Thế nào là một nền giáo dục tốt hay là bốn chữ “thật” trong cải cách giáo dục

Thứ Tư, 30/11/2016, 17:15
Công cuộc cải cách giáo dục của chúng ta, nếu muốn thành công, phải đáp ứng được bốn yêu cầu, và được tóm tắt bằng bốn chữ “thật” gồm: Nhìn thật, Nghĩ thật, Nói thật và Làm thật.

Tiến sỹ Ngô Tự Lập. Sinh năm 1962 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Hàng hải (Liên Xô, 1986), làm thuyền trưởng một tàu đổ bộ trước khi chuyển về Toà án Quân sự Trung ương và học Đại học Luật Hà Nội. 

Nhận bằng Thạc sĩ văn chương tại École Normale Superieure de Fontenay/St. Cloud (Pháp, 1996) và Tiến sĩ Ngôn ngữ và văn chương Anh tại Illinois State University (Hoa Kỳ, 2006). 

Ông bắt đầu sáng tác năm 1989, làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu luận, sáng tác ca khúc và cũng là một dịch giả tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và ông hiện công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội.


Gần đây, chất lượng giáo dục trở thành một đề tài tranh luận thường xuyên trên báo chí Việt Nam. Rất nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đa số là phê phán, nhiều khi rất nặng nề. Nhiều tác giả dùng từ “khủng hoảng”. Nhiều gia đình, mặc dù kinh tế chưa lấy gì làm khá giả, cũng cố chạy vạy để cho con du học, một trào lưu mà có tác giả gọi là “di tản giáo dục”.

Không chỉ người dân, mà cả các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và nhà giáo cũng trăn trở. Một loạt những nỗ lực cải cách giáo dục được tiến hành. Mặc dù không mấy thành công, những nỗ lực cải cách là không thể phủ nhận. Và đằng sau những nỗ lực ấy là không ít tâm huyết, ý chí và tiền bạc.

Chất lượng giáo dục là vấn đề đáng quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, có một câu hỏi đơn giản mà chúng ta ít khảo sát cho thật thấu đáo để tìm câu trả lời, vì vậy các cuộc tranh luận không đi đến đâu. 

Câu hỏi đó là: Thế nào là một nền giáo dục tốt? Việc trả lời câu hỏi này sẽ giúp chúng ta trả lời một câu hỏi khác: Chất lượng giáo dục của chúng ta chưa tốt ở những điểm nào và vì sao? Chỉ sau khi trả lời được hai câu hỏi này, chúng ta mới có thể hoạch định chiến lược và lựa chọn giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đọc các bài viết về giáo dục trên báo chí, chúng ta thấy rất ít người đưa ra tiêu chí thế nào là một nền giáo dục tốt. Phần lớn chỉ nói về những mặt mà người ta coi là tồi tệ của nền giáo dục Việt Nam: sự lạc hậu của triết lý giáo dục, tính áp đặt của phương pháp dạy học, sai lầm và tham nhũng trong đầu tư, sự yếu kém về quản lý tài chính, sai sót của các kỳ thi, sự bất cập của sách giáo khoa, sự xa rời giữa nhà trường với đời sống, nạn dạy thêm học thêm, sự quá tải về nội dung… 

Với giáo dục đại học, còn thêm các vấn đề khác như sự yếu kém trong nghiên cứu khoa học, trình độ ngoại ngữ của giảng viên quá thấp, học phí không tương xứng với chất lượng, nạn  bằng giả, vấn đề thất nghiệp của sinh viên ra trường… 

Cơ quan quản lý giáo dục có vẻ cũng khá lúng túng khi loay hoay mãi với những cải cách chương trình, sách giáo khoa, các phương án khảo thí, vấn đề niên chế và tín chỉ… Đó là chưa kể những cải cách rất phiến diện như cách viết, cách chấm điểm…

Vậy, thế nào là một nền giáo dục tốt?

Gần đây, các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, dường như đang hướng theo tiêu chí của các tổ chức ngoại quốc: các tổ chức xếp hạng và kiểm định chất lượng đại học. Không chỉ trong các hội thảo, mà trong thực tế, rất nhiều trường đại học của chúng ta đang tập trung nỗ lực vào việc cải thiện vị trí trong các bảng xếp hạng này. 

Xin nói ngay rằng chúng tôi không phủ nhận tuyệt đối các bảng xếp hạng và các tổ chức kiểm định. Việc tham gia các bảng xếp hạng, kể cả các bảng xếp hạng nặng về tiêu chí kỹ thuật như Webometrics hay các bảng đầy tính thương mại như QS Stars University Ratings, đều ít nhiều có ích, chí ít là về mặt quảng bá hình ảnh. Nhưng chúng tôi cho rằng đó cũng chỉ là một dữ liệu tham khảo. 

Giống như điều chúng ta mong muốn nhất ở con cái là ngoan và giỏi, chứ không phải là một danh hiệu nào đó, chúng ta không thể đồng nhất việc đáp ứng những tiêu chí máy móc của một bảng xếp hạng hay một tổ chức kiểm định với việc xây dựng một nền giáo dục tốt. 

Minh họa: Lê Phương.

Bởi lẽ, không có nền giáo dục tốt chung chung, mà chỉ có nền giáo dục tốt cho ai, lúc nào, trong điều kiện kiện nào. Một nền giáo dục tốt cho Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, phải đáp ứng ba tiêu chí sau đây:

1) Đáp ứng được nhu cầu hiện tại của đất nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và hội nhập.

2) Đáp ứng được khát vọng phát triển của dân tộc trong tương lai với tư cách một dân tộc bình đẳng, có trách nhiệm trong cộng đồng nhân loại.

3) Khả thi trong hoàn cảnh kinh tế, xã hội của đất nước.

Tiêu chí thứ nhất đòi hỏi chúng ta phải có quan điểm cụ thể và lịch sử trong cách tiếp cận vấn đề. Các nền giáo dục Hoa Kỳ hay Singapore là những nền giáo dục tốt, nhưng chưa chắc đã tốt cho Việt Nam. 

Hoa Kỳ là một nước phát triển cao, có nền kinh tế tri thức hậu công nghiệp, dựa trên nền tảng dịch vụ và công nghệ cao, trong khi Việt Nam là một nước đang phấn đấu để công nghiệp hóa, với nền kinh tế năng suất thấp, công nghệ lạc hậu, với đa số người dân lao động nông nghiệp hoặc gia công đơn giản. 

Sự khác biệt giữa Singapore với Việt Nam cũng rất lớn. Singpore là một thành phố cảng, với diện tích chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc đôi chút, nhưng lại cực kỳ thuận lợi về hàng hải, hàng không, nên thiên về phát triển dịch vụ, du lịch và khai thác thế mạnh địa chính trị trong giao lưu quốc tế. 

Trong khi đó, Việt Nam là một nước tương đối lớn, có địa hình phong phú, dân số đông, với nhiều vấn đề phức tạp do chiến tranh và các yếu tố lịch sử khác để lại. Vì thế buộc phải có một nền kinh tế cũng đa dạng và phức tạp tương ứng. 

Rõ ràng, nhiệm vụ và những vấn đề đặt ra đối với nền giáo dục Việt Nam khác nhiều so với các nền giáo dục Hoa Kỳ và Singapore: mặc dù có những phần chung, nhưng kiến thức cần cho người làm vườn phải khác kiến thức dành cho các chuyên gia hàng không vũ trụ và khác kiến thức dành cho các hoa tiêu hàng hải. 

Tình trạng thất nghiệp của sinh viên Việt Nam không chỉ có nguyên nhân chất lượng: giả sử chúng ta có thể đào tạo các sinh viên giỏi về hàng không vũ trụ thì ở Việt Nam họ vẫn thất nghiệp như thường.

Tiêu chí thứ hai đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn dài hạn. Mặc dù nền giáo dục có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu con người cho các mục tiêu trước mắt, nền giáo dục quốc dân phải có khả năng phát triển cùng nhịp với sự phát triển của đất nước và khả năng hội nhập nhanh chóng vào nền giáo dục thế giới trong tương lai mà không đánh mất bản sắc của mình. 

Điều này giống như khi ta xây dựng một con đường. Vì nhu cầu còn thấp, nguồn vốn còn ít, chúng ta chỉ cần làm một con đường nhỏ, nhưng chất lượng tốt. Nhưng cần phải dành sẵn một dải đất bên cạnh đủ để có thể mở rộng đường lên gấp nhiều lần khi cần thiết mà không phải làm lại con đường ban đầu. Muốn như vậy, chúng ta phải dựa vào một triết lý giáo dục đúng đắn. 

Trong bài báo Ba mục đích của giáo dục tôi đã nêu ba nhiệm vụ cốt lõi của mọi nền giáo dục, đó là đào tạo ra những: 1. Con người lao động; 2. Con người yêu nước; và 3. Con người tự do (con người nhân loại). Trong ba mục đích này, mục đích thứ nhất – đào tạo con người lao động – là mục đích có tính lịch sử và thực tiễn cao nhất, cần điều chỉnh theo thực tiễn cuộc sống.

Tiêu chí thứ ba đòi hỏi chúng ta phải có cách tiếp cận thực tế. Tôi không tin là chúng ta cần thiết phải sao chép y nguyên mô hình Đại học Harvard hay Oxford, nhưng nếu chúng ta cần phải làm như vậy, thì cũng không thể. Bởi lẽ, là những người nghèo, đi sau và có truyền thống văn hóa khác hẳn, chúng ta không thể có nguồn lực tài chính, con người và cả thời gian để làm điều đó. 

Theo tôi, một nền giáo dục tốt phải có một mô hình khả thi trong điều kiện cụ thể của chúng ta, với nguồn lực còn hết sức hạn chế. Một ví dụ xuất sắc là nền giáo dục của chính phủ Hồ Chí Minh sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

Ngày 3-9-1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi tiêu diệt giặc đói và giặc dốt. Không có tiền, không có giáo viên, nhưng bằng cách huy động toàn dân, từ một quốc gia trên 90% mù chữ, chúng ta đã nhanh chóng trở thành một quốc gia có trên 90% dân số biết đọc biết viết, một chỉ số ngang với những quốc gia phát triển nhất. 

Từ chỗ chỉ có một trường đại học với số sinh viên ít ỏi, chúng ta hiện có hàng trăm trường đại học, hàng triệu người tốt nghiệp đại học và hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ.

Vậy tại sao ngày nay, trong điều kiện thuận lợi hơn nhiều, nền giáo dục của chúng ta lại rơi vào tình trạng bi đát như vậy? Có nhiều lý do, và chúng tôi đã bàn trong một số dịp khác, nhưng một trong những lý do quan trọng nhất là ở chính ngành giáo dục. Ngành giáo dục đã chậm thay đổi trong khi hoàn cảnh đất nước và thế giới đã thay đổi, nhưng khi nhận ra sự chậm trễ đó, chúng ta lại mắc một sai lầm khác, đó là xa rời quan điểm thực tiễn, chạy theo các mô hình xa lạ hoặc duy ý chí.

Vậy phải làm thế nào? Theo chúng tôi, công cuộc cải cách giáo dục của chúng ta, nếu muốn thành công, phải đáp ứng được bốn yêu cầu, mà tôi tóm tắt bằng bốn chữ “thật”.

Thứ nhất là phải “nhìn thật”, tức là phải bắt nguồn từ thực tiễn, nhìn thẳng vào thực tiễn, chứ không phải là xuất phát từ ước muốn hay lý thuyết xa xôi.

Thứ hai là phải “nghĩ thật”, nghĩa là cần phải suy nghĩ về ngành giáo dục một cách ráo riết, quyết liệt, phải phân tích thực tiễn một cách khách quan, khoa học.

Thứ ba là phải “nói thật”, tức là trao đổi thẳng thắn về các vấn đề và nhận thức thực tiễn. Chỉ có trao đổi thẳng thắng, cởi mở và thành thật, chúng ta mới tìm ra được con đường phù hợp, mới đưa ra được chính sách tối ưu để phát triển nền giáo dục nước nhà.

Thứ tư là phải “làm thật”, tức là phải giải quyết vấn đề một cách thật sự, triệt để, chứ không nửa vời. Nói cách khác, cần phải giải quyết vấn đề vì sự đòi hỏi của thực tiễn, chứ không phải để hoàn thành kế hoạch, để có thành tích.

Ngô Tự Lập
.
.
.