Giọt sữa trời tan thấm giữa thinh phiêu

Thứ Ba, 05/07/2022, 09:35

Đã có rất nhiều những bài hát về tình mẹ trên thế giới và cũng đã có rất nhiều những bài hát hay, cảm động về mẹ trên hành tinh này.

Nếu đặt ca khúc “Mother in the dream” (Mẹ về trong giấc mơ)  bên cạnh ca khúc “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến thì đó là hai chiều cực khắc khoải của nỗi nhớ thương về người mẹ đã mất. Cả hai, đều không có sự bi lụy, dù mỗi khi nghe chúng ta đều thổn thức, ngấn lệ rưng rưng.

Không rưng rưng sao được khi những nốt nhạc đã chạm tới cảm thức vừa bản năng vừa đạo lý của ta, những giai điệu ngân vào lòng ta những nỗi niềm thẳm sâu vừa gần gũi vừa an bình, rung vào hồn ta những điệu thức của tâm trạng vừa ơn nghĩa vừa ân tình.

Nếu ca khúc “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến là tiếng nấc nghẹn ngào trong âm nhạc của người con đã trưởng thành thì bài hát “Mother in the Dream” là tiếng gọi mẹ còn vọng vang vào giấc mơ của cậu bé xứ thảo nguyên Mông Cổ. Nếu lệ khúc “Mẹ tôi” là giọt nước mắt hiếu hạnh của những đứa con đã biết lòng cha mẹ thì mộng khúc “Mother in the Dream” là những giọt sữa trời từ cao xanh chảy xuống nỗi côi cút đời người mà cậu bé thảo nguyên còn chưa nguôi khao khát.

Nếu “Mẹ tôi” là sự chiêm nghiệm của người con đã từng trải qua bao luân trầm của cuộc sống với "Mẹ ơi, con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ, khóc như trẻ thơ" thì “Mother in the dream” là nỗi nhớ người mẹ quá cố hết sức hồn nhiên, trong trẻo của một đứa trẻ mới vừa dứt sữa bỗng nhiên phải xa lìa vòng tay ấm êm của mẹ.

Nếu tuyệt phẩm “Mẹ tôi” đã cô đọng vào âm nhạc Việt thành tượng đài tráng lệ, ấn tạc vào tâm khảm những người con hiếu thảo thì mơ khúc “Mother in the dream” lại tan thấm vào khoảng không gian bao la trong bầu trời rộng lớn của thảo nguyên Mông Cổ, như từng giọt sữa trời ân cần chăm chút cho con thơ. Nếu tuyệt khúc “Mẹ tôi” được cô đúc bằng những điển tích của thành ngữ, ca dao Việt thì mê khúc “Mother in the dream” của xứ thảo nguyên Mông Cổ cứ hoang hoải, man mác chảy giữa thinh phiêu…

Giọt sữa trời tan thấm giữa thinh phiêu -0
Ảnh: L.G.

Bài hát ấy đã vang lên trên sân khấu China's Got Talen 2011 và làm lay động triệu triệu trái tim những người nghe nhạc. Giọng hát của cậu bé mồ côi 12 tuổi đã lay thức triệu triệu những người con khiến họ lặng người và bật khóc. Chỉ những người đã trải qua bao thăng trầm mới ngộ được dù cho phú quý vinh hoa thì vinh hoa cũng không bằng có mẹ. Và chỉ những đứa trẻ thiếu mẹ mới cảm được sự chở che của mẹ lớn đến nhường nào.

Thành công vang dội của cậu bé thảo nguyên đã đưa phổ của khúc ca “Mother in the dream” lan tỏa rộng ra trong khu vực và trên thế giới. Rất nhiều phiên bản của “Mother in the dream” bằng các thứ tiếng được chuyển ngữ, như vòng sóng cộng hưởng của tình tử mẫu cứ tỏa lan vào đời sống.

Ở Việt Nam, cũng có rất nhiều các ca sĩ đã cover lại ca khúc này. Nhiều cậu bé, cô bé đã chọn bài hát này để dự thi tài năng trong các chương trình truyền hình thực tế The Voice' kid. Âm vọng của ca khúc dẫn ta từ không gian sân khấu vào huyễn cảnh của giấc mơ với bát ngát thảo nguyên Mông Cổ trong những chiều hoàng hôn đang dần tắt nắng.

Huyễn mộng của giấc mơ nhưng chính là thực cảnh tình yêu mẹ của đứa trẻ sớm phải mồ côi. Nếu nói như cách của Kim Dung thì giai điệu của khúc ca “Mother in the dream” đã tạo ra một kết giới, dẫn ta vào một không gian khác, đưa ta vào một thực tại ảo. Một thực tại vô cùng bình an và ấm dịu…

Vâng, phải đứng hát giữa mênh mang đồng cỏ lộng gió của thảo nguyên mới đúng chất của bài hát nhất, âm nhạc mới toát lên cái phong vị Mông Cổ nhất, lời ca mới miên thiết nhất. Cái gió của đại thảo nguyên Hulunbeier, cái nắng của hoàng hôn trên lưng ngựa Takhi hoang dã đã truyền âm tiếng hát trong trẻo và cao vút vọng lên thiên đường, nơi mẹ của cậu đang nhìn gương mặt bé khi hát và cầu nguyện cho em một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Phải đặt trong đặc tính không gian vô cực "chẳng biết đâu là tận cùng, chẳng thấy đâu là bờ bến" đó ta mới cảm nhận được tột cùng cái mãnh liệt của mỗi nốt nhạc trong ca khúc tạo thành dòng chảy cảm xúc làm bất cứ ai nghe cũng không cầm nổi nước mắt, bởi nó truyền vào ta cái cao trào của tiết tấu, cái tự nhiên của giai điệu, dù ở bất cứ phiên bản ngôn ngữ nào.

Mẫu số chung cho tình mẫu tử của nhân loại là tình yêu thương vô điều kiện của người mẹ dành cho con cái. Đáp lại tình yêu đó là lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Nhưng với mỗi một nền văn hóa khác nhau, tình yêu đó sẽ có cách thể hiện ra bên ngoài khác nhau theo đặc trưng riêng của dân tộc mình. Ví như với người Hàn, chữ Hiếu biến hiện thành ngôi cổ tự Bulguksa đầy bản sắc, tỏ bày lòng thơm thảo của người con với cha mẹ mình. Và công trình đó đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Với người Hoa, lòng thảo hiếu được gói ghém vào câu chuyện đầy xúc động một cách vi tế của Hàn Bá Du khi cúi người xuống chịu đòn roi của mẹ mỗi lần ông mắc lỗi. Mọi khi mẹ đánh rất đau nhưng ông không khóc, đến khi mẹ đánh rất nghiêm khắc nhưng ông lại cứ khóc suốt vì biết rằng nay mẹ đánh không đau là do đã già yếu lắm rồi, không còn sức nữa, sợ rằng thời gian mẹ ở trên thế gian này với con chẳng còn được bao lâu nữa.

Với những người con Phật, có cả một mùa Vu Lan báo hiếu với những bông hồng cài trên ngực áo và điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ giữa biển luân hồi. Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất trong đời sống Công giáo. Với người Kito hữu, hiếu nghĩa là bổn phận của con cái đối với đấng sinh thành, được giáo huấn trong Kinh Thánh, từ giới luật Cựu Ước cho tới sách Cách ngôn dạy thảo kính trong hành động "Người con hiếu thảo là người con biết tuân giữ lời cha truyền và nghe lời mẹ dạy" và Huấn ca đề cao ân đức cha mẹ "Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?".

Ở phương Tây, có Ngày hiền mẫu (Mother's day) vào chủ nhật tuần thứ 2 của tháng 5 hàng năm để tôn vinh các người mẹ và tình mẹ trên khắp thế gian, về sự gắn kết của mẹ và ảnh hưởng của các bà mẹ trong xã hội.

Năm 1993, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã ra Nghị quyết lấy ngày 15 tháng 5 hàng năm làm Ngày quốc tế gia đình (nước ta lấy ngày 28 tháng 6 là Ngày gia đình Việt Nam) nhưng sống hiếu nghĩa với những bậc sinh thành dưỡng dục, khi song thân còn sống cũng như khi đã khuất đã trở thành gia phong, nếp sống thường ngày với các dân tộc chịu ảnh hưởng của Nho giáo, đã trở thành đạo lý mà người Việt ta gọi là đạo làm con.

Việc hiếu kính với cha mẹ, ông bà của người Việt còn có mang một tầng ý nghĩa sâu xa hơn nữa qua việc tưởng nhớ và tôn kính đặc biệt các bậc tiên tổ và trở thành tín ngưỡng thờ kính ông bà, tổ tiên. Các thế hệ Lạc dân, từ  xa xưa , đã được truyền dạy bằng ca dao tục ngữ, bằng lời ru ngàn đời rằng: "Công cha như núi Thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Sự hiếu lễ, ở đâu và với dân tộc tộc nào, tôn giáo nào, tín ngưỡng nào cũng được đề cao, tôn kính, chỉ khác nhau ở cách thức biểu hiện ra bên ngoài bằng bản sắc riêng có của mình mà thôi…

Giọt sữa trời tan thấm giữa thinh phiêu -0
Ảnh: L.G

Thiên nhiên Mông Cổ hùng vĩ với những đại thảo nguyên, sa mạc và cồn cát đổi màu theo từng giờ trong ngày từ vàng sang bạc đến hồng. Và một đời sống du mục phi ngựa, ngủ lều, bắn cung tên trên thảo nguyên, cưỡi lạc đà thong dong trên sa mạc hay đấu vật…

Một ngày rong ruổi trên lưng ngựa giữa ngàn nắng và gió, trải nghiệm một ngày sống đời du mục, bạn sẽ nhận ra rằng: cuộc đời đẹp như một giấc mơ! Thế nhưng, cũng tại đây, lại có những giấc mơ đẫm đầy nước mắt. Giấc mơ ngấn lệ của cậu bé thảo nguyên trong bài hát “Mother in the dream” chính là niềm mong mỏi con trẻ được gặp lại người mẹ thân yêu đã khuất của mình…

Lời bài hát “Mother in the dream”, dịch Lê Tự Minh:

Trong đất trời bao la rộng lớn

Em mơ thấy mẹ đang cầu nguyện cho em

Mẹ đưa cho em sữa, thứ quý giá của đất trời

Mẹ của em ở một nơi rất xa

Trong khi những vì sao đang lấp lánh trên đồng cỏ xanh, em lại nghĩ về khuôn mặt ân cần của mẹ

Mẹ ở thiên đường và cầu nguyện cho em một cuộc sống bình an, hạnh phúc

Mẹ đang ở một nơi rất xa...

Trong giấc mơ, em thấy ngôi nhà thân yêu của mình hiện ra dưới ánh nắng mặt trời

Và mẹ đang hát những khúc ca êm đềm

Có một dải cỏ xanh trải dài trước nhà em. Mẹ em đang ở một nơi rất rất xa và chờ đợi em trở về... 

Lê Bảo Âu Long
.
.
.