Phạm Duy Nghĩa, người độc thân Nhà số 4

Chủ Nhật, 21/03/2021, 13:25
Tôi biết Phạm Duy Nghĩa trước khi về đầu quân cho Nhà số 4. Có lẽ xuất thân nhà giáo nên anh rất cẩn trọng và giữ ý. Lần đầu tôi gặp anh ở “Văn nghệ Quân đội” nhân một sự kiện, anh bảo tặng tôi quyển sách nhưng chờ một lát. Tôi đứng đợi trong phòng khách nhìn ra hai cây đại già, vài phút Phạm Duy Nghĩa đi xuống với cái ba lô cầm trên tay. Từ trong ba lô, anh rút ra tập truyện ngắn của mình và đưa cho tôi. Thoáng thấy tôi hơi ngỡ ngàng, anh bảo, tặng sách mình thường ngại, ai cần thực mới tặng thôi và không muốn có người trông thấy.

Cái chi tiết nhỏ nhưng ấn tượng ấy cứ lưu mãi trong tôi về một nhà văn trầm lặng. Tôi biết Phạm Duy Nghĩa từng công tác ở Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai nhiều năm. Anh giảng dạy môn Văn rồi làm ở Phòng Đào tạo của trường, học tiến sĩ và đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn  Báo Văn nghệ năm 2003 - 2004 với truyện ngắn “Cơn mưa hoa mận trắng”. Một quãng lâu lâu sau anh mới về làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Có lẽ Phạm Duy Nghĩa là người chia sẻ với tôi nhiều nhất những quan điểm của anh về thời thế, văn chương, vì chúng tôi cùng xuất thân nhà giáo và gần gũi về một số thứ. Những ngày mới về Nhà số 4, tôi với anh thường đi ăn cùng nhau ở quán “Cây bàng” bên đường Phùng Hưng nhỏ. Người chủ quán có hai cô con gái đều rất xinh và trẻ. Quán bình dân, không quá đông khách và có hai cô chủ nhỏ nhí nhảnh nên anh hay rủ tôi ra chỗ ấy. Cũng dễ hiểu là Phạm Duy Nghĩa chưa lấy vợ và thẩm mĩ của anh là luôn hướng về những thiếu nữ trẻ trung, tất nhiên phải đẹp nữa.

Những ai đã từng đọc truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa thì thấy anh duy mĩ lắm, anh để ý đến cái đẹp ở từng chi tiết rất nhỏ, những khoảnh khắc rất mơ hồ. Từ “Cô gái xuống ga Vĩnh Yên” đến “Cẩm tú cầu ứng mệnh” hoặc “Trên đảo” dù tác phẩm có những cảnh táo bạo, gay cấn nhưng tinh thần duy mĩ vẫn là trên hết. Kể cả những pha tình ái trong truyện ngắn của anh cũng đầy dịu ngọt, nó nhấn nhá mời gọi và bao giờ cũng kết thúc trong một khoảng lưng chừng. Anh để cho người đọc đủ luyến tiếc, man mác vì một khoảnh khắc lãng mạn da diết vừa trôi qua. Anh tuyệt nhiên không bao giờ để cho những mối tình đi đến điểm Z hoặc có những cú dứt điểm táo bạo. Tôi bảo anh, có lẽ chính vì sự lưỡng nan, mơ hồ về tình ái trong tác phẩm của mình mà giờ này Phạm Duy Nghĩa vẫn phòng không, vẫn thảng thốt khi nhìn thấy một cô gái đẹp qua đường và ngắm những bức ảnh người mẫu không biết chán.

Nhưng Phạm Duy Nghĩa cũng từng yêu nhiều và nhiều người yêu anh lắm. Tôi đã từng gặp những cô gái rụt rè đứng ở cổng Nhà số 4 tìm anh. Một hôm, thấy một cô bé rụt rè ôm bó hoa hồng đứng ngoài cổng, tôi bèn hỏi, “Em đến gặp Phạm Duy Nghĩa hả”. Cô gái bẽn lẽn gật đầu. “Theo anh, anh dẫn lên”, tôi ra lệnh. Cô gái e thẹn nhưng ngoan ngoãn đi theo. Tôi vừa dẫn cô gái vào nhà vừa lẩm bẩm, cái ông Nghĩa này thật tệ, sao lại để cho con gái nhà người ta đứng ở ngoài cổng như thế. Lên cầu thang tầng hai ngôi biệt thự cổ, quặt tay trái, phòng cuối cùng là nơi ông nhà văn độc thân đang ngự trị. Tôi gõ cửa phòng rồi bảo anh, em gái mưa của ông đây, nhớ tiếp đón cho tử tế, rồi khép cánh cửa…

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa.

Nhưng vài lần như thế cũng chả ăn thua. Bạn bè thân thiết với Phạm Duy Nghĩa hầu như ai cũng mối lái cho anh ít nhất một lần nhưng rồi đều không thấy gì cả. Nhiệt tình nhất là tiến sĩ Phùng Gia Thế ở Đại học Sư phạm 2, Xuân Hoà. Mỗi lần dạy cho một khoá sinh viên mới, Phùng Gia Thế đều viết chữ “Phạm Duy Nghĩa” to đùng trên bảng, ghi cả số điện thoại và kèm theo những lời có cánh về người bạn đồng môn của mình. Trường Sư phạm vốn nhiều sinh viên nữ và yêu văn học mà! Nhưng Phạm Duy Nghĩa vẫn tiếp tục phòng không, vẫn lặng lẽ một mình ở căn phòng nơi cơ quan và hiếm khi lắm anh mới về căn hộ riêng của mình ở gần cầu Thăng Long.

Tôi đã đến căn hộ đó của anh, đường vào ngoắt ngoéo khó đi, một căn hộ nhỏ nhưng đủ tiện nghi, tưởng rằng anh chàng sẽ dắt ngay một nàng thơ đến đó để tối tối tâm sự và làm thơ nhưng mà không. Căn hộ ấy rồi Phạm Duy Nghĩa để cho người thân ở còn mình lại tiếp tục “cố thủ” ở cơ quan.

 Nhưng Phạm Duy Nghĩa không phải người duy nhất ở Nhà số 4 thuộc diện “cao số”. Trước đó có nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa bốn mươi hai tuổi mới lấy vợ. Thiếu tướng nhà văn Nguyễn Chí Trung, người từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi Trợ lý Tổng bí thư là người độc thân suốt đời. Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã ở căn phòng trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội rất nhiều năm, cả khi đã nghỉ hưu, lúc yếu quá, ông mới phải nằm bệnh viện thay cho căn phòng cơ quan. Và một sự ngẫu nhiên, nhà văn Nguyễn Chí Trung là một trong những người nhiệt huyết nhất, quyết “bứng” Phạm Duy Nghĩa từ Lào Cai đưa về Hà Nội.

Tôi đã từng đến thăm nhà Phạm Duy Nghĩa ở Lào Cai. Nhà anh cũng ở số 4, phố Lê Lai, trên một con đường dốc thoai thoải. Trước nhà có một cây xoài và cảnh phố xá giản dị, lặng lẽ đúng kiểu một đô thị miền núi. Cả hai bố mẹ Phạm Duy Nghĩa đều là nhà giáo và khi vào nhà anh, tôi thấy một quyển “Kinh dịch” đã cũ nhàu để trên bàn. Phạm Duy Nghĩa cho tôi biết, ông cụ thân sinh của anh chuyên nghiên cứu Kinh dịch và rất tinh thông văn hoá cổ.

Trầm lặng và ít nói nhưng ở các cuộc vui thì Phạm Duy Nghĩa lại rất bốc. Tôi ngạc nhiên khi thấy một anh giáo có vẻ rất “đoan trang” mà đôi lúc bỗng nhiên lại ưa hoa cà hoa cải, thích mặc áo đỏ chói cờ, thích diện quần bò xanh thụng, chơi giày hầm hố. Phạm Duy Nghĩa pha trò thì rất vui. Anh hóm hỉnh, thông minh, không giận khi bị trêu ghẹo, nếu bị ai đó hiểu  nhầm thì cũng không thù oán. Nhưng nết đi xe máy của Phạm Duy Nghĩa thì không thể mê được. Anh đúng là một tay liều! Khi phiêu, anh sẵn sàng lạng lách, đánh võng và nguy hiểm nhất là khi thấy một cô gái đẹp trên đường thì sẵn sàng quay đầu xe, đi lù rù để ngắm cái đẹp cho thoả thích! 

Cứ tưởng hành động như thế thì ai cũng nghĩ Phạm Duy Nghĩa là tay bạo gái lắm vì từ Bắc chí Nam, nữ văn nhân nào cũng đều biết anh. Nhưng Phạm Duy Nghĩa lại giống như một ông thần chỉ ưa hương gió, thích ngắm nghía, hít hà hoa thơm hoa đẹp chứ ít hoặc không bao giờ đụng vào. Anh đã yêu bao người và đã bao người yêu anh thì căn phòng riêng vẫn một mình, vẫn lặng lẽ thở dài. Người gầy nhỏ nhưng có dạo anh rước ở đâu về một con xe Suzuki phân khối lớn đen sì, dựng kềnh càng ở một góc cơ quan. Được dăm bữa nửa tháng, chiếc xe lại mất tăm. Anh bảo, mình mang về quê rồi, ở Hà Nội đông người, đi đường bóp côn mỏi tay lắm!

Những năm gần đây Phạm Duy Nghĩa đã chuyển đề tài sáng tác và anh ưa thích kiểu viết mới. Trước đây anh thích vẻ đẹp lãng mạn thì giờ anh ưa kiểu luận đề thế sự. Truyện ngắn “Sài thục” của anh có thể coi là một cú bẻ quặt tiêu biểu. Phạm Duy Nghĩa không còn hồn nhiên và “ngây thơ” như thuở viết “Cơn mưa hoa mận trắng” nữa. Tất nhiên tôi biết ngày xưa anh cũng chẳng ngây thơ vì thời sinh viên anh đã từng sống như một lãng tử cao bồi, từng viết những bài thơ nổi loạn rất quái dị, từng bỏ học, đánh nhau nhiều lần và nổi tiếng với biệt danh một thời vang bóng “Duy Nghĩa Quái Nhân”. 

Những truyện mới của anh bây giờ thường ngầm ẩn những triết lý và suy tư về thời thế. Anh thường gửi cho tôi đọc bản thảo trước và có những truyện tôi phải ngạc nhiên vì sự táo bạo, dấn thân của anh. Anh bảo viết như thế mới đúng là con người và suy nghĩ của mình bây giờ.

Cùng với mối quan tâm về  thời cuộc, gần chục năm trở lại đây Phạm Duy Nghĩa tập trung vào nghiên cứu thế giới tâm linh. Anh đọc nhiều tài liệu về lĩnh vực này và đã từng tham dự nhiều cuộc áp vong, gọi hồn, thậm chí một mình lặn lội lên tận xứ Mường để tìm hiểu về hiện tượng đầu thai, chuyển kiếp. Anh tin vào sự tồn tại của thế giới ấy. Thì ra những người âm thấp thoáng trong các truyện của Phạm Duy Nghĩa không phải chỉ được dệt nên từ trí tưởng tượng nhà văn, mà còn khai sinh từ những trải nghiệm thực tế. Phạm Duy Nghĩa cho biết, chuyện hồn ma ở lớp học thiền trong truyện “Chiếc áo second-hand” của anh là chuyện có thật mà bản thân từng chứng kiến. Tôi nghĩ, sự dấn thân của anh vào một lĩnh vực huyền bí còn nhiều tranh cãi, phải chăng đã được khởi nguồn từ những trắc trở đời tư của một người cô độc khi đã chạm đến tuổi ngũ tuần?

Ở Nhà số 4 cánh nhà văn chúng tôi thường hay trêu đùa Phạm Duy Nghĩa. Khi không có mặt anh, chúng tôi thường lấy chuyện tình hoặc 101 kiểu gàn dở của anh ra làm “mồi nhậu”. Những chuyện li kì về anh thì kể mãi không chán, ngay cả kể trước mặt anh, anh cũng tỉnh bơ. Anh hiền và mát tính, là người biết đùa, nhưng đôi khi xung quanh con người anh phát sinh những giai thoại khủng khiếp.

Gần đây, Phạm Duy Nghĩa được một cô gái nhan sắc rất mặn nồng săn đón. Vì mê anh, cô gái đã điều tra để biết thông tin về “thần tượng” của mình và một ngày kia có người rỉ tai cô chuyện động trời: “Phạm Duy Nghĩa đã có vợ làm giáo viên ở Yên Bái và có con trai đang học năm thứ hai đại học. Nhưng y đã bỏ mặc vợ con suốt nhiều năm, không hề đoái hoài”. Cô gái đã khóc suốt ba ngày và hỏi những người bạn thân của anh để kiểm chứng thông tin. “Vậy mà anh bảo với em rằng anh phòng không tuyệt đối, chưa từng với ai,” cô gái nói trong thổn thức.

Phạm Duy Nghĩa đã tâm sự lại chuyện này với tôi một cách rất đau khổ. Có lẽ do anh cứ khơi khơi, đùa đùa như thế khiến nhiều người tưởng là thật và không ngại cho thêm ít mắm muối cho mặn mà! Nhưng mà như thế cũng chẳng sao, tôi biết anh “mang tiếng” về thích phụ nữ đẹp nhưng thực ra anh chẳng có gì và không bao giờ oán trách. Có khi chính những khát khao và dồn nén ấy lại khiến anh viết ra những trang văn hay, nặng trĩu hơn.

Tôi có cảm giác Phạm Duy Nghĩa cứ cố thủ trong Nhà số 4 lâu quá mà cái bóng anh in trên tường như sờ chạm vào được. Tôi không tin có một “lời nguyền” nào đó về nơi này, về tình duyên trăm năm của các nhà văn. Và nếu như lời nguyền đó có thực thì ai có thể “giải nguyền” giúp cho Phạm Duy Nghĩa? 

Uông Triều
.
.
.