Khủng hoảng di cư ở châu Âu: Loay hoay tìm giải pháp

Thứ Ba, 29/11/2016, 14:49
Khủng hoảng di cư vốn là chuyện không mới, nhưng đang được đẩy lên cao trào trong quan hệ căng thẳng giữa Hungary và Liên minh châu Âu (EU).

Vừa qua, hàng triệu người dân Hungary đi bỏ phiếu trả lời “có” hoặc “không” cho vấn đề EU áp đặt việc tái định cư các công dân không phải người Hungary đến Hungary. Mặc dù 98% số người tham gia trưng cầu chọn phương án “không”, nhưng vì tỷ lệ người bỏ phiếu chưa đến 50% số cử tri trên toàn quốc nên kết quả lần này không được công nhận.

Theo giới quan sát, cuộc trưng cầu ý dân ở Hungary là đỉnh cao của sự bất tuân giữa một nước thành viên EU với chính sách chung của liên minh. Từ khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra đến nay, chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban luôn phản kháng dữ dội mọi quyết sách, lấy lý do người tị nạn là nguy cơ an ninh và khủng bố, hay tôn giáo và văn hóa của những người này có thể sẽ làm xói mòn nền tảng văn hóa của Hungary và châu Âu nói chung.

Chính sách bất ổn

Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người kiên quyết chống lại kế hoạch tái định cư 160 nghìn người di cư trong toàn khối. Ông cho rằng việc tiếp nhận người di cư kéo theo nguy cơ khủng bố rất cao. Trong cuộc khủng hoảng người nhập cư, Hungary trở thành quốc gia nằm trên đường trung chuyển từ khu vực Tây Balkan đến Đức và các nước EU khác.

Trong nỗ lực kiềm chế dòng người nhập cư trái phép, nước này đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia, thậm chí sử dụng các biện pháp trấn áp cứng rắn đối với những người nước ngoài xâm nhập trái phép, đồng thời nộp đơn lên tòa án châu Âu chống lại kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU. 

Ở thời điểm hiện tại, kết quả cuộc trưng cầu ý dân không có hiệu lực ràng buộc pháp lý, nhưng Chính phủ Hungary có thể yêu cầu loại bỏ khỏi Hiệp ước Lisbon quy định về người di cư.

Bên cạnh đó, Hungary bày tỏ sự không hài lòng về chính sách bắt buộc tiếp nhận người tị nạn của EU, cáo buộc giới chức cấp cao EU đã “thuyết phục” một lượng lớn người di cư tới châu Âu bằng những lời hứa hão huyền.

Thủ tướng Orban đổ lỗi cho giới chức EU đã không tham vấn người dân châu Âu khi đưa ra kế hoạch phân bổ người tị nạn, cho rằng kế hoạch này đi ngược lại những lợi ích của châu Âu. Giờ đây, các nước châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng di cư và buộc phải trả giá.

Tình trạng di cư không được kiểm soát là một mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình của châu Âu, tạo ra gánh nặng đối với các nước phải tiếp nhận. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nền hòa bình, trật tự, sự thịnh vượng tại các quốc gia này sẽ bị thay thế bằng căng thẳng, xung đột, bạo lực và sự bần cùng.

Hungary cáo buộc giới chức cấp cao EU đã “thuyết phục” một lượng lớn người di cư tới châu Âu bằng những lời hứa hão huyền.

Phản ứng của Hungary cho thấy một sự thật không thể phủ nhận: chính sách giải quyết khủng hoảng nhập cư chưa thực sự có hiệu quả. Thỏa thuận nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, ký trong tháng 3-2016, được cho là đã phát huy hiệu quả trong việc giảm số lượng người di cư vào châu Âu.

Tuy nhiên, ý kiến này chưa tính đến tác động của việc một số nước thành viên EU đóng cửa biên giới với các nước khu vực Balkan, điều kiện sống không như mong muốn và sự tiếp đón thiếu nhiệt tình đã ngăn cản nhiều người di cư mạo hiểm đến châu Âu. Thiếu các đánh giá thực chất sẽ khó có thể xây dựng chính sách giải quyết khủng hoảng nhập cư một cách hiệu quả trong tương lai.

Các biện pháp giải quyết khủng hoảng nhập cư vẫn thiếu tính bền vững. Trong thực tế, hiện vẫn chưa rõ liệu có thể duy trì được thỏa thuận nhập cư giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ hay không.

Kể từ khi cuộc đảo chính bất thành nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đã đe dọa sẽ không thực hiện các cam kết trong thỏa thuận trên nếu EU không thông qua việc miễn thị thực cho công dân của nước này. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, với việc các lực lượng theo chủ nghĩa dân túy lợi dụng tâm lý lo sợ, phản đối người nhập cư của người dân châu Âu, EU khó có thể thông qua việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, thái độ phó mặc của các nước thành viên EU liên quan cũng khiến việc giải quyết khủng hoảng di cư đi vào bế tắc. Trong báo cáo gần đây, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) ước tính chỉ có 6% trong tổng số 66 nghìn người đến Hy Lạp năm 2015 được tái định cư tại các nước thành viên khác trong EU. 

Số còn lại đang phải sống trong các trung tâm tiếp nhận quá tải và chờ quyết định chính thức đối với đơn xin tị nạn. Các nước thành viên EU dường như không có động thái nào nhằm giải quyết thực trạng trên.

Đoàn kết là sức mạnh

Theo thống kê, số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu trong 9 tháng năm 2016 đã giảm xuống còn khoảng 300 nghìn người so với 520 nghìn người năm 2015, nhưng khủng hoảng nhập cư lại xuất hiện một số xu hướng đáng lo ngại. Khủng hoảng vẫn tiếp diễn ở các khu vực lân cận châu Âu với người tị nạn từ Syria, Afghanistan và Iraq vẫn chiếm gần 90%.

Trong khi Syria đang phải đối mặt với cuộc xung đột trên diện rộng thì xung đột ở Afghanistan và Iraq cũng có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Điều này đe dọa tạo ra làn sóng người tị nạn ồ ạt vào châu Âu. Chừng nào các quốc gia xung quanh châu Âu còn khủng hoảng, số lượng người di cư tới châu Âu vẫn sẽ tiếp tục tăng.

Điều đáng lo ngại hơn là, mặc dù số lượng người di cư vượt biển vào châu Âu giảm 42% nhưng số lượng nạn nhân thiệt mạng hoặc mất tích chỉ giảm 15% so với năm 2015. 

Dường như các chiến dịch truy quét và phá hủy tàu thuyền của các tổ chức buôn người cũng như hoạt động tuần tra thường xuyên các tuyến đường biển của châu Âu đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới kết quả không mong muốn là những người di cư vượt biển vào châu Âu sẽ phải đối mặt với các tuyến đường biển cũng như trên các tàu buôn lậu nguy hiểm hơn.

Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em đi một mình đang tăng lên, dẫn tới thực trạng một số lượng lớn trẻ em “biến mất” khỏi các trại tị nạn và trung tâm tiếp nhận người di cư (khoảng 10 nghìn trẻ em từ đầu năm 2016 đến nay).

Đức chi tiêu mạnh tay cho viện trợ nhân đạo và các chương trình được thiết kế để chống lại các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư.

Trước tình hình này, Ủy ban Ngân sách Quốc hội Đức đã nhất trí tăng chi tiêu cho các ngành an ninh, tình báo và viện trợ nhân đạo. Liên minh cầm quyền Đức đã nhất trí về một dự thảo ngân sách cho năm 2017 với mức chi nhiều hơn cho các lĩnh vực an ninh, tình báo và viện trợ nước ngoài. Nhiều quỹ cũng được thiết lập nhằm tạo nguồn lực tài chính để đối phó với các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư.

Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ dành 1,2 tỷ USD chi tiêu cho viện trợ nhân đạo và các chương trình được thiết kế để chống lại các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư, và rót thêm 50 triệu USD cho một chương trình hỗ trợ những người xin tị nạn nhưng bị từ chối.

Hơn nữa, để hạn chế số lượng người di cư thực hiện các cuộc hành trình nguy hiểm đến châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel đang đẩy mạnh đầu tư công và tư vào châu Phi. Để triển khai kế hoạch này, Đức cũng kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế châu Phi, tạo công ăn việc làm và làm chậm dòng người di cư từ châu Phi đến châu Âu.

Đức sẽ sớm công bố “Kế hoạch Marshall cho châu Phi”, tập trung vào các chương trình hỗ trợ dành cho thanh niên, giáo dục và đào tạo song song với các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế và thực thi các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một mình Đức không thể nào thay đổi được cục diện. Vì liên quan đến nhiều khía cạnh kinh tế - chính trị - an ninh nên vấn đề người tị nạn luôn là nhân tố làm lung lay “mái nhà chung” châu Âu một cách mạnh mẽ nhất.

Hiện tại, trong EU xuất hiện các nhóm nước có quan điểm mâu thuẫn nhau trong giải quyết vấn nạn di cư. Trong khi nhóm Visegrad (gồm Ba Lan, Hungary, Slovakia, Czech) thẳng thừng chống lại chính sách, các quốc gia Bắc Âu (như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan) hay Đức lại chủ trương tiếp nhận người tị nạn và giúp những người này hòa nhập vào cộng đồng sở tại.

Trong mắt những người bi quan, dường như cuộc khủng hoảng di cư đã tác động mạnh mẽ đến mọi vấn đề, đẩy nhiều chính sách của một liên minh châu lục lớn mạnh đến bờ vực sụp đổ. Để chấm dứt tình trạng này, EU cần phải đẩy mạnh sự phân bổ quyền lực giữa các quốc gia thành viên, và cảnh báo sự tan rã trong nội khối liên minh này.

Đồng thời, EU cũng cần phải tập trung hơn trong việc đối phó với các luận điệu cực đoan liên quan đến việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nhập cư. Điều này sẽ giúp EU xây dựng các chính sách dài hạn hơn như tập trung vào việc tái định cư người nhập cư, hay tăng cường đầu tư vào việc quản lý khủng hoảng ở các quốc gia láng giềng…

Nguyễn Tuyết
.
.
.