Gia tộc họ Huỳnh trong khủng bố trắng khởi nghĩa Nam Kỳ

Thứ Ba, 01/12/2015, 07:51
Cũng như nhiều địa phương khác, sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Đức Hòa chìm trong cuộc khủng bố trả thù đẫm máu của thực dân Pháp. Cùng với hàng chục người con ưu tú của Đức Hòa bị đưa ra trường bắn như đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Dương tự Vườn, Lê Văn Lao…, không ít các nữ cán bộ, Đảng viên và quần chúng ở Đức Hòa hy sinh và bị bắt vào tù sau cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khủng bố bắt đầu từ chiều ngày 23-11-1940, kéo dài suốt  ba tuần lễ mà cho đến hôm nay, dấu ấn tàn sát đẫm máu còn đọng lại ở di tích Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Đức Hòa. 8 giờ sáng ngày 24-11-1940, một đại đội Lê Dương do trung úy Peronard đến Đức Hòa, có Jacquot và Martineau dẫn theo đội lính lưu động của Gia Định và Chợ Lớn yểm trợ. Dưới sự ngóc đầu dậy của những tên tay sai ác ôn, chúng tràn đến những địa điểm tình nghi “Cộng sản dậy” đốt nhà, giết người, cướp của. Chúng dùng xe nồi đồng gắn liên thanh bắn rạp cả các bụi tre ven đường. Ở nhà ông Biện Sử, chúng trói ông và người con trai là Hai Song liệng vào đống lửa.

15h ngày 23-11, chúng cho máy bay trinh sát oanh tạc, săn đuổi quân khởi nghĩa ở Giồng Ông Tường và Giồng Lốt (ấp Nhơn Hòa và Hậu Hòa của Đức Hòa)… Chúng liên tiếp tăng cường quân về Đức Hòa để khủng bố. Ngày 27-11, quân Pháp điều 70 lính xạ thủ Bắc Kỳ do đại úy Dinahot, chỉ huy tăng cường cho quân Lê Dương ở Đức Hòa. Suốt hơn một tuần lễ, địch mở cuộc càn quét vào các làng Đức Hòa, Mỹ Hạnh, Hựu Thạnh, Đức Lập và vùng ven thị trấn…

Ở hai ấp Bình Tả, Bình Hữu, chỉ trong 2 ngày càn quét đầu tiên, chúng đốt cháy 42 căn nhà, bắn chết 18 người, ném thi thể nạn nhân xuống mương nhà ông Lê Văn Khách. Tại ấp Bình Thủy, 18 ngôi nhà bị thiêu hủy. Ở Hựu Thạnh và Lương Hòa, chúng đốt 6 ngôi nhà, bắt đi 21 người, trong đó có 8 đảng viên… Đến nhà ông Thợ Chín, chúng bắn 4 người vì cho đây là điểm nấu cơm cho quân khởi nghĩa. Sau đó, chúng bắn thêm 4 người bỏ gần nơi Quản Nên bị phục kích.

Ngày 26-11-1940, quân Pháp và tay sai ghi lại một tội ác man rợ mà cho đến hôm nay, khu mộ gia đình đồng chí Huỳnh Văn Một là một bằng chứng về nỗi đau còn lại với thời gian. Đồng chí Huỳnh Văn Một - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Trưởng ban căn cứ Xứ ủy Nam Kỳ đã kể lại cảnh khủng bố trong hồi ký:

…Cảnh tượng thuở đó nay hồi lại hết sức đau lòng, không bút mực nào ra cho hết được. Gia đình cha tôi là một trong muôn vàn gia đình phải chịu cảnh tàn sát dã man ghê gớm nói trên. Bọn quan làng đem lính mã tà và Lê Dương đến bao vây, bắt tất cả trong nhà từ già (cha tôi 69 tuổi ) đến trẻ (con tôi mới được 1 tuổi ), tất cả là 13 người. Tài sản trong nhà chúng cướp hết chia nhau. Chúng bứng đến cây trồng ngoài vườn và khiêng từ chậu kiểng về làm của riêng. Trâu bò, heo gà chúng bắn và bắt chia nhau ăn. Nhà cha tôi chúng đốt không cháy nên cho xe kéo sập chở về làng. Số người chúng bắt đem hết đến ấp Rừng Thơm làng Mỹ Hạnh. Chúng gom 13 người trong gia đình tôi cùng với ba cha con ông Sáu Mài, xịt xăng đốt, đồng thời xả súng bắn. Cha tôi là Huỳnh Văn Bài trước khi chết không còn chịu được, chửi thực dân Pháp là quân khát máu ăn thịt người, độc hơn loài sói dữ, chửi bọn quan làng là loài chó săn phản nòi hại nước. Chúng bắn người chết rồi khiêng quăng vào lửa. Anh tôi là Huỳnh Văn Quỳnh, thuở đó mới tuổi 40, con của anh tôi là Huỳnh Văn Bảnh mới lên 13 tuổi chúng đều bắn bị thương. Bọn quan làng kêu lính bắn chết luôn con của chị tôi là cháu Phiến, con của em gái tôi là cháu Quyến và hai con trai của tôi một lên ba, một mới 12 tháng tuổi, bọn Pháp quơ cẳng đập xuống đất ngất ngư, còn dùng giày đinh leo lên dậm bể đầu nát thịt không khóc được tiếng nào. Cháu An, con cô Than mới 10 tuổi  đến nhà cha tôi chưa kịp về chúng cũng dắt tới đây tưới xăng vào người đốt cháy như người đốt thuốc…”.
Bà Phạm Thị Dẫu (bìa trái) - nhân chứng Khởi nghĩa Nam Kỳ dưới gốc đa nhà thờ họ Huỳnh. Ảnh: TH, 2015.

Cuộc khủng bố của kẻ thù dồn đuổi đến những số phận phụ nữ chân chất hiền lành, những thường dân vô tội. Đồng chí Huỳnh Văn Một ngậm ngùi kể:

Chị dâu tôi là Nguyễn Thị Tiếu, vợ của anh Huỳnh Văn Quỳnh, chị Phạm Thị Huân vợ của anh Huỳnh Văn Cảnh, em gái tôi là Huỳnh Thị Lùn và con của em là Huỳnh Văn Kháng mới lên 3 tuổi, vợ tôi là Nguyễn Thị Cảnh chúng cũng đem chế xăng đốt. Cuối cùng, hầu hết đều bị phỏng hết người. Vì vết phỏng quá nặng, lại đau buồn thương con, phải sống ly hương trốn bọn hội tề, sau đó vài năm, vợ tôi khô dần rồi mất, để lại đứa con trai mới sinh… Còn cháu Kháng lớn lên lấy tên là Minh Sơn, mặt nó còn nhiều loang lổ dấu vết mang nặng thù sâu.

Nữ đồng chí Võ Thị Phái - Đảng  viên được kết nạp năm 1930, quận ủy viên hy sinh trong Khởi nghĩa Nam Kỳ là một tổn thất không gì bù đắp được cho phong trào phụ nữ Đức Hòa. Dù đã hơn nửa thế kỷ, cái chết của bà Võ Thị Phái đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đồng bào Đức Hòa.

Theo lời kể của anh Võ Văn Đấu, cháu đích tôn của đồng chí Võ Văn Tần, gọi bà Phái bằng “bà cô”, thì bà bị giặc Pháp bắn cùng Huỳnh Thị Chiều, Phan Ngọc Sở, Nguyễn Thị Hoàn vào tháng 11-1940 tại Giồng Cám, nơi Quản Nên - tên tay sai khét tiếng bị nghĩa quân trừng phạt. Và cũng tại Giồng Cám, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đã được cắm trên cây dầu cổ thụ. Ấy là lúc bà Phái dự một cuộc họp chống khủng bố trắng. Giặc bố ráp, bắt được bà tại Bình Thủy. Chúng đưa bà về quận lỵ thẩm vấn.

Bà hiên ngang nói lớn vào mặt quận Hậu: “Chánh phủ tụi bây là chánh phủ ăn cướp. Theo tụi bây, làm sao dân sống yên ổn, làm ăn được”.

Bà bị đánh đập tàn nhẫn nhưng kiên quyết  không khai báo. Không khai thác được gì ở bà, chúng tức giận đem bà ra Giồng Cám cùng một số người bị bắt nữa hành hình. Cái chết của bà Võ Thị Phái ở Giồng Cám đã gieo vào lòng dân Đức Hòa nỗi căm phẫn và căm thù giặc sâu sắc. Hơn nửa thế kỷ sau, ngôi mộ tập thể trên con đường đất đỏ xuyên qua Giồng Cám vẫn còn tồn tại và trở thành một di tích của Nam Kỳ Khởi nghĩa trên quê hương Đức Hòa.

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Luông - con trai ông Huỳnh Văn Cảnh may mắn sống sót trong khủng bố trắng Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Cuộc khủng bố trắng kéo dài trên 2 tháng ở quận Đức Hòa đã gây nên oán hận ngập trời. Bọn hội tề tay sai thừa dịp ngóc đầu dậy trả thù, nhũng nhiễu, hạch sách dân lành. Cai tổng Trương Văn Nhung - tên tay sai đắc lực cho Quận Hậu (Nguyễn Hữu Hậu) vô cùng gian ác, vô đạo. Bàn tay hắn đẫm máu nhân dân Đức Hòa từ năm 1930, khi hắn ra làm Hương hào làng Mỹ Hạnh. Chính hắn đã dắt lính Lê Dương tàn sát những gia đình vùng này. Hắn đốt cả chùa Thầy Phương, bắt cô vải Ngoe mới 18 tuổi đang tu hành, đem về làm vợ ba cho hắn. (Cuộc đời cô vải Ngoe cũng vô cùng đặc biệt. Sau khi bị ép buộc làm vợ cai tổng Nhung, cô vải Ngoe sinh ra một người con trai tên là Mỹ. Sau hiệp định Genève, gia đình cô vải Ngoe là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Người con trai duy nhất của cô vải Ngoe với cai tổng Nhung hy sinh. Năm 1996, cô vải Ngoe được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng). Cũng chính cai tổng Nhung dắt lính Lê Dương giết cả gia đình ông sáu Mài, chỉ chừa lại cô Bời mới 15 tuổi, đem về làm vợ bốn của hắn!

Theo báo cáo của Thống đốc Nam Kỳ gửi cho toàn quyền Đông Dương, thì từ ngày 23-11 đến hết tháng 12-1940, bọn Pháp đã tiến hành 369 vụ bắt bớ ở Chợ Lớn, 281 vụ bắt bớ ở Tân An. Đến tháng 1-1941, Nam Kỳ có tới 7.048 người bị bắt, trong đó ở Tân An là 421 người, ở Chợ Lớn là 522 người, chúng đã bắt của Tân An 261 người, không kể số người bị bắn chết tại chỗ, bắt rồi thả ngay.

Các nhà sử học cho rằng: Chắc chắn con số này còn xa với thực tế. 75 năm đã trôi qua, những ngày đám giỗ hội mùa đông năm 1940 là một bằng chứng hiển nhiên về tội ác của địch đối với đồng bào trên vùng đất ven đô án ngữ phía tây nam Sài Gòn. Mới đây, tôi về ấp Nhơn Hòa, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, Long An gặp lại gia đình ông Huỳnh Văn Một - nhân chứng Khởi nghĩa Nam Kỳ. Năm ấy, ông Huỳnh Văn Một cùng quân khởi nghĩa rút về Truông Mít, Tây Ninh thì gia đình ông đã chết 8 người, bị thương do xăng cháy 5 người. Trong số người sống sót năm ấy, bà Phạm Thị Dẫu mới 4 tuổi, mồ côi cha mẹ, được cậu mợ là vợ chồng ông Huỳnh Văn Bài nuôi dưỡng thoát chết nhờ bà Phạm Thị Huân - vợ ông Huỳnh Văn Cảnh ôm trong lòng.

Bà kể: “Khi bị bọn ác châm lửa, những người còn lại như bó đuốc cháy sáng. Nói thiệt là nhờ số người làm làng cũng không cột chặt nên một số người mới chạy thoát. Tôi lúc đó còn nhỏ quá, chỉ nghe kể lại, không biết gì”. Bà Liêu Thị Liễu - vợ ông Huỳnh Văn Luông kể: “Chồng tôi lúc đó mới 9 tuổi, đi học về, nghe bà con ngăn lại báo tin dữ bèn trốn đi nên không bị bắt. Nhưng là con của nghĩa quân Huỳnh Văn Cảnh đang bị kêu án tử hình vắng mặt, ông nhà tôi phải trốn lên Tân An Hội Củ Chi, tá túc nhà bà nội tôi là Huỳnh Thị Lụa. Tôi biết ông từ đó, thấy thương, rồi lớn lên, nên vợ nên chồng với ông ấy. Bà Huỳnh Thị Cảnh - vợ ông Huỳnh Văn Một cũng tìm tới nhà bà nội tôi trốn bọn quan làng. Đến Củ Chi, bà hỏi đường, nhằm ngay cai Phấn làm làng. Ông cũng tử tế chỉ đường, làm ngơ, chớ không thì đã bắt bà đi rồi. Người bà bị đốt cháy rất nặng. Tôi chứng kiến cảnh bà nội tôi chăm sóc vết thương cho bà Cảnh. Bà nội cắt lá chuối rải trên nền đất cho người bị phỏng nằm không bị cạ đau. Người bà Cảnh nứt ra nhiều chỗ. Bà nội tôi đổ dầu dừa, rắc phấn lên vết thương… Sau này, bà Cảnh cũng chết sớm vì yếu sức!”.

Ngôi nhà thờ gia đình ông Huỳnh Văn Một được thế hệ cháu con dựng lên không chỉ để ghi nhớ về sự lan tỏa một dòng họ mà cả những trang lịch sử bi tráng của vùng đất ven đô. Giữa cánh đồng, mộ những người ngã xuống lặng lẽ ghi chứng tích tội ác của quân Pháp trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ mà nạn nhân, phần đông là người già, phụ nữ và trẻ nhỏ.

Trầm Hương
.
.
.