Tiếng nói cử tri

Thứ Hai, 25/05/2015, 13:28
Cử tri - những công dân cùng ngồi lại để phản ánh, đề đạt ý kiến, kiến nghị tới chính những vị mình đã bỏ phiếu trúng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, mong được giải đáp, trả lời, xử lý thỏa đáng. Xung quanh việc ấy cũng có bao điều suy ngẫm…

Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIII đã tiến hành và như thường lệ, ngay tại phiên khai mạc, Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri. Cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức, lên chương trình để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp. 

Năm nay, bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri “gói” lại trong 7 trang giấy nhưng phạm vi phản ánh bao trùm tất cả các mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó cơ quan tổng hợp chia 6 mảng chính: nông nghiệp, nông thôn; đời sống và an sinh xã hội; đất đai, tài nguyên môi trường; giáo dục đào tạo; y tế; chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính. Thực ra, với hàng chục triệu cử tri trải đều khắp cả nước, các ý kiến, kiến nghị chỉ có thể tổng lược một cách cơ bản nhất. Một cách chia căn bản khác, ấy là cử tri quan tâm đến vấn đề chính trị, sau đến dân sinh.

Vấn đề dân sinh thì rõ rồi, điều ấy liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích thiết thân của mỗi cử tri, mỗi gia đình, cho dù từng giai đoạn có những vấn đề cụ thể nổi lên song tất cả “quanh quẩn” ở chuyện học hành, thi cử cho con cái, rồi khám, chữa bệnh, chuyện lương bổng, giá cả, việc chống quan tham… 

Riêng vấn đề chính trị, bằng sự nhạy cảm, sự quan tâm tới chính thể, bộ máy Nhà nước, cử tri luôn có thái độ, chính kiến rõ ràng. Kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra ngay sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 kết thúc với nội dung trọng tâm bàn về định hướng công tác nhân sự.

Độ nóng được thể hiện ngay tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp khi thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự chạm vào lòng mong mỏi của cử tri: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng; tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình; để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị…”. 

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho hay, ông đã dự 5 kỳ Đại hội Đảng nhưng việc chuẩn bị và chọn người vào cơ quan lãnh đạo chưa bao giờ nói rõ, nói thẳng như kỳ Đại hội này.

Quan điểm, tư tưởng của Đảng trong vấn đề lựa chọn nhân sự vào Trung ương đã được cụ thể hóa và công khai, điều mà nhiều người cho rằng trước đây chúng ta cũng đã nghĩ đến nhưng hiếm khi nói ra trước bàn dân thiên hạ. Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, cử tri bày tỏ sự ủng hộ quyết tâm của Đảng nhưng cũng băn khoăn tính khả thi. Chẳng hạn, nói biểu hiện bè phái, xu nịnh, nhưng đưa ra luận cứ để chứng minh một ai đó có biểu hiện này lại không dễ.

Hay như “chạy chọt”, cử tri có thể nhìn nhận các biểu hiện thường ngày nhưng bản chất hành vi là lén lút, bí mật, tức cái gọi là bằng chứng cũng không hề đơn giản. Nhiều cử tri ở Hà Nội đã đề đạt tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 9/5/2015, cho rằng bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư được bà con rất hoan nghênh, rất phấn khởi nhưng có tâm tư là đề ra như thế có thực hiện được hay không? 

Nhiều vấn đề cử tri quan tâm được đặt lên bàn nghị sự Quộc hội.

Cử tri đề nghị nhân sự Trung ương khóa XII, nhân sự Quốc hội khóa XIV phải khắc phục hạn chế này. Cử tri mong Tổng Bí thư cho biết trong phương án nhân sự Trung ương khóa tới có yêu cầu kê khai tài sản hay không và có công khai trước cử tri việc kê khai tài sản đó để cử tri kiểm chứng. Cử tri đề nghị, lãnh đạo cấp cao phải công khai cho cả nước, cán bộ tỉnh công khai trong tỉnh, huyện công khai trong huyện, có như thế mới chọn được cán bộ như tinh thần của hội nghị Trung ương vừa qua…

Trả lời ý kiến cử tri, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XII là công việc hết sức quan trọng, then chốt, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, ngoài những thuận lợi còn nhiều khó khăn. “Muốn Đảng mạnh dứt khoát những người đứng đầu phải mạnh, ở đây là Ban chấp hành Trung ương… Tôi mong nhân dân phát hiện, giới thiệu người xứng đáng vào Trung ương” - Tổng Bí thư khẳng định.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, để đạt được mục tiêu đề ra, đầu tiên là những đồng chí kiên trung của Trung ương Đảng phải là những người nghiêm chỉnh, vạch ra những đồng chí nào có biểu hiện tiêu cực. Thứ hai, phải dựa vào dân. Ông kể, trước đây khi tham gia vào Trung ương, ông đã nhận được những bức thư phản ảnh của những cựu chiến binh, cán bộ lão thành. Điều đó đã giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện bè phái, vận động, tiêu cực.

“Bây giờ nếu tổ chức tốt được những đường dây nóng, những bộ phận, địa chỉ tin cậy thì sẽ có rất nhiều người gửi thư về. Họ sẵn sàng kí tên và họ không cần một xu bồi dưỡng. Họ không được lợi ích gì, nhưng vì trách nhiệm với đất nước nên họ sẵn sàng đấu tranh” - ông Vũ Quốc Hùng nói.

Nhiều cử tri cũng đề nghị nên công khai danh tính người được lựa chọn để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Chính từ sự công khai các ứng viên mà cử tri có đủ sự tỏ tường để nắm bắt bởi nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhân dân có triệu tai, triệu mắt, tất sẽ phát hiện ra ai là người liêm khiết, ai không để giúp Đảng trong sạch hóa cán bộ, đảng viên.

Rõ ràng, công tác nhân sự trước Đại hội Đảng được Hội nghị Trung ương 11 kết luận đã nhận được sự hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, cử tri cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Trong bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chuyển đến kỳ họp, nêu: “Cử tri và nhân dân quan tâm sâu sắc việc triển khai tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong muốn việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp phải thật sự dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở mỗi địa phương và toàn quốc, đồng thời lựa chọn được những người thực sự có tài, có đức tham gia cấp ủy đảng các cấp”.

Tuy nhiên, trước vấn đề lớn, thời sự, được cử tri quan tâm, kỳ vọng và phản ánh sinh động mà bản tổng hợp ý kiến lại chỉ có một câu nêu tổng quát như vậy là chưa phản ánh đúng, đầy đủ và thực chất tâm tư, nguyện vọng cử tri đã thể hiện, gửi gắm, đề đạt sau Hội nghị Trung ương thứ 11 về công tác lựa chọn nhân sự cho Đảng. Đó là một thiếu sót. Điều này đòi hỏi việc tổng hợp ý kiến cần phải bám sát hơn các vấn đề chính trị, thời sự đất nước mà cử tri quan tâm chứ không chỉ nghiêng về các vấn đề dân sinh như cách thể hiện của báo cáo vẫn lặp lại lâu nay trước mỗi kỳ họp Quốc hội. 

Tiếp xúc cử tri là cầu nối giữa đại biểu với cử tri diễn ra dưới nhiều hình thức. Theo thông lệ, một năm đại biểu có thể tiếp xúc ít nhất 4 lần với cử tri (trước và sau 2 kỳ họp hằng năm). Ngoài ra, theo yêu cầu công việc, đại biểu có thể có các cuộc tiếp xúc khác theo chuyên đề, theo đối tượng cần tiếp xúc. Tiếp xúc cử tri có thể ví như lăng kính hội tụ tình hình chung của đất nước.

Mỗi lần tiếp xúc trước kỳ họp, các đại biểu thường thu thập được rất nhiều ý kiến của cử tri với nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều ý kiến mang tầm vĩ mô khá xác đáng, nhiều ý kiến có tính phát hiện, giúp cho Quốc hội lựa chọn sát thực, đúng đắn các vấn đề cần phải chất vấn tại kỳ họp. Các cuộc tiếp xúc sau kỳ họp, các đại biểu đã chuyển tải đến cử tri những nội dung cơ bản của kết quả kỳ họp, nhất là các quyết nghị của Quốc hội và những nội dung cơ bản của một số đạo luật vừa được thông qua.

Tiếp xúc cử tri và phản ánh kết quả tiếp xúc lên diễn đàn Quốc hội là hoạt động được lặp đi lặp lại nhưng cũng còn không ít các vấn đề cần được cải tiến. Nếu việc tiếp xúc không có sự đổi mới, việc trả lời chỉ chung chung, trong khi tập hợp ý kiến không bao hàm được các vấn đề lớn, thời sự nóng bỏng mà chỉ thiên về cấu trúc những vấn đề dân sinh thì tính thực chất của nó còn khoảng cách không nhỏ với thực tiễn.

An Nhi
.
.
.