Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - vị danh tướng bình dị
Ngày đầu tiên của năm mới 2024, buổi tọa đàm "Ký ức về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua những ấn phẩm mới" diễn ra vào đúng dịp kỉ niệm 110 năm ngày sinh của ông (1/1/1914 - 1/1/2024). Trong không gian ấm áp nơi Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội, những câu chuyện, những ký ức được tái hiện, nhắc nhớ về một vị tướng nông dân bình dị, một nhà chính trị tiêu biểu của cách mạng Việt Nam...
Lời khen của mẹ
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là nhà chính trị quân sự song toàn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng dù có là "ông tướng" chính trị, "ông tướng" nông dân hay "tướng" đối ngoại, "tướng" văn nghệ thì trong mắt của người mẹ mẫu mực, vị tướng ấy vẫn luôn là người con. Người mẹ ấy là cụ bà Trần Thị Thiển ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Sinh thời, cụ bà Trần Thị Thiển có dáng người nhỏ bé nhưng luôn dũng cảm đi đầu trong những cuộc đấu tranh chống sự bóc lột, bất công của địa chủ, cường hào. Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Vịnh (tên thật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự kiên cường của mẹ.
Khi Nguyễn Vịnh 13 tuổi thì cha mất, mẹ ở vậy nuôi đàn con 12 người trưởng thành... Các con lớn lên, mẹ Thiển lần lượt động viên, ủng hộ họ đi làm cách mạng. Ở nhà, mẹ hăng hái đấu tranh, tham gia biểu tình chống sưu thế. Một lần, mẹ cùng bà con lên huyện đường đấu tranh. Chính quyền thuộc Pháp điều binh lính ra đàn áp. Tên lính Pháp giương súng và hăm dọa, mẹ Thiển nắm chặt đầu nòng súng gạt ra và nói: "Thách mi bắn vào bà con đó". Súng nổ, viên đạn phạt ngang cắt cụt một ngón tay cái của mẹ. Sau này, khi mẹ ra Hà Nội sống với con trai khi đó đã mang quân hàm Đại tướng, một lần Bác Hồ đến thăm gia đình, thấy mẹ Thiển bị mất một ngón tay, Bác hỏi: "Sao thế mệ?". Mẹ kể lại chuyện năm xưa. Nghe xong, Bác lắc đầu: "Đúng là mẹ nào con ấy", rồi Người ôm lấy mẹ.
Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, mẹ Thiển từng bị giặc bắt, tra tấn, bắt phải khai ra các con trai đang hoạt động cách mạng ở đâu. Nhưng mẹ nhất quyết không khai, cắn răng chịu đòn thù. Sau hàng chục ngày không làm gì được mẹ, chúng đành thả mẹ về làng. Tướng Thanh có lần bị mẹ mắng, mặt buồn thiu. Mẹ bảo: "Thanh ơi, mi mần đến Đại tướng mà có mỗi một việc đưa mạ về thăm quê cũng không mần được". Lời trách cứ đó như một sự thúc giục, là "mệnh lệnh" đối với Đại tướng: Phải đánh Mỹ thì mới giải phóng được quê hương!
Năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xin vào miền Nam tìm phương án đánh Mỹ, phần vì bản tính ngoan cường, không chịu khuất phục kẻ thù hùng mạnh, một phần có lẽ vì ông luôn khắc cốt ghi tâm "mệnh lệnh" của mẹ. Đến năm 1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ và Trung ương. Về thăm nhà, gặp mẹ, mẹ chỉ nói một câu với con trai: "Khen mi đánh Mỹ giỏi". Người mẹ ấy khá "kiệm" lời khen con trai mình. Dù có trách mắng hay khen ngợi cũng đều nhìn vào nhiệm vụ của con với dân, với nước.
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào vào ngày 14 và 15/8/1945, Nguyễn Vịnh được tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Khi ấy ông tròn 31 tuổi. Đó cũng là lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ, được Bác hỏi chuyện về cuộc đấu tranh ở Bình - Trị - Thiên, khiến ông vô cùng hồi hộp và xúc động. Trong Hội nghị, ông Lê Đức Thọ lúc đó làm công tác tổ chức của Đảng đã giới thiệu Nguyễn Vịnh để Hội nghị bầu vào Trung ương. Khi Hội nghị sắp kết thúc, Ban Tổ chức công bố danh sách các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đứng cạnh ông Phạm Văn Đồng, nghe thấy đọc tên Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Vịnh bèn hỏi: "Nguyễn Chí Thành là ai đấy anh?". Ông Phạm Văn Đồng trả lời: "Là anh đấy. Chính Bác đã đặt cho anh cái tên mới để giữ bí mật và cũng có nhiều ý nghĩa". Nghe thấy thế, Nguyễn Vịnh báo cáo với ông Lê Đức Thọ và thưa với Bác, trong họ nhà mình có người tên Thành, theo phong tục Huế, kiêng lấy tên người tuổi lớn đặt cho người nhỏ tuổi hơn. Hơn nữa, trong số cán bộ ở Thừa Thiên Huế lúc đó cũng có người tên là Thành (Nguyễn Kim Thành - Tố Hữu), nên Nguyễn Vịnh sợ "phạm húy", xin Bác Hồ đặt lại tên cho ông là Thanh. Và cái tên Nguyễn Chí Thanh bắt đầu có từ đó.
Năm 1950, Nguyễn Chí Thanh trở thành Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 8/1959, ông được phong quân hàm Đại tướng. Bác Hồ là người từng đặt cho ông cái tên ý nghĩa. Cũng chính Bác đã trăn trở việc phong cấp quân hàm nào cho ông. Bác đã cho mời ông Văn Tiến Dũng và ông Lê Đức Thọ lên hỏi ý kiến. Ông Văn Tiến Dũng báo cáo với Bác rằng Nguyễn Chí Thanh xứng đáng được phong Đại tướng. Và Nguyễn Chí Thanh đã trở thành Đại tướng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người khác sao thì mình vậy
Khi đã là Đại tướng thì tướng Thanh vẫn quan tâm, gần gũi với mọi người; vẫn giản dị, hòa quyện với đời thường. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ từng kể lại câu chuyện "đôi giày của vị tướng" đầy xúc động. Chuyện là, bố của Tô Nhuận Vỹ là ông Tô Hoàng, người đồng hương và là bạn của ông Nguyễn Chí Thanh khi còn hoạt động bí mật ở Huế, rồi trở thành người lái xe thân cận cho Đại tướng cùng đi chiến khu Việt Bắc. Khi từ Việt Bắc về thủ đô, ông Tô Hoàng cùng con trai Tô Nhuận Vỹ ở với gia đình ông Thanh. Tô Nhuận Vỹ hồi đó từ Huế ra Hà Nội, không chịu được thời tiết ngoài Bắc quá lạnh. Bác Thanh biết điều đó nên cho Vỹ đôi giày đen của bác. Tô Nhuận Vỹ lúng túng nói rằng cho cháu rồi, bác lấy gì để đi cho đỡ rét. Bác Thanh nói không quen đi giày, vả lại bác và bà con Việt Bắc quen chịu rét rồi.
Một hôm cả nhà đang vui mừng biết tin ngày mai bác Thanh sẽ nhận quân hàm Đại tướng thì bác xuống phòng cha con Tô Nhuận Vỹ, hỏi nhỏ: "Đôi giày của cháu còn đi được không?". Nhìn đôi giày dưới gầm giường đã bắt đầu tẽ đôi mép, Vỹ chưa kịp thanh minh thì bác Thanh đã cầm đôi giày lên coi ngó, giọng băn khoăn: "Bác tính mượn để đi làm lễ sáng mai thôi, chừng hơn một giờ". Tô Nhuận Vỹ hoảng hốt thực sự: "Bác ơi, làm sao bác có thể đi đôi giày ni vào ngày mai?". Đúng lúc đó chú Duy - một người làm việc trong gia đình chạy xuống, cười: "Anh tính xem giày của cả nhà để mượn chắc? Anh ạ, bên hậu cần đã đưa sang quân phục, giày dép... đầy đủ cho cuộc lễ ngày mai". Lúc ấy, bác Thanh rầu rĩ: "Các cậu thì khi mô cũng phí phạm!".
Tướng Thanh khi được giao phụ trách Ban Công tác nông thôn Trung ương đã kiên trì "bám đội lội đồng", nhiều lần lội ruộng để cấy cùng dân. Một lần về công tác ở Quảng Bình, khi xe ôtô đi ngang qua cánh đồng, ông Thanh thấy các bà, các chị lấy dây gai căng hàng ngang dưới ruộng để cấy lúa. Ông dừng xe, bước xuống vệ đường, nói to: "Cấy thẳng hàng hè!". Các cô đáp lại: "Do có chăng dây gai nên mới thẳng thế đấy ạ!". "Vậy không có dây gai, liệu có thẳng hàng không? Hồi xưa ở quê tui người ta cấy lúa có dây đâu mà vẫn thẳng?", Đại tướng hỏi. Các cô đáp: "Cấy có chăng dây cho nhanh, thẳng mà năng suất cao. Ông ở trên thì biết gì".
Có bà nói thêm vào: "Ông giỏi thì xuống mà cấy". Ông Thanh xắn quần, lội xuống ruộng cấy thật. Các cô các bà vẫn căng dây, còn ông thì cấy không. Cuối cùng ông cấy chậm hơn, lại không thẳng hàng. Lên xe, ông nói với thư ký cùng người lái xe: "Ô, có cải tiến kỹ thuật vẫn hơn các chú ạ!". Thấy được hiệu quả năng suất của cấy lúa thẳng hàng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã lập tức phát động phong trào "Cấy lúa thẳng hàng, nâng cao năng suất" trên toàn miền Bắc.
Ở Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nổi bật tinh thần "người khác sao thì mình vậy", phải dựa vào sức của chính mình, không so sánh thiệt hơn. Tinh thần ấy được truyền cho các thành viên trong gia đình. Một lần, Cục Tổ chức cán bộ trình lên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh danh sách những người được đề bạt từ thượng úy lên đại úy, trong đó có bà Nguyễn Thị Cúc - phu nhân của Đại tướng, là một cán bộ làm công tác chính sách có năng lực và nhân hậu, theo mọi người nhận xét là rất xứng đáng được đề bạt. Nghe báo cáo xong, ông cười nói: "Đồng ý, trừ một người là cô Cúc. Cứ để lại, không vội gì. Không sao đâu! Tôi sẽ làm công tác tư tưởng cho cô ấy!".
Đi làm về, ông Thanh gọi bà Cúc lên gác, nói: "Hôm nay Cục Tổ chức đưa danh sách phong quân hàm đợt này cho anh duyệt. Anh đồng ý tất cả, chỉ trừ việc phong em lên đại úy. Anh gác lại để xem cụ thể công tác của em có tiến bộ hay không, đã đến niên hạn phong cấp thượng úy lên đại úy chưa. Nếu tiêu chuẩn, niên hạn chưa đến, công tác chưa tốt mà phong lên thì sẽ không có lợi, không gương mẫu. Chắc em đồng ý và không giận anh. Bởi vì chúng ta cần xem xét có phải vì nể nang mà Cục Tổ chức đề nghị phong hay không. Ý kiến em thế nào?". Bà Cúc cười nói gọn một câu: "Anh nghĩ sao thì Cúc nghĩ vậy. Chẳng sao đâu anh!".