Kia
Mobifone

Giải mã nhà dài Ê Đê

Thứ Tư, 01/05/2024, 09:42

Tại Tây Nguyên, có hai dạng nhà nổi tiếng là nhà rông của người Ba Na, một tộc người nói tiếng Nam Á vùng lục địa, và nhà dài của người Ê Đê, một tộc người nói tiếng Nam Đảo vùng biển đảo. Nhà rông Ba Na có mái hình lưỡi rìu vươn tới trời xanh, còn nhà dài Ê Đê "dài như tiếng chiêng ngân" vùng cao nguyên đất đỏ…

Nhà rông - nhà dài

Nhưng một điều lý thú có lẽ rất ít người biết là hai dạng nhà đó lại là con cháu của hai dạng nhà nằm cạnh nhau trên mặt các trống đồng Đông Sơn sớm như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ... phản ánh tín ngưỡng vật tổ của người Đông Sơn: dạng nhà hình thuyền-chim với mái sống võng, hai đầu mái vươn cao có hình đầu chim và dạng nhà hình Ông Tổ Rùa với mái sống lồi, hai đầu hồi có hình ba vòng tròn đồng tâm…

 Cụ thể hơn, nhà rông Bana với mái sống lồi có gốc trực tiếp từ nhà hình rùa, còn nhà dài Ê Đê với mái sống võng có gốc trực tiếp từ nhà hình thuyền-chim Đông Sơn.

Giải mã nhà dài Ê Đê -0
Nhà dài Ê Đê đặt trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội.

Biểu tượng thuyền-chim 

Dạng nhà mái sống võng vách nghiêng thời Đông Sơn cũng thường được coi là dạng nhà hình thuyền-chim.

Hình các con thuyền biển lớn hai đầu có hình đầu chim với các thủy thủ và chiến binh giữa các đàn chim biển và cá biển trên trống đồng; hình chim cốc, bồ nông, vật tổ của dân đánh cá ven biển trên mặt trống Ngọc Lũ… cho thấy cuộc sống của một bộ phận quan trọng người Đông Sơn gắn với biển, sống ven biển hay là dân đi biển.

Đặc biệt, các ngôi mộ thuyền lớn và chứa nhiều đồ tùy táng thời Đông Sơn, điển hình là mộ Việt Khê, Hải Phòng, cho thấy nhiều Lạc hầu, Lạc tướng thời đó có gốc là dân ven biển. 

Là một tộc người gốc vùng biển đảo, người Ê Đê vẫn giữ gìn dạng nhà cổ truyền gốc từ nhà hình thuyền-chim Đông Sơn đó với hai đầu mái nhô như hai mũi thuyền và hai hàng vách nghiêng như hai mạn thuyền. Các cầu thang đặt ở trước nhà cũng có hai đầu cong hình thuyền. Ngoài ra, một loạt dấu tích trong ngôi nhà cũng gợi nhớ tới biểu tượng thuyền.

Trong tiếng Ê Đê, "mran" là từ chỉ thuyền, còn một biến thể của nó, "mrang" là từ chỉ tấm phên che hai đầu hồi mái nhô; "mtih" là từ chỉ mạn thuyền và cũng là từ chỉ hai hàng vách nghiêng nhà dài. Tiếp đó, "kpan" là từ chỉ chiếc ghế dài độc mộc có hai đầu cong giống hai đầu thuyền đặt trong nhà dài, nơi đội cồng chiêng ngồi trong lễ hội cũng là từ họ hàng với các từ chỉ thuyền mran trong tiếng Ê Đê và kapan trong tiếng Chăm. Trong lễ chặt cây và rước gỗ về làm ghế kpan, chủ lễ phải chỉ đạo thợ chặt cây đổ theo hướng dòng chảy của sông suối ở cạnh buôn,  một quy tắc chung cho việc chặt cây làm nhà và làm thuyền của người Ê Đê xưa…

Để phân biệt đầu và đuôi của những con thuyền độc mộc, người Ê Đê khắc hình trăng khuyết  phía trên hình hai bầu sữa mẹ ở đầu thuyền.  Hai mô típ đó cũng có trên chiếc "cầu thang cái" hay "cầu thang mẹ" dành cho nữ ở đầu ngôi nhà dài, nơi luôn được coi là phần thiêng liêng nhất của ngôi nhà và vì thế mang những hình khắc-biểu tượng cao quý nhất.

Thời Đông Sơn, nhà hình thuyền chim của dân vùng đồng bằng trồng lúa nước không phải là nhà dài. Nhưng, khi tới  Tây Nguyên, tổ tiên người Ê Đê đã chọn nhà dài bởi đó là dạng nhà thích hợp nhất cho gia đình mẫu hệ và lối sống nương rẫy.

Nhà dài là dạng nhà thường được cơi nới khi có một gia đình mới nên nó không thể có bờ mái võng với hình chim ở hai đầu nóc như nhà Đông Sơn. Tuy nhiên, trên cột chính của những ngôi nhà dài cổ vẫn còn đó hình đầu chim đại bàng, loài chim vật tổ của những dòng họ quí tộc lớn của người Ê Đê xưa. Hình đại bàng cũng thấy trên đầu và bờ nóc nhà mồ, dạng nhà thường mang các yếu tố xa xưa.

Về hình trăng khuyết và bầu sữa, người  Ê Đê nay thường giải thích rằng trăng khuyết là biểu tượng cho quyền quý và giàu sang, còn bầu sữa là biểu tượng của quyền lực của người phụ nữ trong xã hội mẫu hệ. Vì thế, xưa kia, chỉ những gia đình, dòng họ qúy tộc mới có cầu thang khắc hai biểu tượng này. Trong khi đó, hình ngôi sao và hình rùa là biểu tượng cho sức mạnh bền vững của người đàn ông. Thực ra, hai biểu tượng đó đều có gốc từ biểu tượng thuyền-chim Đông Sơn.

Giải mã nhà dài Ê Đê -0
Nhà hình thuyền - chim Đông Sơn.

Biểu tượng trâu

Vào cuối thời Đông Sơn, trâu, vốn là một con vật thiêng, hiện thân của Ông Tổ Rồng- thần nước - thần mưa, cũng dần trở thành một biểu tượng của tài sản, địa vị xã hội và nghề nông. Trong các nghi lễ lớn như đám ma, lễ cầu mưa, cầu mùa, trâu là vật hiến sinh thay cho người. Tại một số nhóm dân Đông Sơn trồng lúa nước, có sự chuyển hóa từ tín ngưỡng bà tổ chim sang tín ngưỡng bà tổ trâu. Trên các trống Đông Sơn muộn, dạng nhà hình chim dần chuyển sang dạng nhà hình trâu hay hình sừng trâu.

Người Toraja ở Indonesia  hiện vẫn còn dạng nhà giống hệt dạng nhà hình thuyền trên trống Ngọc Lũ. Trong truyền thuyết và tín ngưỡng Toraja, đó là nhà hình con thuyền đã đưa tổ tiên họ tới vùng quần đảo. Nhưng cũng có nhóm coi đó là nhà hình trâu và nói một cách hóm hỉnh "con trâu là ngôi nhà của họ biết đi".

Một truyền thuyết cội nguồn của người Ê Đê kể, khi tổ tiên họ đi từ lòng đất lên mặt đất qua một đường hầm, một con trâu có sừng dài đã chắn mất lối ra, khiến một số cô gái đẹp, vì lo trang điểm nên chậm chân đã phải ở lại lòng đất...

Truyền thuyết đó phản ánh quan niệm đồng nhất trâu với người đàn bà, với lòng đất hay lòng mẹ, tức với bà tổ.

Ngôi nhà dài là một biểu tượng cho gia đình và xã hội mẫu hệ Ê Đê.  Chiếc "cầu thang cái" đầu nhà là vật thích hợp nhất mang biểu tượng của ngôi nhà đó - một người đàn bà - trâu được cách điệu và giản lược thành hình sừng trâu ở trên và hình hai bầu sữa ở dưới.

Có nơi, hình sừng trâu được gọi là hình trăng khuyết và cùng với hình bầu sữa được coi là biểu tượng của thần mặt trăng, vị nữ thần gắn với nước - mưa - chu kỳ kinh nguyệt của người đàn bà, từ đó cũng tương ứng với bà tổ trâu. 

Vũ trụ luôn là sự tổng hòa các yếu tố âm-dương. Một gia đình dù mẫu hệ cũng luôn đủ vợ và chồng. Vì thế, cầu thang lên ngôi nhà dài phải có cả cầu thang cái dành cho nữ và cầu thang đực dành cho nam.

Nếu hai biểu tượng sừng trâu hay trăng khuyết và bầu sữa là dấu tích của dạng nhà hình thuyền-chim Đông Sơn xưa thì hình ngôi sao và hình rùa trên cầu thang đực lại là dấu tích của dạng nhà hình rùa thường cặp đôi với dạng nhà hình thuyền chim trên trống đồng.

Thời Đông Sơn, dạng nhà hình rùa đó là nhà dành cho nam giới… và chính là gốc của đình làng Việt, nhà rông Ba Na…Khác một số nhóm Gia Rai anh em, do ở gần người Ba Na nên cũng có nhà rông, người Ê Đê không có nhà rông và chỉ có nhà dài, nên họ đã đưa hình rùa lên chiếc cầu thang đực của nhà dài như một cách bảo tồn truyền thống Đông Sơn.

Hướng nhà Bắc-Nam

Theo truyền thống, nhà dài Ê Đê, cũng như nhà ở của người Chăm, Gia Rai luôn nằm theo hướng Bắc-Nam, tức đầu hướng về phía Bắc. Với người Ê Đê, hướng nhà đó giúp họ tránh được gió Đông Bắc lạnh lẽo vào mùa khô và gió Tây Nam nóng bức vào mùa mưa. Hướng nhà đó cũng làm cho hai bên sườn nhà dài được nắng chiếu nhiều và đều, làm cho nơi ngủ và đồ đạc khô ráo và ấm áp.

Bắc-Nam cũng được coi là hướng nhà của người sống, đối lập với Đông-Tây là hướng của nhà mồ - nhà người chết…

Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa nêu trên, hướng Bắc-Nam của nhà dài Ê Đê còn có ý nghĩa tâm linh khác. Với hướng đó, phần đầu nhà - đầu con thuyền luôn hướng về hướng Bắc, và đó chính là hướng của tổ tiên hay vùng đất tổ của họ. Quan niệm này cũng thấy ở người Chăm và người Gia Rai, hai tộc anh em cùng nguồn gốc với họ.

Ở người Chăm và Gia Rai, hướng Bắc là hướng của nghĩa địa - tức hướng của tổ tiên và quá khứ. Đó cũng là hướng nhìn của tượng nữ thần Po Inư Nagar - Thần Mẹ xứ sở hay Bà Tổ của người Chăm. Ở người Giarai, phần phía Bắc nhà được coi là phần gốc của ngôi nhà, phần của đàn bà, chủ các việc bếp núc, sinh đẻ, nuôi con cái mang họ mẹ. Và cửa phía Bắc chủ yếu dành cho phụ nữ để từ đó họ ra ngoài chăm nom mồ mả tổ tiên.

Tổ tiên chung của người Ê Đê, Gia Rai, Chăm đã đến từ vùng đất cội nguồn của văn hóa Đông Sơn. Giải mã nhà dài Ê Đê góp phần khẳng định điều đó.

Tạ Đức

.