Tình Đặng Tiến

Chủ Nhật, 15/05/2016, 19:08
Tan buổi gặp mặt cộng tác viên cuối năm tại trụ sở có cây đa tuyệt đẹp của Báo Nhân dân ở 71 Hàng Trống, thấy Đặng Tiến khệ nệ những túi to túi nhỏ. Hỏi anh tay cầm tay nắm gì lắm thế, Đặng Tiến cười xòa: Mứt tết Vi Thùy Linh nhờ đem về Hải Phòng cho người quen.

Bực mình "cà khịa" cô nhà thơ danh tiếng kia cứ là hay "tiện thể", định xúi "kệ đi, thư thả chân tay mà thong dong Hà Nội", nhưng rồi lại nghĩ, thế mới ra Đặng Tiến, hồn hậu vậy, nhiệt tình vậy, xởi lởi bạn bè và cả nể đến... đa mang, chẳng giúp được người có khi anh còn mất vui hơn trước lúc vì thế mà thành ra ngược xuôi bận rộn...

1. Thành phố Hoa phượng đỏ tháng 6 năm 2013, triển lãm mỹ thuật Hồng Bàng - Hải Phòng trưng bày tại vườn hoa nhà kèn quy tụ đủ các anh hào của hội họa và điêu khắc đương đại. Cả những người xuất thân Hải Phòng và không chỉ Hải Phòng đều tụ về, góp tác phẩm, góp mặt góp tên, khơi dậy cảm hứng nghệ thuật, làm bừng lên không gian sáng tạo, để ngay chính công chúng đất Cảng cũng sực nhớ ra ừ nhỉ, dù gì xứ này xưa nay cũng là chốn của tao nhân mặc khách, trước sau vẫn là nơi tới lui của thi ca hội họa toàn hàng ngũ tinh hoa. 

Hết 2013 rồi đến Gặp gỡ Hà Nội - Hải Phòng 2014, cũng quy mô bề thế không kém, nhất là Phố và sông Tam Bạc 2015, giới mỹ thuật nước nhà thực sự ngả mũ, Hải Phòng chịu chơi lại biết chơi, toàn chơi theo cách của nhà giàu đã có tiền còn có "gu", thêm cả có tình và cực kỳ tinh tế. Đặng Tiến ở vị thế Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, "đầu trò" tất cả các hoạt động danh giá ấy. 

Những hội nghề nghiệp trong liên hiệp hội văn học nghệ thuật địa phương, vốn được mặc định là ít tiền buồn tẻ, là chầm chậm mỏi mệt quanh năm túng thiếu kể cả sự kiện, sinh khí như chính tâm thế của (không ít) văn nghệ sỹ, bỗng chốc được lùa vào một sức sống hoàn toàn mới, một cách thức sinh hoạt mỹ thuật nhộn nhịp, tất bật chính nhờ ở Đặng Tiến cùng anh em cộng sự. 

Uy tín cá nhân được bảo chứng bởi sự tử tế lẫn tài năng giúp Đặng Tiến ngược xuôi xoay trở như một đầu lĩnh uy quyền tháo vát, thu hút nhóm người này, kết dính nhóm nghệ sĩ kia, cũng cốt để Hải Phòng có thêm đồng minh, thêm những người đến rồi lắng nghe, thấu hiểu và cuối cùng đều thành bạn. 

Những Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vỹ, Đinh Ý Nhi, Phạm An Hải... liên tục xuất hiện ở Hải Phòng khi được mời, cũng vì mến cái tình, cảm kích tấm lòng, sự chân thành của Đặng Tiến. Hải Phòng trở lại trên bản đồ mỹ thuật Việt Nam, thành một thế lực của vùng Đông Bắc, là cái cớ tụ họp, tìm về của những tên tuổi từ Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận. 

Triển lãm với đơn đặt hàng duy nhất đề tài sông Tam Bạc đã góp phần đánh thức cơn ngái ngủ của "người đẹp" đang dần bị lãng quên, dòng sông trườn mình trong lòng thành phố tỉnh giấc, không còn lẩn khuất nơi thẳm sâu kí ức của các họa sỹ, mà quyến rũ tươi tỉnh bởi sự háo hức tò mò của khách du lịch và cả những trìu mến của cư dân sở tại. 

Các cuộc triển lãm hầu hết đều thực hiện theo phương cách xã hội hóa, dùng chính nghệ thuật làm sức hút với các "Mạnh Thường Quân", cũng tại khí chất người Hải Phòng vốn bao đồng hào sảng, Đặng Tiến thuận lợi hơn khi có những doanh nhân bạn bè hào hiệp biết vì nể cái đẹp sẵn sàng sẻ chia ủng hộ hết mình, những nhân vật mà "giang hồ trong giới" dẫu chưa biết mặt biết người thì cũng quen tên biết tiếng...

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, là một người Hải Phòng nguyên nghĩa, tài hoa và hào hiệp, chu đáo và chân thành, Đặng Tiến còn chất chứa những nồng hậu và sâu lắng của đất Quảng Nam quê cha. 

Cha mất sớm, trải qua một thời ấu thơ khó khăn thiếu thốn, tự ràng buộc cho mình trách nhiệm với mẹ, với gia đình lớn, nên dường như Đặng Tiến cũng hình thành bản tính hiền hòa nhẫn nhịn, vốn thường là hiếm hoi ở những tài hoa nghệ sĩ. Có tài lại ít chịu dụng tài, anh nhiều năm ròng tự phung phí chính mình mà chẳng hay, cả thập niên chôn chân trong trọng trách Thư kí tòa soạn Báo Hải Phòng, để những sự vụ bàn giấy của một tờ nhật báo chính trị xã hội cuốn đi, hút theo, mài mòn hoa tay lẫn cảm xúc... 

Rồi tới khi niềm đam mê được chính người cha vun xới từ thời bé con dội về, lay thức, thúc giục, Đặng Tiến chần chừ, uể oải bỏ nghề báo, dứt khoát chuyển sang hội mỹ thuật chuyên tâm cho vẽ, cho những hoạt động nghiệp vụ vì mình và đồng nghiệp. Mỹ thuật Hải Phòng, không gian nghệ thuật tạo hình Hải Phòng và chính anh từ ngày ấy đã được hưởng lợi nhờ sự lựa chọn lẽ ra phải sớm hơn nữa của Đặng Tiến họa sĩ...

Chiều đông Cát Hải - tranh sơn dầu.

2. Trên Facebook cá nhân của mình, Đặng Tiến thi thoảng lại post ảnh chụp những sáng tác mới, những bức sơn dầu đẹp và trầm buồn. Dường như tranh của anh, dù tĩnh vật hay phong cảnh, hay chân dung, đều man mác một nỗi u hoài nội tâm thăm thẳm..., một cảm giác về những câu hỏi dùng dằng đáp án, những dự định mãi bảng lảng mơ hồ vì còn nhiều day dứt khó nhắc thành tên. 

Sinh năm 1963, cùng tuổi với Lê Quảng Hà, Vi Kiến Thành, kém năm kém tháng chẳng đáng là bao nhưng lại khác nhiều về vận số so với tuổi 1962 của những anh em bạn bè trong giới mỹ thuật, Đặng Tiến có sự thiệt thòi của một họa sỹ không chịu lập danh ở Hà Nội, không chịu mở mang thị trường và PR tiếp thị cho chính mình. 

Đông bạn bè nhiều quan hệ, dù những quan hệ ấy Đặng Tiến chỉ tận dụng cho việc chung, cho diện mạo và sự trỗi dậy của mỹ thuật Hải Phòng. Về Hội, thời gian thư thả hơn, anh chịu vẽ hơn, như chính anh thừa nhận: "Mới vẽ trở lại", tranh Đặng Tiến mỗi ngày một kỹ và đằm, một thêm dầy những ẩn ức buồn đến trong veo thanh vắng. 

Nhanh và nhạy, xúc tích và tinh tế, mới đi Hà Giang, chụp được bức ảnh mơn man nắng của ngôi nhà cổ trên phố núi trong veo, Đặng Tiến đã kịp hiện hình không gian ấy trên giấy, một trang Báo Nhân dân cũ, lưu lại vùng ký ức hoàn toàn có nguy cơ mất đi bằng chính những gam màu trầm mặc, chứa chan tình yêu với cuộc đời khôn nguôi chuyển động... 

Gần đây nữa, bức sơn dầu khổ lớn (150cm x 300cm) Phong cảnh ở Tràng Kênh là hiện hình của sự chăm chút tận tụy, một cách lao lực thực sự với họa sỹ trong thế giới riêng của mình và thành quả là sự trầm trồ của bạn bè, đồng nghiệp. 

Buổi sớm Tam Bạc - tranh sơn dầu.

Đặng Tiến bảo nhìn thấy khung cảnh rừng ngập mặn vào hồi rụng lá, anh đã cầm lòng không đặng, bố cục, cách xử lý đã ăm ắp trong đầu, chỉ còn dành thời gian đắp bồi trên toan. Không học mỹ thuật bài bản, nhưng Đặng Tiến có cảm quan thẩm mỹ tinh tế, kỹ thuật sành sỏi, điều dễ trở nên vụng về ở những người thiếu sự trui rèn trường lớp khi đụng đến những bức sơn dầu khổ rộng. 

Tự bạch, thích vẻ man mác của cây cối mùa lá rụng, nên hay vẽ cây, những hàng cây dù ken dày bên nhau vẫn khôn nguôi nỗi đơn côi bàng bạc, Đặng Tiến có cả loạt tranh phong cảnh đẫm nhân tình thế thái, có thể bởi anh hợp với "mệnh mộc", như cách diễn giải của nhà báo "người đẹp" Võ Hồng Thu, một cây viết truyện ngắn từng xởi lởi: Cộng tác với Báo Hải Phòng, nhiều lần anh Nghĩa (Tổng Biên tập) khoe truyện của em được hẳn anh Đặng Tiến minh họa đấy nhé. Đặng Tiến vẽ cho các báo cũng để vui, để ủng hộ bạn bè và để lưu một chữ tình với phần đời chưa xa là mấy.

Đặng Tiến hình như hợp với xu thế sống chậm đang được lựa chọn bây giờ, hoặc tạng của anh vậy ngay tự bản năng sâu kín. Kiểu vẫn tận tay chăm mẹ già ốm nằm một chỗ lâu ngày, hay ân cần lịch lãm với bạn bè thì đến bạn bè đôi khi còn phải ái ngại, sẽ là một cơ may khi được thành bạn bè với Đặng Tiến chính vì sự yên tâm, an tâm, một cảm giác mà đời thường không hẳn là dễ kiếm. 

Xem tranh Đặng Tiến đã thấy bình yên, dẫu thanh vắng buồn, nỗi buồn đương nhiên như một lẽ phải có giữa đời thường. Là họa sỹ, nhưng Đặng Tiến luôn giữ được sự chừng mực, giữ được sự thư thái ấm êm cho cá nhân và cả gia đình, cũng là một giá trị đang dần hiếm hoi và luôn cần giữ gìn, bảo vệ giữa những chộn rộn xô bồ đang diễn ra mỗi khắc giờ. 

Trầm tĩnh và hiền hòa, lặng thinh và nhường nhịn, văn là người, và nếu tranh cũng là người, thì hội họa Đặng Tiến y như con người anh, luôn cần, luôn bền vững, luôn phải song hành giữa cuộc đời, để neo giữ những điều tử tế dù không hẳn là ở một cõi nào, không len lỏi những giá như thầm kín, Đặng Tiến (của hội họa) quyết liệt hơn, máu lửa hơn và bốc đồng hơn thế này.

Ngô Hương Sen
.
.
.