“Anh đi ghe cá trảng lườn”

Thứ Sáu, 27/10/2023, 09:27

Anh đi ghe cá trảng lườn

Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em

Với từ vườn, hẳn nhiều người nhớ đến câu nói “Cây nhà lá vườn”, theo ông Huình Tịnh Paulus Của ấy là “Tiếng nài chủ vườn cho thêm”, chi tiết này thú vị ở chỗ là người miền Nam xưa có lối ăn nói thanh nhã, kín đáo khi xin thêm vật gì mà chủ nhà có sẵn do tự làm ra, không phải mua từ bên ngoài. Nếu chọn lấy câu thơ có thể khái quát được hình ảnh nhà cửa ở thôn quê ngày trước, tôi xin chọn lấy:

Ao sâu nước cả khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.

Hầu như nhà vườn nào ở nông thôn Việt Nam cũng có ao, vườn rau, cây xanh, nuôi gia cầm. Khi nhà thơ Nguyễn Trãi viết:

Dễ hay ruột bể sâu cạn,

Khôn biết lòng người vắn dài.

Dễ trái nghĩa với khó, “dễ hay” lại là không dễ hay/ không dễ biết; khôn trong trường hợp này cũng như “khôn chài cá” ở câu thơ của Nguyễn Khuyến lại là “khó có thể”. Ấy thế, dù gà khó đuổi nhất là rào thưa nhưng ở đời lại có kẻ “Ăn cơm nhà đuổi gà hàng xóm”, xét ra tương tự với câu “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng/ Ăn cơm nhà vác ngà voi” - ý nói tốn công tốn sức, nai lưng è cổ gánh việc thiên hạ mà chẳng được trả công. Công ấy đích thị công cốc.

Thế nhưng tại sao lại gọi “công cốc”?

“Anh đi ghe cá trảng lườn” -0
Ghe thuyền di chuyển trên sông nước miền Nam thời xưa (ảnh tư liệu)

Thành ngữ Việt Nam có câu "Công như công cốc". “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: "Công cốc: Công sức bỏ ra vất vả khó nhọc nhưng bản thân người làm không được hưởng hoặc không đem lại kết quả: Tốn tiền của, thời gian mà rốt cuộc là công cốc". Tuy nhiên, tại sao công lại đi chung với cốc? Với từ công, ai cũng hiểu là công sức, công lao, công việc… Vậy cốc có nghĩa là gì? Sở dĩ đặt ra câu hỏi này vì ta biết rằng có những từ đôi, cả hai từ đều có nghĩa nhưng trải theo năm tháng, nghĩa của từ thứ hai đã phai đi, do đó khó có thể giải thích rõ ràng, chẳng hạn: chùa chiền, chợ búa, gà qué, khóc lóc, la lối… Do đó, tìm hiểu cốc là cần thiết để hiểu rõ vai trò của sự kết hợp này.

Đôi khi, cũng là công cốc nhưng còn tùy ngữ cảnh nữa, không thể áp dụng theo định nghĩa vừa nêu. Thí dụ, trong phóng sự "Nghệ thuật băm thịt gà", nhà văn Ngô Tất Tố viết: "Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt (…). Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra" (Việc làng và các tập phóng sự - NXB Văn hóa Thông tin - 2008, tr.37). Ở đây ta hiểu công cốc lại nhằm chỉ động tác/thao tác tạo ra âm thanh. Nghĩa này hầu như từ điển không ghi nhận, nếu có chỉ là "cốc cốc" ngầm hiểu mô phỏng theo: "Tiếng mõ kêu: Gõ mõ cốc cốc". Nghĩa rộng là gõ kêu như mõ gọi là cốc: "cốc đầu" - theo “Việt Nam tự điển” (1931). Thú vị ở động tác "cốc đầu", người miền Trung dùng từ "cú/ cú đầu", người Nam còn dùng từ "ký/ ký đầu". Ngoài ra, cốc còn có nhiều nghĩa nữa nhưng tôi không nêu ra, vì không liên quan gì đến cốc/công cốc mà “Đại từ điển tiếng Việt” đã giải thích.

Vậy cốc nghĩa là gì? Trước khi trả lời, ta hãy đọc lại câu ca dao:

Cồng cộc bắt cá dưới sông

Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ

Cồng cộc là tên gọi khác của cốc/ chim cốc. “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Y học - 1998) của Võ Văn Chi miêu tả: "Chim cỡ khá lớn với thân hình trứng và cổ dài. Mỏ có kích thước trung bình, thuôn tròn nhưng chóp mỏ hơi phình to hơn và có móng con, sắc…". Cốc sống ở ao hồ lớn, sông, cửa sông; ăn cá, tôm, ếch, nhái, đôi khi cả côn trùng… Sở dĩ cốc kết hợp với công/ công cốc là vì bao đời nay bà con nông dân đã nuôi cốc, huấn luyện cốc để phục vụ mình: "Người ta đeo một vòng mây hay sừng vừa khít cổ cốc, xong thả cho nó đi mò cá. Khi được cá thì cốc không thể nuốt vào cổ, mà để chủ gỡ ra một cách dễ dàng" (tr. 124).

Thế thì bao nhiêu công sức của con cốc đã làm đều bị chủ tước đoạt, vì thế tục ngữ còn có câu "Cốc mò cò xơi". Cò hiểu theo nghĩa bóng chính là ngư ông, là người nuôi cốc. Cái sự công cốc này còn có từ tương đương "công toi" mà “Từ điển tiếng Việt” (1977) do Văn Tân chủ biên đã ghi nhận. Toi có nghĩa là chết/ chết toi, là chết vì dịch bệnh truyền nhiễm nào đó nên mới có từ “mắc toi”, khi nói gia súc như trâu toi, bò toi là hiểu theo nghĩa này. Nhân đây cũng xin nhấn mạnh ở trong Nam còn có… “cái toi”, tức “cái rộng/ cái đụt” mà “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: “Đụt: Đồ đan bằng tre, thon hai đầu, dùng đặt tiếp vào lưới đáy để chứa tôm cá”. Rõ ràng cùng một vật dụng nhưng tên gọi có khác nhau, tùy vùng miền.          

Thí dụ, khi người bạn Nguyễn Khuyến lặn lội từ xa, nhọc công vượt núi trèo đèo đến thăm cụ, những mong say tít cung thang bởi “khách đến nhà không gà thì vịt” nhưng tận mắt chứng kiến:

Ao sâu nước cả khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.

Liệu có là công cốc? Không đâu. Dẫu không gà, cá, kể cả “cà mới nụ”, “bầu vừa rụng rốn”, “mướp đương hoa”, “trầu không có” nhưng không sao cả. Ở đây, còn có một thứ lớn hơn nữa, chính là tình bạn. Tấm lòng của bạn dành cho bạn: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Giữa “bác và ta” đã là một, đã cùng một từ “ta”, bạn là ta mà ta cũng là bạn, không có sự phân biệt chủ và khách. Ý nghĩa của bài thơ, theo tôi là chỗ đó, tình bạn dành cho nhau “ta với ta”, chứ nào phải bày biện gà qué, bia bọt bù khú, “xả láng sáng về sớm” theo thói thường. Nghĩ như thế, để thấy rõ hơn nữa sự thanh bần an lạc của một bậc túc nho như cụ Yên Đổ. Khi khách đến thăm nhà bạn, đã đặt chân đến nhà/ vườn như thăm nhà cụ Yên Đổ, còn có trường hợp:

Anh đi ghe cá trảng lườn

Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em.

 Vậy, khi chàng trai từ Gia Định “xuống vườn” là cũng đến tận cái vườn của cô này? Hiểu như thế không sai nhưng từ vườn ở đây không chỉ có thế, cần phải hiểu theo nghĩa rộng hơn, vườn trong câu ca dao này nói tắt của từ “miệt vườn” ở trong Nam. Nhà văn Sơn Nam giải thích: “Miệt vườn, gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam, vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ. Miệt vườn tiêu biểu cho hình thức sanh hoạt vật chất và cao nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta đã nghe những danh từ: về vườn, gái vườn, công tử vườn, điếm vườn, bắp vườn, nhà vườn” (Văn minh miệt vườn, NXB Văn Hóa - 1992, tr.17). Nhờ hiểu như thế, khi đọc Sài Gòn tạp pín lù (NXB Hội Nhà văn - 1990) ta mới hiểu rõ từ vườn qua câu nói của một người trong đó nhận xét: “Nói chí đáng, mụ này tuy dữ, nhưng cũng gốc ở vườn mới lên nên không dám ỷ thị cho lắm” (tr.41). “Ở vườn”, nói chung  là ở một trong những vùng đất mà nhà văn Sơn Nam đã nêu ra.

Như vậy, anh chàng “đi ghe cá trảng lườn” là đi từ vùng đất này đến một vùng đất khác, chứ không phải đi “xuống vườn” thuộc địa phận tỉnh Gia Định. Nói tắt của từ “miệt vườn”, còn có:

Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.

Câu ca dao trên cho thấy chẳng người mẹ nào muốn con gái mình gá duyên ở nơi xa xăm, đồng không mông quạnh, chó ăn đá gà ăn sỏi mà vẫn luôn mong ước được gả con “về vườn/ về miệt vườn” cho ấm thân. Tại sao? Nhà văn Sơn Nam cho biết: “Miệt vườn là nơi trù phú. Gái miệt vườn giỏi về nữ công gia chánh, nhìn nhận rằng chỉ có trai Gia Định mới xứng đáng làm người yêu:

Ghe ai đỏ mũi xanh lườn

Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em (SĐD , tr. 19-20)”.

Cùng một nội dung nhưng ta đã thấy khác nhau đôi chữ, quan sát kỹ, ta thấy từ “lườn” vẫn giữ lại. Xin hỏi hỏi lườn nghĩa là gì? Có liên quan gì đến lườn hiểu theo nghĩa: “Phần thịt nạc ở hai bên ngực, thường nói về loài chim, loài cá: Lườn cá, lườn gà, mặc áo hở lườn” - theo “Việt Nam tự điển” (1931); “Phần cơ hai bên hông hoặc hai bên cột sống người và động vật: ăn lườn cá” - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999)? Với quan niệm của người Việt xưa:

Đàn ông đóng khố đuôi lươn

Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.

Nhưng lườn, với người miền Nam cũng còn có nghĩa là trườn - nhoi lên, bò sát bụng, nằm sấp mà lết tới. Ta hãy xem “Đại Nam quấc âm tự vị”  (1895) giải thích về từ lườn: “Trườn, bò; lòng máng dài, nguyên cây dài mà mổ lòng máng; cái ruột cá. Lườn ghe: Lòng chiếc ghe; ghe mình lườn: Ghe trỗ luôn một khúc gỗ dài; lườn cá mòi: Ruột cá mòi, cái bao trong bụng cá mòi; rắn lườn: rắn trườn”. Qua đây, ta thấy trong Nam đã có cách hiểu khác với vùng miền khác về từ lườn. Lườn còn là tên gọi của loại ghe/ ghe lườn: “Ghe nhỏ mà dải, nguyên một khúc cây mổ ra, giống cái lườn ghe khác, cũng kêu là độc mộc thuyền” - tự vị này cho biết. Trở lại với câu ca dao:

Anh đi ghe cá trảng lườn

Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em.

Chúng ta đã hiểu rõ nghĩa rồi chăng? Chưa đâu, vẫn còn một thắc mắc nữa là “trảng”, tại sao lại xuất hiện trong ngữ cảnh này? Vô lý quá, bởi “Trảng: Trống trải, bẳng phẳng, không bị che khuất: Đứng trảng một mình; lựa chỗ trảng trồng cây mới tốt. Khoảng đất chỉ có một thứ cây hay một vật khác giữa rừng rậm: Trảng Bàng, Trảng Bom” - theo “Việt Nam tự điển” (1970).

Từ trảng này, có lẽ nhiều người ngạc nhiên khi biết còn sử dụng trong nghề ăn ong ở rừng U Minh (Cà Mau). Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 27/5/2023 có đăng bài “Bí quyết chọn trảng, gác kèo” của nhà báo Sơn Lâm - Khắc Tâm, tôi thật sự ngạc nhiên một cách hào hứng khi tiếp nhận thông tin giải thích về từ trảng: “Trảng là cái khoảng trống để gác kèo. Người thợ biết ăn ong, khi lội rừng mà gặp một trảng êm là sướng dữ thần, bỏ hết mục đích ban đầu để kiếm kèo mà gác. Trảng êm, gác đúng trong mùa bông tràm thì có khi vừa gác xong đã thấy ong dò đường bay về".

Vậy, ta hiểu thế nào về từ “trảng/ anh đi ghe cá trảng lườn”? Trảng trong ngữ cảnh này, từ danh từ đã hoán đổi qua tính từ nhằm chỉ vật dụng: “Trẹt, bằng phẳng. Ghe trảng lòng” - “Phương ngữ Nam Bộ” (2015) của Bùi Thanh Kiên giải thích. Như ta biết ngày xưa, loại ghe lườn là “nguyên cây dài mà mổ lòng máng”, vậy “lòng máng” có thể sâu hay trảng/ trẹt/ cạn tùy mục đích sử dụng; ở đây trảng lòng và hình thức bề ngoài của lườn đã được “o bế” bằng phẳng, đẹp mắt. Chọn lấy ghe lườn cỡ này mới bảnh, mới oách bởi mình từ chốn thị thiềng đô hội về miệt vườn, không phải đi buôn cá mà chính là “thăm em”.

Thiết nghĩ, một khi đi tìm hiểu ý nghĩa lời ăn tiếng nói của ông bà mình thể hiện trong ca dao, tục ngữ dù bất kỳ vùng miền nào cũng là điều không dễ dàng. Một khi chúng ta có ý thức tìm về dấu vết văn hóa ngàn năm của người Việt, có thể nhìn từ kiến trúc miếu mạo. đình chùa, từ những di tích còn sót lại, từ thư tịch v.v… thì còn tìm thấy trong “văn chương bình dân” lưu truyền từ đời này qua đời khác, có thể chỉ truyền miệng nhưng đó chính là vẻ đẹp của những “viên ngọc” còn tồn tại muôn đời trong tâm thức dân gian mà sóng gió thời gian không thể che mờ, không thể xóa bỏ…

Lê Minh Quốc
.
.
.