Sắc đẹp và bình quyền

Thứ Hai, 09/03/2015, 10:15
Thời phong kiến, người đời quan niệm đã là đàn bà “chỉ quanh quẩn trong bếp”. Nay, sắc đẹp và bình quyền ngày càng rõ hơn. Tuy nhiên, nhân phẩm của người phụ nữ không vì bình quyền mà thay đổi giá trị, dù ở cương vị nào, quyền lực nào. Trong một lần trả lời trên Bunte - một tạp chí về người nổi tiếng của Đức, Thủ tướng Đức, bà Merkel vẫn dành lời ca ngợi chồng là “một người thường xuyên cho tôi những lời khuyên tốt”!

1. Năm 1926, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc (bút danh Mộng Liên) viết bài nói về sự bất công của phụ nữ An Nam dưới ách đô hộ thực dân Pháp và kêu gọi phụ nữ đứng lên đòi các quyền chính đáng của mình. Người viết: “Người Trung Quốc thường so sánh phụ nữ với con gà mái: “Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình”. Ở An Nam, chúng ta nói: Đàn bà phải quanh quẩn trong bếp. Trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì. Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”.

Đặt bài viết vào bối cảnh năm 1926, khi đất nước còn đắm chìm trong nô lệ, đường hướng giải phóng dân tộc còn bế tắc, Người đã chỉ ra yêu cầu giải phóng phụ nữ - một phần trong giải phóng giai cấp, cho thấy tầm nhìn và giá trị sâu sắc vượt thời đại.

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh được tập hợp từ những bài giảng tại các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), giữa những năm 20 (thế kỷ XX), Người viết: “Ông C.Mác nói rằng: “Ai biết lịch sử thì biết rằng, muốn sửa sang xã hội không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ như thế nào?”. Ông Lê-nin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”.

Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ năm 1952, Bác Hồ đã viết bài Nam nữ bình quyền, nêu rõ vấn đề thực chất cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ ở Việt Nam và coi đó là “một cuộc cách mạng khá to và khó”. Người viết: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội…”.

Từ đó, Người kết luận: “Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”. Đây chính là những đúc kết súc tích rất quan trọng về vấn đề bình quyền phụ nữ.

Trong bản Di chúc viết tháng 5/1968, Người đã căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

2. Ngày nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Hiến pháp năm 2013 quy định “công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” (Khoản 1 và Khoản 3, Điều 26).

Các luật liên quan cũng được hoàn thiện như: Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007); Luật Phòng, chống mua bán người (năm 2012), Bộ luật Lao động (năm 2012), Luật Việc làm (năm 2013)…

Ngày 24/12/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 với 7 mục tiêu và 22 chỉ tiêu cụ thể trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động - việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin, gia đình và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới là công cụ quan trọng đưa Luật Bình đẳng giới vào cuộc sống và thể hiện cam kết cao của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995.

Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961.

Ngày 22/7/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, trong đó xác định 5 dự án thành phần của Chương trình gồm: Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch; hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới; hỗ trợ xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới.

Trong thời đại phong kiến, người phụ nữ được coi như “gà mái”, chỉ làm nhiệm vụ nội trợ, chăm sóc chồng con. Nhưng ngày nay, theo sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, làm dâu, làm mẹ, làm vợ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật… và phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp. Tới nay, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật, chính sách và bộ máy, Việt Nam đạt được những thành quả hết sức cơ bản về bình đẳng giới.

Về chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tăng lên trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt, hiện có 2 phụ nữ được bầu vào Bộ Chính trị và 1 phụ nữ được bầu vào Ban Bí thư. Ở cấp Trung ương, có 2 nữ bộ trưởng, 15 nữ thứ trưởng và tương đương. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, lao động nữ hiện chiếm khoảng 48,5% trong tổng số lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam là 82,5% so với nữ là 73,5%.

Nhìn chung, việc bảo đảm quyền bình đẳng giới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có tiến bộ vượt bậc so với trước. Phụ nữ và nam giới có sự bình đẳng về thực chất trên các lĩnh vực cuộc sống. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề dài hạn. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tồn tại khá nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam do Tổng cục Thống kê cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tiến hành, có 58,3% trong số phụ nữ được điều tra cho biết đã trải qua ít nhất một hình thức bạo hành như thể chất, tinh thần, hoặc tình dục. Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc dễ bị tổn thương cao hơn nam giới, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn trong khu vực phi chính thức của thị trường lao động.

Trọng nam khinh nữ là một quan niệm định kiến suốt mấy nghìn năm, ăn sâu trong tư duy của mỗi người, mỗi gia đình, do đó “vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân” (Hồ Chí Minh).

3. Đạt được bình quyền và hơn thế, khi phụ nữ nắm quyền lực chính trị, kinh tế, nhiều người chột dạ: Vậy vai trò của người chồng trong gia đình họ thế nào? Đây lại là một cách ứng xử, nằm trong nhân cách của người phụ nữ. Hãy nhớ rằng, dù bình quyền đạt được ở mức nào thì người phụ nữ vẫn giữ vị trí là người vợ, người mẹ không thể thay thế trong gia đình.

Thủ tướng Đức Angela Merkel là người chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách “Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới” của tạp chí Forbes trong năm thứ 4 liên tiếp, bà đã tiết lộ thái độ ứng xử như sau: Mỗi sáng thức dậy, nhiệm vụ đầu tiên của Thủ tướng không phải là giải pháp cho các vấn đề nóng bỏng của thế giới. Thay vào đó, bà xuống bếp và chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng.

Trong một lần trả lời trên Bunte, một tạp chí về người nổi tiếng của Đức, bà Merkel ca ngợi chồng là “một người thường xuyên cho tôi những lời khuyên tốt”. Bà nói: “Những cuộc trò chuyện với chồng tôi rất quan trọng. Hơn nữa, chúng tôi đều không can thiệp công việc riêng của nhau. Tôi không phải kiểu phụ nữ nội trợ truyền thống, chồng tôi cũng không phải người chồng thường làm việc nhà”.

Mai Nhi
.
.
.