
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Hà nhận hoa chúc mừng của bạn văn trong buổi ra mắt tập thơ mới.

Làm vợ văn nhân cũng mệt cũng phiền bởi ông chồng lúc lóe sáng ý tưởng sáng tác thì rồ lên như bắt được vàng, lúc đăm chiêu nghĩ ngợi ánh mắt sâu thẳm như đáy đại dương. Cái sự bất bình thường của người văn ấy, bà vợ nào chịu nổi? Ấy là chưa kể những người sáng tác thiên về cảm xúc, bị cảm xúc dẫn dắt, thì ngồi vào bàn viết bất kể lúc sáng, trưa, chiều, tối, vợ con chờ mâm cơm để nguội. Có thi sĩ tứ thơ vụt hiện, bỗng như nhập đồng, ý tưởng, nhịp điệu, hình ảnh tuôn ra rào rạt, đang trên đường ngồi sau tay lái xe máy của vợ cũng dừng lại, lấy giấy bút ra chép lại cho khỏi quên. Có văn nhân đang ăn cơm, một ý tưởng truyện hay bật ra từ trường liên tưởng nào đó, cũng bỏ đũa lấy bút ra ghi lại.

Đặc biệt có vị cứ thả cho cảm xúc trôi rồi đến một lúc nào đó trong mơ tiếng nói của tiềm thức vụt hiện. Tỉnh dậy là nhảy phắt khỏi giường ghi chép ngay kẻo sáng mai lại quên. Bà vợ nào chịu nổi? Đôi khi vật vã sáng tác mà chữ nghĩa cứ khô xác trên giấy, rồi bức xúc, cáu kỉnh. Cũng một hành động của vợ con lúc bình thường thì thấy thường tình, thậm chí còn thú vị, nhưng khi viết văn làm thơ bị tắc là khó chịu, quở trách vợ con. Người vợ nào chịu nổi?

Là văn nhân thì ông chồng nào cũng có một chân trời sáng tạo, muốn viết hay phải sống dấn thân, đi nhiều trải nghiệm lắm. Xa nhà liên miên là điều dễ xảy ra, ăn cơm thiên hạ nhiều hơn cơm vợ nấu. Đấy là "chuyện thường ngày ở huyện" của những người làm vợ nhà văn nhà thơ đối mặt và chấp nhận, chịu đựng.

2. Còn một nỗi cơ cực trực tiếp là cái túng thiếu, nghèo khó của người làm nghề sáng tác văn thơ cũng khiến cho vợ oằn vai. Nhà thơ Nguyễn Bính đã từng dặn con: "Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm con ơi! Bạc lắm con!"; còn nhà thơ Xuân Diệu nói: "Cơm áo không đùa với khách thơ". Làm vợ văn nhân là phải chấp nhận chuyện mưu sinh lo cơm, áo, gạo, tiền, chứ không chỉ chịu đựng tính cách và cá tính của chồng. Tôi chưa gặp một văn nhân nào bị vợ bỏ vì viết văn làm thơ. Nếu họ có chia tay nhau thì cũng vì những lý do nào đó ngoài văn chương. Bởi người vợ của họ không chỉ có tình yêu thương chồng mà còn có sự chia sẻ, đặc biệt là sức chịu đựng, nhẫn nhịn đến mức thành nhân ái.

tohoai.jpg -0
Vợ chồng nhà văn Tô Hoài.

Người phải kể đầu tiên là bà Phạm Thi Mẫn - vợ của thi sĩ Trần Tế Xương, còn gọi là Tú Xương. Làm vợ ông Tú nghèo hay thơ, nên bà Mẫn thành người lo toan, bươn chải: "Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười". Làm vợ nhà thơ không biết làm ra tiền nên bà phải lam lũ, nhọc nhằn: "Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/ Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông". Làm vợ nhà thơ nghèo đã khổ rồi, làm vợ ông Tú 8 lần thi hỏng 7 lần thì càng cơ cực hơn. Quyết mộng khoa bảng nhưng lận đận trường thi, ông Tú chán đời ăn chơi phong lưu: "Ăn rặt những thịt quay, lạp sườn/ Mặc rặt những quần vân, áo xuyến, nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả cao lâu...", vậy mà bà chịu được.

Nhưng quá giới hạn đỉnh điểm sức chịu đựng của vợ nhà thơ là ông Tú hỏng thi năm 1900 (Canh Tý) sinh ra chán nản, ăn chơi phóng túng, trong lúc đàn con nheo nhóc, thì bà dọa tử tử. Ông Tú Xương sợ quá, và biết mình quá đáng, có lỗi lớn, làm "Văn tế sống vợ" đùa vui nịnh khéo, làm lành với mẹ của con mình. Ông dùng các chữ giản dị, dân dã, mộc mạc trong hơn chục bài thơ dành cho vợ: "bu nó", "mẹ đĩ", "mẹ mày", "mình" mà rất âu yếm, yêu thương. Không phải ai cũng yêu thương, ai cũng sắm tròn vai vợ nhà thơ như bà Phạm Thị Mẫn để được chồng sám hối làm "Văn tế sống vợ", để chồng xót xa làm thơ "Thương vợ" và hơn chục bài thơ khác.

3. Đặc trưng của lao động nhà văn là sử dụng ngôn ngữ để sáng tác ra tác phẩm văn học. Dù nhà văn chọn nghề hay nghề chọn nhà văn thì tác giả cũng phải có năng khiếu văn chương, có tâm hồn nghệ nghĩ, có say mê sáng tạo và dấn thân nghề nghiệp. Có lẽ làm vợ nhà văn nhà thơ dễ hay khó, an lành hay bất ổn, thú vị hay phiền hà, sung sướng hay khổ sở cũng ở cái "tính nghệ sĩ", cái "tâm hồn nghệ sĩ" chăng? Chiều được ông chồng lãng đãng phiêu bồng, hay tỉnh táo sáng tạo đều phải là người vợ hiền có phẩm chất đặc biệt.

Chiều chồng "vô địch" có lẽ là bà Vũ Thị Tuệ - vợ nhà văn Nguyễn Tuân. Ông Nguyễn vốn tính "ngông", tôn thờ "chủ nghĩa xê dịch", không chịu ngồi một chỗ ở một nơi, giang hồ phóng khoáng, vào Sài Gòn, sang Lào, đến Nam Vang,… Lúc sinh người con thứ hai được hai tháng, ông cùng bạn bè đi Thái Lan, bà Tuệ thu vén tiền của cho ông mang theo. Máu nghệ sỹ, thích thưởng thức ca trù, ông ôm trống chầu, cầm roi chầu "tom", "chát" điêu luyện, sành sỏi trong đêm hát ả đào. Một đêm có người đến tận nhà báo tin, rằng ông Nguyễn đang hát ả đào, bà vẫn bình tĩnh để chồng vui hết đêm, rồi ông lại về với bà. Vì bà tin ông không làm điều gì có lỗi.

Nhà viết kịch Vi Huyền Đắc đã từng kể: "Đi hát với Nguyễn Tuân tốn kém lắm! Ngoài tiền chi cho chầu hát còn phải đền cho chủ nhà những ly chén do Nguyễn Tuân trong cơn say đã làm vỡ". Bà Tuệ chịu được cả những thú vui quá chén, lối sống tự do của chồng. Chiều chồng, nhẫn nhịn thương yêu, bà là bến đỗ vững chắc chắp thêm sức mạnh cho Nguyễn Tuân tài hoa sống "xê dịch", viết duy mỹ về hiện thực cuộc sống trụy lạc, lối sống xê dịch và vẻ đẹp một thời vang bóng. Văn học Việt Nam có những tác phẩm độc đáo như "Một chuyến đi", "Vang bóng một thời", "Chùa đàn"… cũng một phần công lao bà vợ tào khang của Nguyễn Tuân.

Thời chiến tranh, thời bao cấp khó khăn, bà Nguyễn Thị Cúc - vợ nhà văn Tô Hoài "lo cái bếp đỏ lửa quanh năm", tiết kiệm từng thanh củi, từng vốc mùn cưa, vỏ trấu nấu ăn chu đáo, chăm sóc sức khỏe cho chồng viết văn. Cả đời tần tảo, chưa một lần bà hỏi chồng về chuyện tiền lương, tiền giải thưởng, tiền nhuận bút. Chỉ có yêu thương mới chịu đựng, chấp nhận, bà nói với Tô Hoài bằng thơ tự làm và cũng là tự nhủ lòng mình: "Yêu anh em bỏ đời nhung lụa/ Đến với anh mãi tận bây giờ". Làm vợ nhà văn, nhà thơ là phải chấp nhận mọi thứ, thiệt thòi mọi điều, nhưng bù lại là được đền đáp bằng tình yêu thương và cùng con cháu hưởng trái ngọt sáng tác của chồng.

Tôi đã từng nghe kể: bà Nguyễn Thị Doanh - vợ nhà thơ Nguyễn Minh Châu, có lần nhà văn đưa cho bà một bản thảo nhờ bà đọc. Bà đọc chăm chú, rồi bật cười. Ông hỏi: "Em cười gì?"; "Cười cái đoạn anh tả người vợ đau đẻ ấy. Em đau đẻ có như thế đâu". Rồi bà kể về chuyện phụ nữ mang thai, động thai, đau đẻ, rặn đẻ cho ông nghe. Ông nghe và viết lại cái đoạn ấy gần giống như lời bà kể. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Minh Châu bị ung thư, bệnh viện lớn bó tay. Bà hy vọng và cầu may, chữa bằng thuốc nam.

Thời bao cấp đói nghèo, tay xách nách mang, bà đưa chồng đi khắp ngoài bắc trong nam chữa trị. Sau khi ông mất, bà ngồi tỉ mẩn sắp xếp tác phẩm đã in, chưa in và 23 tập nhật ký của chồng. Bụi mờ thời gian làm cho nhiểu quyển nhật ký ông ghi từ năm 1956 đến lúc ốm nặng đã ố vàng, nhiều chữ nhòe, và cuốn nào cũng chi chít chữ viết tắt, chữ mất nét khó đọc. Lo lắng di cảo của chồng bị nấm mốc, mủn nát, và không ai đọc nổi chữ viết tháu viết tắt của ông, bà ngồi cặm cụi chép lại, chép lần lượt từng cuốn nhật ký, chép đến trang cuối cùng cuốn nhật ký thứ 23 cho rõ ràng.

 Viết đến đây, tôi lại nhớ câu chuyện bà Võ Thị Quỳnh - vợ nhà văn Nguyễn Quang Hà - nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Bà là giáo viên dạy văn trường chuyên, thuộc thơ nhớ văn của Nguyễn Quang Hà như in trong đầu. Lên lớp, bà thường đem thơ của ông ra đọc, hoặc kể lại một truyện ngắn của ông cho học sinh chuyên văn giữa hai tiết giải lao. Trước thì mê thơ văn sau thì mê tác giả, đắm say yêu cái khí chất sĩ phu Bắc Hà của ông. Làm vợ nhà văn Nguyễn Quang Hà, bà gánh thay luôn gánh nặng đang chồng chất trên vai ông với mẹ già và con riêng của chồng. Vượt qua trùng điệp thị phi, vừa dạy học vừa chăm mẹ chồng, nuôi con mình, nuôi con riêng của chồng, rồi lo công ăn việc làm cho các con. Vậy mà, đêm chấm bài xong, bà lại đem bản thảo của chồng ra đọc, chữa từng lỗi chính tả cho ông.

Hầu chuyện nhà văn Nguyễn Quang Hà, tôi nói đùa: "Văn của bác có chỗ rất phiêu bồng lãng mạn, dịu dàng, có khi chị Quỳnh thò bút vào viết thêm một đoạn cho bác". Ông cười tươi rạng rỡ, bảo: "Tuyệt vời lắm, Minh ạ. Anh biết ơn cô ấy cả đời". Dường như Thượng đế ban tặng, đền bù cho nhà văn Nguyễn Quang Hà một người yêu, người vợ thảo hiền sau những mất mát đau đớn tưởng như không chịu nổi của ông trong đoạn đời chiến tranh xa quê biền biệt.

Làm vợ nhà văn nhà thơ, đói nghèo một thuở đã lui về dĩ vãng.

Khoảng hai chục năm gần đây, đời sống văn nhân nước ta đã khá hơn nhiều so với thời trước. Nhiều vị có nhà lầu, xe hơi, sách in đẹp cho, tặng không đắn đo. Nhưng, quả thật để sống giàu sang bằng nghề sáng tác văn chương ở nước mình đếm chưa hết mười đầu ngón tay, hầu hết sống được từ nghề khác rồi viết văn làm thơ như cái nghiệp. Có thể nói rằng: các ông nhà văn nhà thơ thành danh đều có người vợ hiền làm hậu phương vững chắc, âm thầm đứng đằng sau những tác phẩm lớn nhỏ và vinh quang của chồng. 

Sương Nguyệt Minh
.
.
.