Người phụ nữ da màu làm thay đổi lịch sử ngành Tư pháp Mỹ

Thứ Sáu, 26/02/2016, 18:59
Loretta Lynch là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên, đồng thời cũng là luật sư Mỹ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tư pháp Mỹ trong lịch sử hiện đại. 


Bà lên lãnh đạo Bộ Tư pháp trong lúc nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức - từ việc giải quyết những mối quan hệ căng thẳng giữa người da màu và người da trắng, cùng sự mất lòng tin sâu sắc tại một số thành phố giữa cảnh sát và các cộng đồng mà họ phục vụ, cho đến kế hoạch cải tổ luật pháp cũng như đối phó với mối đe dọa khủng bố thường xuyên.

Nhiều ý kiến nhận định, người phụ nữ này sẽ giúp Bộ Tư pháp hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn nhờ vào bề dày kinh nghiệm, cá tính nghiêm khắc và độc lập. Quyết định phê chuẩn để bà trở thành người đứng đầu Bộ Tư pháp biến công tố viên liên bang kỳ cựu ở New York thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người, đặc biệt là giới trẻ, nhằm khích lệ mỗi cá nhân luôn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, theo đuổi công bằng và xóa bỏ mọi bất công.

Ám ảnh phân biệt chủng tộc

Loretta Lynch sinh năm 1959 ở Bắc Carolina trong một thế giới mà luật pháp và công lý dường như không song hành với nhau. Cô bé tóc xoăn đeo mắt kính đã nếm trải tàn dư của chế độ phân biệt chủng tộc ngay tại trường tiểu học - nơi phần lớn là học sinh da trắng. 

Có lần Loretta Lynch làm quá tốt bài kiểm tra đến nỗi cô giáo yêu cầu làm lại (và Loretta còn đạt điểm cao hơn). Rồi đến khi lên trung học, cô học sinh giỏi nhất lớp đã bị ban giám hiệu đề nghị chia sẻ vinh dự này với hai bạn khác, trong đó có một bạn da trắng, vì sợ trở thành đề tài tranh cãi khi có một học sinh da màu duy nhất được chọn làm người đọc diễn văn chia tay trong lễ tốt nghiệp.

Ngay từ khi còn nhỏ, Loretta Lynch đã phải chứng kiến những kì thị về màu da. Vào đầu thập niên 60, cuộc sống của người da màu ở các bang miền Nam nước Mỹ rơi vào khốn đốn do luật phân biệt chủng tộc Jim Crow, hình thành sau cuộc nội chiến cách ly người da trắng và người da màu.

Bộ luật Jim Crow có những quy định cho thấy rõ sự phân biệt chủng tộc như: người da trắng và người da màu không được cưới nhau, trẻ em da màu và trẻ em da trắng không được học chung với nhau, người da màu không được phép mai táng chung với người da trắng.

Khi còn nhỏ, Loretta Lynch thường được cha dẫn đến các tòa án địa phương để chứng kiến những vụ xét xử tội phạm (vốn còn nhiều bất công). Bất chấp sự tồn tại của Bộ luật Jim Crow và những phân biệt trong xã hội, cô bé da màu luôn tin rằng có một ngày, sự công bằng sẽ xuất hiện. Cuối cùng, Bộ luật Jim Crow cũng bị bãi bỏ vào giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, song nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn xuất hiện trong lòng nước Mỹ. Loretta Lynch lớn lên khi thời thế đã thay đổi, nhưng con đường sự nghiệp cũng không hề bằng phẳng.

Dù được Đại học Bắc Carolina cấp học bổng toàn phần cho bốn năm học nhưng Loretta Lynch từ chối vì muốn đến Harvard. Tại đây, Lynch chọn chuyên ngành văn chương Anh và Mỹ nhưng không phải là mẫu sinh viên chỉ biết học mà còn là thành viên sáng lập của hội nữ sinh da màu đầu tiên ở Harvard. Cô sinh viên tỏ ra rất nghiêm túc, trầm lặng, chăm chỉ và thông minh trong cách ứng xử. Hơn ai hết, Loretta Lynch hiểu rằng chỉ có cố gắng hết mình mới khiến xã hội nhận ra: màu da không làm nên con người. Sau khi tốt nghiệp loại ưu, Lynch được Trường Luật Harvard nhận vào, bắt đầu theo đuổi con đường trở thành một luật sư tài năng sau này.

Sự nghiệp thành công

Rời Trường Luật Harvard, Loretta Lynch gia nhập Cahill Gordon & Reindel – một trong những văn phòng luật sư hàng đầu của Mỹ lúc bấy giờ trong vai trò công tố viên phục vụ hơn 8 triệu dân. Tuy nhiên, các công ty luật lớn ở New York khi ấy lại chỉ bao gồm phần lớn là người da trắng. Tại nơi làm việc, chỉ có Loretta Lynch cùng với hai phụ nữ da màu khác hợp thành “bộ ba” đoàn kết với nhau.

Đến năm 1999, bà được Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo văn phòng công tố quận phía đông New York cho hai năm cuối trong nhiệm kỳ của ông. Khi ông Clinton mãn nhiệm cũng là lúc bà trở lại làm việc cho các tập đoàn tư nhân và có cơ hội gặp người chồng tương lai Stephen Hargrove.

Năm 2010, Loretta Lynch quay lại vị trí lãnh đạo văn phòng công tố quận phía đông New York do sự chỉ định của Tổng thống Barack Obama. Bà đã chứng minh khả năng của mình khi từng truy tố thành công các thành viên mafia và những vụ án khủng bố lớn. Nhiều đồng nghiệp ngợi khen bà có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chống khủng bố hơn bất cứ ai khác. 

Khi thông báo đề cử Loretta Lynch vào vị trí lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng thống Obama có lời tán dương bà đã truy tố thành công bọn khủng bố âm mưu đánh bom cục dự trữ liên bang và mạng lưới xe điện ngầm ở thành phố New York. Ông cũng đánh giá Lynch “đã nhìn thấy và hiểu được những bất công xảy ra trong quá khứ, và do đó bà là người có khả năng khôi phục lòng tin của người dân Mỹ và hệ thống tư pháp nước Mỹ”.

Với 56 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn Loretta Lynch vào vị trí Bộ trưởng Tư pháp hồi cuối tháng 4/2015, cho dù bà được đề cử vào chức vụ này từ tháng 11/2014. Bà đã chuyển từ văn phòng công tố với nhân sự dưới trướng là 170 luật sư đến Đồi Capitol ở thủ đô Washington để quản lý 116.000 nhân viên và ngân sách 27 tỉ USD. Bà tiếp quản công việc từ người tiền nhiệm Eric Holder - vốn thường xuyên khiến phe Cộng hòa nổi giận. 

Sự chuyển giao quyền lực này xảy ra đúng vào lúc căng thẳng dâng cao giữa hai phe Dân chủ - Cộng hòa nên Loretta Lynch còn là một trường hợp lịch sử vì sự bổ nhiệm bà kéo dài 161 ngày, trong khi thời gian chờ đợi của bảy người tiền nhiệm (từ năm 1988) cộng lại cũng mới chỉ 119 ngày.

Những phi vụ “để đời”

Mỗi lần xảy ra vụ người da màu bị cảnh sát giết chết, người ta lại đặt ra cùng một câu hỏi: luật pháp nước Mỹ có mang lại công lý cho cộng đồng người da màu hay không? 

Hiện nay, có lẽ Loretta Lynch là người phải trả lời cho câu hỏi này. Với vị trí mới, bà cam kết sẽ cố gắng khôi phục niềm tin của người dân vào công lý. Chính người tiền nhiệm Holder cũng tin tưởng rằng bà Lynch sẽ trở thành một Bộ trưởng Tư pháp xuất sắc, người bảo vệ hiến pháp tận tâm và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Nữ chính khách da màu này sẽ tiếp tục săn tìm những kẻ khủng bố, làm việc với cảnh sát để quét sạch các băng nhóm tội phạm trên đường phố nhờ sự công bằng, khả năng quản lý và tính cách cương trực.

Thông qua “người cầm chịch” Loretta Lynch, Chuck Blazer đã trở thành nhân vật khai hỏa cho vụ thanh lọc FIFA.

Những thành công quan trọng của Loretta Lynch có thể kể đến là vụ truy tố chính trị gia đảng Dân chủ Pedro Espada Jr., điều tra Citi Group trong phi vụ cầm cố chứng khoán trị giá khoảng 7 tỷ USD và vụ phạm luật của ngân hàng HSBC có giá trị 1,2 tỉ USD. 

Tuy nhiên, “thú vị” nhất là quá trình hạ bệ Michael Grimm (sinh năm 1970) - Thượng Nghị sĩ liên bang thuộc đảng Cộng hòa đại diện cho tiểu bang New York tại quốc hội Mỹ nhiệm kỳ lập pháp 2011-2015, chấm dứt sự nghiệp của một chính khách trẻ đang lên trên chính trường nước Mỹ. Vụ việc này càng trở nên nóng hổi vì Michael Grimm đã nhận tội “trốn thuế” và tuyên bố từ chức vào năm 2015.

Cú sốc lớn nhất Loretta Lynch tạo nên là sắm vai “kiến trúc sư” cho điệp vụ “dọn dẹp” để làm trong sạch FIFA. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khẳng định, tình trạng tham nhũng, hối lộ đã diễn ra tràn lan tại FIFA trong suốt hơn hai thập kỷ qua, từ năm này qua năm khác, từ giải đấu này đến giải đấu khác, và FBI đã âm thầm điều tra tìm ra những cáo buộc tham nhũng này.

Bà Loretta Lynch cho biết thêm, những hành vi tham nhũng của các quan chức FIFA liên quan trực tiếp tới nước Mỹ. Nghĩa là, một phần các hành vi hối lộ bị cáo buộc đã diễn ra trên nước Mỹ và được thực hiện thông qua hệ thống tài chính của nước này.

Cựu thành viên Ủy ban Điều hành FIFA Chuck Blazer đã lọt vào “tầm ngắm” của ngành công tố Mỹ - vốn rất ưa chuộng và là khắc tinh tội phạm liên quan đến tài chính. Trước đây, Blazer không hề lọt vào tầm ngắm của nhà chức trách tài chính liên bang Mỹ dù có hơn hai thập kỷ ngang dọc “dưới một người mà trên cả muôn người”. 

Thông qua “người cầm trịch” Loretta Lynch, Blazer đã trở thành nhân vật khai hỏa cho vụ thanh lọc FIFA, dẫn tới những phanh phui về những khoản hối lộ giúp Nam Phi giành quyền đăng cai World Cup 2010, và cái kết bị cấm tham gia hoạt động bóng đá vĩnh viễn. Sau khi rời văn phòng công tố đông New York, phần việc “dọn dẹp” FIFA được trao lại cho người kế nhiệm Kelly Currie, với những cáo trạng truy tố những nhân vật cốt cán của FIFA. Tất nhiên, người chỉ huy chiến dịch này vẫn không phải ai khác ngoài bà Loretta Lynch…

Hồng Hạnh
.
.
.