Có một mùa Tết COVID xa quê

Thứ Ba, 02/02/2021, 08:54
"Đúng rồi! Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào! Ai ở chỗ nào ở nguyên chỗ đó!", Thủy Tiên kết thúc cuộc gọi với tôi từ nước Anh xa xôi bằng câu nói đã trở nên quen thuộc kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Giống như nhiều người Việt trẻ khác đang sống tại nước ngoài, tết này, Thủy Tiên lựa chọn ăn tết xa quê. Khoảng cách không còn là lý do, mà chính COVID-19 mới là điều khiến những người trẻ như Tiên tại nhiều quốc gia không trở về nhà ăn tết.


1. 7h30 sáng, như thường lệ, cô quản lý cửa hàng Thủy Tiên thức giấc, ăn vội bữa sáng rồi thay bộ đồ công sở, bắt đầu ngày làm việc bằng thao tác check-in qua hệ thống trực tuyến của công ty. Cuộc sống "bình thường mới" của Tiên đã thay đổi, trước cả khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại Anh nhằm kiểm soát chủng mới của COVID-19 bắt đầu.

Thủy Tiên cùng chồng đã lựa chọn không về nước dịp tết này, bởi "ăn tết xa quê cũng là yêu nước".

Khi tôi ngỏ lời phỏng vấn, Tiên chẳng ngần ngại nói: "Đồng ý thôi, nhưng dịch dã căng thẳng như hiện nay, bọn mình thậm chí còn chưa có thời gian nghĩ đến tết!". Thủy Tiên có lẽ là một trong những trường hợp chịu nhiều thiệt thòi vì đại dịch, khi kế hoạch về nước kết hôn và tổ chức đám cưới của cô, dự kiến diễn ra trong năm 2020, buộc phải hoãn lại không thời hạn. 

Lịch trình về nước của cô cùng chồng chưa cưới sau bốn năm ăn tết xa quê cũng phải dừng lại, do cách làm việc trực tuyến yêu cầu sự tập trung cao độ tại cửa hàng mà cô đang phụ trách sẽ không cho phép cô hoàn thành tốt với sự chênh lệch múi giờ giữa Anh và Việt Nam. "Gần một tháng nữa là tới tết rồi. Cái tết xa quê vốn buồn, nhưng tết năm nay ở Anh sẽ buồn hơn một chút, vì toàn bộ đất nước được đặt trong tình trạng phong tỏa. Người Việt mình tại Anh cũng sẽ không được tụ tập ăn uống hay đi chúc tết như mọi năm", Tiên nói với tôi khi đồng hồ lúc này cũng đã điểm 2h sáng. 

"Nhưng nghĩ theo hướng tích cực, thì đợt cách ly này sẽ cho mình thêm thời gian để học làm bánh chưng, giò chả, chuẩn bị một bữa cơm ngày 30 Tết không khác gì ở nhà", cô gái Hà Nội cảm ơn tôi vì đã nhắc nhớ về ngày tết, và rồi vui vẻ nói với tôi kế hoạch mới mà cô vừa nghĩ ra để đón một cái tết trọn vẹn xa quê. Khi tôi hỏi khéo rằng tình hình dịch dã lan nhanh, có khi nào Tiên nghĩ sẽ tìm mọi cách để về Việt Nam không, Tiên thành thật trả lời: "Không!". 

Tôi vội nói đùa, quyết tâm này là xuất phát từ đề nghị công dân chỉ nên về nước dịp tết khi có nhu cầu thực sự khẩn thiết hay không, nào ngờ Tiên nhanh chóng gật đầu: "Đúng rồi! Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào! Ai ở chỗ nào ở nguyên chỗ đó!". Thì ra, tết xa quê cũng là yêu nước.

2. Khi Khánh Hòa - cô du học sinh năm cuối tại Đức gọi cho tôi - nhiệt độ ở vùng Kassel nơi cô sinh sống đang là -1 độ, tuyết phủ trắng trời. Thời tiết khắc nghiệt cùng lệnh phong tỏa COVID-19 kéo dài khiến cô sinh viên không thể bắt tàu ngược lên miền Bắc để ăn tết cùng gia đình cậu ruột, còn các lệnh hạn chế bay cũng làm gián đoạn hành trình của cô về Việt Nam.

Từ Đức, Khánh Hòa lựa chọn tự tạo ra một không gian tết của riêng mình, để bạn trai cô có thể phần nào hiểu hơn về tết Việt.

"Mình thích nhất không khí tết ở Việt Nam, một không khí rất đặc trưng mà không ở đâu có được. Khi còn ở Việt Nam, nhiệm vụ hàng năm của mình là gói nem. Có những năm mình phải gói đến hơn 200 chiếc. Mẹ con mình còn hay đi chùa đêm giao thừa, và có lẽ đây là điều mà mình nhớ nhất về tết Việt", Hòa say mê kể cho tôi nghe về những mùa tết ấm áp bên gia đình mà cô đã từng trải qua. Nhưng… 

"Vì học hành và công việc, đã bốn năm rồi mình không ăn tết ở nhà. Ở Việt Nam, gia đình mình thường sẽ quây quần trước tết để làm những món ăn truyền thống, bàn chuyện mua sắm, cỗ bàn và kế hoạch thăm hỏi họ hàng. Còn đối với người Đức, tết của họ là dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch. Sau đó vào tầm tháng 2, mọi thứ quay lại quỹ đạo làm việc cũ. Đức đang phong tỏa nên cũng không đi được đâu, không gặp được ai. Bạn bè mình cũng không nhiều và chủ yếu là người nước ngoài nên không khí tết hầu như không có", Hòa chia sẻ, khiến tôi có phần lo sợ nhịp sống phương Tây sẽ khiến cô gái này quên mất dư vị tết quê nhà.

"Dù mình không nghĩ nhiều về tết, nhưng tạm quên tết thì không hẳn đâu. Tết là thời gian mình hạn chế lên mạng xã hội vì cứ lên là sẽ thấy ảnh mọi người tụ tập liên hoan, vì sẽ rất ghen tị. Những ngày cận tết, mình vẫn tranh thủ gọi về nhà để hưởng không khí chuẩn bị tết qua màn hình, vậy cũng đủ vui rồi!", Hòa giải thích. 

"Mà thực ra, dù xa nhà, nhưng tự bản thân mình cũng có thể tạo ra tết đấy!", Hòa bật mí với tôi cách mà cô ấy tự tạo ra không gian tết của riêng mình giữa mùa COVID. "Có thời gian, mình sẽ đặt hàng ở chợ châu Á gần nhà rồi nấu một vài món ăn tết và mời các bạn cùng nhà thưởng thức. Thay vì xem Táo Quân đêm 30 tết, mình sẽ xem lại qua Youtube vào ngày mùng 1 Tết, như vậy cũng là đón tết rồi phải không!".

3. "Mọi người ở đây góp cả bánh chưng, giò lụa, chân giò hầm đúng chuẩn đồ ăn Việt đấy ạ"!, Minh Cường, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản hào hứng kể cho tôi về mâm cỗ tết của người trẻ Việt trong lòng xứ sở mặt trời mọc. Bắt đầu hành trình tu nghiệp ở Nhật Bản từ năm 2018, Cường chưa có dịp về quê ăn tết do đặc thù nghiên cứu, cộng với lịch nghỉ lễ của Nhật Bản và Việt Nam khác nhau không cho phép Cường nghỉ học dài ngày về nước.

"Từ hồi qua Nhật Bản, có hai thứ em đặc biệt thiếu so với ở Việt Nam, đó là người thân và ẩm thực Việt. Nên nếu giờ em được ngồi trước mâm cỗ tết cùng với gia đình thì quả thực là thiên đường!", chia sẻ dịp đầu năm của chàng trai trẻ dù đơn giản nhưng lại là mong muốn của rất nhiều người Việt xa quê. "Ngành nghiên cứu của em liên quan đến sinh học cơ bản nên khác với các ngành khác, công việc hàng ngày của em là lên phòng nghiên cứu làm thí nghiệm. Công việc này đặc biệt đòi hỏi khá nhiều thời gian và suy nghĩ, khiến em không có nhiều thời gian theo dõi tin tức hay hoạt động ở Việt Nam nữa. Đến cả sinh nhật em, nếu không ai nhắc, chắc em cũng quên. Nên chưa tính đến COVID-19, nếu ở bên này không có hội người Việt cùng sinh sống và tích cực chuẩn bị cho tết thì chắc em cũng "tạm quên" tết Việt đó ạ", Cường trải lòng. 

Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, Cường nhắc đến cộng đồng người Việt ở Nhật Bản rất nhiều, với cảm xúc trân quý như những người thân trong gia đình. "Vì đến tết ở Nhật mọi người vẫn trong guồng làm việc nên cảm giác không được vui tươi đầm ấm như hồi ăn tết ở Việt Nam cùng với gia đình. Nhưng em may mắn vì có nhiều người Việt đang học tập và sinh sống tại đây, nên hàng năm cứ đến dịp tết mọi người lại gặp gỡ và cùng nấu nướng. 

Ở Nhật không có cây hoa đào như nhà mình, nên mọi người kiếm cành cây khô rồi gấp giấy hồng gắn lên làm cành đào, trông cũng giống thật lắm!", Cường kể lại. "Đợt dịch lần này, khu vực em sinh sống không có ca nhiễm nào, nên mọi người cũng không phải cách ly nhiều. Dịp tết dương vừa rồi, mọi người cũng lên kế hoạch gặp gỡ, ăn uống chào năm mới, rồi sáng hôm sau lại cùng nhau đến thăm ngôi đền gần trường để cầu may. "Thực ra em nghĩ, nơi nào có người Việt, nơi đó nhất định vẫn giữ được không khí tết dù ít hay nhiều", Cường nói, những câu chữ giản dị, nhưng lại khiến trái tim tôi thấy ấm áp thêm.

4."Nhưng dù bận đến bao nhiêu, sống xa nhà nhiều năm thế nào, Tết vẫn thèm được về nhà lắm chứ", Hương Giang, một du học sinh vừa tốt nghiệp tại Mỹ trải lòng. 

Dịp tết gần kề cũng là lúc Hương Giang muốn trở về hơn bao giờ hết.

"Trước đây dù không ăn tết ở nhà, nhưng mình cũng không buồn nhiều, vì lúc đó vẫn bận đi học, và các bạn du học sinh khác cũng ở đây thôi, nên cuộc sống không xáo trộn. Năm ngoái, sau khi tốt nghiệp, lần đầu tiên được về nhà ăn tết sau năm năm, mình vô cùng hạnh phúc, tới mức hứa với mọi người rằng nhất định năm nào cũng sẽ xin nghỉ phép để về Việt Nam ăn tết. Vậy mà đùng một cái, COVID-19 khiến mình kẹt tại đây!", giống như Thủy Tiên, kế hoạch về nước của Giang cũng đổ bể vì những diễn biến không mấy khả quan của đại dịch. "Ở Việt Nam, việc gặp gỡ, đi lại vẫn thoải mái hơn. Còn bên này, mọi thứ đều phải cẩn thận. Ngay cả khi muốn rủ ai đó đi chơi hoặc được mời đi chơi, bạn cũng phải cân nhắc, không thể thoải mái như trước đây. Thậm chí nếu bị từ chối thì cũng coi là bình thường, vì COVID mà!", Giang kể cho tôi nghe về sự cô đơn trong mùa dịch mà cô cùng nhiều bạn bè đang phải trải qua. 

"Chưa kể việc ở Mỹ không có tết dương lịch, chỉ riêng COVID-19 cũng đã khiến các buổi gặp mặt đón tết bị hạn chế rồi. Mùa tết năm nay khó để tìm thấy ngoài đời, thì mình đi tìm tết ở trong tâm thôi", Giang chia sẻ, nói thêm với tôi rằng mơ ước lớn nhất của cô hiện tại là được gặp gia đình, bạn bè và ăn đồ ăn Việt ngay khi dịch COVID-19 đi qua. "Đi du học rồi mới thấy mình thèm những thứ này lắm. Nếu được gặp mọi người bây giờ, mình có thể nói hàng nghìn câu chuyện đến sáng mai!". 

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa thôi, tết sẽ về trong từng căn nhà nhỏ. Từ những quốc gia khác nhau, từ những múi giờ khác nhau, những người trẻ Việt dù cách này hay cách khác cũng đang nỗ lực mang hồn tết Việt đến năm châu. Và dù có ở đâu, Tết vẫn sẽ luôn là Tết, khi Tổ quốc luôn ở trong tim mình.
An Nhiên
.
.
.