Bình đẳng giới - vì tương lai bền vững

Thứ Bảy, 11/03/2023, 11:08

Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hằng năm thường được ghi nhớ như ngày kỷ niệm những đóng góp vô giá của một nửa nhân loại. Nhưng, ngày 8/3 cũng còn một ý nghĩa xa hơn thế. Đó là ngày nhắc nhở chúng ta cùng rà soát lại tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trên toàn cầu.

Tại sao bình đẳng giới quan trọng?

Tháng 9/2015, Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đã được Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Với 17 mục tiêu cụ thể cho tới năm 2030, đây trở thành bộ tiêu chí đầu tiên được công nhận trên toàn cầu để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong đó, sau những mục tiêu căn bản về giải quyết đói nghèo, sức khỏe và giáo dục, bình đẳng giới trở thành một trong những mục tiêu được chú ý nhiều nhất, bởi nó có liên quan đến tất cả những vấn đề xã hội khác. "Bình đẳng giới là nền tảng để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển bền vững và nó phải là trọng tâm của việc xây dựng thế giới tốt hơn”, đây là lời khẳng định của bà Maria-Francesca Spatolisano, Trợ lý Tổng thư ký tại Ban Kinh tế và Xã hội của LHQ (UNDESA).

Bình đẳng giới - vì tương lai bền vững -0
Bình đẳng giới trao cơ hội cho phụ nữ ở những nơi khó khăn nhất.

Theo LHQ, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng các cơ hội, quyền và nghĩa vụ như nhau trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Đây được coi là yếu tố cơ bản của quyền con người, nhưng thường bị đánh giá thấp do những yếu tố lịch sử, tôn giáo và văn hóa ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta. Tại Mỹ, các tổ chức xã hội phải mất hơn 70 năm (từ năm 1848 cho đến năm 1920) để đấu tranh và tạo cho phụ nữ một vài quyền cơ bản như: Quyền được bảo hộ, quyền bình đẳng, quyền bầu cử. Một số nhà hoạt động đã phải hy sinh tính mạng của mình trong những cuộc đấu tranh này. Nhưng, ở nhiều nước, trạng thái bất bình đẳng vẫn còn tiếp diễn.

Phụ nữ nói chung là những người bị loại trừ hoặc bị thiệt thòi trong quá trình ra quyết định và tiếp cận các nguồn lực kinh tế, xã hội. Do đó, một khía cạnh quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới là trao quyền cho phụ nữ, trong đó tập trung vào việc xác định và khắc phục sự mất cân bằng quyền lực. Theo LHQ, thúc đẩy bình đẳng giới nghĩa là trao cơ hội cho phụ nữ, giải phóng nguồn lực xã hội và cũng là giải phóng đàn ông khỏi những áp lực nặng nề vốn đè nặng do chính những quan niệm bất bình đẳng gây ra.

Tổng Thư ký LHQ, ông António Guterres từng kêu gọi: "Hãy ngừng cố gắng việc thay đổi phụ nữ, mà hãy bắt đầu thay đổi các hệ thống ngăn cản phụ nữ phát huy hết tiềm năng của họ”. Ông đặc biệt chỉ ra một thực tế là “chế độ gia trưởng cũng có tác động đến nam giới và trẻ em trai, khiến họ mắc kẹt trong những định kiến giới cứng nhắc và một sự thay đổi mang tính hệ thống là cực kỳ cần thiết”. Vai trò của bình đẳng giới từng được khẳng định trong Báo cáo thiên niên kỷ: "Để xã hội phát triển thịnh vượng, chúng ta cần sự tham gia của tất cả các giới ở mọi cấp độ và để điều đó xảy ra, tất cả các giới đều cần phải hiểu và gắn kết với nhau với sự công nhận và tôn trọng lẫn nhau".

Bình đẳng giới - vì tương lai bền vững -0
Thế giới cần nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới đến năm 2030.

Ngân hàng Thế giới (WB), dưới góc nhìn kinh tế cũng cho rằng: Không xã hội nào có thể phát triển bền vững nếu không chuyển đổi và tăng cường phân bổ cơ hội, nguồn lực. Việc làm của phụ nữ có thể là động lực chính của sự tăng trưởng toàn diện. Trung bình ở các quốc gia, GDP bình quân đầu người trong dài hạn sẽ cao hơn gần 20%, nếu khoảng cách việc làm theo giới được thu hẹp. Các nghiên cứu của WB ước tính: Lợi ích kinh tế có thể đạt 5-6 nghìn tỷ USD nếu phụ nữ bắt đầu và mở rộng quy mô kinh doanh với tỷ lệ tương tự nam giới. Trong bối cảnh nguy cơ lạm phát đình trệ gia tăng, khả năng xảy ra suy thoái ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia sẽ phải trả giá đắt nếu chỉ dựa vào khả năng của một nửa dân số. Giải quyết khoảng cách giới là một cơ hội để tăng thu nhập và kích thích tăng trưởng. Nhóm nghiên cứu của WB cũng cho rằng bình đẳng giới có thể đẩy nhanh tiến độ hướng tới các mục tiêu phát triển khác, bao gồm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và xung đột trên thế giới.

Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) cũng ủng hộ quan điểm này. Theo FAO, việc thu hẹp khoảng cách giới trong nông nghiệp bằng cách trao quyền quản lý tài nguyên và hỗ trợ sản xuất lương thực cho phụ nữ sẽ tạo nên những thay đổi lớn ở những nước đang gặp khó khăn. FAO ước tính sẽ có thêm 2,3 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp được bổ sung bằng cách thu hẹp khoảng cách này ở Nigeria. Còn ở Tanzania, nó sẽ giúp thêm 80.000 người được nuôi dưỡng đầy đủ mỗi năm.

Thử thách dai dẳng

Mặc dù vai trò của bình đẳng giới được xác nhận, nhưng bình đẳng giới vẫn đang trở thành mục tiêu khó đạt nhất trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững, khi thời hạn 2030 tới gần. COVID-19 và những biến động toàn cầu đã làm suy giảm triển vọng bình đẳng giới trong 3 năm qua. Theo Báo cáo tổng quan về giới năm 2022, bạo lực đối với phụ nữ đang tăng cao trở lại. Các cuộc khủng hoảng về sức khỏe, khí hậu và nhân đạo toàn cầu đã làm gia tăng thêm nguy cơ bạo lực, đặc biệt là đối với những phụ nữ và trẻ em gái ở những nơi dễ bị tổn thương nhất. Nghiên cứu ở 93 quốc gia cho thấy: Phụ nữ cảm thấy không an toàn so với trước đại dịch. Trong khi đó, sự đại diện của phụ nữ ở các vị trí quyền lực và ra quyết định vẫn dưới mức bình đẳng.

Theo Tổ chức Phụ nữ LHQ (UN Women), một bên tham gia công bố báo cáo, trong năm 2022, 12,5% số phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi 15-49 bị tấn công bạo lực tình dục hoặc thể xác. Bà Sima Bahous, Giám đốc Điều hành của UN Women cho biết: “Đây là điểm bùng phát đối với quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, khi chúng ta sắp đi được nửa chặng đường đến năm 2030". Lý do cho sự gia tăng này là bởi các nguồn lực vốn được dành cho công tác bình đẳng giới đã suy giảm. Tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí quản lý trên toàn thế giới lần đầu tiên không tăng từ năm 2020, sau khi đã tăng đều đặn từ 27,2 lên 28,3% trong giai đoạn 2015 đến 2019. UN Women khẳng định: Để đạt được mục tiêu chấm dứt nạn tảo hôn vào năm 2030, tiến độ phải nhanh hơn 17 lần so với thập kỷ trước. Trong khi thời gian để hoàn thành mục tiêu chỉ còn 7 năm, thực tế, với tốc độ thay đổi hiện nay, chúng ta có thể mất tới 286 năm để cải cách khung pháp lý nhằm thúc đẩy, thực thi và giám sát bình đẳng giới trong đời sống cộng đồng. UNDESA (Cơ quan LHQ về các vấn đề kinh tế và xã hội) cũng cho biết: Có một sự đảo ngược đáng lo ngại về giảm nghèo, khi giá cả tăng cao làm trầm trọng thêm tình hình. Vào cuối năm 2022, khoảng 383 triệu phụ nữ và trẻ em gái sống trong cảnh nghèo cùng cực so với 368 triệu nam giới và trẻ em trai trên toàn thế giới. Trong khi đó, những cuộc khủng hoảng chồng chất đã làm phụ nữ mất khoảng 800 tỷ USD thu nhập trong năm qua. Với 70% trong số 1,3 tỷ người sống trong cảnh nghèo đói trên thế giới là phụ nữ, phụ nữ dễ bị tổn thương hơn hẳn so với đàn ông trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. So với năm 2018, sự chênh lệch về số phụ nữ và nam giới trong vấn đề mất an ninh lương thực đã tăng 8,4 lần - theo ước tính của Tổ chức nhân đạo CARE-

Dù vậy, song bản báo cáo cũng bày tỏ sự ấn tượng với những thay đổi hiệu quả, mạnh mẽ mà phụ nữ đã tạo ra trong giai đoạn vừa qua. Họ đang tham gia vào các sáng kiến bền vững trên khắp thế giới. Sự tham gia và lãnh đạo của họ dẫn đến hành động khí hậu hiệu quả hơn. Cách đây 1 năm, trong thông điệp nhân ngày Ngày Quốc tế phụ nữ 2022, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong nỗ lực chấm dứt đại dịch COVID_19, đồng thời nhấn mạnh: “Những ý tưởng, sáng kiến, hành động và sự lãnh đạo của phụ nữ đang thay đổi thế giới trở nên tốt đẹp hơn”.

Các tổ chức quốc tế cũng đã đưa ra những giải pháp mới, như sáng kiến Tăng tốc bình đẳng của WB đang được giới thiệu hay chiến lược 2024 của UN Women tới đây với nhận thức "Bình đẳng giới là chìa khóa để xây dựng một thế giới hưng thịnh và phát triển bền vững trong tương lai". Chúng ta có quyền hy vọng: Công tác bình đẳng giới sẽ có những tiến bộ trong thời gian tới, để tạo đà cho thế giới hướng đến những mục tiêu cao và xa hơn, khi thời điểm 2030 gần kề.

Tử Uyên
.
.
.