Kia
Mobifone

Nhà thơ Anh Ngọc - Nương cùng những niềm vui trần thế

Thứ Ba, 30/11/2021, 20:48

Nhà thơ Anh Ngọc là người, dù bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, cũng luôn tìm thấy niềm vui. Đó là một người luôn tràn đầy năng lượng sống. Có được điều này, một phần do thiên hướng. Nhưng để duy trì suối nguồn tình yêu cuộc sống trong cả cuộc đời, cần phải có tri thức văn hóa và sự thấu hiểu cuộc sống. Và một điều quan trọng là luôn rèn luyện tâm tính để nương theo ánh sáng tâm hồn.

Tên tuổi nhà thơ Anh Ngọc lần đầu được công chúng biết qua bài thơ “Cây xấu hổ”. Đó là một bức tranh đẹp tuyệt vời giữa chiến trận trên đường 9.  Bom rơi, đạn nổ, cây đổ, đất bị cày xới cùng mùi thuốc súng, mùi tử khí ngập đầy. Hàng ngàn lính tráng của hai phía giao tranh, hầu như không ai chú ý đến lùm cây xấu hổ. Xích tăng, bánh xe kéo pháo nghiến qua. Thậm chí cả những đôi giày lính bết bùn giẫm đạp. Nhưng cây xấu hổ bé bỏng vẫn mọc lên. Khiêm nhường và cứng cỏi. Và nở hoa. Bông hoa như nụ cười. Nụ cười của thiên nhiên. Nụ cười của sự sống. Nụ cười ấy nói với chúng ta bao điều lớn lao trong và sau cuộc chiến. Ai nhìn thấy nụ cười ấy sẽ là người chiến thắng. Sẽ là người hạnh phúc. Và có một anh lính trẻ là người nhìn thấy. Bông hoa ấy biến người lính Nguyễn Đức Ngọc thành nhà thơ Anh Ngọc:

Giữa một vùng lửa cháy bom rơi

Cây hiện lên như một niềm ấp ủ

Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ

Ướp vào trong trang sổ của mình

Và chuyện này chỉ cây biết với anh

Sau này, nhà thơ Anh Ngọc có đi khắp đất nước, đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng tôi tin, ánh sáng của bông hoa bé nhỏ bên đường chiến trận ấy luôn soi đường cho nhà thơ tìm thấy và nương theo những lẽ sống của đời mình.

Nhà thơ Anh Ngọc - Nương cùng những niềm vui trần thế -0

Dường như ai cũng nói rất hay về bóng đá. Và nhiều người viết rất tuyệt về bóng đá. Trong số nhà thơ Việt Nam, có hai người bình luận về bóng đá được giới chuyên môn công nhận là nhà thơ Thanh Thảo và nhà thơ Anh Ngọc. Họ không những có kiến thức chung về bóng đá mà còn thuộc phong cách từng huấn luyện viên, cấu trúc đội hình các câu lạc bộ, vị trí và lối đá của từng cầu thủ… Những lời bình sắc lẹm của họ nghe sướng thấu tim. Nhưng để công sức và thời gian để viết hẳn một cuốn sách về bóng đá, hiện tại chỉ có nhà thơ Anh Ngọc. Anh yêu và hiểu bóng đá theo cách của mình.

Đến câu lạc bộ, tiếp xúc với các cầu thủ, các huấn luyện viên. Và để sự hiểu đó một cách đàng hoàng, cách tốt nhất là viết một cuốn sách về nó. Anh làm với lòng say mê, với sự tự nguyện. Hàng chục cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng cách nêu vấn đề, đặt những câu hỏi để những người đối thoại dốc cả ruột gan ra tâm sự, đó là cách làm của một người chuyên nghiệp. Công chúng biết đến anh không chỉ là nhà thơ. 

Bình luận viên Vũ Quang Huy xác nhận: “Là tín đồ của túc cầu giáo, Anh Ngọc cộng tác với nhiều báo mỗi dịp có giải đấu lớn và gây ấn tượng qua góc nhìn thi vị, rất đời về môn thể thao số 1 hành tinh. Sự liên tưởng giữa Gabriel Batistuta với chúa Jesus của nhà thơ trên tờ Tin nhanh World Cup 94 trong nhiều người cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên sự rung động. Cuốn sách “Ba cuộc đời một trái bóng” viết về các danh thủ Nguyễn Trọng Giáp, Trần Văn Khánh và Nguyễn Thế Anh có thể nói đã mở đường cho lối viết chân dung vận động viên, sau này một số người cũng đã thử bút lực và đam mê nhưng hơn ba trăm trang viết về bộ ba "lứa 67" Thể Công của Anh Ngọc vẫn là cuốn sách đa chiều và xúc cảm nhất”.

Đã lâu rồi, dạo những năm 90, đang ngồi trò chuyện, Anh Ngọc có việc bận. Anh đi học ngoại ngữ. Tiếng Anh. Không phải  bắt đầu mà đã ở trình độ nghe nói. Học qua băng cassette. Thầy dạy là những giáo viên ở Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Cả thày và trò đều có chung niềm đam mê bóng đá, dịch thuật văn chương. Anh Ngọc bảo, học như thế rất vui. Chóng vào. Nhưng trước đó, Anh Ngọc đã biết ngoại ngữ thứ nhất. Đó là tiếng Nga. Anh bộc lộ, mình học tiếng Nga qua từ điển. Nghĩa là anh thuộc cuốn từ điển Nga-Việt. Từ nào, trang nào, dòng bao nhiêu, các thí dụ… anh đều tường tận. Anh học không mục đích. Chỉ thỏa lòng say mê. Thỏa khát vọng đọc tiếng Nga nguyên bản. Năng khiếu học tiếng Nga của Anh Ngọc đã chinh phục được các giảng viên tiếng Nga ở khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngay từ năm thứ nhất, các thày đã cho phép Anh Ngọc được miễn môn tiếng Nga!

Những năm sau này, Anh Ngọc tặng tôi hai tập tiểu thuyết “Những kẻ tủi nhục” của Dostoievsky.  Tôi kinh ngạc. Bản tiếng Nga anh kiếm ở đâu? Sau này tìm hiểu. Hóa ra,  Anh Ngọc có người anh là Nguyễn Đức Tâm, học địa chất ở Liên Xô. Anh Tâm thường gửi về cho Anh Ngọc những cuốn sách Nga như tuyển tập của các nhà thơ như Iu. Lermontov, E. Evtusenko, các tiểu thuyết Nga… Dạo đó, ở Nga cũng như các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, thanh thiếu niên thường có phong trào viết thư kết bạn. Anh Ngọc cũng được giới thiệu với mấy cô gái Liên Xô. Với vốn tiếng Nga của mình, anh viết thư. Thậm chí làm thơ theo vần điệu Nga. Và Anh Ngọc bắt đầu dịch những trang sách nhỏ.

Trời không phụ lòng người. Năm 1983, lần đầu tiên, Anh Ngọc được cùng các dịch giả Phan Hồng Giang, Bằng Việt bay đến Liên Xô. Những cuộc giao lưu văn học, gặp gỡ những nhà thơ cùng phong cảnh, con người Xô-viết đã thúc đẩy Anh Ngọc chuẩn bị nhiều dự án. Sau khi về nước, anh bắt tay vào dịch tiểu thuyết “Những kẻ tủi nhục” của nhà văn F. Dostoievsky. Để bạn đọc yêu và hiểu tác giả và tác phẩm hơn, Anh Ngọc còn tận tình viết lời giới thiệu: “Sau bốn năm lưu đày, Dos tiếp tục bị sung vào quân dịch làm lính trơn, rồi sau đó bị cấm cả tự do cư trú lẫn sáng tác. Trong suốt cuộc đời của mình, Dos luôn luôn bị cuộc sống thúc bách, nợ nần như chúa chổm, phải viết văn như “một thứ ngựa trạm” để kiếm sống và trả nợ, sức khỏe kém sút, chứng động kinh luôn luôn hành hạ... Đó là hình ảnh xám xịt phủ lên toàn bộ cuộc đời nhà văn mà bạn đọc sẽ bắt gặp đó đây qua những nhân vật trí thức nghèo trong các tác phẩm của Dos, chẳng hạn Raskolnikov trong “Tội ác và hình phạt”, và nhất là nhân vật Ivan Petrovich của cuốn sách này.

Chính vì phải sống một cuộc đời lam lũ ở giữa đám “thập loại chúng sinh” như vậy, cộng với một trái tim nhân hậu và một trí tuệ sâu sắc bẩm sinh, Dos đã trở thành lương tâm của những người “hạ đẳng”, nhà văn của những kẻ bị áp bức và sỉ nhục. Qua nhân vật Ivan Petrovich trong cuốn sách này, một nhân vật có rất nhiều nét gần gũi với đời riêng tác giả, ta thấy một nhân cách làm người, một phẩm chất nhà văn rất cao thượng: luôn luôn đồng cảm, yêu thương, xả thân vì những đồng loại bất hạnh đến mức quên mình... Người ta kể rằng, trong đám tang của ông, những người đi đưa tang đã tự đeo những cái gông cổ, những cái còng tay, những dây xích tượng trưng... để nói lên phẩm chất của người quá cố là nhà văn của những người bị xích xiềng và chà đạp”.

Cuốn sách này được nhiều nhà xuất bản ấn hành nhiều lần. Nhiều sinh viên đã chọn tác phẩm này làm luận văn cử nhân và thạc sĩ văn chương. Nhưng trong lời giới thiệu của họ, tôi chỉ thấy các nhà nghiên cứu văn học trẻ thường cảm ơn những người hướng dẫn và phản biện. Hầu như không thấy ai cảm ơn dịch giả.

    Ngày 30 tháng Tư năm 1975, trong niềm vui đất nước thống nhất, Anh Ngọc còn có niềm vui khác. Được gặp nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Là một trong những người lính đầu tiên vào Sài Gòn, giữa bao tâm trạng, Anh Ngọc đã chia sẻ với Trịnh Công Sơn: “Anh có thêm một nửa công chúng”. Trong bối cảnh cuộc chiến dài lâu của dân tộc, hầu hết các văn nghệ sĩ đều viết giống nhau. Giống nhau về tư tưởng, nội dung, hình thức… Bởi tất cả đều làm chung một nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp chung. Nhưng bỗng xuất hiện Trịnh Công Sơn, như một “con chim đến từ núi lạ” (Xuân Diệu). Người nhạc sĩ thiên tài cũng hát lên những bài ca tương tự, nhưng bằng giọng khác. Chính sự khác biệt này khiến mọi người yêu mến và khám phá chất nhạc của Trịnh Công Sơn đến vô cùng.

Hãy nghe Anh Ngọc tâm sự cùng Trịnh Công Sơn: “Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, tôi trò chuyện với anh. Trong một thế giới chỉ có tôi và anh, ở đấy tôi và anh đều trong suốt, nói đúng hơn, hồn tôi và hồn anh đều trong suốt, có thể đi qua nhau như ánh sáng đi qua pha lê. Càng đọc được hồn anh, tôi càng hiểu hồn tôi, và ngược lại… Nhưng nói gì thì nói, tôi chỉ biết một điều, là mỗi lúc buồn bã hay cô đơn, chán chường hay tuyệt vọng, tôi đều đến với anh để tìm sự chia sẻ. Thứ thuốc giảm đau công hiệu, người khách quen thường nhật của hồn tôi, người chờ tôi ở cuối nỗi đau là một người gày gò, mảnh khảnh. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, không hiểu người lấy đâu sức lực để gánh suốt đời cái gánh nặng tâm hồn đồ sộ quá cỡ của chính mình. Tâm hồn và tài năng, hai gánh nặng đã đè trĩu đôi vai bé nhỏ của con người yếu ớt ấy như một định mệnh không chịu buông tha... Sức mạnh của anh Sơn trước hết nằm trong chính sự thành thực đến thơ ngây ấy…”. Khi  đến được tận cùng tình yêu, ta sẽ gặp hạnh phúc. An nhiên ở cõi Niết bàn.

  Trở lại với thơ ca. Có một ông Sơn nữa mà Anh Ngọc cũng rất yêu. Đó là thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, tác giả tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” (1972). Mùa xuân năm 1975, trên đường hành quân, qua Phan Thiết, Anh Ngọc đã ghé thăm thi sĩ. Tháng Mười năm 1995, ở Mũi Né có nhật thực toàn phần. Mọi người đổ xô về đây để chứng kiến hiện tượng thiên nhiên kỳ thú. Anh Ngọc cũng hăm hở lên đường. Nhưng trong tâm hồn anh, còn có một cuộc gặp khác. Một cuộc gặp đã diễn ra từ ngàn ngày trước. Nhưng vẫn muốn gặp. Như tình nhân. Những tình nhân cũ. Anh Ngọc còn lưu lá thư nhỏ của thi sĩ: “Nguyễn Bắc Sơn - đường Chu Văn An - Phan Thiết. Anh Ngọc thân mến, nhớ bạn quá chừng mà không có tiền ra Hà Nội. Bà xã tôi nhắc bạn hoài. Tặng bạn bài thơ “Trở lại trần gian”:

Một sớm phiêu bồng qua bên sông

Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng

Phật cũng khổ như người khốn khổ

Cúi đầu quay lại bên này sông”.

Năm 2012, khi Nguyên Bắc Sơn bước vào tuổi bảy mươi, Anh Ngọc gửi bạn bài thơ vui  “Dắt nhau đến trước ông Trời”:

Hai thằng trai trẻ ngày xưa

Tranh nhau ta thắng địch thua một thời

Giáo gươm một trận tơi bời

Rồi ra ai biết ai người thắng thua

Bây giờ hai lão già nua

Bạc đầu ngoảnh lại trò đùa mà thôi

Ta già, địch cũng già rồi

Dắt nhau đến trước ông Trời phân bua

Trời cười đã biết hay chưa

Thắng thua thì cũng đều thua ông Trời

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy Anh Ngọc đi bộ trên đường Phan Đình Phùng, một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội. Anh cũng như một cái cây. Một cái cây bên ngoài có vẻ bình dị, nhưng bên trong vô cùng dẻo dai, cứng cáp. Như dáng anh đi, ngỡ rất thong dong. Nhưng bên trong tràn đầy sức sống nội tâm. Sức sống ấy làm nên sự kiên trì. Để đi đến cái đích mình cần. Tôi chẳng bao giờ nghĩ anh đã mang quân hàm đại tá. Bởi ở anh, sự dịu dàng, trìu mến luôn tỏa sáng. 

Đoàn Tuấn

.
.