Trương Vĩnh Ký: Người thầy, nhà văn hóa lớn của dân tộc

Chủ Nhật, 03/01/2016, 16:01
Nghĩ về cuộc đời Trương Vĩnh Ký trên bình diện văn hóa giáo dục, ta thấy ông là tấm gương lao động học tập và sáng tạo mẫu mực. Từ thuở lên năm đến lúc sắp qua đời, hầu như không lúc nào Trương Vĩnh Ký ngừng học tập. 

Có không ít giai thoại mang tính huyền thoại về tinh thần học tập của Trương Vĩnh Ký ở Phnom Pênh và ở Pênang. Chú thiếu niên này học các môn khoa học cơ bản, học triết học, thần học và đặc biệt là học ngoại ngữ. Chú học thầy, học bạn bè quốc tế như Miên, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu. Tất nhiên Trương có sự thông minh thiên phú hiếm thấy, nhưng chủ yếu và trước hết là do tinh thần chịu thương chịu khó, cần cù nhẫn nại. Vì vậy, chỉ riêng lĩnh vực ngôn ngữ, nhà trí thức này đã có được thành quả tuyệt vời: có thể đọc, nói, viết 15 ngôn ngữ phương Tây, 11 ngôn ngữ phương Đông, trong đó có nhiều ngôn ngữ ông đã đạt mức rất tinh thông.

Trương Vĩnh Ký không chỉ học qua sách vở mà còn rất coi trọng học trong cuộc sống. Một chuyến đi tám tháng sang Pháp, đối với ông là một khóa học vô giá. Hồi đó, làm xong phận sự sứ giả, Phan Thanh Giản đã cho sứ đoàn làm cuộc châu du. Nhờ đó Trương Vĩnh Ký biết sâu nội lực muôn vẻ của văn hóa Pháp, văn hóa Tây Ban Nha, văn hóa Ý...

Cũng nên lưu ý đến một khía cạnh quan trọng: đi đâu, học gì Trương Vĩnh Ký đều như xác lập cho mình chỗ đứng, cách nhìn và nội dung cần học hỏi, phương pháp để ghi chép. Giờ đây đọc lại hơn 50 trang in cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876), ta có thể rút ra nhiều nhận xét lý thú về những phương diện khác nhau của khoa học xã hội và nhân văn. Điều dễ thấy: Trương Vĩnh Ký ghi chép tỉ mỉ, cụ thể. Thoạt xem thấy có vẻ tản mạn, nhưng thực ra các chi tiết, dữ liệu được sắp xếp có hệ thống, giúp ta hiểu được con người và những mặt bản chất nhất của tình hình miền Bắc nước ta thời đó.

Tượng nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Tấm gương lao động mẫu mực ấy còn thể hiện qua một phương diện khác: ông viết không ngưng nghỉ và quan tâm đến nhiều lĩnh vực khoa học quan trọng. Sự nghiệp trước tác của Trương Vĩnh Ký bắt đầu từ năm 1863, lúc 26 tuổi và chỉ rời cây bút lúc qua đời. Sự cần mẫn chăm chỉ và hàng loạt những thành quả khoa học sáng giá đã đem lại cho ông nhiều danh vị cao quý. 

Trương Vĩnh Ký được mời làm hội viên các Hội nhân chủng học và khoa học miền Tây nước Pháp, Hội chuyên khảo văn hóa Á châu, Hội chuyên học Địa lý ở Paris, Hội nhân văn và khoa học… Năm 1874, ông được phong Giáo sư ngôn ngữ Á Đông, và như trên đã nói, ông được xếp vào bảng 18 nhà bác học thế giới.

Nhưng quan trọng hơn những danh vọng cá nhân ấy, nhà học giả đáng kính này đã để lại cho kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại 118 tác phẩm cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp. Nhiều cuốn đã in typo, thạch bản. Nhiều cuốn còn ở dạng chép tay, hiện lưu trữ tại nhiều nơi: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Paris, Rome, Vatican. Gần đây, có dịp đến kho sách khổng lồ của Trung tâm lưu trữ Pháp quốc hải ngoại ở thành phố Aix en Provence  (cách Maseille hơn 20km), tôi ngạc nhiên vì thấy ở đó còn giữ được một số bản thảo viết tay của Trương Vĩnh Ký.

Tác phẩm của ông có cái ngắn, có tập dày; có cuốn đơn giản phổ thông, dễ quảng bá, có công trình uyên bác, cao cấp. Ông viết đủ loại ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, pháp luật, dân tộc học, kinh tế, chính trị, sinh học, văn học v.v… Trong giai đoạn bắt đầu duy tâm, vai trò của những nhà bách khoa như thế rất quan trọng và những tác phẩm đa dạng như thế có tác dụng xã hội lớn lao. Nó giúp cho đồng bào ta vượt qua vòng kiềm tỏa u minh của lối sống phong bế, mở mang sự hiểu biết thiên nhiên, hiểu biết con người. 

Xin được ghi lại một nhận xét của học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố: “Khi lướt qua danh mục những tác phẩm của Pétrus Ký, những tác phẩm này khiến người ta phải ngạc nhiên và gần như khiếp đảm bởi số lượng và tính đa dạng của chúng” (Bulletin de l’Enseignement mutuel du Tonkin tập 17-Tháng 1/6/1937). Một lời bình luận thật xác đáng:

Để hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa xã hội rất to lớn của những đóng góp ấy, ta cần phải lưu ý đến đặc điểm tình hình xã hội nước ta vào nửa cuối thế kỉ XIX. Sau mười thế kỉ chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng, văn hóa Trung Hoa cổ đại, giờ đây đặt cạnh nền văn hóa tư bản chủ nghĩa phương Tây, nền văn hóa phong kiến đã bộc lộ sự cổ lỗ, lạc hậu trên nhiều phương diện.

Muốn giành lại độc lập, ta phải đánh đuổi giặc nước. Muốn tạo điều kiện để giành độc lập và làm nền tảng cho công cuộc giữ độc lập, ta phải mở mang dân trí, phải hội nhập với thế giới, hòa vào dòng chảy của sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa, khoa học, kỹ thuật.

Ở nước ta, công cuộc canh tân chỉ thực sự bắt đầu từ đầu thế kỉ XX với những nỗ lực rất đáng kính trọng của những nhà trí thức yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can… Và với sự xuất hiện ngày càng đông của tầng lớp trí thức tân học trẻ. Nhưng ngay từ những năm 60 của thế kỉ XIX trở đi, Trương Vĩnh Ký đã là người đi tiên phong trong việc chuẩn bị cho sự nghiệp duy tân đó. Học giả họ Trương đã chuẩn bị trên những lĩnh vực khác nhau.

Ông quan tâm đến việc bước đầu hoàn thiện và phổ biến chữ quốc ngữ-một món hàng “ngoại nhập”. Chúng ta ngày càng cảm nhận sâu sắc đó là quà tặng vô giá “trời cho”, mà dân tộc ta đã nhận được một cách tình cờ. Cùng với các học trò xuất sắc của mình, Trương Vĩnh Ký với tư cách giáo sư, sau đó là hiệu trưởng Trường Thông ngôn và Trường Sư phạm Sài Gòn, đã đưa chữ quốc ngữ thoát khỏi bốn bức tường kín của tu viện và đặt nó giữa lòng cuộc sống, trước hết là trong trường học. Đến với trường học có nghĩa là đến với tuổi trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.

Bút tích của Giáo sư Trần Văn Giàu.

Để canh tân, Trương Vĩnh Ký rất chú ý đến việc viết và xuất bản sách. Nhìn lại hệ thống sách của ông, ta thấy rất rõ mấy dụng tâm lớn. Một là, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Chính vì thế Trương Vĩnh Ký sưu tầm truyện dân gian, phiên ra quốc ngữ Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, và thật là đặc biệt, cả Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Hai là, ông xây dựng hệ thống từ điển phổ thông chuyên dụng như Từ điển Pháp Việt, Từ điển địa lý An Nam, Từ điển danh nhân An Nam.

Ba là, ông viết những cuốn sách có tính chất giáo khoa về lịch sử, địa lý, sinh học, ngôn ngữ v.v… Có thể nói, ông là người đầu tiên giới thiệu với thế giới, nhất là thế giới phương Tây đất nước, con người và tinh hoa văn hóa Việt. Như thế, ông đã góp phần khai sáng bộ môn Việt Nam học.

Để canh tân, Trương Vĩnh Ký cũng đặc biệt chú ý tới việc dạy học. Như trên đã nói, ông đã góp phần đào tạo hàng ngàn trí thức tân học trẻ. Đây là vốn rất quý để đến đầu thế kỷ XX, họ sẽ là lực lượng đông đảo biến những động tác mang tính khởi động tạo đà của người thầy lớn thành những hoạt động duy tân, cải cách sâu rộng, mạnh mẽ.

Tính đến nay Trương Vĩnh Ký đã đi về với thế giới người hiền hơn một trăm năm. Nhiều thế hệ đã lắng lòng lại trước “cuốn sổ bình sanh công với tội” của ông. Chúng ta kính trọng ông-một nhà bác học, một nhà giáo dục, một nhà văn hóa lớn vừa có nhân cách vừa có chân tài. Tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), nơi ông sống gần trọn cuộc đời, giờ đây có đường phố và trường học mang tên ông.

Cách đây đã lâu, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai lúc đó nhận lời làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký có cho tôi xem một bức thư tay của Giáo sư Trần Văn Giàu, viết ngày 23/9/2002. Dịp đó Trường Trương Vĩnh Ký tổ chức khai giảng, Giáo sư Hiệu trưởng có mời Giáo sư Trần Văn Giàu- nguyên Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ hồi tháng 8/1945 đến dự. Để thể hiện niềm vui khi nhận lời, thầy Giàu có viết cho thầy Mai một lá thư ngắn. Xin chép ra đây:

Anh Mai,

“Ăn cơm mới, nói chuyện cũ” là tính quen của những ai làm nghề giảng lịch sử. Hôm nay xin anh cho tôi nhắc lại một chuyện hồi nửa thế kỉ về trước mà liên quan đến việc anh và các bạn Trường Trương Vĩnh Ký ở thành phố ta.

Hôm đó là ngày 24 tháng 8 năm 1945. Tại nhà số 6 đường Colombert, trời sẩm tối, chúng tôi có một hội nghị quan trọng để truyền lệnh giờ tổng khởi nghĩa, nhắc lại cách thức làm khởi nghĩa ở thành phố Sài Gòn. Cán bộ lãnh đạo đông đủ. Trong cuộc họp đó, tôi nhớ mình có căn dặn riêng anh Tư Carê (gọi là anh Tư Carê vì anh ấy cúp tóc kiểu carê) rằng: “Mai mốt các anh kéo đổ các tượng đồng thì các anh có thể gởi tượng  Rigô đờ Giơnuiy (ở đầu đường Pôn Blăngsi), tượng Gămbêta (ở vườn Ông Thượng), tượng Cha Cả-Hoàng tử Cảnh (ở đầu đường Catinat) xuống sông Thị Nghè, nhờ bà Thủy giữ giùm, còn pho tượng này (tôi chỉ ra tượng Trương Vĩnh Ký ở ngay trước cửa 6 Colombert, trong vườn của dinh Toàn quyền) thì các anh hãy đưa vào gara Zancông Dênsinh”.

Tư Carê và mấy bạn trẻ hỏi liền:

Sao không nhờ bà Thủy giữ mà gửi vào gara để làm gì?

Tôi đáp: “Để làm gì, sau sẽ biết, còn bây giờ thì các anh hãy tuân lệnh cái đã”.

Cuộc họp truyền lệnh ở 6 Colombert chấm dứt nhanh.

Cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền bắt đầu.

Anh Mai à, sau Cách mạng tôi không có dịp nào để hỏi thêm cho biết số phận của các tượng đồng ở Sài Gòn thời Pháp thuộc. Tôi nhớ tượng của Trương Vĩnh Ký không lấy gì làm đẹp nhưng đủ vẻ trang nghiêm với bộ khăn đóng áo dài.

Nay anh và các bạn lập trường trung học mang tên Trương Vĩnh Ký, tôi rất bằng lòng!

23/3/2002

Trần Văn Giàu (đã ký)

Trần Hữu Tá
.
.
.