Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Giọng thơ bi tráng trên đường viễn chinh
Tôi được chứng kiến nhiều lần, các cựu chiến binh mặt trận 479 tụ hội ở TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác, nhiều đồng đội, tóc bạc trắng, sang sảng đọc thuộc lòng những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu như ''Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ '' và ''Điểm danh đồng đội''…
Tôi ấn tượng với một nữ y tá ở chiến trường K, chị vừa đọc vừa khóc. Những bài thơ ấy, sống trong sổ tay, sống trên Facebook, sống trong tâm khảm của hàng ngàn, hàng vạn người lính Việt Nam đã từng chiến đấu trên đất Campuchia. Họ bình luận, họ trích dẫn, họ kể lại những kỷ niệm với bài thơ. Nghe lần đầu ở đâu? Nghe ai đọc? Chép lại thế nào? Găm vào trí nhớ ra sao?… Đó chính là niềm vinh quang lớn nhất của nhà thơ - một nhà thơ từng cầm súng chiến đấu trực tiếp tại những chiến trường ác liệt nhất trên đất Campuchia những năm 1977-1989.
Gặp Phạm Sỹ Sáu, cứ ngỡ anh phải là một vị tướng mới đúng. Gương mặt vuông vức, đầy đặn. Tóc cắt ngắn. Đôi mắt hiền từ. Giọng nói trầm và ấm. Dáng đi mang phong cách chỉ huy. Nếu anh diện quân phục sỹ quan nữa, chắc tôi phải chào anh từ xa. Hỏi thăm, mới biết, anh không là tướng. Cũng không là tá. Chỉ lên đến chức đại úy . Với tôi, đại úy cũng oách lắm rồi. 5 năm làm lính, tôi chưa hề biết mặt mũi quân hàm của mình ra sao. Có mỗi lần, sau ngày nhập ngũ, đơn vị phát cho cái quân hàm binh nhì. Thế là vào chiến trường. Chưa bao giờ thấy thủ trưởng phong quân hàm binh nhất. Cấp đại úy của anh Phạm Sỹ Sáu khiến tôi rất nể phục. Ít ra, anh cũng chỉ huy cả ngàn quân. Đại úy là sỹ quan cấp trung đoàn rồi. Nhưng tiếc quá, anh lại phục viên, chuyển ngành. Anh thổ lộ: ''Tôi có dáng tướng, nhưng tướng tá là có số cả đó chớ. Có tướng với làm tướng, lên tướng là chuyện khác xa vời!''.
Đọc ''Điểm danh đồng đội'', công chúng nhận ra ngay đây là giọng thơ của một người lính trận, người lính thế hệ thứ ba trong cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc. Khác hẳn với thế hệ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ngôn từ còn mang tính tuyên huấn, động viên, giọng thơ Phạm Sỹ Sáu đi thẳng vào cảm xúc của người lính. Đặc biệt, không cần những đại từ '' lịch sự'' như '' anh-tôi'', '' anh- em'', '' bạn-tôi'' này nọ, các nhân vật trữ tình trong bài thơ xưng hô đầy thoải mái, rất lính tráng, rất lính trận, là '' mầy-tao'': ''Hãy sắp hàng vào cho tao điểm danh / Những thằng lính ở miền xa rất trẻ /Hãy sắp hàng vào để nghe tao kể /Chuyện đánh nhau và chuyện... yêu nhau /A! Có thằng nào còn mang băng trắng trên đầu /Tiến một bước, nếu thấy còn chỗ trống /Đừng băn khoăn nếu có thằng hy sinh và thằng... chạy trốn / Còn lại tụi mình thì vẫn cứ thương nhau…''. Nghe rất sướng …con nhĩ. Chỉ có những người lính trực tiếp chiến đấu, cùng ngủ hầm, chui bờ rúc bụi mới có giọng thơ lấm láp bùn đất và thoải mái như thế.
Đặc biệt, câu chuyện điểm danh ngày diễn ra mấy bận, mỗi năm lính, mỗi đời lính phải tham gia và chứng kiến cả ngàn lần, nhưng ít ai tìm được cái tứ thơ vừa khỏe, vừa vững chắc, vừa gần gũi và rất đời thường như Phạm Sỹ Sáu. Tôi hỏi: ''Cảm xúc nào khiến anh bùng nổ bài thơ này?''. Phạm Sỹ Sáu cho biết : ''Đầu năm 1981, tôi có chuyến nghỉ phép đầu tiên trong đời sĩ quan của mình. Từ biên giới Tây Bắc Campuchia, tôi vượt hàng ngàn cây số về thăm gia đình và ăn Tết ở quê nhà Quảng Nam (nay là Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Sau gần hai tháng nghỉ phép tại quê nhà, tôi trở lại chiến trường Tây Bắc K bằng những chặng xe đoàn Sài Gòn - Phnom Penh. Từ Phnom Penh tôi đón xe dân trở về đơn vị trên các chặng Phnom Penh - Pursat - Battambang - Sisophon - Nimit khá vất vả. Sau hơn 2 tháng xa đơn vị, buổi tiệc trà trả phép của tôi sao thiếu khá nhiều gương mặt đồng đội thân quen. Hỏi lý do mới biết có người bị thương đi viện, có người mất tích khi hoạt động đường biên và có cả người vượt biên tìm cuộc sống mới. Tìm hiểu thêm tôi thấy có nhiều chuyện đau lòng, khó nói bằng ngôn ngữ thông thường. Tôi đã nghĩ mình sẽ viết một bài thơ để khích lệ tinh thần bạn bè và cũng chính là tự khích lệ mình. Và như thế “Điểm danh đồng đội” ra đời. Ngôn ngữ sử dụng trong bài thơ phải là thứ ngôn ngữ phổ thông, lính ta thường dùng, không cần phải lên gân lên cốt, và cứ thế mày tao cứ tự chảy như một lời tâm sự của người chung chiến hào''.
Đúng là cảm xúc tuôn trào rất tự nhiên, mạnh mẽ. Nhưng số phận bài thơ lại không được suôn sẻ. Anh kể tiếp: ''Bài thơ làm xong, sau khi chép vào sổ tay, tôi chép một bản gởi báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, như một lời báo với bạn bè văn nghệ thành phố, tôi đã về đến đơn vị an toàn. Hai tuần sau, khoảng đầu tháng 4/1981, bài thơ chiếm nguyên trang báo khổ lớn của báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh''.
Nhưng thật bất ngờ, chừng hai tháng sau, có một số ý kiến chê bai bài thơ. Họ nói rằng, đó không phải là thơ của một người lính cách mạng. Và họ trích dẫn, phê bình. Nhưng càng trích dẫn, lính tráng càng thấy khoái. Họ thuộc lòng ngay những câu trích dẫn đó. Bởi nó là tâm tư, là khát vọng của họ. Nhưng cũng may sao, kiểu tư duy bắt thơ ca cũng phải mặc quân phục y như thời trước, đã bị những con sóng thời gian cuốn xa.
Và những cách nói mới, cách khám phá mới, những giọng thơ mới, hợp với tính chất và suy nghĩ của những người lính thế hệ mới, đã khẳng định vị trí và giá trị của bài thơ, của tác giả. Phạm Sỹ Sáu như ngôi sao sáng đầu tiên trên bầu trời thơ lính chiến trường K. Nó là thơ từ trận mạc. Thơ băng vết thương, thơ chôn đồng đội, thơ đau lính vượt biên. Nhưng không buồn, không bi lụy. Tràn đầy trong bài thơ là giọng nói hào sảng, tính cách mạnh mẽ, phẩm giá lạc quan của người lính trận đồn trú biên cương, làm nghĩa vụ quốc tế.
Cũng trong năm 1981, một bài thơ khác của Phạm Sỹ Sáu được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Đón nhận là lan nhanh. Vượt biên giới sang chiến trường K. Lính chiến trường sạm khói súng, thuộc. Lính mới bắt đầu sang K, thuộc. Thơ chép trong sổ tay. Thơ hành quân bộ. Thơ hành quân bằng máy bay Nga, thơ đi sang K bằng thuyền ngược sông Mekong… Nghĩa là, đã là lính tình nguyện trên đất K, đều biết đến bài '' Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ''. Như một lời tiễn biệt. Như một câu chúc tự hào. Như một ước mơ như lớp lính đàn anh. Như một chí làm trai ngày đất nước lâm nguy. Bởi vì sao? Vì nó hay. Hay như thế nào? Khó giải thích lắm. Một người lính, tuổi quân đã 5 năm, đội mưa hứng đạn cùng đồng đội, mới có cảm xúc nhuyễn như vậy.
Thử đọc coi: ''Mai mầy về thành phố dang rộng tay/ Đón mầy và đón bao thằng đã làm xong nghĩa vụ/ Mai mầy về bình yên trong giấc ngủ/ Có nhớ bạn bè biên giới ướt sương đêm/ Có nhớ tụi tao khao khát hôn lên mái tóc mềm/ Của con gái một thời thương nhớ nhất/ Mầy về mùa mưa, quần áo không lấm lem bùn đất/ Dép sa-bô gõ trên phố chiều vàng/ Quen tính hay đi mầy cỡi xe đạp lang thang/ Có nhớ tụi tao cởi trần đi phục…''. Đúng là nỗi niềm của thằng lính. Thằng lính xa quê. Xa thành phố. Xa đất nước. Muốn vượt biên về với Tổ quốc mình. Vẫn cái giọng '' mầy-tao'' thân thương ấy, nhưng lần này, da diết hơn. Da diết bởi cái điệp khúc ''Mai mầy về…'' nghe xót ruột lắm. Nghe bồn chồn lắm. Muốn đi cùng mầy lắm. Nhưng không thể. Mai mầy về hãy làm giùm tao những thứ nầy, thứ nọ… Nhỡ tao chết cũng cam lòng.
Bởi trong cuộc chiến hơn mười năm ấy (1977-1989), chúng tôi chiến đấu trong hành cảnh đặc biệt. Đất nước hòa bình. Nhưng đất bạn còn chiến tranh. Cuộc chiến diệt chủng. Mình phải đi. Phải giúp bạn. Không đi, giặc kéo sang biên giới. Người bị giết. Làng mạc bị cháy. Lũ quỷ ấy sẽ không để chúng ta yên. Nên lính ra đi. Khắc khoải mong ngày về. Về trong danh dự, trong niềm tự hào. Chớ không đảo ngũ. Không nằm ỳ nói ẩu. Không vượt biên sang nước thứ ba. “Trung đội thiếu mầy tao càng thấy vắng/ Nhưng vững tin đội ngũ vẫn có mầy/ Tao chừ còn nặng nợ với cỏ cây/ Nên chẳng biết nói sao cho thấy rõ/ Đất nước mình: hòa bình và súng nổ/ Ở mặt trận nào cũng cần có lòng tin/ Trong thời đại tụi mình vận nước sẽ bay lên/ Bằng trí tuệ và mồ hôi tuổi trẻ…”. Tâm trạng lính thời đó thế đấy. Rất cách mạng. Rất hy vọng. Rất tương lai.
Hãy nghe Phạm Sỹ Sáu kể lại hành trình của bài thơ: ''Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ'' được viết trong hoàn cảnh thật éo le: “Đầu tháng 4/1981, tôi nghe đơn vị báo tin là số anh em nhập ngũ đợt đầu thành phố (tháng 11/1976) đã hoàn thành nghĩa vụ, chuẩn bị các thủ tục để phục viên. Nghe tin vừa vui mà vừa buồn. Vui vì anh em được phục viên, xuất ngũ còn mình thì đã lỡ sĩ quan rồi, biết chừng nào mới về đây?! Trong những buổi tiệc chia tay kẻ về người ở lại ấy, tôi đã nghĩ đến một bài thơ lời người ở lại. Mãi đến bữa tiệc chia tay ở nhà tôi (thư viện trung đoàn cũng là chỗ ở của tôi), bài thơ mới thật chín, và tôi đã chong đèn viết bài thơ cho đến sáng, viết một mạch sau khi uống hết ấm trà quạu một mình. Tôi chép bài thơ ra giấy trắng để kịp gởi về báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh cho kịp chuyến xe đưa quân về nước. Không ngờ, bài thơ đã được đăng trong số đặc biệt kỷ niệm 6 năm ngày 30/4/1975.
Và bài thơ cũng được chị Kim Hạnh, lúc đó là Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ giới thiệu trước công chúng trong lễ phát giải Cuộc vận động sáng tác văn học 50 năm thành lập Đoàn tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên Thành phố ngày 1/5/1981. Bài thơ cứ thế lan dần, lan dần, từ trong nước qua đến đồng đội ở Campuchia và vang trên diễn đàn liên hoan thanh niên thế giới''.
Cuộc chiến hơn mười năm ở Campuchia đã xuất hiện nhiều nhà thơ, nhà văn. Họ viết khác , khác rất nhiều những thế hệ trước. Thật hơn. Sâu hơn. Lính tráng hơn. Lấy được lòng tin của bạn đọc sâu đậm hơn. Cái hay là, dường như, thơ đến với họ không phải từ ngoài tác động, mà từ nội tâm vang ra. Không cần nghiêm túc quá, đạo mạo quá. Nó thật. Nó đầy chất đời. Nó nhẹ nhàng nhưng mang chiều sâu của lịch sử ngàn năm, lịch sử thơ, lịch sử văn - sử : ''Tráng sĩ lên đường hành trang trên lưng/ Nặng gánh giang sơn lòng cứ bâng khuâng/ Tráng sĩ chừ hề áo xanh, nón cối/ Ống tên không còn, cái bình tông lủng lẳng thắt lưng/ Sông Dịch nào rộng bằng Mê-kông /Sóng Mê-kông sao bằng sóng ở trong lòng/ Tráng sĩ chừ lên rừng biên giới/ Lá thư nhà thành nỗi chờ mong…''. Thấy tôi nhiều lần trầm trồ thích thể thơ cổ điển, nội dung mới lạ, Phạm Sỹ Sáu chỉ nhỏ nhẹ : ''Thực ra “Bài hành tráng sĩ” mới là một kiểu đùa giỡn trong thơ của chàng lính ưa nghịch ngợm mà thôi. Câu chữ nó cứ tuôn trào, chẳng cần phải sắp xếp, cài đặt cho cho nó mệt!''. Cái duyên của thơ là vậy.
Phạm Sỹ Sáu học phổ thông tại Đà Nẵng. Sau đó, anh vào Sài Gòn học khoa Lý Hóa vạn vật, Đại học khoa học Sài Gòn. Tháng 5/1975, anh về xã Hạnh Thông, Gò Vấp, tham gia công tác phong trào. Tại đây, tháng 7/1977, anh đã lên đường nhập ngũ. Tâm trạng mới, môi trường mới đã tạo nên một giọng thơ mới, rất riêng, đậm chất lính tráng trận mạc. Anh đã tặng cho công chúng yêu thơ, tặng cho hàng ngàn, hàng vạn người lính biên giới Tây Nam, người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K những cảm xúc mỹ học về vẻ đẹp của người lính, vẻ đẹp của chiến trận khốc liệt cao cả. Văn học về cuộc chiến biên giới Tây Nam luôn ghi nhận sự đóng góp rất lớn của anh. Tôi biết, anh còn đau đáu rất nhiều với ký ức bi tráng. Anh đã sống hết mình, cháy hết mình. Và bạn đọc hôm nay vẫn đang nhắc về anh, vẫn đang chờ đợi anh.