Ấn Độ và mối nguy hại tiềm ẩn ở Kashmir

Thứ Tư, 28/08/2019, 14:38
Trong một động thái khá bất ngờ, ngày 5 tháng 8 vừa qua, Quốc hội Ấn Độ đã quyết định bỏ Điều 370 trong Hiến pháp Liên bang liên quan đến Kashmir.

Một quyết định tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn từ vùng đất có lịch sử hỗn loạn này.

Lịch sử hình thành tranh chấp

Kashmir là một vùng đất có lịch sử đầy biến cố phía sâu bên trong tiểu lục địa Ấn Độ. Tháng 8-1947, sau khi quyết định trả lại độc lập cho Ấn Độ, thực dân Anh đã lập nên kế hoạch Mountbatten để chia tiểu lục địa Ấn Độ thành 2 quốc gia độc lập là Ấn Độ (gồm chủ yếu dân số là những người theo đạo Hindu) và Pakistan (gồm đa số người dân là tín đồ Hồi giáo).

Còn hơn 500 tiểu quốc khác trong bán đảo Ấn Độ trước đây thì được tự quyết định có thể gia nhập một trong hai nhà nước mới thành lập này.

Phần lớn các tiểu quốc này dễ dàng đưa ra quyết định của mình dựa trên địa lý và niềm tin tôn giáo. Duy chỉ có tiểu vương Maharaja Hari Singh cai trị vùng Jammu và Kashmir (gọi tắt là Kashmir) là vùng đất nằm kẹp giữa Pakistan và Ấn Độ thì không. 

Bởi tiểu vương Hari Singh vốn là một tín đồ Hindu giáo lại quản lý một vùng đất với lượng tín đồ chủ yếu là Hồi giáo rộng lớn sát với Ấn Độ nhất nên ông đã quyết định chọn cách giữ độc lập cho riêng mình. Một ý tưởng về sự trung lập của nhà nước Kashmir đã được đưa ra nhưng dĩ nhiên cả Ấn Độ và Pakistan đều không thích thú gì ý tưởng này.

Bất chấp một hiệp ước bất xâm phạm được ký với Pakistan thì chính quyền mới ở Islamabad vẫn tiến hành biện pháp cấm vận kinh tế đồng thời kích động người Hồi giáo Pashtun trong khu vực đứng lên chống lại chính quyền. Đội quân của người Pashtun nhận được nhiều sự ủng hộ và nhanh chóng tiến về thủ phủ Srinagar.

Điều này khiến tiểu vương Hari Singh phải cầu cứu sự giúp đỡ quân sự từ Ấn Độ. Toàn quyền Anh tại Ấn khi đó đã đồng ý đưa quân vào Kashmir nhưng với điều kiện vùng đất này phải chọn sáp nhập về với Ấn Độ.

Người dân Kashmir phản đối chính quyền  Ấn Độ.

Ngày 26-10-1947, tiểu vương Hari Singh đã ký thỏa thuận nhượng quyền quản lý Kashmir cho Ấn Độ. Ngay hôm sau quân đội Ấn Độ đã đổ bộ đường không tới thủ phủ Srinagar đập tan lực lượng người Pashtun, giành lại quyền kiểm soát vùng đất này và sáp nhập nó về với Ấn Độ. Hành động này của Ấn Độ khiến Pakistan vô cùng tức giận, một cuộc chiến tranh 2 năm nổ ra giữa hai nước vào năm 1947. 

Thêm một cuộc chiến nữa năm 1965, rồi một cuộc xung đột ngắn ngủi khác vào năm 1999. Đầu năm nay, những rắc rối tại Kashmir lại bùng phát khi cả hai quốc gia cáo buộc nhau có những hành động khiêu khích trước.

Rất nhiều người sống ở Kashmir không muốn vùng lãnh thổ này thuộc Ấn Độ mà muốn độc lập hoặc là một liên bang với Pakistan. Bởi Kashmir, có hơn 60% người Hồi giáo, là bang duy nhất ở Ấn Độ có đa số dân là người Hồi giáo, lại là vùng đất xa xôi nghèo đói với tỷ lệ thất nghiệp cao cùng sự có mặt dày đặc của lực lượng an ninh đã khiến mâu thuẫn thêm trầm trọng.

Vì tính chất đặc biệt của vùng đất này, vào năm 1949, một điều khoản đặc biệt được bổ sung vào Hiến pháp Ấn Độ, theo đó trao cho Kashmir nhiều quyền tự trị. Điều 370 cho phép vùng đất này có hiến pháp riêng, có lá cờ riêng và độc lập trên mọi vấn đề trừ quan hệ ngoại giao, quốc phòng và thông tin liên lạc.

Một điều khoản 35A sau đó được bổ sung vào quy định các đặc quyền dành cho cư dân thường trú tại bang này liên quan đến công ăn việc làm trong cơ quan chính phủ và đặc quyền sở hữu đất đai. Những điều khoản này được coi như cách để bảo vệ bản sắc đặc biệt ở vùng đất duy nhất có đông dân là người Hồi giáo tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, các lợi ích này sẽ bị mất đi cùng với sự hủy bỏ Điều 370.

Ấn Độ luôn muốn tăng cường kiểm soát

Ngày 5-8-2019, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua với đa số phiếu tán thành quyết định của chính quyền liên bang, hủy bỏ Điều 370 của Hiến pháp Liên bang và theo đó chia bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên hiệp Jammu-Kashmir và Ladakh. Các vùng lãnh thổ liên hiệp được chính quyền liên bang trao cho ít quyền tự trị hơn so với bang trước đây và phải chịu sự cai trị trực tiếp từ Delhi.

Thực tế, quyền tự trị của Kashmir hầu như đã bị tước bỏ hết bởi một loạt biện pháp hợp nhất mà chính phủ liên bang áp dụng lên bang này trong thời gian từ giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1960.

Sau cuộc chiến tranh với Pakistan năm 1965, những phần còn lại trong Điều 370 chủ yếu chỉ mang tính biểu tượng - một lá cờ của bang, một bản hiến pháp riêng có tính biểu tượng và một bộ luật hình sự còn sót lại từ thời nơi này còn là tiểu vương quốc Jammu và Kashmir từ 1846-1947. 

Chính quyền của bang hoàn toàn bị đặt dưới sự điều khiển của liên bang và những điều luật quản lý hà khắc được ban hành. Điều 35A, với nội dung cấm người ngoài vào mua đất đai, bất động sản tại bang này và đảm bảo ưu tiên việc làm trong các cơ quan nhà nước cho người dân địa phương có hiệu lực nhưng nội dung này không phải là điều chỉ áp dụng duy nhất cho Kashmir. 

Một số bang ở miền Bắc như Himachal Pradesh, Uttarakhand và Punjab hay một số bang ở vùng ngoại vi Đông Bắc Ấn Độ cũng có chế độ bảo hộ tương tự đối với người dân địa phương.

Nguyên nhân của việc chính quyền Ấn Độ thắt dần các biện pháp kiểm soát với Kashmir là bởi "chủ nghĩa ly khai" ở bang này vốn đã bùng nổ thành cuộc nổi dậy vào năm 1990. Tuy nhiên, với việc tước bỏ Kashmir là một bang và chia cắt nơi này thành các phần khác nhau, một hành động chưa từng xảy ra kể từ khi Ấn Độ giành độc lập cho đến nay, chính quyền của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã đi xa hơn nhiều so với trước.

Kế hoạch phân chia lại Kashmir của Ấn Độ.

Những nguy cơ bùng phát

Trước tiên phải nói chính quyền hiện tại của ông Modi, Thủ tướng Ấn Độ đương nhiệm được hình thành dựa trên chiến thắng của đảng BJP vốn là chính đảng của những người Hindu cực đoan. Họ vốn không thích việc để một Kashmir cho người Hồi giáo kiểm soát và trở thành rắc rối thường trực của mình. 

Ấn Độ đang cần đảm bảo an ninh để tập trung phát triển kinh tế nên cần tăng cường kiểm soát hơn nữa với trung tâm rắc rối này. Đảng BJP của ông Modi cũng không hề quan tâm tới cái gọi là "nhà nước thế tục" như dưới thời đảng Quốc đại của gia đình Gandhi nắm quyền thế, nên họ sẽ thẳng tay đàn áp bất cứ một ý tưởng ly khai nào. 

Với phong trào dân tộc đang lên cao trong nước, việc tăng cường kiểm soát ở Kashmir có thể giúp BJP thu hút sự chú ý của cử tri, đạt kết quả khả quan trong các cuộc bầu cử ở một số bang Ấn Độ vào tháng 10 tới đây.

Tuy nhiên, cách tiếp cận bị đánh giá là "cực đoan" của chính quyền ông Modi đang tiềm ẩn những vấn đề lớn hơn nhiều. Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất đối diện với vấn đề ly khai dai dẳng: Scotland ở Vương quốc Anh, Quebec ở Canada, hay Catalonia ở Tây Ban Nha cũng là những lãnh thổ liên tục đòi ly khai. 

Nhưng quyết định của chính phủ BJP làm thì khiến người ta nhớ lại những gì chế độ Milosevic của Serbia đã làm vào năm 1989, khi đơn phương hủy bỏ quyền tự trị của Kosovo và áp đặt một nhà nước cảnh sát đối với cộng đồng người Albania chiếm đa số ở Kosovo. Nó như một hành động bắt những người dân ở khu vực phải khuất phục trước chính quyền.

Những người Hồi giáo ở Kashmir vốn không hiền lành. Sự nghèo đói, xung đột sắc tộc luôn tiềm ẩn mầm mống xung đột. Với một nhà nước Pakistan Hồi giáo ở ngay bên cạnh, bất cứ ý tưởng chống đối chính quyền Ấn Độ nào trong khu vực cũng có thể nhận được sự hỗ trợ. Kashmir tuy chỉ là vùng đất nhỏ bé với chưa đến 20 triệu dân nhưng lại như một quả bom nổ chậm nằm giữa tiểu lục địa Ấn Độ.

Quả nhiên, chỉ ngay  sau ngày  Ấn Độ hủy bỏ Điều 370 của Hiến pháp Liên bang, những cuộc biểu tình của người dân Kashmir phản đối chính quyền Ấn Độ đã nổ ra. 

Cũng rất nhanh chóng, Pakistan và Trung Quốc, những quốc gia đang kiểm soát những vùng đất tranh chấp xung quanh Kashmir đã lên tiếng chỉ trích bước đi này của Ấn Độ. Thậm chí, có thông tin về những cuộc xung đột nhỏ đã diễn ra ở biên giới Ấn Độ - Pakistan trong những ngày gần đây. Một lò lửa đã ngay lập tức được hun nóng trở lại.

Quân đội Ấn Độ cũng đã được điều thêm đến khu vực tranh chấp này. Những biện pháp an ninh đã được tăng cường, cho thấy bản thân chính quyền Ấn Độ cũng biết là sẽ có những nguy cơ xảy đến. Bước đi cứng rắn của chính quyền ông Modi có thể đem lại cho họ nhiều lợi thế để giải quyết các vấn đề trong nước trước mắt nhưng ngọn lửa thù địch đã lại được khơi lên!

Tử Uyên
.
.
.