Bí ẩn mật khu: Kho hàng "viện trợ"

Thứ Hai, 28/03/2022, 21:51

Đó là địa danh nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp tới cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở đó, nơi một thời trở thành lãnh địa của nhiều tổ chức cách mạng thuộc Tỉnh ủy Tây Ninh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, một số đơn vị tình báo chiến lược thuộc Đoàn tình báo J22, An ninh Sài Gòn - Gia Định…

Ở đó, từng hội ngộ nhiều vị chỉ huy tình báo vang bóng một thời: ông Trần Quốc Hương, ông Ba Trần (Tướng Trần Văn Danh, thời đó là Phó Tổng Tham mưu quân Giải phóng kiêm Trưởng ban tình báo B2); Tướng Nguyễn Đức Trí (Nguyễn Văn Khiêm) - Cụm trưởng tình báo A20… Vậy, mật khu ở đâu? Xin thưa, đó là Mật khu Bời Lời - một cánh rừng thuộc xã Đôn Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh), vùng chiến lược quan trọng - cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn.

Lực lượng chuyển về tuyến sau đã rời căn cứ được mấy hôm. Chúng tôi còn bám trụ Mật khu, chờ đơn vị bạn cuối cùng chuyển địa bàn. Những ngày đó, có thể nói là tương đối nhàn rỗi. Bởi, ngoài công tác chuyên môn, không phải lo cái việc xây dựng lán trại, hầm hào chiến đấu. Chiến trường vẫn căng nhưng cũng có ngày dãn. Ấy là những hôm địch tập trung đánh phá Củ Chi, Bình Dương...

Hôm ấy, cỡ 4 giờ chiều, bộ phận trinh sát báo êm. Cụm phó Năm Tuyến sang hầm tôi, gọi xuống:

- Ba Dương ơi! Êm rồi. Tranh thủ ra suối tắm đi, kẻo mai mốt về dưới đó chỉ có nước sông, nước rạch thôi.

Tôi vơ vội chiếc quần đùi, chiếc khăn tắm, vọt lên khỏi miệng hầm

- Sáng kiến hay đó. Cả tuần nay em quên cái khoản tắm rồi.

Ra tới bìa rừng, Năm Tuyến dừng chân, nhìn tôi, khẽ cười

- Còn sớm lắm. Chưa tắm vội. Ta tranh thủ đi từ giã các căn cứ dự bị, nơi đã chở che ta. Bữa nay, mở đầu, sẽ tới thăm địa chỉ mà đơn vị đã nhận "hàng viện trợ" nhiều nhất, tạo kho dự trữ thực phẩm của đơn vị.

Bí ẩn mật khu: Kho hàng
Một trận càn của quân Mỹ vào mật khu

Hai anh em lững thững cặp theo bìa rừng đi về phía đồi nông trường. Đó là địa điểm gần căn cứ 3 và 5, nơi xảy ra nhiều cuộc chống càn ác liệt của đơn vị. Nếu tính tổng thể hơn 7 năm bám trụ Mật khu, H67 đã phải đương đầu với 6 đơn vị chủ lực khét tiếng của địch. Lực lượng Mỹ: Sư đoàn 1 (anh cả đỏ), Sư đoàn 25 (Tia chớp nhiệt đới), Lữ đoàn 195 thiết giáp; Quân đội Sài Gòn: Sư đoàn 5, Sư đoàn 25, Trung đoàn Biệt động... Đứng ở đó, chúng tôi bao quát được toàn cảnh bên kia suối Cầu Cám. Nơi tập kết của quân Mỹ ở cấp tiểu đoàn vào ngày 24-4-1967 để tấn công Mật khu Bời Lời. Mờ sáng hôm ấy, tổ cảnh giới báo cáo với Cụm trưởng Bảy Vĩnh về dấu hiệu không bình thường, rất có thể bữa nay địch sẽ càn vào Bời Lời. Trầm ngâm giây lát, Cụm trưởng phán luôn:

- Thông báo toàn đơn vị, nhanh chóng chuyển về căn cứ 3. Nhớ mang theo đủ cơ số mìn các loại. Mỗi tổ nhận cơ số mìn định hướng DH10, DH5, Claymore mỗi thứ 1 trái. Mìn gài, mỗi tổ 10 trái. Địa điểm đặt trái đã được xác định. Nhắc các tổ, điều quan trọng cần lưu ý, ta nghi trang là lực lượng du kích chống càn. Không được sử dụng B40. Chủ yếu là mìn và lựu đạn. Nếu phải dùng súng, chỉ được bắn phát một. AK không được đặt nấc liên thanh.

Công tác bố phòng của 3 tổ phải xong trước khi "dàn hợp xướng" pháo, bom của địch phô diễn. Đọ sức với quân Mỹ nhiều trận, Cụm trưởng đã rút ra quy luật, ông tâm sự với lớp cán bộ trẻ: "Đánh bọn "công tử" này tuy phải hứng nhiều bom đạn nhưng "ngon" hơn đánh bọn lính Sài Gòn. Chúng thực hiện quy trình tác chiến rất chính quy. 8 giờ hành quân. 11 giờ nghỉ, ăn trưa. 13 giờ tiếp tục hành quân. 16 giờ rút ra bìa rừng, chờ đợi trực thăng tới rước về cứ điểm".

Quả như vậy, đúng 8 giờ, 3 trận địa pháo 105 ly từ Bến Cát, Đồng Dù, Bàu Chà Rầy đồng loạt câu tới Mật khu. Dứt pháo, tới máy bay. 4 chiếc phản lực cả tiêm kích, cường kích đua nhau nhào xuống trút bom. Khói lửa ngút trời phía sau căn cứ 1 và 4. Bọn phản lực bỏ đi, hàng bầy trực thăng nối đuôi nhau đổ quân xuống trảng cỏ bên kia suối Cầu Cám. Chỉ hơn chục phút sau, chúng đã vượt suối tiếp cận ven rừng. Trận địa rơi vào im lặng nặng nề. Bỗng tiếng mìn rổ phía tuyến phòng ngự cánh trái, kèm theo 2 tiếng lựu đạn nổ chát chúa, khói bụi mịt mù bao phủ những tiếng kêu la của tụi lính. Đạn địch như vãi trấu kéo dài cả nửa tiếng đồng hồ. Dứt tiếng súng, xuất hiện 2 chiếc trực thăng từ hướng sông Sài Gòn rà sát ngọn cây đáp xuống. Cụm trưởng khẽ cười, nói nhỏ với Hóa: "Ngon rồi! Tụi nó vô chở thương và lấy xác đó. Gần 11 giờ rồi, bọn này sẽ rút ra kiếm chỗ nghỉ ăn trưa bằng đồ Tây đồ hộp. Ta cũng tranh thủ ăn đồ ta cơm vắt muối mè, sẵn sàng chiều tiếp bọn nó".

Buổi chiều, địch thay đổi chiến thuật, tập trung vào tuyến giữa trực diện tổ 1 do Cụm trưởng phụ trách. Khi phát hiện thì đã có tới hơn chục tên lính lọt vào khoảng trống phía trước. Cụm trưởng ra ám hiệu cho Dẫn và Hóa. Ình... ình... 2 tiếng nổ long trời của trái DH10 và Claymore, kèm theo 2 phát súng trường từ công sự Cụm trưởng, khói bụi mù mịt bao phủ những tiếng rên la thảm thiết của tụi lính. Phản ứng kỳ này chậm hơn nhưng dai như bò tái. Dứt súng bộ binh, 2 chiếc "cá lẹp" (trực thăng chiến đấu có gắn hỏa tiễn) quần xiết nhiều vòng quanh trận địa. Mỗi lần chúng lao xuống là kéo theo hàng loạt tiếng cảo đùng... cảo đùng... của rốc-két.

Khi đám "cá lẹp" bay đi, là lúc 3 chiếc UH1 nối đuôi nhau hạ cánh làm nhiệm vụ chuyển thương. Lúc đó đã là 16 giờ 30 phút. Chiếc L19 xuất hiện, bắn một trái khói màu vàng xuống bên kia suối Cầu Cám. Cụm trưởng nói với 2 trinh sát: "Thông báo cho anh em địch đã cụm quân, ngày mai càn tiếp. Nhanh chóng kiểm tra, củng cố trận địa và thu chiến lợi phẩm, rút về căn cứ 3. Tổ Trung tuyến bám trận địa theo dõi diễn biến tình hình, khi chắc êm mới được rút". Chiến lợi phẩm quá nhiều. Lính Mỹ rất duy tâm, chúng chỉ chuyển thương, chuyển xác chết và vũ khí, còn bỏ lại hết, kể cả các suất ăn dự trữ cho ngày hôm sau. Lính ta phải thồ 2 chuyến mới đem được hết về căn cứ.

Năm Tuyến cùng 3 trinh sát ra tới bìa rừng, đúng lúc từ phía Trảng Sa, chiếc Chinook (máy bay trực thăng vận tải hạng nặng đa năng 2 động cơ cánh quạt) xuất hiện. Anh vỗ nhẹ vào vai Trọng: "Các cậu coi đi, đây là màn "mưa rào" đó". Tới điểm cụm quân, chiếc Chinook hạ độ cao, cách mặt đất chừng 5 mét thì dừng lại. Những chiếc roa dưới bụng nó phun nước xuống. Lũ lính trần như nhộng, như bầy ong vỡ tổ nhào tới chen chúc nhau dưới màn mưa. Khi nó cất cánh bay đi, chừng mười phút sau, vẫn giọng Năm Tuyến: "Chuẩn bị nghen! Sắp tới màn gọi là "tung hứng", đã lắm". 2 chiếc UH1 từ phía sông rà tới, đỗ xuống bãi cụm quân, cách nhau chừng 10 mét. Bọn "ong vỡ tổ" lại ùa ra, reo hò vây quanh 2 chiếc trực thăng. Khi cửa máy bay mở ra, phô sắc màu rực rỡ từ những chiếc mini juyp của bọn gái điếm. Một tên lính bước lên, bế từng đứa tung xuống như tung trái bóng cho bọn phía dưới tranh nhau đón lấy rồi chuyển tay nhau tản ra. Hết màn "tung hứng", mỗi chiếc trực thăng đón nhận hàng chục tên Mỹ bước lên. Năm Tuyến giải thích: "Đó là bọn sĩ quan, sẽ bay về hú hí ở Sài Gòn. Sớm mai, trước 8 giờ, bọn này sẽ bay trở lại, nhường chỗ cho bọn gái điếm. Giờ phải nhanh chóng rút về căn cứ kẻo đơn vị đang chờ". Nhác thấy tổ trinh sát bọc hậu về, nhìn gương mặt tươi tỉnh của anh em, Cụm trưởng cười sảng khoái: "Tất cả vô bàn. Bữa nay nhà bếp không đỏ lửa, ta dùng đồ "viện trợ".

Mỗi người một suất". Ông chỉ vào những mô đồ hộp xếp trên chiếc bàn ghép bằng cây rừng. Mỗi suất có rất nhiều món. Bánh mỳ hộp, patê, sữa bột, đường, hộp thịt bò 3 khoanh, hộp thịt heo hầm, hộp nho khô, ca phê Nes, rượu whisky (chai nhỏ dung tích cỡ 50ml), thuốc lá Malboro hoặc Lucky... Lính ta trố mắt nhìn. Trinh sát Cảnh bỗng thốt lên: "Tổ cha thằng Mỹ! Đi đánh nhau mà dùng đồ sang thế!". Cụm trưởng động viên anh em: "Ráng ăn hết suất để lấy sức ngày mai chọi nhau với chúng".

*

*     *

7 giờ sáng ngày 25, trận địa phòng thủ của đơn vị đã được củng cố xong. Theo kịch bản cũ, lại pháo cấp tập, tới bom. Đúng 8 giờ, bọn lính vượt suối Cầu Cám. Trước khi tiếp cận ven rừng, chúng thị uy bằng súng bộ binh đủ các loại, trọng tâm là đại liên. Tuyến phòng ngự như cũ, mỗi nơi tăng cường thêm 2 trái DH10. Trái đầu đạn 105 ly bố trí ở cánh trái - hướng trọng điểm - theo phán đoán của Cụm trưởng.

Gần nửa giờ im lặng sau cái "màn hợp xướng" âm thanh, bỗng một tiếng nổ phát ra từ hướng phòng ngự cánh phải nhưng không thấy địch phản ứng gì. Chừng mấy phút sau, 2 tiếng nổ long trời của trái mìn DH10 và trái đầu đạn 105 từ tuyến phòng ngự cánh trái. Khói bụi mịt mù bao trùm những tiếng kêu thảm thiết. Đạn địch nổ như bắp rang từ tuyến giữa sang cánh phải yểm trợ cho cánh trái vào chuyển thương. Buổi chiều, địch thay đổi quy luật, chúng rút ra ém sát bờ suối, thị uy bằng pháo binh. Dứt 3 loạt pháo, 2 chiếc trực thăng "cá lẹp" xuất hiện. Chúng quần thảo nhiều vòng. Có lúc hạ sát tới ngọn cây. Khi chúng cất cánh bay đi, Dẫn vọt lên ngụy trang lại công sự.

Bỗng một loạt AR15 nổ ngay phía trước, cách Dẫn chừng 20 mét, anh thấy nhói bên ngực trái, lăn vội xuống giao thông hào. Đoàng! Tiếng súng trường nổ phía công sự Cụm trưởng. Tên lính vừa bắn Dẫn nhảy dựng lên rồi đổ xuống phía trước. Hóa nhảy sang chỗ Dẫn, dìu anh về nhà hầm giao cho y tá Dũng sơ cứu, chuyển vào địa đạo. Gần 3 giờ chiều, chiếc L19 xuất hiện, lượn một vòng rồi hạ độ cao, bắn một trái khói màu xuống bãi trống gần phía Trảng Sa.

Chừng 15 phút sau, từng đàn trực thăng từ phía sông Sài Gòn nối đuôi nhau bay tới hạ cánh. Cùng lúc đó, hai trinh sát từ cánh phải theo giao thông hào sang chi viện. Cụm trưởng phán luôn: "Tụi nó rút quân đó. Hai cậu, một người sang tổ 2, một người trở về báo anh em bám bìa rừng theo dõi. Khi địch rút hết, nhanh chóng trở về thu dọn trận địa. Nhớ đảm bảo an toàn. Huy động tất cả anh em ra thu chiến lợi phẩm. Có bao nhiêu thùng đạn đại liên đem về hết".

Nhìn số chiến lợi phẩm thu về, Cụm trưởng khẽ cười: "Suất ăn này là bữa trưa mai của tụi nó. Vì là lực lượng chính quy hiên đại lại chỉ đọ sức với "mấy tên du kích Việt Cộng" không đáng để kéo dài nên chúng rút sớm một ngày để "nhường" suất ăn cho chúng ta. Bếp Hoàng Cầm bị trúng pháo rồi. Bữa nay ta ăn tạm đồ Tây vậy".

Pháo tay và tiếng reo hò nổi lên. Cụm trưởng tiếp lời: "Số đồ hộp còn lại đóng vào các thùng đại liên, phân tán tất cả các căn cứ đều có "kho hàng viện trợ" dự trữ".

Bữa ăn tối cũng là cuộc liên hoan mừng chiến thắng kéo dài tới khuya hôm ấy.

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ
.
.
.