Chuyện nghề của sĩ quan tiếp cận Tổng thống Putin

Thứ Bảy, 13/07/2024, 08:12

Trong hai ngày 19 - 20/6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, các hoạt động ngoại giao của người đứng đầu Điện Kremlin đã diễn ra liên tục trong khoảng 10 giờ đồng hồ.

Do đó, các phương án bảo vệ được Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tính toán kĩ càng và thực hiện nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

Thành công trong công tác bảo vệ Tổng thống Nga lần này tiếp tục khẳng định uy tín của lực lượng Cảnh vệ Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Trong đó, có sự đóng góp của sĩ quan bảo vệ tiếp cận chính cho Tổng thống Putin - Trung tá Phạm Văn Thắng, cán bộ Đội Bảo vệ khách quốc tế thuộc Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ.

Vinh quang lặng thầm

Phòng làm việc của Đội Bảo vệ khách quốc tế thuộc Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế khá rộng, mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi nhìn những chiếc tủ gỗ 2 buồng kê san sát nhau, Trung tá Thắng cười giải thích: “Chúng tôi có rất nhiều trang phục trong “nghề”. Từ lễ phục tiêu binh đến bộ vest lịch sự, từ quân phục đến áo sơ mi, từ thu đông qua xuân hè. Thế nên, mỗi sĩ quan cảnh vệ phải được trang bị một chiếc tủ to thế mới đựng đủ trang phục”.

2.jpg -0
Cảnh vệ Việt Nam triển khai lực lượng bảo vệ tại sân bay đón Tổng thống Putin.

Họ đều là những sĩ quan dày dạn kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho nguyên thủ các nước sang thăm và làm việc tại Việt Nam, trong đó có nguyên thủ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài việc tìm hiểu về văn hóa truyền thống mỗi quốc gia, sĩ quan tiếp cận còn phải chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về thói quen, tác phong, sở thích của đối tượng cảnh vệ. Từ đó có những biện pháp bảo vệ linh hoạt, sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn cho đối tượng cảnh vệ, vừa đáp ứng được các yêu cầu về nghi lễ ngoại giao. Và lần này, nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin cũng được họ nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao nhất.

“Tính đến nay, Tổng thống Putin đã 5 lần sang Việt Nam và đây là lần đầu tiên tôi bảo vệ tiếp cận chính cho Tổng thống. Trong chuyến thăm Việt Nam trước đó vào năm 2006 của Tổng thống Puttin, tôi được chọn bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Hạ viện Liên bang Nga – thành viên cấp cao trong đoàn”, Trung tá Thắng chia sẻ. Trước thời điểm Tổng thống Putin sang thăm Việt Nam lần này, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác phối hợp xây dựng phương án bảo vệ. Tầm quan trọng của sự kiện cũng được quán triệt tới toàn bộ cán bộ chiến sĩ.

 Là sĩ quan cảnh vệ dày dạn kinh nghiệm, hơn ai hết Trung tá Thắng ý thức được nhiệm vụ của mình khi đảm nhận vai trò tiếp cận chính của Tổng thống. Tất cả các khâu được chuẩn bị kĩ càng. Từng chi tiết nhỏ như vị trí xe của Tổng thống dừng; vị trí lên, xuống đón Tổng thống, quãng đường di chuyển… đều được lực lượng an ninh hai nước thống nhất và phối hợp thực hiện hiệu quả. Vì vậy, lực lượng an ninh nước bạn đặc biệt tôn trọng và dành sự tin tưởng tuyệt đối cho lực lượng Cảnh vệ Việt Nam.

“Khi đón Tổng thống Putin từ cầu thang máy bay ở sân bay Nội Bài, tôi mặc bộ vest. Nhưng khi tham gia lễ đón ông theo nghi lễ quốc gia ở Phủ Chủ tịch, tôi đã thay lễ phục trắng để đón ông từ khách sạn. Khi ông bước xuống cầu thang khách sạn, tôi giơ tay chào một cách trang nghiêm. Trong số rất nhiều người vây quanh, bằng sự quan sát tinh tế, ông nhận ra tôi là người bảo vệ ông. Ông gật đầu chào lại đầy thân thiện. Ở khoảng cách gần nhất, tôi thấy rõ được phong thái nhanh nhẹn, dứt khoát nhưng hết sức gần gũi và cởi mở của vị chính khách đặc biệt này”, Trung tá Thắng nhớ lại.

Xuất hiện bên cạnh yếu nhân trong những bộ veston lịch lãm, ngoài việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho khách, những sỹ quan bảo vệ tiếp cận còn mang đến cho các vị khách cảm nhận về một Việt Nam hoà bình, thân thiện và hiếu khách. Bởi thế, trước khi làm nhiệm vụ, sĩ quan cảnh vệ phải nghiên cứu về đặc điểm, thói quen, sở thích của người mà mình bảo vệ. “Đối với Tổng thống Putin, cần nắm rõ một thói quen rất đặc biệt. Trước khi ngồi vào trong xe, ông sẽ cởi áo vest, khi trên xe chỉ mặc áo sơ mi và khoác lại áo vest trước khi xuống xe. Bởi thế, khi thực hiện nhiệm vụ, tôi đặc biệt lưu ý đến thói quen đó để có biện pháp bảo vệ hợp lý. Vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm ảnh hưởng đến thói quen của Tổng thống", Trung tá Thắng chia sẻ.

Là đối tác truyền thống, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Putin, lực lượng Cảnh vệ hai nước đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả: “Giữa đám đông, chúng tôi vẫn nhận ra nhau. Không cần trao đổi với nhau nhiều, nhưng qua ánh mắt, cái gật đầu, chúng tôi rất hiểu nhau, dành cho nhau tình cảm quý mến”, Trung tá Thắng chia sẻ.

Noi gương người cha

Năm 1986, mới 20 tuổi, Phạm Văn Thắng về công tác tại Trung đoàn 375 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, được phân công đảm nhiệm vị trí tiêu binh trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác. Một cảm giác xúc động, thiêng liêng dâng trào khi vinh dự được cùng đồng đội canh giấc ngủ cho Người. Thời gian sau đó, anh được tuyển chọn vào đội hình đoàn môtô hộ tống. Để điều khiển được chiếc xe hộ tống nặng đến nửa tấn trong mọi điều kiện thời tiết, Trung tá Thắng không chỉ đáp ứng các điều kiện về chiều cao, cân nặng mà còn cần kĩ thuật lái xe tốt.

1.jpg -0
Trung tá Phạm Văn Thắng (thứ 3 từ trái sang) bảo vệ tiếp cận Nhật hoàng và phu nhân thăm Việt Nam năm 2017.

Tháng 8/2000, Trung tá Thắng chuyển sang Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt và khách quốc tế. Để có sự gắn bó với nhiệm vụ này trong suốt 20 năm qua, anh đã phải trải qua quá trình “rèn nghề” để “chín” dần. Anh và đồng đội thường xuyên phải trải qua các kỳ huấn luyện chuyên sâu về kỹ năng bảo vệ tiếp cận: từ huấn luyện võ thuật, bắn súng đến bơi lội, điền kinh và nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử; thường xuyên phải tự nghiên cứu, trang bị cho mình phông văn hóa đủ sâu và đủ rộng phục vụ yêu cầu công tác.

Những năm gần đây, mỗi năm, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn cho hàng nghìn cuộc, lượt hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cả trong và ngoài nước; hàng chục sự kiện đặc biệt quan trọng do Đảng, Nhà nước tổ chức và hàng trăm đoàn khách quốc tế có chế độ cảnh vệ sang thăm và làm việc tại Việt Nam. Bởi thế nhịp làm việc của sĩ quan cảnh vệ luôn khẩn trương, căng thẳng và áp lực. Song họ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ cho mình “một trái tim nóng, một cái đầu lạnh”, luôn tỉnh táo, phản ứng mau lẹ. Bởi họ gánh trên vai trọng trách nặng nề.

Gần 40 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có 20 năm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các đoàn khách quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam; Trung tá Phạm Văn Thắng vinh dự được trực tiếp bảo vệ tiếp cận nhiều nguyên thủ các nước như: nhà vua Brunei, nhà vua Campuchia, Nhật hoàng hay Thủ tướng Nhật Bản. Đặc biệt, tháng 9/2023, anh được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tin tưởng giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Tổng thống Mỹ Joe Biden… Mỗi kỳ cuộc bảo vệ đều đọng lại trong anh những kỷ niệm đáng nhớ.

Năm 2017, Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko sang thăm Việt Nam. Sau khi làm việc tại Hà Nội, Nhà vua và Hoàng hậu thăm cố đô Huế từ ngày 3 - 5/3/2017. Anh vinh dự cùng một đồng nghiệp nữ bảo vệ tiếp cận Nhà vua và Hoàng hậu trong chuyến thăm đầy ý nghĩa này; đây cũng là vị chính khách nhiều tuổi nhất mà anh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận đến thời điểm hiện tại.

“Nhật Hoàng là người lớn tuổi, phong thái tinh tế và tuyệt nhiên không muốn làm phiền đến ai. Vì vậy trong quá trình bảo vệ, tôi phải đặc biệt chú ý tính toán cẩn trọng khoảng cách di chuyển để phù hợp với văn hóa và phong cách hoàng cung, xong vẫn đảm bảo đúng quy trình công tác cảnh vệ, đảm bảo an toàn cho Nhật Hoàng”, anh kể.

Là một sĩ quan cảnh vệ giàu kinh nghiệm, anh Thắng đang truyền lại nghề cho lớp trẻ. Có những vất vả, hy sinh thầm lặng, nhưng nếu được chọn lại nghề, Trung tá Thắng vẫn chọn là một sĩ quan cảnh vệ.  Môi trường làm việc đặc thù rèn giũa con người anh trở nên tự tin, mềm dẻo và linh hoạt. Và có một điều trong sâu thẳm tâm can, anh luôn nghĩ rằng ở nơi xa, cha anh luôn dõi theo anh trong từng nhiệm vụ đặc biệt.

Cha anh là liệt sĩ Phạm Văn Ba, sinh năm 1943, hy sinh năm 1969 ở Quảng Nam. Mẹ ở vậy, vất vả nuôi anh khôn lớn. Anh không biết mặt cha, chỉ tưởng tượng về cha qua những câu chuyện của mẹ. Các chú các bác đều bảo anh giống bố, từ mái tóc đến dáng người cao lớn. Điều đó khiến anh vui và tự hào.

Bao năm nay, anh cất công đi tìm mộ cha mình nhưng vẫn chưa có kết quả. Không biết chính xác ngày cha hy sinh, nên cứ dịp 27/7 hàng năm, anh làm giỗ cúng cha. Ngày mẹ anh còn sống, vẫn luôn nhắc nhở anh phải cố gắng học hành, phấn đấu vươn lên, để noi theo tấm gương cha. Anh vẫn tin rằng cha luôn dõi theo anh và yên lòng khi con trai ông đang sống và làm nhiệm vụ đặc biệt và vinh quang. 

Huyền Châm - Hải Đường
.
.
.